Trang Chủ Lớp 5 Đề thi học kì 2 lớp 5

[Đề số 6] Đề thi học kì 2 – Tiếng Việt 5: Vì sao cô giáo lại dẫn bạn học sinh đi khám mắt ?

Đề kiểm tra học kì 2 – Đề số 6 môn Tiếng Việt lớp 5: Tưởng tượng em là bạn nhỏ trong câu chuyện đang rất vui sướng khi nhìn thấy cặp kính mà cô giáo tặng. Hãy tả lại cặp kính đó.

I. ĐỌC HIỂU

CHO VÀ NHẬN

       Một cô giáo đã giúp tôi hiểu rõ ý nghĩa phức tạp của việc cho và nhận.

       Khi nhìn thấy tôi cầm sách trong giờ tập đọc, cô đã nhận thấy có gì không bình thường, cô liền thu xếp cho tôi đi khám mắt. Cô không đưa tôi đến bệnh viện, mà dẫn tôi tới bác sĩ nhãn khoa riêng của cô. Ít hôm sau, như với một người bạn, cô đưa cho tôi một cặp kính.

       – Em không thể nhận được ! Em không có tiền trả đâu thưa cô ! – Tôi nói, cảm thấy ngượng ngùng vì nhà mình nghèo.

       Thấy vậy, cô liền kể một câu chuyện cho tôi nghe. Chuyện rằng : “Hồi cô còn nhỏ, một người hàng xóm đã mua kính cho cô. Bà ấy bảo, một ngày kia cô sẽ trả cho cặp kính đó bằng cách tặng kính cho một cô bé khác. Em thấy chưa, cặp kính này đã được trả tiền từ trước khi em ra đời”. Thế rồi, cô nói với tôi những lời nồng hậu nhất, mà chưa ai khác từng nói với tôi : “Một ngày nào đó, em sẽ mua kính cho một cô bé khác”.

       Cô nhìn tôi như một người cho. Cô làm cho tôi thành người có trách nhiệm. Cô tin tôi có thể có một cái gì để trao cho người khác. Cô chấp nhận tôi như thành viên của cùng một thế giới mà cô đang sống. Tôi bước ra khỏi phòng, tay giữ chặt kính trong tay, không phải như kẻ vừa được nhận một món quà, mà như người chuyển tiếp món quà đó cho người khác với tấm lòng tận tuỵ.

(Xuân Lương)

Khoanh tròn chữ cái trước câu trả lời đúng :

1. Vì sao cô giáo lại dẫn bạn học sinh đi khám mắt ?

a. Vì bạn ấy bị đau mắt.

b. Vì cô đã thấy bạn ấy cầm sách đọc một cách không bình thường.

c. Cả hai ý trên.

2.Việc làm đó chứng tỏ cô giáo là người thế nào ?

a. Cô là người rất quan tâm đến học sinh.

b. Cô rất giỏi về y học.

c. Cả hai ý trên.

3.Cô giáo đã làm gì để bạn học sinh vui vẻ nhận kính ?

a. Nói rằng đó là cặp kính rất rẻ tiền, không đáng là bao nên bạn không phải bận tâm.

b. Nói rằng có ai đó nhờ cô mua tặng cho bạn.

c. Kể cho bạn nghe một câu chuyện để bạn hiểu rằng bạn không phải là người được nhận quà mà chỉ là người chuyển tiếp món quà cho người khác.

4.Việc cô giáo thuyết phục bạn học sinh nhận kính của mình cho thấy cô là người thế nào ?

a. Cô là người thường dùng phần thưởng để khuyến khích học sinh.

b. Cô là người hiểu rất rõ ý nghĩa của việc cho và nhận và là người luôn sống vì người khác.

c. Cô là người rất cương quyết.

5.Câu chuyện muốn nói với em điều gì ?

a. Cần thường xuyên tặng quà cho ngưòi khác để thể hiện sự quan tâm.

b. Sống không chỉ biết nhận mà phải biết cho.

c. Cần sẵn sàng nhận quà tặng của người khác.

II. LUYỆN TỪ VÀ CÂU

1.Từ nào sau đây trái nghĩa với từ phức tạp ?

a. đơn giản

b. đơn sơ

c. đơn cử

2.Tìm các từ nối trong câu sau :

       Tôi bước ra khỏi phòng, tay giữ chặt kính trong tay, không phải như kẻ vừa được nhận một món quà, mà như người chuyển tiếp món quà đó cho người khác với tấm lòng tận tuỵ.

Advertisements (Quảng cáo)

3.Trạng ngữ trong câu sau chỉ gì ?

Ít hôm sau, như với một người bạn, cô đưa cho tôi một cặp kính.

a. Chỉ thời gian và sự so sánh.

b. Chỉ thời gian và phương tiện.

c. Chỉ thời gian và nguyên nhân.

