Trang Chủ Lớp 7 Đề thi học kì 2 lớp 7

Đề thi môn Văn lớp 7 học kì 2 có đáp án năm 2015 – 2016 Phòng GD&ĐT Cam Lộ

Dưới đây là đề thi học học kì 2 môn Văn lớp 7 của Phòng GD & ĐT Cam Lộ – Quảng Trị năm 2016 Sau khi học văn bản Ca Huế trên sông Hương, em có nhận xét gì về giá trị nội dung của văn bản?

PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO CAM LỘ

ĐỀ THI HỌC KÌ 2

MÔN: VĂN 7

Thời gian làm bài 90 phút

PHẦN I: VĂN – TIẾNG VIỆT (4 điểm )

1: (2 điểm)

Câu tục ngữ Ăn quả nhớ kẻ trồng cây được rút gọn thành phần nào? Mục đích của việc rút gọn câu trên là gì?

2: ( 2 điểm)

Sau khi học văn bản Ca Huế trên sông Hương, em có nhận xét gì về giá trị nội dung của văn bản? 

PHẦN II: TẬP LÀM VĂN (6 điểm)

1: (2 điểm)

Cho tình huống sau: Ở địa phương em có một di tích lịch sử có liên quan đến nội dung bài học sắp tới. Cả lớp em muốn đến tham quan.

Em hãy thay mặt lớp viết một văn bản đề nghị với thầy cô giáo chủ nhiệm nguyện vọng trên.  (Học sinh lưu ý không ghi họ tên thật )

2: ( 4 điểm)

Advertisements (Quảng cáo)

Viết bài văn ngắn giải thích câu tục ngữ:

Một cây làm chẳng nên non

Ba cây chụm lại nên hòn núi cao


Đáp án đề thi học kì 2 môn Văn 7

PHẦN I: VĂN – TIẾNG VIỆT (4 điểm )

1: (2 điểm)

– Câu tục ngữ được rút gọn thành phần chủ ngữ    (1 điểm)

– Mục đích: Ngụ ý hành động, đặc điểm nói trong câu là của chung mọi người.   (1điểm)

Advertisements (Quảng cáo)

2: (2 điểm)

Học sinh nêu được các ý sau:

– Cố đô Huế không chỉ nổi tiếng với các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử mà cón nổi tiếng với các làn điệu dân ca và âm nhạc cung đình.   (1 điểm)

– Ca Huế là một hình thức sinh hoạt văn hóa – âm nhạc thanh lịch và tao nhã; một sản phẩm tinh thần đáng trân trọng, cần được bảo tồn và phát triển.            (1điểm)  

PHẦN II: TẬP LÀM VĂN (6 điểm)

1: (2điểm)

Học sinh biết viết văn bản đề nghị:

– Trình bày được các yêu cầu sau về nội dung: Ai đề nghị? Đề nghị ai? Đề nghị điều gì?           (1điểm)  

– Đáp ứng được các yêu cầu  về hình thức của văn bản đề nghị (Cách trình bày, các mục trong văn bản, diễn đạt, chữ viết…) (1điểm)  

2 (4 điểm)

* Yêu cầu cụ thể:

a. MB:: (0,5 điểm)

Giới thiệu câu tục ngữ và chủ đề cần giải thích.

b. TB:: (3 điểm)

– Giải thích được nghĩa đen, nghĩa bóng của câu tục ngữ:        (1điểm)  

– Nêu được ý nghĩa câu câu tục ngữ                                         (1điểm)  

– Có những dẫn chứng tiêu biểu dể chứng minh làm rõ vấn đề   (1điểm)

c. KB:: (0,5 điểm)

Khẳng định lại lời khuyên về tinh tần đoàn kết là sức mạnh của ông cha ta.

