I. ĐỌC HIỂU
NÓI LỜI CỔ VŨ
Một cậu bé người Ba Lan muốn học đàn dương cầm, thế nhưng cha cậu bảo mấy ngón tay của cậu múp míp và ngắn quá, không thể nào chơi đàn hay được. Ông khuyên cậu hãy thử học chơi kèn, thế rồi sau đó một nhạc công chuyên nghiệp lại nói rằng cậu không có được đôi môi thích hợp.
Một ngày kia, cậu được gặp gỡ nhạc sĩ dương cầm lừng danh An-tôn Ru-bin-xtên. Con người nổi tiếng này đã trao cho cậu một lời khích lệ mà trước đây cậu chưa từng được nghe : “Này chú bé, chú có thể chơi pi-a-nô được đấy ! Ta nghĩ là chú có thể chơi được… nếu như chú chịu khó luyện tập 7 tiếng mỗi ngày.”
Ôi chao, đó mới thực là nguồn động viên lớn lao mà cậu cần đến. Ru-bin-xtên vĩ đại đã bảo là cậu có thể chơi đàn được ! Cậu sẽ phải bỏ rất nhiều thời gian để luyện tập nếu muốn chơi đàn, nhưng mà cậu có thể chơi được ! Thậm chí có thể chơi giỏi ! An-tôn Ru-bin-xtên đã nói như vậy mà !
Cậu bé về miệt mài tập luyện, cậu bỏ ra nhiều giờ mỗi ngày, và sau nhiều năm, công lao khó nhọc của cậu đã được tặng thưởng : Gian Pa-đơ-riêu-xki trở thành một trong những nghệ sĩ dương cầm lừng danh nhất thời bấy giờ. Một lời động viên đơn giản đã mang đến nội lực làm bừng lên ngọn lửa đam mê trong lòng một cậu bé, ngọn lửa ấy vẫn cháy sáng mãi trong nhiều năm trời.
Hãy nhớ rằng những lời động viên mà bạn đang trao gửi hôm nay đôi khi làm thay đổi được mãi mãi một cuộc đời của người đã đón nhận nó.
(Theo Thu Hà)
Khoanh tròn chữ cái trước câu trả lời đúng
1. Cậu bé người Ba Lan trong câu chuyện đã thử học chơi những nhạc cụ nào ?
a. Dương cầm, kèn.
b. Kèn, vi-ô-lông.
c. Vi-ô-lông, dương cầm.
2. Vì sao cha khuyên cậu không nên học đàn dương cầm ?
a. Vì cậu không có đôi môi thích hợp.
Advertisements (Quảng cáo)
b. Vì các ngón tay của cậu múp míp và ngắn quá.
c. Vì cậu không có năng khiếu.
3. Nguyên nhân nào dẫn đến sau này cậu trở thành một nghệ sĩ dương cầm lừng danh ?
a. Vì lời động viên lớn lao của nghệ sĩ pi-a-nô An-tôn Ru-bin-xtên đã khiến cậu tự tin và luyện tập miệt mài.
b. Vì cậu có năng khiếu đặc biệt.
c. Vì cậu có thầy giáo giỏi.
4. Câu chuyện muốn nói với em điều gì ?
a. Hãy biết khen mọi người, những lời khen ấy làm cho người khác phấn khởi và tự tin trong cuộc sống.
b. Hãy biết nói những lời động viên mọi người vì có thể những lời động viên đó sẽ làm thay đổi cuộc đời của một con người.
c. Hãy miệt mài học tập lao động thì sẽ đạt được thành công.
Advertisements (Quảng cáo)
II. LUYỆN TỪ VÀ CÂU
1. Tìm lời nói trực tiếp trong đoạn văn sau :
Một ngày kia, cậu được gặp gỡ nhạc sĩ dương cầm lừng danh An-tôn Ru-bin-xtên. Con người nổi tiếng này đã trao cho cậu một lời khích lệ mà trước đây cậu chưa từng được nghe : “Này chú bé, chú có thể chơi pi-a-nô được đấy ! Ta nghĩ là chú có thể chơi được… nếu như chú chịu khó luyện tập 7 tiếng mỗi ngày. “
2. Em có thể đặt dấu ngoặc kép vào chỗ nào trong đoạn văn sau :
Có người đã để ý thấy rằng – cuộc sống và tài khoản ngân hàng có những điểm tương đồng nhau – những điều cuộc sống trao ban cho họ cũng nhiều như những điều họ đã đầu tư vào cuộc sống. Tài khoản của tôi tuy chẳng nhiều nhặn gì nhưng tôi vẫn có thể rút ra từ cuộc sống của mình vô vàn những niềm vui và sự mãn nguyện nếu như tôi chịu khó chú ý đến những điều tôi đem lại cho đời.
III. CẢM THỤ VĂN HỌC
Dựa vào nội dung câu chuyện, em hãy viết tiếp câu văn sau :
Bạn đừng bao giờ tiếc những lời động viên chân thành bởi vì…
IV. TẬP LÀM VĂN
Em đã bao giờ biết nói lời động viên người khác hoặc bản thân em đã từng nhận được lời động viên của ai đó lúc mình gặp khó khăn chưa ? Hãy kể lại câu chuyện ấy.