4.Câu nào sau đây là câu ghép ?

a. Một cô giáo đã giúp tôi hiểu rõ ý nghĩa phức tạp của việc cho và nhận.

b. Khi nhìn thấy tôi cầm sách trong giờ tập đọc, cô đã nhận thấy có gì không bình thường, cô liền thu xếp cho tôi đi khám mắt.

c. Thấy vậy, cô liền kể một câu chuyện cho tôi nghe.

5.Dấu gạch ngang trong câu sau có tác dụng gì ?

– Em không thể nhận được ! Em không có tiền trả đâu thưa cô !

a. Đánh dấu những ý liệt kê.

b. Đánh dấu bộ phận giải thích.

c. Đánh dấu những từ đứng sau nó là lời nói trực tiếp của nhân vật.

6.Điền cặp từ hô ứng vào các chỗ trống cho thích hợp :

a) Tôi… cầm sách để đọc, cô giáo… nhận ra là mắt tôi không bình thường.

b) … cho nhiều… nhận được nhiều.

c) Người ta càng biết cho nhiều… thì họ càng nhận lại được nhiều…

III. CẢM THỤ VĂN HỌC

        Theo em, vì sao qua việc tặng kính, cô giáo đã làm cho bạn học sinh cảm thấy mình như một người cho, mình thành người có trách nhiệm ?

IV. TẬP LÀM VĂN

Đề 1. Tưởng tượng em là bạn nhỏ trong câu chuyện đang rất vui sướng khi nhìn thấy cặp kính mà cô giáo tặng. Hãy tả lại cặp kính đó.

Đề 2. Em hãy tưởng tượng và viết tiếp câu chuyện về em bé ngày nào nay đã trưởng thành.


Advertisements (Quảng cáo)

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1: Con đọc đoạn văn thứ 2.

Câu 2: Con suy nghĩ và trả lời.

Câu 3: Con đọc từ “thấy vậy…” đến “một cô bé khác”

Câu 4: Con suy nghĩ và trả lời.

Câu 5: Từ hành động của cô giáo cho học sinh của mình, con thấy được điều gì?

Câu 1 – b

Câu 2 – a

Câu 3 – c

Câu 4 – b

Câu 5 – b.

II. LUYỆN TỪ VÀ CÂU

Câu 1: Phức tạp là có nhiều thành phần hoặc nhiều mặt kết hợp, đan xen với nhau, khó mà tách bạch ra được. Đồng thời cũng có nghĩa là nhiều sự rắc rối khó hiểu, khó nắm bắt, khó giải quyết.

Câu 2: Con đọc kĩ đoạn văn để xác định các từ nối có trong đoạn.

Câu 3:

– Trạng ngữ chỉ thời gian trả lời cho câu hỏi Khi nào? Bao giờ?

– Trạng ngữ chỉ phương tiện trả lời cho câu hỏi Bằng cái gì? Bằng cách nào?

– Trạng ngữ chỉ nguyên nhân trả lời cho câu hỏi Vì sao? Vì đâu?

Câu 4: Câu ghép là câu có từ hai cụm chủ – vị trở lên.

Câu 5: Tác dụng của dấu gạch ngang:

– Đánh dấu chỗ bắt đầu lời nói của nhân vật trong đối thoại.

– Đánh dấu phần chú thích.

– Đánh dấu các ý trong một đoạn liệt kê.

Câu 6: Một số cặp từ hô ứng thường gặp: vừa … đã …; chưa … đã …; mới …. Đã….; vừa ….vừa….; càng…càng….; đâu….đấy….; nào….ấy; sao ….vậy; bao nhiêu ….bấy nhiêu

Câu 1 – a;

Câu 2: ra, trong, như, mà, như, cho, với ;

Câu 3 – a ;

Câu 4 – b ;

Câu 5 – c;

Câu 6. – a : vừa… đã…, b : càng… càng…, c : bao nhiêu… bấy nhiêu…

III. CẢM THỤ VĂN HỌC

Con suy nghĩ về câu nói cô giáo nhắn bạn nhỏ sau này hãy tặng kính cho một cô gái khác?

       Câu chuyện mà cô kể cho bạn nhỏ nghe thật xúc động. Nó không hề đơn giản mà có ý nghĩa biết nhường nào. Bạn nhỏ hiểu rằng việc cô trao kính cho bạn chứng tỏ cô rất yêu thương, tin tưởng bạn, muốn giúp bạn nhìn rõ hơn. Và hơn thế nữa chính là cô muốn giúp bạn trở thành người tốt : người biết cho, biết sống vì người khác. Bạn nhỏ không chỉ là người nhận kính mà còn là người chuyển tiếp món quà đó cho người khác. Bạn trở thành người có trách nhiệm và đầy tình yêu thương.

