Trang Chủ Lớp 5 Đề thi học kì 2 lớp 5

[Đề 5] Đề kiểm tra học kì 2 Tiếng Việt lớp 5: Cô bé An-mi Rô-dơ muốn được tặng quà gì nhân dịp lễ Giáng Sinh?

Đề kiểm tra học kì 2  môn Tiếng Việt lớp 5 – Đề số 5: Em đã nhận được một món quà đặc biệt của người thân. Món quà đó đã làm cho em rất xúc động. Hãy kể lại câu chuyện ấy.

I. ĐỌC HIỂU

AN-MI RÔ-DƠ

       Khi còn đến hai tháng trước lễ Giáng sinh, cô con gái An-mi Rô-dơ 9 tuổi của chúng tôi mới bảo rằng cô bé muốn có một chiếc xe đạp mới. Nhưng gần đến Giáng sinh, dường như cô bé quên bẵng ước muốn đó. Chúng tôi mua cho cô bé bộ búp bê Bảo mẫu – món đồ chơi đang rất thịnh hành, cùng với một căn nhà búp bê. Thế nhưng, trái với suy nghĩ của chúng tôi, trước Giáng sinh hai ngày, An-mi Rô-dơ vẫn bày tỏ rằng cô bé thích chiếc xe đạp hơn bất cứ thứ đồ chơi nào khác trên đời.

       Lúc đó đã quá trễ, với hàng trăm thứ cần phải chuẩn bị cho bữa tiệc Giáng sinh và mua những món quà vào phút cuối, chúng tôi không còn thời gian để chọn mua một chiếc xe đạp đúng như mong muốn cho An-mi Rô-dơ. Thế là, vào 9 giờ tối đêm Giáng sinh, khi An-mi Rô-dơ và em trai Đi-lăn 6 tuổi đã nằm cuộn tròn yên ấm trong chăn, cả hai vợ chồng tôi vẫn còn thao thức vì ước muốn của con gái. Chúng tôi cảm thấy như có lỗi vì đã làm con mình thất vọng.

       – Hay là anh sẽ nặn một chiếc xe đạp bằng đất sét và viết một mảnh giấy nói rằng : Con sẽ có thể đổi chiếc xe bằng đất sét này để lấy một chiếc xe đạp thật sự ? – Chồng tôi đề nghị.

       Có thể đó là một cách hay vì xe đạp là một món hàng khá khó mua và cô bé cũng đã là một “người lớn” không còn mè nheo đòi quà. Thế là chồng tôi đã cặm cụi suốt bốn tiếng đồng hồ để nặn một chiếc xe đạp thu nhỏ.

       Sáng ngày Giáng sinh, chúng tôi thật sự hồi hộp chờ giây phút An-mi Rô-dơ mở gói quà nhỏ hình trái tim có chiếc xe đạp bằng đất sét với hai màu trắng và đỏ bên trong. Cuối cùng thì cũng đến lúc cô bé mở quà và đọc to mảnh giấy mà tôi đã viết.

       – Có thật là con có thể dùng chiếc xe đạp mà bố đã nặn này để đổi lấy chiếc xe thật hả mẹ ?

       – Đúng thế, con yêu ! – Tôi mỉm cười rạng rỡ.

       Nước mắt lấp lánh trên khoé mắt An-mi Rô-dơ khi cô bé trả lời :

       – Con sẽ không bao giờ đổi chiếc xe đạp mà bố đã làm cho con đâu. Con thích giữ chiếc xe này hơn là đổi lấy chiếc xe thật.

       Lúc ấy, chúng tôi cảm thấy hạnh phúc đến nỗi có thể đi cùng trời cuối đất để mua cho con gái bất cứ chiếc xe đạp nào trên đời.

(Mi-xeo Lô-răn)

Khoanh tròn chữ cái trước câu trả lời đúng nhất :

1.Cô bé An-mi Rô-dơ muốn được tặng quà gì nhân dịp lễ Giáng Sinh ?

a. Bộ búp bê Bảo mẫu.

b. Một chiếc xe đạp mới.

c. Một chiếc xe đạp nặn bằng đất sét.

