Kể chuyện hai mươi năm sau em về thăm lại mái trường mà hiện nay em đang học. Hãy tưởng tượng có những gì thay đổi có thể xảy ra
ĐỀ KIỂM TRA HỌC KỲ 1
NĂM HỌC 2016 – 2017
MÔN NGỮ VĂN – LỚP 6
Thời gian : 90 phút (Không kể thời gian giao đề)
I. PHẦN TRẮC NGHIỆM (3.0 điểm – 12 câu, mỗi câu đúng 0.25 điểm)
Hãy khoanh tròn câu đúng nhất.
Đọc kĩ đoạn văn và trả lời bằng cách khoanh tròn câu đúng nhất
“Chú bé vùng dậy, vươn vai một cái bỗng biến thành một tráng sĩ mình cao hơn trượng, oai phong lẫm liệt. Tráng sĩ bước lên vỗ vào mông ngựa. Ngựa hí dài mấy tiếng vang dội. Tráng sĩ mặc áo giáp, cầm roi nhảy lên mình ngựa. Ngựa phun lửa, tráng sĩ thúc ngựa phi thẳng đến nơi có giặc, lao vào thiên binh vạn mã toát lên bá khí cường liệt dị thường, giặc chết như rạ. Bỗng roi sắt gãy. Tráng sĩ bèn nhổ những cụm tre cạnh đường quật vào giặc. Giặc tan vỡ. Ðám tàn quân giẫm đạp nhau chạy trốn, tráng sĩ đuổi đến chân núi Sóc (Sóc Sơn). rồi lên đỉnh núi Sóc Sơn cưỡi ngựa bay về trời.”
1: Đoạn văn trên được trích từ văn bản nào?
A. Thánh Gióng.
B.Sơn Tinh, Thủy Tinh.
C.Thạch Sanh.
D.Em bé thông minh.
2. Trong câu: “ Tráng sĩ bước lên vỗ vào mông ngựa” có bao nhiêu tiếng?
A. 5 tiếng
B.6 tiếng
C.7 tiếng
D.8 tiếng
3: Đoạn văn trên viết theo phương thức biểu đạt chính nào?
A. Miêu tả.
B.Tự sự.
C.Biểu cảm.
D.Nghị luận.
4: Các từ sau đây, từ nào là danh từ riêng?
A. Ngựa.
B.Trời.
C.Sóc Sơn.
D.Tráng sĩ.
5: Đoạn văn trên được kể theo ngôi thứ mấy?
A. Ngôi thứ nhất.
B.Ngôi thứ nhất số nhiều.
B.Ngôi thứ hai.
D.Ngôi thứ ba.
6: Đoạn văn trên kể theo thứ tự nào?
A. Theo thứ tự thời gian.(trước – sau).
B.Kết quả trước, nguyên nhân sau.
C.Không theo thứ tự.
D.Theo vị trí dưới núi trước, trên núi sau.
7: Trong các từ sau đây, từ nào là từ mượn?
A. Tráng sĩ .
B.Chú bé.
C.Ngựa.
D.Trời.
8: Nghĩa của từ “tráng sĩ”, được giải thích theo cách nào dưới đây?
Advertisements (Quảng cáo)
( Tráng sĩ: Người có sức lực cường tráng, chí khí mạnh mẽ,hay làm việc lớn.)
A. Miêu tả sự vật, hành động mà từ biểu thị.
B.Trình bày khái niệm mà từ biểu thị.
C.Đưa ra từ đồng nghĩa với từ cần được giải thích
D.Đưa ra từ trái nghĩa với từ cần được giải thích.
9: Trong các từ sau, từ nào viết đúng?
A. thánh Gióng.
B.Thánh gióng.
C.Thánh Gióng.
D.thánh gióng.
10: Hãy xác định cụm động từ trong câu: “ Ngựa hí dài mấy tiếng vang dội”.
A. Ngựa hí.
B.Hí dài.
C.Hí dài mấy tiếng.
D.Hí dài mấy tiếng vang dội.
11: Trong câu: “Tráng sĩ mặc áo giáp, cầm roi, nhảy lên mình ngựa.” Từ loại nào được dùng nhiều hơn?
A. Danh từ.
B.Chỉ từ.
C.Động từ.
D.Tính từ.
12: Gạch dưới từ sai và chữa lại cho đúng: “ Ngày mai chúng em sẽ đi thăm quan Viện bảo tàng của tỉnh” .
Từ chữa lại là:…………………………….
II. PHẦN TỰ LUẬN (7 ĐIỂM)
Hãy chọn một trong hai đề sau:
Đề 1: Kể về người thân của em (ông bà, cha mẹ, anh chị…).
Đề 2: Kể chuyện hai mươi năm sau em về thăm lại mái trường mà hiện nay em đang học. Hãy tưởng tượng có những gì thay đổi có thể xảy ra.
ĐÁP ÁN VÀ BIỂU ĐIỂM
Advertisements (Quảng cáo)
I. PHẦN TRẮC NGHIỆM
Câu | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 |
Đáp án | A | D | B | C | D | A | A | B | C | D | A |
12: Từ sai: thăm quan; chữa lại: tham quan
II. Phần tự luận
Yêu cầu về kỹ nâăng:
– Bài viết trình bày có bố cục đầy đủ các phần: MB: – TB: – KB:.
