Trang Chủ Lớp 6 Đề thi học kì 2 lớp 6

Đề và đáp án đề thi Văn học kì 2 lớp 6 Nam Định năm học 2015 – 2016

Dưới đây là Đề thi học kì 2 môn Văn lớp 6 năm 2016 của trường THCS Lộc Hạ – Nam Định: Em hãy viết bài văn tả người thân yêu và gần gũi nhất với mình.

PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO NAM ĐỊNH

TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ SỞ LỘC HẠ

ĐỀ KIỂM TRA HỌC KÌ 2

MÔN: VĂN – LỚP 6

Năm học 2015 – 2016

Thời gian làm bài 90 phút

1: (2điểm)

a) Đọc kỹ câu thơ sau và trả lời câu hỏi bên dưới:

“Trẻ em như búp trên cành

Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan “

           ( Hồ Chí Minh )

      Chỉ ra phép so sánh trong câu thơ trên.

– Phép so sánh đó thuộc kiểu nào ?

b) Xác định chủ ngữ, vị ngữ trong những câu sau :

Advertisements (Quảng cáo)

– Chẳng bao lâu, tôi đã trở thành một chàng Dế thanh niên cường tráng .

– Bà đỡ  Trần là người huyện Đông Triều .

2: (3điểm)

Cho đoạn thơ :

” Đêm nay Bác ngồi đó
Đêm nay Bác không ngủ
Vì một lẽ thường tình
Bác là Hồ Chí Minh.”

a) Đoạn thơ trên thuộc bài thơ nào? Ai là tác giả?

b) Trình bày cảm nhận của em về đoạn thơ đó .

3: ( 5 điểm)

Em hãy viết bài văn tả người thân yêu và gần gũi nhất với mình.

Advertisements (Quảng cáo)


ĐÁP ÁN MÔN NGỮ VĂN 6 HỌC KÌ II  –NĂM HỌC 2015-2016

1: (2đ )

a  Chỉ ra phép so sánh trong câu thơ trên: Trẻ em như búp trên cành(0.5đ)

– Phép so sánh đó thuộc kiểu so sánh ngang bằng (0.5đ)

b) Xác định chủ ngữ, vị ngữ trong những câu sau :

– Chẳng bao lâu, tôi (CN) đã trở thành một chàng Dế thanh niên cường tráng . (VN) (0.5đ)

Bà đỡ  Trần  là người huyện Đông Triều . (0.5đ)

CN                         VN

2: (3đ)

a) – Đoạn thơ trên thuộc bài thơ ” Đêm nay Bác không ngủ” (0.5đ)

– Tác giả : Minh Huệ         (0.5đ)

b) Trình bày cảm nhận của em về đoạn thơ đó .

* Trình bày cảm nhận về đoạn thơ cần đảm bảo các ý sau:

Nghệ thuật: cụm từ ”đêm nay” được điệp lại hai lần ở đầu mỗi câu thơ thành điệp cấu trúc câu, lời thơ mộc mạc bình dị   5 điểm    

Nội dung :

Đoạn thơ khẳng định một chân lí  giản dị  mà lớn lao: Bác không ngủ vì một lí do bình thường, dễ hiểu: Bác là Hồ Chí Minh. Nói đến Bác là nói đến tình thương và trách nhiệm rộng lớn, cao cả. Yêu nước, thương dân là đạo đức thuộc bản chất của Bác Hồ.(0.75 điểm)

Đêm không ngủ được miêu tả trong bài thơ chỉ là một trong vô vàn những đêm không ngủ của Bác. Không ngủ vì lo việc nước và thương bộ đội, dân công là lẽ thường tình, vì Bác là Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ của dân tộc và người cha thân yêu của quân đội ta. Cuộc đời Người đã dành trọn vẹn cho nhân dân, Tổ quốc. Đó chính là lẽ sống nâng niu tất cả chỉ quên mình của Bác mà mọi người dân đều thấu hiểu và kính phục.(0.75 điểm)

3 ( 5 điểm)

1) MB:: (0.5đ)
Giới thiệu người thân yêu, gần gũi nhất với em (có thể giới thiệu trực tiếp hoặc gián tiếp, hoặc bắt đầu bằng một câu ca dao, một lời hát về cha mẹ. )
II. TB:: (4đ)
1) Tả ngoại hình: (2đ)
– Dáng người : Cao, thấp hay tầm thước

– Tuổi tác
– Cách ăn mặc như thế nào? (giản dị, lịch sự, cầu kỳ, …) thường mặc những bộ đồ nào? (khi ở nhà, khi làm việc,…)
– Khuôn mặt : đầy đặn, tròn, hình trái xoan, hình chữ điền, …, (có trang điểm hay không – đối với mẹ)

–  Vầng trán: ( cao, thông minh) kết hợp tả với mái tóc: dài (thướt tha, dài chấm vai, chấm lưng, buộc gọn gàng) hay ngắn (bồng bềnh, gọn gàng, trông rất nam tính )
– Đôi mắt , ánh mắt nhìn người khác như thế nào? (trìu mến, dịu dàng, quan tâm, nhìn thẳng vào người khác…)
– Đôi môi như thế nào? Với nụ cười để lộ hàm răng ra sao? v.v
– Điểm nổi bật nhất về ngoại hình của người thân được tả là gì? (nốt ruồi, chiếc răng khểnh, mái tóc dài, đôi mắt to, vóc dáng to lớn, v.v)
2) Tả hoạt động, tính tình (2đ)
– Người thân được tả ăn nói ra sao? cử chỉ như thế nào?
– Những thói quen khi làm việc? Khi ở nhà?
– Công việc chính là gì? Thời gian làm việc ra sao?
– Lo cho gia đình như thế nào? Lo cho em ra sao?
– Đối xử với mọi người như thế nào ? (hàng xóm, bạn bè, những người thân khác trong gia đình?)
– Điều em thích nhất ở người thân?
– Kỷ niệm đáng nhớ nhất của em đối với người thân được tả?
III. KB:: (0.5đ)
Cảm nghĩ của em về người thân đã tả, nêu những ước mơ, lời hứa bản thân nếu làm kết bài mở rộng.