Bài làm mẫu: 

Từ ngàn xưa, con người đã nhận thức được rằng để có thể tồn tại và phát triển cần phải đoàn kết. Có đoàn kết mới vượt qua được những trở lực ghê gớm của thiên nhiên, xã hội… Chính vì thế, ông cha ta đã khuyên con cháu phải đoàn kết bằng câu ca dao giàu hình ảnh:
Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.
Đoàn kết tạo ra sức mạnh, giúp ta làm nên những công việc lớn lao. Thực tế cuộc sống chiến đấu và lao động của dân tộc ta từ xưa đến nay đã chứng minh hùng hồn điều đó.
Đất nước Việt Nam có được như ngày hôm nay là do đâu? Non sông Việt Nam ta đẹp đẽ như ngày hôm nay là nhờ đâu ? Phải chăng chính là nhờ tinh thần đoàn kết tương trợ, thương yêu đùm bọc lẫn nhau của nhân dân ta từ Nam chí Bắc, mấy chục triệu người chung một lòng, chung một chí hướng đánh giặc. Trải qua mấy chục thế kỉ, đất nước ta nhiều lần bị các triều đại phong kiến phương Bắc như Tống, Nguyên, Minh, Thanh… xâm lược. Chúng muốn cướp đất nước ta, bắt nhân dân ta làm nô lệ. Chúng ỷ quân đông, thế mạnh, mưu đồ thống trị lâu dài nhưng dân tộc ta đã đoàn kết vùng dậy đấu tranh, làm nên chiến thắng. Đế quốc Nguyên – Mông nức tiếng hùng mạnh, đi đến đâu cỏ không mọc được đến đấy, đã từng thu phục bao nhiêu chư hầu, nhưng ba lần xâm lược nước ta là ba lần đại bại. Quân dân nhà Trần đoàn kết nhất trí, đồng tâm giết giặc. Từ các vị bô lão trong hội nghị Diên Hồng đến thiếu niên Trần Quốc Toản, từ lão tướng Trần Hưng Đạo đến chàng trai đan sọt làng Phù ủng… Tất cả đều đồng lòng Sát Thát và đã làm nên chiến thắng oanh liệt muôn đời.

Đến thế kỉ XX, dân tộc Việt Nam tuy đất không rộng, người không đông nhưng đã đánh bại hai đế quốc to là Pháp và Mĩ. Nếu chỉ tính sức mạnh quốc gia bằng sự giàu có, bằng trình độ kĩ thuật hiện đại, bằng vũ khí tối tân, bằng số lượng binh lính… thì Việt Nam ta đã tiến hành một cuộc chiến tranh không cân sức. Nhưng nhân dân ta đã đoàn kết thành một khối bền vững, cùng nhau chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc. Hơn nữa, dân tộc ta đã đoàn kết với các dân tộc yêu lẽ phải trên khắp năm châu, trong đó có nhân dân tiên bộ Pháp và Mĩ… Vì thế, chúng ta đủ sức mạnh để làm nên chiến thắng vĩ đại.

 Trong cuộc sống lao động, đoàn kết cũng giúp ta có sức mạnh phi thường. Nhìn con đê bên bờ sông Hồng làm nhiệm vụ ngăn lũ lụt cho cả vùng châu thổ Bắc Bộ, bảo vệ vựa lúa nuôi sống bao người, ta càng thấy rõ sức mạnh của tinh thần đoàn kết. Công trình thủy điện sông Đà đưa ánh sáng đến cho mọi nhà không thể náo hoàn thành được nếu thiếu bàn tay, khối óc của hàng vạn kĩ sư, công nhân Việt Nam và chuyên gia các nước bạn. Những giàn khoan trên biển Đông đưa dầu khí lên làm giàu cho đất nước cũng là công trình của sức mạnh đoàn kết. Chúng ta có thể kể thêm rất nhiều ví dụ khác nữa để chứng minh.
Câu ca dao giản dị nhưng chứa đựng bài học sâu sắc về sự đoàn kết. Đoàn kết là cội nguồn của sức mạnh, là yếu tố hết sức quan trọng trong cuộc đấu tranh sinh tồn và phát triển của con người. Bác Hồ đã từng căn dặn chúng ta: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công.
Nối tiếp truyền thông đoàn kết của cha ông, chúng em đã xây dựng tinh thần đoàn kết trong tổ, trong lớp, trong trường. Tình đoàn kết sẽ tăng thêm sức mạnh cho chúng em, giúp chúng em đạt được những kết quả tốt đẹp trong học tập và rèn luyện.

Advertisements (Quảng cáo)