I. ĐỌC HIỂU
CÁI GIÁ CỦA SỰ TRUNG THỰC
Vào một buổi chiều thứ bảy đầy nắng ở thành phố Ô-kla-hô-ma, tôi cùng một người bạn và hai đứa con của anh đến một câu lạc bộ giải trí. Bạn tôi tiến đến quầy vé và hỏi : “Vé vào cửa là bao nhiêu ? Bán cho tôi bốn vé”.
Người bán vé trả lời : “3 đô la một vé cho người lớn và trẻ em trên sáu tuổi. Trẻ em từ sáu tuổi trở xuống được vào cửa miễn phí. Các cậu bé này bao nhiêu tuổi ?”
– Đứa lớn bảy tuổi và đứa nhỏ lên bốn. – Bạn tôi trả lời. – Như vậy tôi phải trả cho ông 9 đô la tất cả.
Người đàn ông ngạc nhiên nhìn bạn tôi và nói : “Lẽ ra ông đã tiết kiệm cho mình được 3 đô la. Ông có thế nói rằng đứa lớn chỉ mới sáu tuổi, tôi làm sao mà biết được sự khác biệt đó chứ !”
Bạn tôi từ tốn đáp lại : “Dĩ nhiên, tôi có thể nói như vậy và ông cũng sẽ không thể biết được. Nhưng bọn trẻ thì biết đấy. Tôi không muốn bán đi sự kính trọng của mình chỉ với 3 đô la”.
(Theo Pa-tri-xa Phơ-rip)
Khoanh tròn chữ cái trước cảu trả lời đúng :
1. Câu lạc bộ giải trí miễn phí vé cho trẻ em ở độ tuổi nào ?
a. Bảy tuổi trở xuống.
b. Sáu tuổi trở xuống.
c. Bốn tuổi trở xuống.
2. Người bạn của tác giả đã trả tiền vé cho những ai ?
a. Cho mình, cho bạn và cho cậu bé bảy tuổi.
b. Cho mình, cho cậu bé bảy tuổi và cậu bé bốn tuổi.
c. Cho mình, cho bạn và cho cậu bé bốn tuổi.
3. Người bạn của tác giả lẽ ra có thể tiết kiệm được 3 đô la bằng cách nào ?
a. Nói dối rằng cả hai đứa còn rất nhỏ.
Advertisements (Quảng cáo)
b. Nói dối rằng cậu bé lớn chỉ mới sáu tuổi.
c. Nói dối rằng cậu bé lớn chỉ mới năm tuổi.
4. Tại sao người bạn của tác giả lại không “tiết kiệm 3 đô la” theo cách đó ?
a. Vì ông ta rất giàu, 3 đô la không đáng để ông ta phải nói dối
b. Vì ông ta sợ bị phát hiện ra thì xấu hổ.
c. Vì ông ta là người trung thực và muốn được sự kính trọng của con mình.
5. Câu chuyện muốn nói với em điều gì ?
a. Cần phải sống trung thực, ngay từ những điều nhỏ nhất.
b. Cần phải sống sao cho con mình luôn kính trọng.
c. Không nên bán đi sự kính trọng của mình chỉ với 3 đô la.
II. LUYỆN TỪ VÀ CÂU
Em hãy tìm danh từ chung và danh từ riêng trong đoạn văn sau :
Nhiều người vẫn nghĩ loài cây bao báp kì diệu chỉ có ở châu Phi. Nhưng thực ra tại châu lục đen chỉ có duy nhất một loài bao báp. Còn trên đảo Ma-đa-ga-xca ở Ấn Độ Dương có tới tận bảy loài. Một loài trong số đó còn được trồng thành đồn điền, vì từ hạt của nó có thể chế được loại bơ rất ngon và bổ dưỡng.
Advertisements (Quảng cáo)
III. CẢM THỤ VĂN HỌC
Trong câu chuyện trên, người bạn của tác giả đã nói : “…Tôi không muốn bán đi sự kính trọng của mình chỉ với 3 đô la.” Em hiểu câu nói đó có ý nghĩa như thế nào ?
IV. TẬP LÀM VĂN
Đề 1. Có những câu chuyện về lòng trung thực mà nhân vật chính là những người sống quanh em. Hãy kể cho các bạn về một câu chuyện như thế và nêu cảm nghĩ của em.
Đề 2. Em hãy kể lại câu chuyện trên bằng lời nói của nhân vật người cha với lời mở đầu như sau :
“Tôi không muốn bán đi sự kính trọng của mình chỉ với 3 đô la”.
