I. ĐỌC HIỂU
NGƯỜI ĐI TÌM “CHÂN TƯỚNG” SỰ SỐNG
“Tôi còn có thể sống được bao lâu nữa ?” – Đó hầu như là câu hỏi đầu tiên của rất nhiều người sau khi biết mình mắc bệnh nan y, không thể qua khỏi. Năm 1981, lúc 40 tuổi, Xti-phen Guôn-đơ, nhà sinh vật học người Mĩ, cũng đã thốt lên với các bác sĩ câu hỏi này khi ông biết mình đã bị ung thư…
Những người mắc bệnh giống ông đều biết rằng khoảng một nửa trong số họ sẽ bị tử thần “rước đi” chỉ sau 8 tháng nữa. Họ than vãn đầy tuyệt vọng : “Thế là hết, tôi chỉ còn có 8 tháng nữa thôi !”. Nhưng Guôn-đơ thì khác, suy nghĩ của ông lúc đó là : “Chẳng phải ta vẫn còn tới 50% hi vọng đó sao ?”
Để có thể “gia nhập” vào nhóm người sống quá 8 tháng, Guôn-đơ đã tham khảo ý kiến của các chuyên gia miễn dịch học về phương thức chữa trị tốt nhất. Ông nhận được từ họ câu trả lời : “Trong cuộc chiến với ung thư, yếu tố quan trọng nhất là tinh thần. Có được lòng tin, ắt sẽ chiến thắng mọi thứ !”
Vậy là Xti-phen Guôn-đơ quyết tâm dùng ý chí để chiến đấu với căn bệnh quái ác ấy. Ông vẫn tiếp tục công việc giảng dạy về địa chất, sinh vật học và khoa học lịch sử ở Đại học Ha-vớt. Ngoài ra, Guôn-đơ còn đảm nhiệm cương vị chủ biên tạp chí Khoa học – một tạp chí có uy tín nhất trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và là Chủ tịch Hội xúc tiến khoa học Mĩ. Năm 1982, dựa vào những phát hiện khảo cổ, Guôn-đơ đã cùng những người cộng tác với mình cho ra đời lí luận về nguồn gốc tiến hoá các loài khác hẳn với thuyết tiến hoá truyền thông của Đác-uyn. “Lí thuyết tiến hoá cân bằng giai đoạn” – tên công trình nghiên cứu của ông – có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của khoa học sinh vật đương đại. Và sau này, những phát hiện mới, phong phú của ngành khảo cổ đã càng chứng minh tính đúng đắn trong quan điểm tiến hoá có tính nhảy vọt của Xti-phen Guôn-đơ…
Cuối cùng, sau khi hoàn thành tác phẩm nổi tiếng dày 1500 trang có tên “Kết cấu của lí luận tiến hoá”, Xti-phen Guôn-đơ – nhà sinh vật học uyên bác của thế giới, đã qua đời tại Niu Oóc ngày 20-5-2001, hưởng thọ 60 tuổi. Như vậy, ông đã không chỉ “lọt” vào danh sách những người “sống quá 8 tháng” mà còn có thêm 20 năm cống hiến hết mình cho khoa học. Cuộc đời của Xti-phen Guôn-đơ là tấm gương sáng về một nghị lực phi thường.
(Theo Vũ Bội Tuyền)
Khoanh tròn chữ cái trước câu trả lời đúng :
1.Giáo sư Xti-phen Guôn-đơ đã dùng “loại thuốc” nào để chiến đấu với căn bệnh ung thư quái ác ?
a. Dùng một loại thuổc đặc trị cực mạnh.
b. Dùng ý chí kiên cường.
c. Tự chế ra một loại thuốc đặc biệt cho riêng mình.
2.Ông đã sống thêm được bao lâu nữa kể từ khi phát hiện ra bệnh ?
a. 8 tháng.
b. 10 năm.
c. 20 năm.
3.Những việc Xti-phen Guôn-đơ đã làm được sau khi bị ung thư là gì ?
a. Giảng dạy về địa chất, sinh học, lịch sử ở trường Đại học Ha-vớt.
b. Chủ biên tạp chí Khoa học, Chủ tịch Hội xúc tiến khoa học Mĩ.
c. Viết công trình khoa học “Lí thuyết tiến hoá cân bằng giai đoạn”.
d. Viết các bài báo về cách phòng ngừa và chữa trị bệnh ung thư.
e. Viết tác phẩm ” Kết cấu của lí luận tiến hoá” dày 1500 trang.
4.Xti-phen Guôn-đơ là người nổi tiếng vì :
a. Ông là người bị bệnh ung thư sống lâu nhất.
b. Là tấm gương sáng về nghị lực phi thường, không những vượt qua bệnh tật để sống mà còn có những đóng góp lớn lao cho xã hội.
c. Là người viết được công trình khoa học có số trang nhiều nhất.