2.Vì sao bố mẹ An-mi Rô-dơ lại tặng cô bé một chiếc xe đạp nặn bằng đất sét ?

a. Vì họ không còn thời gian để mua một chiếc xe đạp thật.

b. Vì họ không đủ tiền để mua một chiếc xe đạp thật.

c. Vì họ nghĩ tặng xe đạp thật sẽ lãng phí.

3.Tại sao cô bé An-mi Rô-dơ lại thích giữ chiếc xe đạp nặn bằng đất sét hơn là đổi lấy một chiếc xe thật ?

a. Vì chiếc xe đạp nặn bằng đất sét đẹp quá.

b. Vì chính tay bố em đã nặn chiếc xe ấy với tất cả tình yêu thương con gái.

c. Vì chiếc xe đạp nặn bằng đất sét thật ra không thể đổi lấy chiếc xe đạp thật được.

4.Câu chuyện muốn nói với em điều gì ?

a. Cần phải tặng đúng món quà mà người được tặng thích nhất.

b. Cần phải hỏi ý kiến trẻ em trước khi mua quà và giữ đúng lời hứa với trẻ em.

c. Món quà tặng quý giá nhất là món quà gửi gắm tràn đầy tình yêu thương của người tặng.

II. LUYỆN TỪ VÀ CÂU

1.Tìm từ ngữ có thể thay thế các từ in đậm trong các câu sau :

a) Đó là món đồ chơi đang rất thịnh hành hồi ấy.

Advertisements (Quảng cáo)

b) Bố An-mi đã cặm cụi suốt bốn tiếng đồng hồ để nặn một chiếc xe đạp cho con.

c) Nước mắt lấp lánh trên khoé mắt An-mi Rô-dơ.

2.Tìm các quan hệ từ có trong đoạn văn sau :

       – Hay là anh sẽ nặn một chiếc xe đạp bằng đất sét và viết một mảnh giấy nói rằng : Con sẽ có thể đổi chiếc xe bằng đất sét này để lấy một chiếc xe đạp thật sự ? – Chồng tôi đề nghị.

       Có thể đó là một cách hay vì xe đạp là một món hàng khá khó mua và cô bé cũng đã là một “người lớn” không còn mè nheo đòi quà. Thế là chồng tôi đã cặm cụi suốt bốn tiếng đồng hồ để nặn một chiếc xe đạp thu nhỏ.

3.Điền tiếp vế câu vào chỗ trống :

a) Vì trước lễ Giáng sinh hai ngày An-mi Rô-dơ vẫn nói rằng em thích chiếc xe đạp hơn bất kì đồ chơi nào khác nên…

b) Vì bố mẹ An-mi không kịp mua chiếc xe đạp thật nên…

4.Điền quan hệ từ thích hợp vào chỗ trống :

a) …đó không phải là chiếc xe đạp thật… An-mi Rô-dơ rất thích… đó chính là món quà bố đã làm tặng em với tất cả tình yêu thương.

b) … chiếc xe đạp bằng đất sét không phải do bố nặn tặng… An-mi đã không cảm động như vậy khi nhận nó.

III. CẢM THỤ VĂN HỌC

Câu chuyện có rất nhiều tình tiết cảm động :

– Cả bố mẹ đều thao thức và cảm thấy có lỗi vì chưa thực hiện được mong ước của con gái.

– Người cha cặm cụi suốt bốn tiếng đồng hồ để nặn cho con một chiếc xe đạp bằng đất sét.

– Người con trào nưốc mắt khi nhận được món quà chính cha đã làm để tặng mình.

Em thích tình tiết nào nhất ? Vì sao ?

IV. TẬP LÀM VĂN

Đề bài. Chọn một trong hai đề sau :

a) Em đã từng tự làm một món quà đặc biệt để tặng người thân. Món quà ấy làm người nhận rất ngạc nhiên và xúc động. Hãy kể lại câu chuyện ấy.

b) Em đã nhận được một món quà đặc biệt của người thân. Món quà đó đã làm cho em rất xúc động. Hãy kể lại câu chuyện ấy.

Advertisements (Quảng cáo)


I. ĐỌC HIỂU

Câu 1: Con đọc đoạn 1 của câu chuyên.

Câu 2: Con đọc đoạn 1 và 2 để biết lí do.

Câu 3: Bố mẹ An-mi Rô-dơ đã nặn chiếc xe đạp bằng đất sét đó vất vả như thế nào? Con chú ý cả lời nói cuối cùng của An-mi Rô-dơ khi nói với bố mẹ?

