I. ĐỌC HIỂU
TẤM LÒNG THẦM LẶNG
Ngày nọ, bố tôi lái xe đưa ông chủ đi tham dự một buổi họp quan trọng tại một thành phố khác. Trong lúc nghỉ ở giữa đường, mấy cậu bé đang chơi quanh đấy hiếu kì kéo đến vây quanh, ngắm nghía và sờ mó chiếc xe sang trọng. Thấy một cậu bé trong nhóm đi cà nhắc vì bị tật ở chân, ông chủ liền bước ra khỏi xe, đến chỗ cậu bé và hỏi:
– Cháu có muốn đôi chân được lành lặn bình thường không ?
– Chắc chắn là muốn ạ ! Nhưng sao ông lại hỏi cháu như thế ? – Cậu bé ngạc nhiên trước sự quan tâm của người xa lạ.
…Chiều hôm đó, theo lời dặn của ông chủ, bố tôi đã đến gặp gia đình cậu bé có đôi chân tật nguyền ấy.
– Chào chị ! – Bố tôi lên tiếng trước. – Chị có phải là mẹ cháu Giêm-mi không ? Tôi đến đây để xin phép chị cho chúng tôi đưa Giêm-mi đi phẫu thuật để đôi chân cháu trở lại bình thường.
– Thế điều kiện của ông là gì ? Đời này chẳng có ai có gì cho không cả. – Mẹ Giêm-mi nghi ngờ nói.
Trong gần một tiếng đồng hồ sau đó, bố tôi kiên nhẫn giải thích mọi chuyện và trả lời mọi câu hỏi của hai vợ chồng. Cuối cùng, hai người đồng ý cho Giêm-mi phẫu thuật.
Kết quả cuối cùng hết sức tốt đẹp. Đôi chân Giêm-mi đã khoẻ mạnh và lành lặn trở lại. Giêm-mi kể cho bố tôi nghe ước mơ được trở thành doanh nhân thành công và sẽ giúp đỡ những người có hoàn cảnh không may mắn như cậu.
Về sau, cậu bé Giêm-mi may mắn ấy trở thành một nhà kinh doanh rất thành đạt như ước mơ của mình. Đến tận khi qua đời, theo tôi biết, Giêm-mi vẫn không biết ai là người đã giúp đỡ ông chữa bệnh hồi đó… Nhiều năm trôi qua, tôi luôn ghi nhớ lời ông chủ đã nói với bố tôi : “Cho đi mà không cần phải nhận lại sẽ là niềm vui lâu dài”.
(Bích Thuỷ)
Khoanh tròn chữ cái trước câu trả lời đúng :
1. Cậu bé trong câu chuyện gặp điều không may gì ?
a. Bị tật ở chân.
b. Bị ốm nặng.
c. Bị khiếm thị.
2. Ông chủ đã làm gì cho cậu bé ?
a. Cho cậu một số tiền lớn để cậu có vốn làm ăn buôn bán.
b. Đến nhà chữa bệnh cho cậu.
c. Cho người lái xe riêng đến nhà thuyết phục cha mẹ cậu và đưa cậu bé đi chữa bệnh.
3. Tại sao ông chủ lại bảo người lái xe của mình làm việc đó ?
a. Vì ông không có thời gian.
b. Vì ông không muốn gia đình người được giúp đỡ biết mình.
Advertisements (Quảng cáo)
c. Vì ông ngại xuất hiện.
4.Câu chuyện muốn nói với em điều gì ?
a. Hãy giúp đỡ người khác một cách thầm lặng mà không cần đòi hỏi phải được cảm ơn.
b. Hãy giúp đỡ người khác nếu mình giàu có.
c. Hãy giúp đỡ các trẻ em nghèo, bệnh tật.
II. LUYỆN TỪ VÀ CÂU
1.. Ghi lại các từ đơn và từ phức trong đoạn văn sau :
Ngày nọ bố tôi lái xe đưa ông chủ đi tham dự một buổi họp quan trọng tại một thành phố khác. Ra tới ngoại ô, họ dừng lại ăn tạm bánh ngọt ngay trong xe thay cho bữa ăn trưa.
2.. Tìm lời kể trực tiếp và lời kể gián tiếp trong đoạn văn sau :
Một người phụ nữ khoảng ba mươi tuổi bước ra khi nghe tiếng bố tôi gõ vào cánh cửa hoen. Gương mặt chị mệt mỏi, những nếp nhăn hằn sâu trên trán ghi dấu một cuộc sống lam lũ, khổ cực.
– Chào chị ! – Bố tôi lên tiếng trước. – Chị có phải là mẹ cháu Giêm-mi không ? Tôi đến đây để xin phép chị cho chúng tôi đưa Giêm-mi đi phẫu thuật để đôi chân cháu trở lại bình thường.
– Thế điều kiện của ông là gì ? Đời này chẳng có ai có gì cho không cả. – Mẹ Giêm-mi nghi ngờ nói.
3.. Chuyển lời kể gián tiếp trong đoạn văn sau thành lời kể trực tiếp :
Bố tôi lái xe đưa Giêm-mi về nhà. Trên đường đi, Giêm-mi kể cho bố tôi nghe ước mơ được trở thành doanh nhân thành công và sẽ giúp đỡ những người có hoàn cảnh không may mắn như cậu.
