Trang Chủ Lớp 8 Đề thi học kì 1 lớp 8

Đề học kì 1 môn Văn lớp 8 của Phòng GD&ĐT Cam Lộ, Quảng Trị năm 2016

Đề kiểm tra học kì 1 môn Ngữ văn lớp 8 năm học 2016 Phòng GD&ĐT Cam Lộ, Quảng Trị: Giới thiệu về ngày tết ở quê hương em.

PHÒNG GD&ĐT CAM LỘ

ĐỀ KIỂM TRA HỌC KÌ I
Môn: Ngữ văn – lớp 8
Năm học: 2015 – 2016
Thời gian 90 phút (không kể thời gian giao đề)

PHẦN I: VĂN – TIẾNG VIỆT (4 điểm)

1: (2 điểm)

– Thế nào là câu ghép?

– Xác định câu ghép trong đoạn trích sau và cho biết mối quan hệ ý nghĩa giữa chúng?

… “Mặt lão đột nhiên co rúm lại. Những vết nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra. Cái đầu lão ngoẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão mếu như con nít. Lão hu hu khóc…”. (Trích “Lão Hạc” của Nam Cao).

2: (2 điểm)

Qua hai nhân vật chị Dậu (trích: “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố) và Lão Hạc (trích: “Lão Hạc” của Nam Cao). Em hãy viết một đoạn văn ngắn (5 – 7 dòng) nêu suy nghĩ về số phận và tính cách của người nông dân Việt Nam lúc bấy giờ.

PHẦN II: TẬP LÀM VĂN (6 điểm)

Giới thiệu về ngày tết ở quê hương em.


Đáp án và hướng dẫn làm bài

Advertisements (Quảng cáo)

PHẦN I: VĂN – TIẾNG VIỆT (4 điểm)

1: (2 điểm)

  • Nêu đúng khái niệm câu ghép. (1 điểm)
  • Câu ghép trong đoạn trích là: “Cái đầu lão ngoẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão mếu như con nít”. (0,5 điểm)
  • Mối quan hệ ý nghĩa: quan hệ đồng thời. (0,5 điểm)

2: (2 điểm)

– Về hình thức: Học sinh viết đúng yêu cầu đoạn văn (0,5 điểm)

– Về nội dung: Đoạn văn nêu được các ý chính sau:

Bối cảnh xã hội: thực dân nửa phong kiến. (0,5 điểm)

Advertisements (Quảng cáo)

Số phận nhân vật: nghèo túng, khó khăn, vất vả. (0,5 điểm)

Sống ân tình, thủy chung, đạo đức, giữ gìn nhân phẩm, sức sống mãnh liệt… thể hiện truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam ta. (0,5 điểm)

PHẦN II: TẬP LÀM VĂN: (6 điểm)

Có lẽ những ngày giáp Tết đối với rất nhiều đứa trẻ xóm chợ là những ngày mà chúng tìm thấy niềm vui và sự thích thú. Nhưng những ngày Tết lại là điều mà chúng mong đợi hơn bao giờ hết. Ngày Tết quê em, ngày Tết ở một khu chợ thực sự ý nghĩa và là điều đáng nhớ để bắt đầu một năm mới.

Mùa xuân đến, Tết đã gõ của mọi nhà, niềm vui nhân đôi, hạnh phúc bội phần. Trẻ con chờ mong ngày Tết còn nhiều hơn là người lớn. Người lớn bảo Tết vui vẻ nhưng có nhiều điều phải lo toan hơn, sắm sửa nhiều thứ hơn và tốn nhiều tiền hơn. Nhưng trẻ con không quan tâm điều đó, vì Tết là dip để chúng em có thêm nhiều quần áo mới, được nhận lì xì, quà bánh ăn không hết và không phải học bài. Có lẽ đó là điều đứa trẻ nào cũng thích thú.

Em không biết ngày Tết ở những nơi khác như thế nào nhưng ngày Tết ở quê em luôn tràn đầy tiếng cười và lời chúc phúc cho nhau một năm mới an lành, phát tài phát lộc.

