I. ĐỌC HIỂU
SỰ SẺ CHIA BÌNH DỊ
“Đôi khi một cử chỉ nhỏ của bạn cũng có thể
làm thay đổi hoặc tạo nên sự khác biệt
cho cuộc sống của người khác. “
Tôi đứng xếp hàng ở bưu điện để mua tem gởi thư. Ngay sau tôi là một người phụ nữ với hai đứa con còn rất nhỏ. Hai đứa nhỏ khóc lóc, không chịu đứng yên trong hàng. Bà mẹ trông cũng mệt mỏi và nhếch nhác như mấy đứa trẻ. Thấy thế, tôi liền nhường chỗ của tôi cho bà. Bà cảm ơn tôi rồi vội vã bước lên.
Nhưng đến lượt tôi thì bưu điện đóng cửa. Khi đó, tôi cảm thấy thực sự rất bực mình và hốì hận vì đã nhường chỗ cho người khác. Chợt người phụ nữ quay sang tôi nói : “Tôi cảm thấy rất ái ngại ! Chỉ vì nhường chỗ cho tôi mà cô lại gặp khó khăn như vậy. Cô biết không, nếu hôm nay tôi không gửi phiếu thanh toán tiền gas, thì công ty điện và gas sẽ cắt hết nguồn sưởi ấm của gia đình tôi”.
Tôi sững người, không ngờ rằng chỉ đơn giản bằng một hành động nhường chỗ của mình, tôi đã giúp người phụ nữ ấy và hai đứa trẻ qua được một đêm giá rét. Tôi rời khỏi bưu điện với niềm vui trong lòng. Tôi không còn có cảm giác khó chịu khi nghĩ đến việc lại phải lái xe đến bưu điện, tìm chỗ đậu xe và đứng xếp hàng nữa mà thay vào đó là cảm giác thanh thản, phấn chấn.
Kể từ ngày hôm đó, tôi cảm nhận được sự quan tâm của mình đến mọi người có giá trị như thế nào. Tôi bắt đầu biết quên mình đi và biết sẻ chia với người khác vì tôi nhận ra đôi khi chỉ một cử chỉ nhỏ, bình dị của mình cũng có thể làm ấm lòng, làm thay đổi hoặc tạo nên sự khác biệt và ý nghĩa cho cuộc sống của một người khác.
(Ngọc Khánh)
Khoanh tròn chữ cái trước câu trả lời đúng :
1. Vì sao nhân vật “tôi” trong câu chuyện lại nhường chỗ xếp hàng cho mẹ con người phụ nữ đứng sau ?
a. Vì thấy mình chưa vội lắm.
b. Vì người phụ nữ trình bày lí do của mình và xin được nhường chỗ.
c. Vì thấy hoàn cảnh mẹ con người phụ nữ thật đáng thương.
2. Sau khi nhường chỗ, vì sao nhân vật “tôi” lại cảm thấy bực mình và hối hận ?
a. Vì thấy mẹ con họ không cảm ơn mình.
b. Vì thấy mãi không đến lượt mình.
c. Vì bưu điện chỉ làm việc đến mẹ con người phụ nữ nọ là đóng cửa.
3. Việc gì xảy ra khiến nhân vật “tôi” lại rời khỏi bưu điện với “niềm vui trong lòng” ?
Advertisements (Quảng cáo)
a. Vì biết rằng việc làm của mình đã giúp cho một gia đình tránh được một đêm đông giá rét.
b. Vì đã mua được tem gửi thư.
c. Vì đã không phải quay lại bưu điện vào ngày hôm sau.
4. Câu chuyện muốn nói với em điều gì ?
a. Cần phải biết quan tâm, sẻ chia, giúp đỡ người khác.
b. Muốn được người khác quan tâm, cần phải biết quan tâm, giúp đỡ người khác.
c. Giúp đỡ người khác sẽ được trả ơn.
II. LUYỆN TỪ VÀ CÂU
1. Dấu hai chấm trong đoạn văn sau có tác dụng gì ?
Chợt người phụ nữ quay sang tôi nói : “Tôi cảm thấy rất ái ngại ! Chỉ vì nhường chỗ cho tôi mà cô lại gặp khó khăn như vậy. Cô biết không, nếu hôm nay tôi không gửi phiếu thanh toán tiền gas, thì công ty điện và gas sẽ cắt hết nguồn sưởi ấm của gia đình tôi”.
a. Báo hiệu bộ phận câu đứng sau dấu hai chấm là lời nói trực tiếp của nhân vật.
b. Báo hiệu bộ phận câu đứng sau dấu hai chấm là lời giải thích cho bộ phận đứng trước nó.
c. Cả hai ý trên.