Bài Văn Mẫu

     Không hiểu sao mỗi khi nhắc đến hình ảnh người phụ nữ Việt Nam, tôi lại nghĩ ngay đến mẹ. Hình ảnh mẹ tôi mỗi sáng đội chiếc nón lá đi chợ đã khắc sâu trong tâm trí tôi tự thuở nào.

Tôi không biết phải bắt đầu tả mẹ từ đâu. Có lẽ là khuôn mặt. Mẹ tôi không xấu nhưng cũng chẳng đẹp, nói chung là không có nét gì nổi bật. Bây giờ mẹ tôi đã già nên khuôn mặt có nếp nhăn. Nhìn hình của mẹ lúc còn trẻ, tôi bỗng giật mình. Mẹ thay đổi nhiều quá! Không phải thời gian đã làm thay đổi mẹ tôi đâu. Mà chính sự cực nhọc đã khiến mẹ gầy mòn. Nhìn vào đôi mắt của mẹ, tôi thấy sự mệt mỏi đằng sau đôi mắt ấy, và cảm nhận rằng mẹ có nhiều nỗi buồn hơn là niềm vui.
Tôi còn nhớ hồi lớp 3 có thi tập đọc. Có 4 đề và tôi bốc trúng đề “Đôi bàn tay của mẹ”. Tôi không nhớ mình được bao nhiêu điểm, chỉ nhớ rằng tôi đã đọc bằng cả tấm lòng. “Em yêu nhất là đôi bàn tay mẹ, những ngón tay gầy gầy xương xương”. Khi tôi cầm tay mẹ, có cảm giác như cầm một khúc gỗ. Tay mẹ thô quá, cứng quá, dường như chỉ có da bọc xương. Và tay mẹ cũng không hề ấm áp chút nào, lúc nào cũng mát rười rượi. Bởi vậy mà tôi rất thích khi mẹ đặt tay lên trán lúc tôi bị nóng sốt. Bàn tay của mẹ lúc nào cũng mạnh mẽ. Bất cứ thứ gì tôi không mở được chỉ cần đưa mẹ là mở được ngay. Những lúc đó mẹ hay cười, chọc tôi sao yếu quá.
Tôi cao 1m60, một chiều cao trung bình nhưng khi đứng với mẹ, tôi vẫn cao hơn mẹ một chút. Thế mà chưa bao giờ tôi thấy mẹ thấp cả. Trong mắt tôi, mẹ lúc nào cũng là người hoàn hảo nhất.
Có một hôm đi học về, thấy mẹ đang nằm ngủ. Tôi lặng lẽ tới gần và ngồi xuống. Tôi cứ nhìn mẹ chăm chú suốt 15 phút cho đến khi mẹ thức dậy và nhìn tôi mỉm cười. Cô giáo tôi từng bảo “Các em thử nhìn gương mặt cha mẹ mình lúc ngủ, sẽ thấy được nỗi nhọc nhằn trên khuôn mặt họ”. Tôi nhìn mẹ nhưng chỉ có một cảm giác duy nhất: đó là sự yên bình.
Khi nhìn đôi chân của mẹ, tôi cảm thấy xót xa vô cùng. Có quá nhiều vết nứt, và vết nứt nào cũng sâu, sâu lắm. Tôi chưa từng thấy ai bị nứt chân sâu như vậy, dù là quảng cáo trên tivi. Bước chân của mẹ cũng thật là nặng nhọc. Vì thế mà đôi dép của mẹ rất mau mòn. Phần gót của đôi dép cao su mòn gần sát đất và dép trái mòn hơn dép phải chứng tỏ khi đi mẹ đặt trọng tâm về phía sau và nghiêng về bên trái. Hễ có người gọi thì lúc nào mẹ cũng hối hả chạy ra, có lúc còn xém bị vấp ngã. Người ta nói những người đi nhanh và bước chân nặng nhọc thì sống không được sung sướng. Có lẽ là vậy nhỉ.
Ngay chỗ xương vai của mẹ có 2 cái hốc thật sâu. Và da của mẹ thì bủng beo, không săn chắc như người khác. Thương mẹ quá.
Mẹ tôi bị viêm xoan. Đó là do ngày xưa mẹ hít bụi than quá nhiều. Bây giờ, căn bệnh này cứ hành mẹ tôi mãi. Mẹ hay bị nhức đầu, còn sổ mũi là chuyện như cơm bữa. Thế nhưng không ngày nào mẹ tôi nghỉ ngơi. Trong khi tôi hễ bệnh một chút là chẳng làm gì cả, chỉ nằm đó để mẹ chăm sóc.
Mẹ dành tình thương cho ai cần nó nhất. Lúc nhỏ, tôi bé nhất nên mẹ quan tâm chăm sóc tôi nhiều nhất. Nhưng giờ lớn rồi, anh chị tôi đều đã đi làm thì mẹ thương chị nhất. Đơn giản vì chị tôi làm việc rất cực khổ nhưng lương lại thấp và mẹ nghĩ rằng cần bù đắp cho chị bằng tình thương của mẹ. Có những việc không cần phải nói ra nhưng ta cũng hiểu, phải không nào?
     Những chuyện về mẹ có kể hoài cũng không hết. Nếu được quay ngược thời gian thì bài tập làm văn “Hãy tả mẹ của em” chắc chắn tôi sẽ viết khác.

Advertisements (Quảng cáo)