Câ 4: Con suy nghĩ gì từ chuyện bố mẹ An-mi Rô-dơ nhọc công tặng món quà cho cô con gái và cách mà cô bé trân trọng món quà mà bố mẹ đã tặng mình?

Câu 1 – b

Câu 2 – a

Câu 3 – b

Câu 4 – c

II. LUYỆN TỪ VÀ CÂU

1.

– Thịnh hành: ở trạng thái đang được rất nhiều người biết đến và ưa chuộng.

– Cặm cụi: chăm chú và mải miết làm một việc gì đó.

– Lấp lánh: có ánh sáng phản chiếu không liên tục nhưng đều đặn và sinh động.

a) được ưa chuộng, phổ biến.

b) miệt mài.

c) long lanh, trào ra.

2.

Con đọc thật kĩ đoạn văn để tìm các quan hệ từ có trong câu. Một số quan hệ từ thường được sử dụng đó là: thì, như, và, để, vì, nhưng,….

Các từ quan hệ có trong đoạn văn là: hay là, và, rằng, để, vì, và (thế là), để.

3.

Con đọc lại câu chuyện để nắm được nội dung và hoàn thành câu

a) Vì trước lễ Giáng sinh hai ngày An-mi Rô-dơ vẫn nói rằng em thích chiếc xe đạp hơn bất kì đồ chơi nào khác nên bố mẹ em rất lo lắng.

b) Vì bố mẹ An-mi không kịp mua chiếc xe đạp thật nên họ đã làm tặng em một chiếc xe đạp bằng đất sét.

4.

Con nhớ lại một số cặp quan hệ từ đã gặp và điền quan hệ từ thích hợp vào chỗ trống.

a) Tuy đó không phải là chiếc xe đạp thật nhưng An-mi Rô-dơ rất thích  đó chính là món quà bố đã làm tặng em với tất cả tình yêu thương.

b) Nếu chiếc xe đạp bằng đất sét không phải do bố nặn tặng thì An-mi đã không cảm động như vậy khi nhận nó.

III. CẢM THỤ VĂN HỌC

 

 Em có thể chọn tình tiết “Người con trào nước mắt khi nhận món quà chính tay cha đã làm để tặng mình.”

– Tình tiết này cảm động vì đây là giây phút mà người con nhận thức được tình yêu lớn lao của người thân đã dành cho mình.

IV. TẬP LÀM VĂN

Đề bài: 

a) Em đã từng tự làm một món quà đặc biệt để tặng người thân. Món quà ấy làm người nhận rất ngạc nhiên và xúc động. Hãy kể lại câu chuyện ấy.

A. Mở bài: Lý do chuẩn bị món quà đó.

B. Thân bài: Kể lại quá trình em chuẩn bị món quà đó

C. Kết bài: Cảm nghĩa của em sau khi làm xong món quà

      Sắp đến ngày 8 tháng 3 rồi, tôi vẫn chưa chuẩn bị quà gì để tặng mẹ – người đã dành cho tôi biết bao tình thương yêu. Lần này tôi muốn tặng mẹ một món quà thật đặc biệt.

      Nhớ lại hình ảnh lúc mẹ lấy vạt áo lau mồ hôi, một cảm xúc khó tả trào dâng trong tôi. Tôi nghĩ : “Giá mình có chiếc khăn trong tay, mình sẽ lau mồ hôi cho mẹ”. Thế là tôi cặm cụi suốt buổi chiều cắt và thêu một chiếc khăn tay nho nhỏ để tặng mẹ.

      Sáng hôm ấy, tôi cầm gói quà có chiếc nơ màu xanh bên ngoài, bên trong là chiếc khăn tay trắng có thêu hoa màu tím đến tặng mẹ. Tôi thực sự hồi hộp chờ giây phút này. Thế là cũng đến lúc mẹ mở gói quà, nét mặt mẹ rạng rỡ hẳn lên. Mẹ âu yếm ôm tôi vào lòng và nói : “Con gái mẹ ngoan quá ! Con đã lớn thật rồi !” Tôi vô cùng sung sướng. Lúc ấy, tôi cảm thấy mình có thể làm bất cứ điều gì để mẹ vui lòng.

Advertisements (Quảng cáo)