5.Những từ nào có thể thay thế từ chân tướng trong tên bài Người đi tìm “chân tướng” của sự sống ?
a. ý nghĩa
b. lí lẽ
c. nguồn gốc
d. giá trị
II. LUYỆN TỪ VÀ CÂU
1.Từ nào sau đây trái nghĩa với từ “tuyệt vọng” ?
a. vô vọng
b. hi vọng
Advertisements (Quảng cáo)
c. thất vọng
2.Từ “ý chí” thuộc từ loại nào ?
a. Tính từ
b. Động từ
c. Danh từ
3.Có những quan hệ từ nào trong câu sau ?
Cuộc đời của Xti-phen Guôn-đơ đúng là tấm gương sáng về một nghị lực phi thường.
a. của, về.
b. của, là, về.
c. của, là, về, một.
4.Chủ ngữ trong câu sau là gì ?
Cuộc đời của Xti-phen Guôn-đơ đúng là tấm gương sáng về một nghị lực phi thường.
a. Cuộc đời
b. Cuộc đời của Xti-phen Guôn-đơ
c. Xti-phen Guôn-đơ.
5.Trạng ngữ trong câu sau chỉ gì ?
Năm 1982, dựa vào những phát hiện khảo cổ, Guôn-đơ đã cùng những người cộng tác với mình cho ra đời lí luận về nguồn gốc tiến hoá các loài khác hẳn với thuyết tiến hoá truyền thống của Đác-uyn.
a. Chỉ thời gian và phương tiện.
b. Chỉ thời gian và mục đích.
c. Chỉ thời gian và địa điểm.
6.Câu nào sau đây là câu ghép ? Những quan hệ từ nào được dùng trong câu đó ?
a. Vậy là Xti-phen Guôn-đơ quyết tâm dùng ý chí để chiến đấu với căn bệnh quái ác ấy.
b. Ông vẫn tiếp tục công việc giảng dạy về địa chất, sinh vật học và khoa học lịch sử ở Đại học Ha-vớt.
c. Như vậy, ông đã không chỉ “lọt” vào danh sách những người “sống quá 8 tháng” mà ông còn có thêm 20 năm cống hiến hết mình cho khoa học.
Advertisements (Quảng cáo)
7.Câu “Ngoài ra, Guôn-đơ còn đảm nhiệm cương vị chủ biên tạp chí Khoa học.” thuộc kiểu câu gì ?
a. Câu kể Ai là gì ?
b. Câu kể Ai làm gì ?
c. Câu kể Ai thế nào ?
III. CẢM THỤ VĂN HỌC
Viết một đoạn văn nói lên suy nghĩ của em về Xti-phen Guôn-đơ.
IV. TẬP LÀM VĂN
Đề 1. Hãy giúp Xti-phen Guôn-đơ viết bảng thành tích nghiên cứu khoa học.
Đề 2. Tả một người nổi tiếng mà em ngưỡng mộ, khâm phục
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1: Con đọc đoạn đầu của câu chuyện.
Câu 2: Con đọc phần cuối của câu chuyện.
Câu 3: Con đọc phần giữa câu chuyện
Câu 4: Con suy nghĩ và trả lời.
Câu 5: Chân tướng: bản chất, mặt thật của một vấn đề nào đó.
Câu 1 – b |
Câu 2 – c |
Câu 3 – a, b, c, e |
Câu 4 – b |
Câu 5 – a, d. |
|
II. LUYỆN TỪ VÀ CÂU
Câu 1: Tuyệt vọng là mất hết cả niềm hi vọng.
Câu 2: Quan hệ từ là từ nối các từ ngữ hoặc các câu, nhằm thể hiện mối quan hệ giữa những từ ngữ hoặc những câu ấy với nhau: và, với, hay, hoặc, nhưng, mà, thì, của, ở, tại, bằng, như, để, về,…
Câu 3:
Danh từ là những từ chỉ người, sự vật.
Động từ là những từ chỉ hoạt động của người, sự vật.
Tính từ là những từ chỉ tính chất của người, sự vật.
Câu 4: Con phân tích các thành phần trong câu để tìm chủ ngữ. Chủ ngữ là từ chỉ hoạt động của người, sự vật được nhắc tới trong câu.
Câu 5:
– Trạng ngữ chỉ địa điểm: Trả lời cho câu hỏi Ở đâu?
– Trạng ngữ chỉ phương tiện trả lời cho câu hỏi: Bằng cái gì? với cái gì?
– Trạng ngữ chỉ thời gian trả lời cho câu hỏi: Khi nào? Bao giờ?
– Trạng ngữ chỉ mục đích trả lời cho câu hỏi: Để làm gì?
Câu 6: Câu ghép là câu có từ hai cụm chủ – vị trở lên.
Câu 7: Con suy nghĩ và trả lời.
Câu 1 – b |
Câu 2 – c |
Câu 3 – a |
Câu 4 – b |
Câu 5 – a |
Câu 6 – c (cặp quan hệ từ : không chỉ… mà…)
Câu 7. – b.