I. ĐỌC HIỂU
1. | 2. | 3. | 4. |
a | b | a | b |
II. LUYỆN TỪ VÀ CÂU
1. Lời nói trực tiếp là :
Này chú bé, chú có thể chơi pi-a-nô được đấy! Ta nghĩ là chú có thể chơi được… nếu như chú chịu khó luyện tập 7 tiếng mỗi ngày.
2. Em có thể đặt dấu ngoặc kép vào những từ ngữ hiểu theo nghĩa đặc biệt : cuộc sống, tài khoản ngân hàng, tài khoản, rút ra từ cuộc sống của mình.
Có người đã để ý thấy rằng – “cuộc sống” và “tài khoản ngân hàng” có những điểm tương đồng nhau – những điều “cuộc sống” trao ban cho họ cũng nhiều như những điều họ đã đầu tư vào “cuộc sống”. “Tài khoản” của tôi tuy chẳng nhiều nhặn gì nhưng tôi vẫn có thể “rút ra từ cuộc sống của mình” vô vàn những niềm vui và sự mãn nguyện nếu như tôi chịu khó chú ý đến những điều tôi đem lại cho đời.
III. CẢM THỤ VĂN HỌC
Bạn đừng bao giờ tiếc những lời động viên chân thành bởi vì những lời động viên ấy có thể làm thay đổi rất nhiều cuộc sống của con người. Những lời động viên chân thành, đúng lúc, đúng nơi mang lại sự tự tin, nội lực cho con người, giúp họ thành công trong cuộc sống, theo đuổi niềm đam mê.
IV. TẬP LÀM VĂN
Có một kỉ niệm thời niên thiếu tôi không bao giờ quên.
Một lần tôi và cha đứng xếp hàng để mua vé vào xem xiếc. Tôi đã rất háo hức chờ đến ngày hôm nay vì đây là lần đầu tiên tôi được đi xem xiếc. Tất cả mọi người đều vào rạp, chỉ còn một gia đình ngăn giữa chúng tôi và quầy vé. Nhìn bên ngoài, tôi có thể đoán được họ là những người không giàu. Họ mặc những bộ quần áo hơi cũ, nhưng trông có vẻ sạch sẽ. Tám đứa trẻ, hầu hết dưới 12 tuổi. Tất cả xếp thành hàng hai nắm tay nhau đứng ngay sau lưng cha mẹ. Chúng háo hức bàn tán, tưởng tượng về những anh hề, những chú voi và những trò khác mà tối nay chúng sẽ xem. Có lẽ là chúng chưa bao giờ đi xem xiếc (giống như tôi vậy). Chắc đây sẽ là một sự kiện đáng nhớ trong tuổi thơ của chúng. Ông bố và bà mẹ đứng đầu đầy vẻ hãnh diện. Cô bán vé hỏi ông bố muốn mua bao nhiêu vé. Ông đáp : “Làm ơn bán cho tôi tám vé trẻ em và hai vé người lớn !”. Cô bán vé vui vẻ cho ông biết số tiền phải trả. Người vợ thả tay chồng ra, đầu cúi xuống. Môi người đàn ông hơi run run, ông nghiêng người về phía trước một chút và hỏi : “Cô vừa nói bao nhiêu ?”. Cô bán vé nhắc lại lần nữa. Người đàn ông không đủ tiền. Làm sao ông có thể quay lại và nói với tám đứa trẻ rằng ông không đủ tiền đưa chúng vào xem xiếc ? Từ nãy giờ cha tôi vẫn đứng yên quan sát. Bất chợt, cha tôi cho tay vào túi quần rút ra một tờ 20 nghìn và thả xuống đất. Rồi cha cúi người xuống nhặt tờ giấy bạc, vỗ vai người đàn ông nói : “Xin lỗi, ông vừa đánh rơi…” Người đàn ông hiểu ngay chuyện gì xảy ra. Ông không nói nhưng chắc chắn rất cảm kích trước sự giúp đỡ trong một tình huống đáng ngại, đau lòng và tuyệt vọng. Ông nhìn thẳng vào mắt cha tôi, hai tay nắm chặt lấy cha tôi, đè chặt lên tờ bạc 20 nghìn, đôi môi run run và giọng ông nghẹn ngào (một giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt gầy) : “Cảm ơn, cảm ơn ông. Tờ giấy bạc này thật sự có ý nghĩa với tôi và cả gia đình.”
Hai cha con tôi quay trở lại lấy xe, về nhà. Mặc dù không được xem xiếc tối hôm ấy, nhưng chúng tôi không hề cảm thấy tiếc nuối khi nhìn thấy những nụ cười rạng rỡ trên những gương mặt trẻ thơ. Chắc là giờ này chúng đang rất hạnh phúc.
(Theo Nguyễn Thị Thanh Huyền)