Trang Chủ Lớp 5 Đề thi học kì 2 lớp 5

Đề 9 Đề thi học kì 2 môn Tiếng Việt 5: Vì sao bạn nhỏ cầu xin ông già Nô-en một con búp bê?

Đề số 9 – Đề thi học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 5: Em hãy viết từ 3 – 4 câu tả một trong ba con búp bê mà bé Giang nhận được trong đêm Giáng sinh.

I. ĐỌC HIỂU

BA CON BÚP BÊ ĐẦU TIÊN

       Ngày đó, gia đình tôi còn rất nghèo. Ba làm thợ mộc, mẹ làm ở vườn ươm, nuôi anh trai tôi đi học và tôi – một con bé lên 5 tuổi.

       Anh em tôi không có nhiều đồ chơi : vài mẩu đồ gỗ ba cho để xếp hình, mấy lọn tơ rối làm tóc giả để chơi biểu diễn thời trang mẹ xin ở xưởng. Hôm nào mà ba mẹ không bắt ngủ trưa là tôi phóng vọt sang nhà cái Ngọc hàng xóm chơi ké. Nhà nó rất giàu, có nhiều đồ chơi và đương nhiên, có cả những con búp bê. Lúc nào tôi cũng mong ước có được một con búp bê như thế. Một hôm cha tôi bảo :

       – Hôm nay là ngày Nô-en, trước khi ngủ, con hãy cầu nguyện xin ông già Nô-en cho con một con búp bê. Điều ước sẽ thành sự thật.

       Sáng hôm sau, tôi hét toáng lên sung sướng khi thấy trong chiếc tất tôi treo ở đầu giường ló ra một cái đầu búp bê. Tôi dốc ngược chiếc tất ra, không phải là một đâu nhé, mà có tới ba em búp bê. Một bé trai bằng gỗ, một bé gái bằng vải tóc xoăn bạch kim và một bé gái nhỏ mũm mĩm bằng giấy bìa bồi. Có một mẩu giấy nhỏ rơi ra từ em búp bê trai và anh tôi đã đọc cho tôi nghe những lời như sau :

       “Bé Giang thân mến !

       Dù cháu chỉ xin một con búp bê nhưng vì cháu là một em bé ngoan nên ông đã cho cháu một gia đình búp bê. Hãy luôn ngoan và hiếu thảo cháu nhé !

       Ông già Nô-en”

       Mười lăm năm sau, tôi đã lớn khôn, đã trưởng thành. Anh tôi cho tôi biết sự thật về sự ra đời của những con búp bê.

       Thì ra chẳng có một ông già Nô-en áo đỏ nào tặng quà cho tôi, mà có tới ba… ông già Nô-en mặc áo màu đỏ là ba, mẹ và anh tôi. Tối hôm ấy, ba đã tỉ mẩn gọt đẽo khúc gỗ thành con búp bê trai ; mẹ cần mẫn chắp những mẩu vải vụn thành bé búp bê ; còn anh tôi, loay hoay cả buổi tối để làm xong con búp bê bằng bìa bồi…

       Những ông già Nô-en của con ơi, con thương mọi người nhiều lắm !

(Theo Nguyễn Thị Trà Giang)

Khoanh tròn chữ cái trước câu trả lời đúng :

1.Vì sao bạn nhỏ cầu xin ông già Nô-en một con búp bê ?

a. Vì bạn thấy bạn Ngọc nhà hàng xóm có búp bê.

b. Vì đây là phong tục trong đêm Giáng sinh.

c. Vì gia đình bạn nghèo, không có đồ chơi mà bạn lại rất thích búp bê.

2.Bạn nhỏ đã nhận được gì ?

a. Một con búp bê thật xinh.

b. Một gia đình búp bê.

c. Một chiếc tất chứa đầy đồ chơi đẹp.

3.Ai đã gửi món quà cho bạn ?

a. Bố, mẹ và anh trai.

b. Ông già Nô-en.

c. Những ông già Nô-en.

4.Câu chuyện muốn nói với chúng ta điều gì ?

a. Muốn được quà Nô-en hãy cầu nguyện xin ông già Nô-en.

b. Muốn được quà Nô-en hãy là một người con ngoan hiếu thảo.

c. Thật là hạnh phúc khi được sống trong sự quan tâm, yêu thương của mọi người trong gia đình.