III. CẢM THỤ VĂN HỌC
Con đọc kĩ lại bài để viết.
Em rất khâm phục Xti-phen Guôn-đơ, nhà sinh vật học người Mĩ. Khi biết mình bị bệnh nan y, ông không hề bi quan như những người khác mà vẫn lạc quan tin tưởng : “Có được lòng tin ắt sẽ chiến thắng mọi thứ”. Bằng nghị lực phi thường, ông không những sống thêm được hai mươi năm mà còn đóng góp cho khoa học những công trình đồ sộ – ngay chính những người khoẻ mạnh bình thường cũng không thể làm nổi. Ông chính là người đã tìm được sự sống, chân tướng giá trị của sự sống. Ông trở thành tấm gương cho tất cả mọi người.
(Theo Phạm Tố Lan)
IV. TẬP LÀM VĂN
Đề 1:
Con đọc kĩ lại bài rồi lập bảng thành tích nghiên cứu gồm các cột: thứ tự, thời gian, tên công trình.
Thứ tự |
Thời gian |
Tên công trình |
1 |
1982 |
Lí thuyết tiến hóa cân bằng giai đoạn |
2 |
2001 |
Kết cấu lí luận tiến hóa |
Đề 2:
Con xác định một người nổi tiếng mà mình muốn tả, quan sát chọn lọc chi tiết rồi viết thành bài văn.
Bài tham khảo:
Đang ngồi chơi, bỗng em nghe thấy tiếng giới thiệu trên tivi nhà mình: “Các bạn thân mến! Mở đầu chương trình ca nhạc hôm nay, ca sĩ Trần Tiến sẽ biểu diễn bài “Mặt trời bé con”. Em vội bật dậy, chạy lên xem. Hay quá! Bài này em rất thích mà.
Em chăm chú nhìn lên màn ảnh nhỏ. Chú Trần Tiến ôm cây đàn ghi- ta nhanh nhẹn bước ra sân khấu. Em hồi hộp chờ đợi. Chú ca sĩ gảy đàn. Điệu nhạc quen thuộc vọng vào tai em. Một giọng hát trầm trầm vang lên: “Ngoài kia có cô bé…” Hay quá! Chú Trần Tiến giả bộ dòm ngó, rồi lấy ngón tay làm mắt tròn, y như trong lời hát, trông thật là buồn cười. Em vừa nghe vừa hát thầm. Giọng chú Tiến trầm xuống. Hai tay chú đặt trên ngực, cái đầu lắc lắc vẻ hóm hỉnh: “… Hạnh phúc quá đơn sơ, mà tôi đâu có ngờ…” . Bỗng chú hát cao lên, mắt nheo nheo: “… Trời mưa quá em ơi…” Thật là vui nhộn, em vỗ tay đồm độp. Cái miệng chú cười thật tươi. Đang hát vui như vậy thì chú lại cúi gập người, mặt nhăn nhăn nhó nhó, vẻ thương tiếc. Giọng chú hạ xuống: “Bài ca ướt mất rồi còn đâu?”. Em reo lên “Tài quá! Tuyệt quá!”. Chú hát lúc trầm lúc bổng, lời hát đi sâu vào lòng người. Thỉnh thoảng, chú lại cầm vạt áo com-lê màu sáng, tay chú dang rộng, hát cao lên “Tôi đâu có ngờ”. Chú Tiến không ngừng nhún nhảy. Em vừa nghe vừa lắc lư người theo chú lúc nào không biết. Chú Trần Tiến hát thật hay, phải nói là mê li. Đoạn cuối, chú hát thật tuyệt. Từ cái miệng rộng của chú luôn xuất hiện những nụ cười hóm hỉnh. Chú hát cao lên, em tưởng như bay vút lên tận mây xanh. Tay chú giơ cao, ngón tay giả làm “mặt trời bé con”. Chú hơi cúi người lấy tay chìa ra trước. Đôi mắt chú mở to, giọng nhanh và vui nhộn: “La la la, là la la…”. Chú ngừng một lát để hát tiếp đoạn hai. Từng khúc nhạc vang lên rộn ràng. Em chạy đến mở to tiếng trong tivi. Chú Trần Tiến cầm một bông hoa hé nở vừa ngửi vừa nheo mắt. Chú ấy thật là trẻ con. Vừa đánh đàn chú vừa đi trên sân khấu, miệng cười tươi. Một giọng hát quen thuộc lại cất lên. Nhưng sao lần này, chú hát như nhanh lên. Có lúc, chú vuốt mái tóc điểm bạc cười ngượng nghịu làm em kêu lên:
– Chú Trần Tiến này nhộn quá!
Lúc hát gần xong, người chú hơi ngả ra sau “Lá la…”. Thôi! Thế là bài hát chấm dứt. Nhìn lên ti vi, em tiếc ngẩn ngơ, chỉ muốn chú Tiến hát nữa, hát mãi.