I. ĐỌC HIỂU
1. | 2. | 3. | 4. | 5. |
b | a | b | c | a |
II. LUYỆN TỪ VÀ CÂU
– Danh từ chung : người, loài, cây, bao báp, đảo, đồn điền, hạt, bơ.
– Danh từ riêng : châu Phi, Ma-đa-ga-xca, Ấn Độ Dương.
III. CẢM THỤ VĂN HỌC
Lòng trung thực là vô giá. Sự kính trọng của mọi người đối với mình là không thể mua được. Vì vậy, cần luôn sống trung thực ngay từ những điều nhỏ nhất.
IV. TẬP LÀM VĂN
Đề bài 1:
Cuối năm lớp 3, em và cả lớp được mẹ bạn Tiến Minh – Tiến Minh là một thành viên của lớp 3B chúng em – mời đi chơi ở khu sinh thái riêng nhà bạn ấy ở Việt Mường cùng bốn cô giáo cũ.
Em mong cả lớp cùng bốn cô giáo cùng đi nhưng lần đó chỉ có mười mấy bạn và cô Mỹ.
Đến khu sinh thái, em thấy rất nhiều điều thú vị. Em chơi ở đó rất vui và ăn những món ngon no căng cả bụng. Ăn xong em đi ngủ. Khoảng hai, ba giờ chiều, em cùng các bạn đi leo núi. Tuy mệt nhưng thật vui. Sau cuộc đi chơi đó, mọi căng thẳng trong một năm học được trút hết, nhường chỗ cho sự thoải mái.
Mấy ngày sau…
“Chán cậu quá đi mất”. – Giọng Việt Anh chế giễu. Hoá ra Việt Anh – đứa em kết nghĩa của em đang nói về Quang Huy – bạn trai ngồi bàn trên – không xin được bố mẹ cho đi chơi ở Việt Mường. Quang Huy nổi tiếng là người trung thực số một, trung thực đến nỗi Tiến Minh nói rằng ở Việt Mưòng có con chó béc-giê to đùng mà cũng tin, về nói với bố mẹ thế là không được đi ! Việt Anh kêu lên :
– Sao cậu ngốc thế ? Thì cậu cứ bịa ra ở đấy đẹp lắm, ăn miễn phí hay là cứ ghép cho chỗ đấy những thứ tốt nhất.
– Nhưng tớ chưa nghĩ ra gì cả. – Quang Huy ngây ngô đáp.
– Thì cậu về uống phờ-rít-ti mà cho trí tưởng tượng bay xa ! Nhưng dù sao cậu cũng ngốc ! – Việt Anh làu bàu nói.
Tiếc cho Quang Huy quá ! Thật là ngố. Mong lần sau bố mẹ Quang Huy sẽ cho bạn cùng đi với tập thể lớp. Nhưng dù sao tôi cũng đồng ý với Quang Huy : không được nói dối bố mẹ, dù chỉ là những chuyện nhỏ nhặt, vặt vãnh. Các bạn có đồng ý với tôi không ?
(Vũ Thu Lan)
Đề số 2:
“Tôi không muốn bán đi sự kính trọng của mình chỉ với 3 đô la”. Đó là điều mà tôi đã nói với người bán vé vào một buổi chiều thứ bảy đầy nắng ở thành phố Ô-kla-hô-ma, khi tôi cùng một người bạn và hai đứa con của tôi đến một câu lạc bộ giải trí. Tôi tiến đến quầy vé và hỏi : “Vé vào cửa là bao nhiêu ? Bán cho tôi bốn vé”.
Người bán vé trả lời : “3 đô la một vé cho người lớn và trẻ em trên sáu tuổi. Trẻ em từ sáu tuổi trở xuống được vào cửa miễn phí. Các cậu bé này bao nhiêu tuổi ?”
– Đứa lớn bảy tuổi và đứa nhỏ lên bốn. – Tôi trả lời. – Như vậy tôi phải trả cho ông 9 đô la tất cả.
Người đàn ông ngạc nhiên nhìn tôi và nói : “Lẽ ra ông đã tiết kiệm cho mình được 3 đô la. Ông có thế nói rằng đứa lớn chỉ mới sáu tuổi, tôi làm sao mà biết được sự khác biệt đó chứ !”
Tôi đã từ tốn đáp lại : “Dĩ nhiên, tôi có thể nói như vậy và ông cũng sẽ không thể biết được. Nhưng bọn trẻ thì biết đấy. Tôi không muốn bán đi sự kính trọng của mình chỉ với 3 đô la”.