Trên những con đường nhỏ còn bốc mùi sỏi đá, đám cỏ phủ kín lối đã được thôn xóm cắt tỉa rất sạch sẽ. Vì ở xóm em cứ chiều 30 Tết mọi nhà lại rủ nhau đi quét dọn đường làng ngõ xóm để chuẩn bị đón Tết. Ai cũng háo hức và chăm chỉ, không ai tị nạnh ai, mọi người làm việc hăng say, nhiệt tình. Đám con nít tíu ta tíu tít không ngớ, cứ đòi giành phần ba mẹ để làm, nhưng làm được một lúc là chán, là bỏ đó đi chơi. Những lá cờ Tổ quốc được treo cao trên mái ngói đỏ tươi, bay phấp phới giữa bầu trời tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi.

Có lẽ mùa xuân khiến cho không khí của mọi nhà trở nên ấm áp và an lành. Mặc dù thời tiết vẫn còn lạnh, sương đầu ngày còn lảng bảng bám kím trên cành cây nhưng nụ cười của mọi người luôn ở trên môi.

Ngày Tết, trẻ con háo hức, lựa chọn quần áo đẹp và mới nhất để mặc, để đi chơi, để chúc thọ ông bà. Đứa trẻ nào cũng kiếm cái áo có túi thật to và rộng để đựng bánh kẹo và tiền lì xì. Đó cũng là điều mà em mong đợi trong suốt những ngày Tết.

Những ngày 30, mồng 1, nhà nào cũng phảng phất khói hương nghi ngút, mùi bánh chưng thơm lừng. Năm nào cũng vậy, mẹ em cứ đến hai ngày đó lại làm thật nhiều món ăn ngon để cúng ông bà, tổ tiên. Mẹ bảo rằng ngày Tết ông bà sẽ về nhà, sẽ cùng ăn bữa cơm với con cháu và hơn hết để sum họp. Mẹ dặn ngày Tết phải ngoan thì người lớn mới lì xì nên trẻ con ngày Tết không có ai quấy rối, nghịch ngợm hết.

Ngày Tết, những chiếc xe ô tô to đùng chở những cành đào từ miền núi về đây. Bà con xóm làng ai cũng nhanh tay chọn cho mình một cành đào có nhiều nụ, màu hồng tươi thắm đặt giữa sân. Vì đào báo hiệu Tết đến xuân về, có đào mới có hương vị Tết.

Đêm giao thừa có lẽ là đêm mà người người nhà nhà xóm chợ quê em chờ đợi nhất. Tiếng pháo hoa nổ vang trời, tiếng reo hò ầm ĩ và lời chúc nhau bình an. Em còn nhớ đêm giao thừa ý nghĩa nhất vào năm ngoái, mấy chị em tranh nhau đi hái lộc ở cây sung đầu làng. Đám trẻ con vặt trụi lá của cây sung ấy, đến sáng hôm sau mới thấy cây đã tả tơi. Vui ơi là vui!

Sáng mùng 1 Tết, mẹ thường bảo mấy chị em ở nhà, không được đến nhà ai, vì ở quê em có tục lệ như vậy. Hôm đó ai cũng dậy thật sớm, dù không phải làm gì hết. Nhưng vì đây là ngày đầu tiên của một năm mới, ai cũng háo hức và hi vọng những điều tốt đẹp sẽ đến.

Những mâm cơm ngày Tết rất đông vui và ý nghĩa, mọi người vui vẻ và đầm ấm bên nhau, kể cho nhau nghe dự định cho năm mới, còn trẻ con thì chỉ lo người lớn quên lì xì.

Tết ở quê em kéo dài đến tận mùng 10, vì mọi người bảo hết bánh kẹo mới hết Tết. Nhà nào cũng gói bánh chưng rất nhiều nên ăn không hết.

Tết ở quê em thực sự là những ngày ý nghĩa và vui vẻ nhất trong năm. Em mong sao Tết năm nào quê em cũng tràn đầy ấm áp, tiếng cười như thế.

Advertisements (Quảng cáo)