(Theo Chu Thị Miền)

IV. TẬP LÀM VĂN

Đề 1

Dàn bài chung:

A. Mở bài: Nêu hoàn cảnh nhận được chiếc kính.

B. Thân bài: Tả lại chiếc kính đó từ bao quát cho tới chi tiết từng bộ phận

C. Kết bài: Cảm nghĩ về chiếc kính.

Chiếc kính là món quà đầy ý nghĩa mà cô giáo đã tặng cho tôi. Nó có hai mắt tròn, trong suốt, được ôm bởi một vòng sắt mạ vàng, gọng kính màu đen, trơn và nhẵn. Thích nhất là khi đeo vào, chiếc gọng ôm sát lấy khuôn mặt tôi vừa như in. Tôi nâng niu chiếc kính trên tay và thầm nghĩ : Chắc chiếc kính này, cô phải kì công chọn cho tôi. Mỗi khi đeo kính vào, mắt tôi như sáng hơn. Cầm chiếc kính trên tay, tôi nghẹn ngào, xúc động và coi đó như là một báu vật thiêng liêng, một món quà ý nghĩa giữa cho và nhận. Cô ơi ! Con xin cảm ơn cô nhiều !

Đề 2

– Em bé khi lớn lên sẽ như thế nào?

– Em bé còn nhớ tới câu chuyện khi xưa về chiếc kính cô giáo đã nói không?

– Em bé đã tặng kính cho một cô bé khác như thế nào?

– Ý nghĩa câu chuyện.

          Thời gian thấm thoắt thoi đưa, mới đó mà tôi đã tốt nghiệp trường đại học sư phạm, trở thành một cô giáo mang ước mơ khát khao được thầm lặng chở “những chuyến đò qua sông”.

          Ngày đó nhận công tác, tôi được phân công chủ nhiệm các em học sinh lớp 6. Các em mới bước chân vào ngôi trường cấp 2, còn rất nhiều non nớt và bỡ ngỡ. Tại lớp này tôi rất ấn tượng bởi một em học sinh tên Long. Ngồi yên lặng ở góc cuối lớp, có đeo một chiếc kính nhưng dường như đã bị hỏng. Một bên gọng kính đã được buộc dây cố định lại. Trong giờ học tôi quan sát thấy Long luôn luôn vất vả trong việc chỉnh lại gọng kính.

          Rồi một ngày tôi không thấy Long đến lớp, liên lạc với phụ huynh cũng không có tác dụng. Hai ngày rồi ba ngày, tôi quyết định tìm tới thăm nhà Long. Vượt qua đường đi hiểm trở cuối cùng cũng tới nơi. Nhưng điều khiến tôi cảm thấy bàng hoàng là gia cảnh của gia đình em ấy. Nghèo khổ, hai mẹ con rau cháo nuôi nhau qua ngày. Long không đi học, em đang ngồi bên bàn với chiếc kính đã gẫy tan tành không thể nào nào sửa chữa lại. Tôi xoa đầu Long và ngồi trò chuyện với em hồi lâu. Hiểu được những nỗi vất vả, khó khăn của em lòng thấy trùng xuống. Tôi khuyên em hãy cứ tiếp tục đến trường theo đuổi ước mơ của chính mình. Cuối cùng không quên dẫn em tới gặp một bác sĩ nhãn khoa để kiểm tra lại mắt cho em.

          Hôm đó Long trở lại lớp học, nhưng không đem theo kính, em vô cùng khó khăn trong việc ghi chép bài. Giờ ra chơi tôi gọi em vào phòng chờ và tặng cho em một chiếc kính mới. Long xúc động run run tay không dám nhận chiếc kính. Tôi xoa đầu em và nói:

– Khi còn nhỏ cô đã được một cô giáo rất tốt bụng tặng cho một chiếc kính, cô ấy còn nói sau này lớn lên hãy thay cô tặng một chiếc kính cho bạn nhỏ khác. Và giờ cô đã tìm được người cần tặng đó rồi. Cô cũng tin rằng sau này lớn lên, con cũng sẽ tìm được người để con tặng chiếc kính cho bạn nhỏ ấy.

Long rưng rưng nước mắt nhận lấy chiếc kính, em ôm trầm lấy tôi và hứa sẽ chăm ngoan và học tập thật tốt, cũng sẽ luôn ghi nhớ lời hứa về chiếc kính với tôi.

          Cuộc đời có thật nhiều chuyện kì lạ xoay vòng, bởi những điều tốt đẹp luôn tồn tại xung quanh chúng ta. Ý nghĩa của cho và nhận, những bài học mà cô giáo cũ đã dạy, tôi vẫn luôn khắc ghi trong lòng.

Advertisements (Quảng cáo)