4.. Chuyển lời kể trực tiếp trong đoạn văn sau thành lời kể gián tiếp :
Thấy một cậu bé trong nhóm đi cà nhắc vì bị tật ở chân, ông chủ liền bước ra khỏi xe, đến chỗ cậu bé và hỏi :
Advertisements (Quảng cáo)
– Cháu có gặp khó khăn nhiều với đôi chân như thế không ?
– Cháu chỉ chạy chậm chút xíu so với các bạn thôi. – Cậu bé đáp. – Nhưng cháu cũng quen rồi.
– Cháu có muốn đôi chân được lành lặn bình thường không ?
– Chắc chắn là muốn ạ ! Nhưng sao ông lại hỏi cháu như thế ? – Cậu bé ngạc nhiên trước sự quan tâm của người xa lạ.
III. CẢM THỤ VĂN HỌC
Trong câu chuyện trên, ông chủ của bố tác giả có nói : “Cho đi mà không cần phải nhận lại sẽ là niềm vui lâu dài”. Em hiểu cho đi và nhận lại nghĩa là gì ?
IV. TẬP LÀM VĂN
Đề 1: Em hãy kể lại câu chuyện trên bằng lời kể của cậu bé Giêm-mi.
Đề 2: Em hãy thay lời của cậu bé Giêm-mi viết một bức thư ngỏ cảm ơn người đã giúp đỡ mình.
I. ĐỌC HIỂU
1. | 2. | 3. | 4. |
a | c | b | a |
II. LUYỆN TỪ VÀ CÂU
1. Từ đơn: ngày, nọ, bố, tôi, lái, xe, đưa, đi, một, tại, khác, ra, tới, họ, ăn, tạm, ngay, trong, xe, thay, cho, bữa.
Từ phức: ông chủ, tham dự, buổi họp, quan trọng, thành phố, ngoại ô, dừng lại, bánh ngọt, ăn trưa.
2. Lời kể trực tiếp : Chào chị ! Chị có phải là mẹ cháu Giêm-mi không ? Tôi đến đây để xin phép chị cho chúng tôi đưa Giêm-mi đi phẫu thuật để đôi chân cháu trở lại bình thưòng.
Thế điều kiện của ông là gì ? Đời này chẳng có ai có gì cho không cả.
3. Em chuyển như sau : Trên đường đi, Giêm-mi nói : “Cháu ước mơ sau này sẽ trở thành một doanh nhân thành đạt và sẽ giúp đỡ những người có hoàn cảnh không may mắn như cháu.”
4. Thấy cậu bé đi cà nhắc vì bị tật ở chân, ông chủ hỏi cậu bé có muốn đôi chân được lành lặn bình thường không ? Cậu bé trả lời là rất muốn.
III. CẢM THỤ VĂN HỌC
– Cho đi : Giúp đỡ ai đó.
– Nhận lại : Nhận sự cảm ơn của người mình đã giúp đỡ.
IV. TẬP LÀM VĂN
Đề bài 1:
Tôi là Giêm-mi, một doanh nhân. Tôi đang giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn ở trung tâm hỗ trợ. Tôi có được sự thành công như ngày hôm nay là do đã được một người giúp đỡ. Mời các bạn nghe câu chuyện của tôi :
Một ngày nọ, khi tôi đang chơi với bạn bè thì một chiếc xe đỗ lại ở gần chỗ chúng tôi. Chiếc xe cực kì sang trọng, kích thích tính hiếu kì của chúng tôi. Chúng tôi kéo đến vây quanh chiếc xe. Vì bị tật ở chân nên tôi đi chậm hơn và có vẻ hơi cà nhắc. Thấy tôi, người đàn ông trong xe ra ngoài, hỏi tôi :
– Cháu có muốn một đôi chân lành lặn không ?
– Có chứ ạ ! Nhưng tại sao ông lại hỏi thế ?
Tôi ngạc nhiên hỏi.
Chiều hôm đó, một người đàn ông lạ mặt đến nói chuyện với mẹ tôi về chuyện sẽ cho tôi đi phẫu thuật. Mẹ tôi không tin là người ta lại cho tôi phẫu thuật mà không có điều kiện gì nên đã hỏi lại. Sau một hồi người đàn ông ấy giải thích, bố mẹ tôi đã đồng ý. Kết quả cuộc phẫu thuật rất thành công. Tôi đã có đôi chân bình thường.
Đến bây giờ tôi vẫn không biết ai đã giúp tôi chữa bệnh. Nhưng tôi vẫn luôn ghi nhớ và biết ơn ân nhân của tôi.
(Thu Uyên)
Đề bài 2
Luân Đôn, ngày…
Thưa ngài,
Cháu là Giêm-mi, người đã được ngài giúp đỡ để phẫu thuật chân. Đầu tiên, cháu xin được gửi lời cảm ơn tới ngài. Nhờ có ngài giúp đỡ mà cháu đã có một đôi chân lành lặn để có thể đi lại bình thường và tự do đi chơi cùng bè bạn. Sau này cháu sẽ cố gắng trở thành một doanh nhân thành công và sẽ giúp đỡ những người có hoàn cảnh không may như cháu giống như ngài đã giúp cháu.
Cả gia đình cháu xin cám ơn ngài. Mong cho gia đình ngài luôn mạnh khoẻ, hạnh phúc, cầu Chúa cho ngài luôn thành công.
Cám ơn ngài !
Cháu
Giêm-mi
(Thu Uyên)