2. Các cụm từ cho trong ngoặc đơn có thể điền vào chỗ trống nào trong đoạn văn sau :
Advertisements (Quảng cáo)
Kể từ ngày hôm đó, tôi cảm nhận được… đến mọi người có giá trị như thế nào. Tôi bắt đầu… và… vì tôi nhận ra đôi khi chỉ một… của mình cũng có thể làm…, làm… hoặc tạo nên sự khác biệt và… của một người khác.
(sự quan tâm của mình ; biết quên mình đi ; biết sẻ chia với người khác ; cử chỉ nhỏ, bình dị ; ấm lòng ; thay đổi; ý nghĩa cho cuộc sống).
3. Nội dung câu chuyện trên phù hợp với câu tục ngữ nào dưới đây ?
a. Ở hiền gặp lành.
b. Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.
c. Thương người như thể thương thân.
III. CẢM THỤ VĂN HỌC
Trong câu chuyện trên, nhân vật “tôi” nói rằng mình đã biết “quên mình đi “, em hiểu điều đó có ý nghĩa gì ?
IV. TẬP LÀM VĂN
1. Em hãy kể lại câu chuyện trên bằng lời của người phụ nữ có con nhỏ.
2. “Đôi khi một cử chỉ nhỏ của bạn cũng có thể làm thay đổi hoặc tạo nên sự khác biệt cho cuộc sống của người khác.”
Em hãy kể một câu chuyện làm sáng rõ hơn nội dung, ý nghĩa câu nói này.
I. ĐỌC HIỂU
1. | 2. | 3. | 4. |
c | c | a | a |
II. LUYỆN TỪ VÀ CÂU
1. a
2. Kể từ ngày hôm đó, tôi cảm nhận được sự quan tâm của mình đến mọi người có giá trị như thế nào. Tôi bắt đầu biết quên mình đi và biết chia sẻ với người khác vì tôi nhận ra đôi khi chỉ một cử chỉ nhỏ, bình dị của mình cũng có thể làm ấm lòng, làm thay đổi hoặc tạo nên sự khác biệt và ý nghĩa cho cuộc sống của một người khác.
3. c.
III. CẢM THỤ VĂN HỌC
Trong câu chuyện trên, nhân vật “tôi” nói rằng mình đã biết “quên mình đi” có nghĩa là cô ấy đã biết “hi sinh” những lợi ích của bản thân mình, đã biết quan tâm, chia sẻ với những thiệt thòi của người khác, đã biết giúp đỡ, quan tâm tới người khác. Trái tim của cô ấy đã không còn băng giá !
IV. TẬP LÀM VĂN
Đề số 1:
Tôi mệt mỏi đứng xếp hàng cùng hai đứa con nhỏ để chờ gửi phiếu thanh toán ở bưu điện. Một cô gái xinh đẹp đứng trước đã nhường chỗ cho tôi để tôi được đứng trước.
Khi tôi vừa gửi phiếu thanh toán thì bưu điện đóng cửa. Tôi thấy sự bực mình và hối hận trên nét mặt của cô gái đã nhường chỗ cho tôi. Tôi nói với cô gái về suy nghĩ và hoàn cảnh của mình: “Tôi cảm thấy rất ái ngại ! Chỉ vì nhường chỗ cho tôi mà cô lại gặp khó khăn như vậy. Cô biết không, nếu hôm nay tôi không gửi phiếu thanh toán tiền gas, thì công ty điện và gas sẽ cắt hết nguồn sưởi ấm của gia đình tôi”.
Cô gái đã rất ngạc nhiên nhưng tôi lại thấy nụ cười rạng rỡ và hạnh phúc của cô gái khi đã biết mình giúp đỡ tôi và gia đình nhiều như thế nào. Những điều tốt đẹp của cô gái làm cho mẹ con tôi là những điều tuyệt với nhất. Cảm ơn cô gái xinh đẹp và tốt bụng. Mong rằng những điều may mắn và hạnh phúc sẽ đến với cô gái.