II. LUYỆN TỪ VÀ CÂU

1.Chỉ ra các từ nối trong câu sau và nêu tác dụng của từ nối thứ nhất và từ nối thứ ba :

       Thì ra chẳng có một ông già Nô-en áo đỏ nào tặng quà cho tôi, mà có tới ba… ông già Nô-en mặc áo màu đỏ là ba, mẹ và anh tôi.

2.a) Tìm bộ phận chủ ngữ, bộ phận vị ngữ và trạng ngữ trong câu sau :

            Tối hôm ấy, ba đã tỉ mẩn gọt đẽo khúc gỗ thành con búp bê trai ; mẹ cần mẫn chắp những mẩu vải vụn thành bé búp bê ; còn anh tôi, loay hoay cả buổi tối để làm xong con búp bê bằng bìa bồi…

b) Đặt một câu với từ loay hoay và một câu với từ hì hục.

3.Nêu tác dụng của dấu hai chấm trong những trường hợp sau :

Advertisements (Quảng cáo)

a) Tôi dốc ngược chiếc tất ra, không phải là một đâu nhé, mà có tới ba em búp bê : một bé trai bằng gỗ, một bé gái bằng vải tóc xoăn bạch kim và một bé gái nhỏ mũm mĩm bằng giấy bìa bồi.

b) Ông cười, bảo tôi :

– Nín đi con. Hôm nay là ngày Nô-en, trước khi ngủ, con hãy cầu nguyện xin ông già Nô-en cho con một con búp bê. Điều ước sẽ thành sự thật.

4.Chỉ rõ các từ ngữ được thay thế để nối câu 1 và câu 2 và các từ ngữ được lặp lại để nối câu 2 và câu 3 trong đoạn văn sau :

        Hôm nào mà ba mẹ không bắt ngủ trưa là tôi phóng vọt sang nhà cái Ngọc hàng xóm chơi ké. Nhà nó rất giàu, có nhiều đồ chơi và đương nhiên, có cả những con búp bê. Lúc nào tôi cũng mong ước có được một con búp bê như thế.

III. CẢM THỤ VĂN HỌC

Vì sao bạn nhỏ trong câu chuyện lại nói : “Những ông già Nô-en của con ơi, con thương mọi người nhiều lắm!”

IV. TẬP LÀM VĂN

1.Em hãy viết từ 3 – 4 câu tả một trong ba con búp bê mà bé Giang nhận được trong đêm Giáng sinh.

2.Hãy chuyển đoạn truyện sau thành đoạn đối thoại giữa các nhân vật trong truyện :

       Sáng hôm sau, tôi hét toáng lên sung sướng khi thấy trong chiếc tất tôi treo ở đầu giường ló ra một cái đầu búp bê. Tôi dốc ngược chiếc tất ra, không phải là một đâu nhé, mà có tới ba em búp bê : một bé trai bằng gỗ, một bé gái bằng vải tóc xoăn bạch kim và một bé gái nhỏ mũm mĩm bằng giấy bìa bồi. Có một mẩu giấy nhỏ rơi ra từ em búp bê trai và anh tôi đã đọc cho tôi nghe những lời như sau :

       “Bé Giang thân mến !

       Dù cháu chỉ xin một con búp bê nhưng vì cháu là một em bé ngoan nên ông đã cho cháu một gia đình búp bê. Hãy luôn ngoan và hiếu thảo cháu nhé !

       Ông già Nô-en”


I. ĐỌC HIỂU

Gợi ý: 

Câu 1: Con đọc đoạn thứ 2.

Câu 2: Con đọc từ “Sáng hôm sau…” đến hết.

Câu 3: Con đọc phần cuối câu chuyện.

Câu 4: Con suy nghĩ và trả lời

Câu 1 – c Câu 2 – b Câu 3 – a Câu 4 – c

II. LUYỆN TỪ VÀ CÂU

1.

Advertisements (Quảng cáo)

Con đọc kĩ rồi trả lời.

Các từ nối : “thì ra” có tác dụng liên kết câu ; “mà”, “và” nối hai từ mẹ – anh.

2.

a. Con đọc kĩ để xác định các thành phần trong câu cho chính xác.

b. – Loay hoay: Động từ gợi tả vẻ cặm cụi thử đi thử lại hết cái này đến cái khác để làm cho bằng được.

-Hì hục: Từ gợi tả dáng vẻ làm một việc gì đó một cách vất vả.

a) Các bộ phận của câu là :

b) VD : – Hương loay hoay chữa chiếc áo mãi mà không xong.

– Bác Ba làm hì hục suốt ngày.

3.

Tác dụng của dấu hai chấm:

– Báo hiệu bộ phận câu đứng sau đó là lời nói của nhân vật.