– Trình bày ý mạch lạc, viết ít sai chính tả, ngữ pháp.
Yêu cầu về nội dung: Học sinh tập trung và làm nổi bật các ý sau:
Đề 1:
MB
– Giới thiệu chung về người thân (bố, mẹ, ông, bà…).
TB:
– Kể về hình dáng, tính nết của người thân…
– Sở thích của người thân…
– Tình yêu của người thân dành cho em (thể hiện qua việc làm).
KB:
– Tình cảm, ý nghĩ của em với người thân…
Đề 2:
MB: 20 năm sau là lúc em bao nhiêu tuổi (còn đi học hay đi làm). Em trở lại trường nhân dịp nào?
TB: Mái trường sau 20 năm có những thay đổi gì?
– Cây cối, vườn hoa, các dãy phòng học, căn tin, sân trường…
– Các thầy cô có gì thay đổi? Có còn nhận ra em không? Em sẽ nói gì với thầy cô giá cũ?
– Còn các bạn của em lúc này như thế nào? Một vài kỉ niệm cũ với bạn bè, thầy cô…
KB: Khi chia tay với trường em có suy nghĩ gì? Tâm trạng của em sau khi thăm lại trường…
Đề 1. Kể về người thân của em (ông bà, cha mẹ, anh chị…)
Bài làm tham khảo
Trong gia đình, người tôi yêu mến và kính trọng nhất là bà nội tôi.
Năm nay, đã ngoài bảy mươi tuổi nhưng bà còn rất khoẻ. Da bà nhăn nheo, ngăm đen. Tôi vẫn đùa, đấy là chứng tích của thời gian. Khác với những người bà cùng tuổi, bà tôi có mái tóc đen, dài, lúc nào cũng được búi gọn sau gáy. Vầng trán cao, đôi mắt to đã có phần mờ đục. Đặc biệt nụ cười với hàm răng nhuộm đen làm bà thêm phúc hậu. Đôi bàn tay xương xương với những vết chai sần vì làm lụng vất vả. Bà ăn mặc rất giản dị, nhiều khi chỉ là những bộ đồ nâu đã cũ. Mỗi khi mẹ tôi biếu tiền để mua quần áo, bà thường lắc đầu và bảo: “Mẹ già rồi, không cần nhiều quần áo, con để tiền đó lo cho bọn trẻ”.
Bà nội tôi rất thích chăm sóc cây xanh. Sáng sáng, bà thường tự tay tưới tắm và bắt sâu cho cây. Một lần, cái Anh, em họ tôi hỏi bà: “Bà ơi, tại sao bà quý những cái cây này thế. Có khi nào bà yêu chúng hơn bọn cháu không?”. Bà nhìn chúng tôi, bảo: “Sao thế được, tất nhiên là bà phải yêu các cháu bà hơn rồi. Những cái cây này chỉ là thú vui của bà thôi. Đây là những cái cây ông để lại khi mất. Bà thay ông chăm sóc chúng”.
Bà rất yêu chúng tôi. Hồi tôi còn bé, bà đã thay mẹ, chăm bằm tôi từng li từng tí. Hằng đêm, bà đưa tôi vào giấc ngủ qua những khúc hát ru. Mỏi lần tôi ốm, bà xuống chăm nom tôi để mẹ đi làm. Bà ngồi bên giường, dỗ dành, đút cho tôi từng thìa cháo nhỏ. Suốt những năm tuổi thơ, tôi đã lớn lên trong vòng tay yêu thương của bà. Sau này, khi không còn ở bên tôi thường xuyên nữa nhưng cứ mỗi lần xuống nhà tôi chơi, bà lại mang rất nhiều quà quê lên cho tôi và hàng xóm láng giềng. Ai cũng yêu quý và kính nể bà.
Bà rất nhân hậu. Có lần, nhìn thấy một em bé ăn xin từ xa, bà vội bước lại cho bé tiền và bảo bé đi mua gì ăn cho đỡ đói. Đợi em đi khỏi, bà nói với tôi: “Cháu đã nhìn thấy em đó chưa? Bà đoán chắc em bé đó chỉ tầm tuổi cháu thôi, thế mà đã phải ra đường ăn xin. Thật tội nghiệp. Nếu từ nay về sau, cháu gặp ai cơ nhỡ, khó khán, cháu nhớ giúp người ta. Họ cũng là người như chúng ta, chẳng qua cuộc sống của họ không được may mắn, cháu không bao giờ được kì thị, chế giễu người ta”.
Vì rất yêu quý bà nên tôi rất thích được về quê. Tôi chỉ mong luôn được gặp bà, được nghe những câu chuyện cổ tích của bà, được nằm trong lòng bà, thiu thiu ngủ qua tiếng ru à ơi của bà.
Tối rất yêu bà, Tôi mong sẽ không bao giờ phải xa bà.