Đề số 2:
SINH NHẬT ÔNG BÀ
Từ nhỏ, tôi luôn thắc mắc tại sao ông bà tôi chưa bao giờ tổ chức sinh nhật. Trong khi tôi và em tôi năm nào cứ đến ngày sinh nhật là được mọi người đến chúc mừng, nào cô bác họ hàng, nào bạn bè cùng lớp. Và ngay cả sinh nhật bố mẹ tôi cũng thế.
Lớn hơn một chút, trong một bữa cơm gia đình, tôi hỏi bà : “Bà ơi, sao cháu chưa bao giờ thấy ông bà tổ chức sinh nhật như là sinh nhật của cháu với em Ốc ?”. Bà nhìn tôi cười hiền : “Cún ơi, chỉ là vì ông bà không biết ngày sinh của ông bà thôi !”. Sao lại thế hở bà, sao ông bà lại không biết ?” – Tôi hỏi lại. Bà tôi từ tốn : “… Ngày xưa nghèo lắm cháu ạ, ăn còn chưa đủ no, đời sống khó khăn thiếu thốn, có ai nghĩ đến việc tổ chức sinh nhật, ông bà chỉ nhớ được năm sinh của mình thôi. Còn bây giờ, cuộc sống đầy đủ hơn trước rất nhiều, người ta mới nghĩ đến sinh nhật để kỉ niệm ngày mình sinh ra…”
À ra vậy, tôi đã hiểu. Tự dưng tôi cảm thấy thương ông bà. Bằng tuổi tôi, ông bà đâu được sung sướng như tôi bây giờ, có sinh nhật, một ngày duy nhất trong năm dành riêng cho mình. Và tôi chợt nảy ra một ý định : Tại sao mình lại không thử tổ chức một lễ sinh nhật cho ông bà ? Sao lại không nhỉ ? Thế là tôi bàn với em Ốc và mẹ suy nghĩ của mình. Mẹ và em Ốc rất ủng hộ tôi. Chúng tôi quyết định tổ chức một buổi tiệc nho nhỏ. Tất nhiên, mọi việc chuẩn bị đều được giữ kín, tôi muốn ông bà bất ngờ mà. Trước tiên, tôi chọn ngày 12 tháng 6 sẽ là sinh nhật ông bà, may mắn làm sao nó đang đến rất gần. Tại sao tôi lại chọn như vậy, đương nhiên là có lí do đặc biệt rồi. Ngày và tháng đều là trung bình cộng của ngày, tháng sinh nhật bố mẹ và chị em tôi. Quả là ý nghĩa, phải không ? Và sau khi đã ấn định xong ngày thì việc quan trọng duy nhất còn lại đó là làm một bữa tiệc thịnh soạn. Mẹ tôi sẽ nấu một bữa tối thật ngon. Còn tôi và em tôi thì lấy tiền đút lợn của mình mua tặng ông bà một món quà nhỏ.
Ngày sinh nhật ông bà đã diễn ra theo đúng những gì mà ba mẹ con tôi dự tính. Khi mẹ tôi sắp ra bàn những món ăn mà ông bà tôi vẫn thích, nào nem thính, canh khoai lang, chuối xanh nấu ốc… ông bà đã rất bất ngờ. Sau đó tôi cùng em Ốc bước vào phòng ăn, cầm những món quà được gói thật đẹp trên tay, chúng tôi đồng thanh : “Chúng cháu chúc mùng sinh nhật ông bà ạ”. Cả ông và bà tôi đều rất bất ngờ khi nghe mẹ tôi giải thích về kế hoạch này. Tôi thấy mắt bà tôi ngấn nước, còn ông tôi thì mỉm cười mãn nguyện, ông bà không nói câu nào ngoài lời cảm ơn ba mẹ con tôi, nhưng tôi biết ông bà đã rất xúc động. Bố tôi đi làm về muộn, vì chưa biết kế hoạch này nên cũng bất ngờ không kém. Khi biết chuyện, bố đã luôn miệng khen chị em tôi. Bữa tối hôm đó thật là vui và tôi cảm thấy chưa bao giờ cả nhà lại cười nhiều, nói nhiều đến thế. Thì ra chỉ cần một sự quan tâm nho nhỏ thôi là bạn đã có thể đem đến cho gia đình niềm vui và hạnh phúc biết bao !
(Đào Thu Hiền)