– Báo hiệu lời giải thích cho bộ phận đứng trước.

Dấu hai chấm trong câu a có tác dụng báo hiệu sự liệt kê, trong câu b báo hiệu lời nói trực tiếp.

4.

Con đọc kĩ đoạn văn và trả lời.

– Các từ ngữ được thay thế để tạo sự liên kết giữa câu 1 và câu 2 : Cái Ngọc – nó.

– Các từ ngữ được lặp lại để nối câu 2 với câu 3 : Con búp bê.

III. CẢM THỤ VĂN HỌC

Con đọc kĩ câu chuyện và cho biết mọi người trong gia đình đã làm gì cho cô con gái trong nhà?

     Vì những người thân mang niềm vui đến cho bạn nhỏ giống như “những ông già Nô-en.” Bạn nhỏ đã rất xúc động, rất yêu thương mọi người trong gia đình. Câu nói “Những ông già Nô-en của con ơi, con thương mọi người nhiều lắm!” thể hiện tình yêu thương của bạn nhỏ vói mọi người khi biết được sự thật về món quà vô giá ấy.

IV. TẬP LÀM VĂN

Đề 1

– Con xem lại phần tả ba con búp bê trong câu chuyện rồi hoàn thành bài tập.

– Trong khi miêu tả con sử dụng các từ láy, gợi cảm, dùng các biện pháp so sánh, nhân hoá để bài văn thêm sinh động hơn.

       Trong gia đình búp bê mà Giang được nhận thì anh chàng búp bê bằng gỗ trông khá khoẻ mạnh. Anh ta được gọt đẽo cẩn thận từ một khúc gỗ nhãn. Thân hình anh chỉ chừng một gang tay người lớn. Trên đầu anh, bố Giang đã khéo léo tạo ra một chiếc nón cho anh đội. Trông anh ra dáng một anh “tốt” trong bộ bài tam cúc. Bộ quần áo xanh đang mặc chính là được tạo ra từ một thứ phẩm màu xanh mà bố Giang đã khéo pha và nhuộm. Nhưng đặc biệt nhất là cái miệng nhỏ được bố Giang khéo léo gọt đẽo, rất hợp với cái mũi nhỏ như một cục bông hơi nhô ra phía trước. Càng nhìn kĩ ta lại càng thấy anh rất ngộ nghĩnh.

(Nguyễn Thị Anh)

Đề 2

Con đọc kĩ đoạn văn được dẫn, dựa vào tính cách từng nhân vật rồi xây dựng thành hội thoại.

Món quà bất ngờ

Nhân vật : Bé Giang, anh trai của Giang, bố của Giang.

Cảnh trí : Tại gia đình Giang. Giang đang nằm trên giường, trên đầu giường Giang có treo một chiếc tất, bên trong chiếc tất ló ra một chiếc đầu búp bê. Bố Giang ngồi bên bàn uống nước, anh trai Giang ngồi cạnh bố.

Thời gian : Lúc sáng sớm.

Anh trai Giang : – Giang ơi ! Dậy đi thôi ! Sáng rồi !

Giang : – A ! Búp bê. Sao trong chiếc tất lại có búp bê thế này ? Ai ở đây thế ?

Anh trai Giang : – Gì thế Giang ? Cái gì mà vui thế ?

Giang : – Búp bê, anh ạ ! Ôi giời ơi ! Có đến ba con búp bê. Thích quá !

Anh trai Giang : – Mấy búp bê hả em ?

Giang : – Ba búp bê anh ạ ! Một búp bê trai bằng gỗ, một búp bê gái bằng vải tóc xoăn bạch kim, một búp bê bằng giấy bìa bồi. Lại có cả một tờ giấy này, anh đọc mà xem !

Anh trai Giang : – Đưa đây anh đọc cho : “Bé Giang thân mến ! Mặc dù cháu chỉ xin một con búp bê nhưng vì cháu là một cô bé ngoan và hiếu thảo nên ông cho cháu cả một gia đình búp bê. Hãy luôn ngoan và hiếu thảo, cháu nhé ! Ông già Nô-en.”

Giang : – Hì… hì… hì… Bố ơi ! Hôm qua con cầu nguyện nên ông già Nô-en đã tặng con ba con búp bê đấy !

Bố Giang : – Vậy ư ? Con có vui không ?

Giang : – Con vui lắm bố ạ ! Ông già Nô-en tốt quá !

(Nguyễn Thị Quyên)

Advertisements (Quảng cáo)