Đề 2. Kể chuyện hai mươi năm sau em về thăm lại mái trường mà hiện nay em đang học. Hãy tưởng tượng có những gì thay đổi có thể xảy ra
Bài làm
Thời gian trôi thật nhanh thấm thoắt đã mười năm kể từ ngày em rời xa mái trường “Trung học cơ sở Tân Khánh” để bước vào một môi trường học tập mới và theo đuổi ước mơ của mình. Hôm nay nhân kỉ niệm năm mươi năm thành lập trường, em quay trở lại mái trường xưa với bao cảm xúc trào dâng.
Sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, em thi vào một trường chuyên cấp ba trên tỉnh, khá xa nhà và ít khi có dịp về nhà và càng không có cơ hội quay lại thăm mái trường xưa nơi đã em đã gắn bó suốt bốn năm học cấp hai của mình. Học xong cấp ba, em thi và đỗ vào một trường đại học ở Hà Nội. Nhờ sự kiên trì, chịu khó và sự ham học hỏi của mình em nhận được một suất học bổng du học nước ngoài trong vòng bốn năm, bốn năm sinh hoạt và học tập ở nước ngoài, nỗi nhớ quê hương da diết luôn thường trực trong tâm trí em. Hoàn thành khóa học bốn năm, em tiếp tục nghiên cứu và hoàn thành xuất sắc bảo vệ luận án thạc sĩ của mình. Và giờ đây em trở về quê hương, trở thành giảng viên một trường đại học danh tiếng ở Việt Nam như đúng ước mơ của mình.
Hôm nay em mới có cơ hội trở lại thăm ngôi trường trung học cơ sở Tân Khánh nhân kỉ niệm năm mươi năm thành lập trường. Ngôi trường giờ đã khác xưa rất nhiều, ấn tượng đầu tiên của em đó là dòng chữ “Trường trung học cơ sở Tân Khánh” được đúc bằng đồng, thay cho dòng chữ đó mười năm trước được in màu trắng chìm trong tấm biển bằng sắt, nằm trang trọng trong tấm biển hiệu nhà trường, bên trên là rất nhiều lá cờ nhỏ bay phấp phới trong gió. Mười năm trước và giờ đây, đã có một sự thay đổi lớn lao tại nơi đây. Lúc em học, ngôi trường chỉ có một dãy nhà ba tầng duy nhất dành cho học sinh, một dãy nhà hai tầng dành cho ban giám hiệu hiệu nhà trường, và rất nhiều những dãy nhà cấp bốn khác.
Nhưng giờ đã có một dãy nhà năm tầng mới mọc lên nằm bên cạnh dãy nhà ba tầng, những lớp học nhà cấp bốn tuy vẫn còn nhưng chỉ còn rất ít. Các dãy nhà cũ đều đã được sửa sang khang trang và quét sơn trông rất đẹp. Cơ sở vật chất trong các lớp học cũng được hiện đại hơn rất nhiều, ngày trước cả trường chỉ có từ một đến hai chiếc máy chiếc phục vụ những buổi thi giáo viên dạy giỏi cấp trường, hoặc những lớp có tiết học có giáo viên dự giờ hay thao giảng thì mới được lên phòng máy chiếu nhưng nay tất cả các lớp đều có máy chiếu và mọi bài giảng của giáo viên đều được trình chiếu trên máy chiếu để những tiết học thêm sinh động, tránh gây sự nhàm chán. Mọi thứ thay đổi chỉ có hàng cây xà cừ và phượng vĩ vẫn còn đó, nhưng đã to hơn rất nhiều.
Em gặp lại rất nhiều bạn cũ cũng về tham dự buổi lễ quan trọng này, mặc dù đã mười năm nhưng vẫn còn nhớ nhau lắm. Em gặp lại bạn Nga – một cô gái yêu thích nghệ thuật, vẽ tranh thì giờ đã là một nhà thiết kế thời trang, bạn Nam với ước mơ thi đỗ vào trường “Học viện cảnh sát nhân dân”, giờ đây bạn đã thực hiện được ước mơ của mình và hoạt động trong ngành công an, còn nhiều bạn nữa nói chung bạn nào cũng có nghề nghiệp ổn định và thành công với ước mơ của mình. Em gặp lại các thầy cô, thầy Duy hiệu trưởng nhà trường, giờ đây cũng đã nghỉ hưu và hôm nay cũng có mặt với sự kiện to lớn của trường. Em gặp lại cô giáo chủ nhiệm hồi lớp Chín, cô vẫn nhận ra chúng em. Cả cô cả trò đều rất vui, cô hỏi chúng em về tình hình học tập và rất mừng khi thấy học trò của mình ai cũng thành đạt, sau đó cô và trò cùng nhau ôn lại những kỉ niêm cũ. Hết buổi kỉ niệm cô mời chúng em vào nhà chơi, nhưng chúng em xin phép vì còn bận một số công việc và hứa với cô sẽ vào thăm cô vào một dịp khác.
Trở về trường cũ với bao sự đổi khác, chỉ có tình thầy trò là vẫn như xưa. Em thực sự xúc động và tự hứa sẽ không bao giờ quên những kỉ niệm nơi đây, nơi có những thầy cô luôn hết mình, tận tụy với sự nghiệp trồng người.