Trang Chủ Lớp 4 Đề thi học kì 1 lớp 4

Đề thi học kì 1 Văn lớp 4: Em hiểu “ngước nhìn lên các vì sao” và “giữ cho đôi chân đứng vững trên mặt đất” ý nói gì ?

Em hiểu “ngước nhìn lên các vì sao”“giữ cho đôi chân đứng vững trên mặt đất” ý nói gì ?; Vì sao câu trả lời thích làm y tá của bé Li-da không làm mẹ vui lòng ? … trong Đề thi học kì 1 Văn lớp 4. Xem Đề và đáp án đầy đủ phía dưới đây

I. ĐỌC HIỂU

HÃY CỨ ƯỚC MƠ

      Mẹ của một bé gái 5 tuổi lanh lợi mới đi dự Hội nghị Phụ nữ về. Vốn đang phấn khích bởi những giấc mơ kì thú về năng lực của nữ giới – chủ đề chính của cuộc hội nghị – bà bèn hỏi con gái mình sau này lớn lên bé muốn làm nghề gì. Bé Li-da mau mắn đáp : “Dạ, làm y tá ạ !”

      Dạo ấy, y tá vẫn bị cho là nghề riêng của phụ nữ, thế nên câu trả lời trẻ thơ kia xem ra không làm bà mẹ vui lòng, dù sao thì bà cũng vừa mới đi dự hội nghị về năng lực của phụ nữ kia mà.

      – Con có thể làm bất cứ nghề gì con muốn. – Bà mẹ khơi gợi cho con gái. – Con có thể làm luật sư, bác sĩ phẫu thuật, làm một nhân viên ngân hàng hay tổng thống… Con có thể làm bất cứ thứ gì con thích.

      Bé Li-da hỏi lại : “Bất cứ thứ gì hả mẹ ?”

      – Ừ, làm bất cứ thứ gì, con ạ ! – Người mẹ mỉm cười.

      Bé Li-da reo lên : “Ồ, vậy thì hay quá ! Con muốn làm một chú ngựa con !”

      Đã hẳn là giấc mơ của cô bé kia cần thêm đôi chút chín chắn nữa, thế nhưng bạn có muốn mình có được tinh thần lạc quan như của cô bé ngây thơ mong muốn được làm một chú ngựa con tung tăng chạy nhảy trên thảm cỏ xanh, hít thở khí trời và những làn gió mát ; hơn là cứ bi quan ủ rũ và than vãn rằng : “Tôi chẳng làm được cái gì nên hồn cả !” hay không ?

      Tết-đi Ru-dơ-veo đã nói rằng : “Hãy cứ ngước nhìn lên các vì sao và nhớ giữ cho đôi chân vẫn đứng vững trên mặt đất”. Đó là một cách để biến ước mơ thành hiện thực. Nào, hãy bắt đầu bằng cách ngước nhìn lên và mơ tưởng về những điều đẹp nhất.

(Theo Một phút có thể thay đổi cuộc đời)

Khoanh tròn chữ cái trước câu trả lời đúng :

1. Vì sao câu trả lời thích làm y tá của bé Li-da không làm mẹ vui lòng ?

a. Vì bà mẹ thích con mình làm những nghề danh giá, hơn là làm những nghề mà xã hội chưa coi trọng.

b. Vì nghề đó rất vất vả.

c. Vì nghề đó không được trả lương cao.

Advertisements (Quảng cáo)

2. Mơ ước “được làm một chú ngựa con” cho thấy bé Li-da là một em bé như thế nào ?

a. Đó là một em bé yêu súc vật.

b. Đó là một em bé yêu thiên nhiên.

c. Đó là một em bé hồn nhiên, ngây thơ và lạc quan yêu đời.

3. Câu chuyện muốn nói với ta điều gì ?

a. Hãy luôn mơ ước tất cả mọi điều.

b. Hãy luôn sống lạc quan, luôn mơ ước và biết cách biến ước mơ trở thành hiện thực.

c. Hãy sống hồn nhiên ngây thơ như trẻ em.

II. LUYỆN TỪ VÀ CÂU

Gạch dưới động từ trong đoạn văn sau :.

Advertisements (Quảng cáo)

      Có thể cần phải xem lại giấc mơ đó của bé Li-da, nhưng bé vẫn còn đủ thời gian để lựa chọn. Khi nào thì chúng ta sẽ ngừng ước mơ và loại bỏ đi trong tim những mơ ước về tương lai ? Thật đáng sợ khi chúng ta không còn biết ước mơ nữa !

III. CẢM THỤ VĂN HỌC

      Tết-đi Ru-dơ-veo đã nói rằng : “Hãy cứ ngước nhìn lên các vì sao và nhớ giữ cho đôi chân vẫn đứng vững trên mặt đất.”

      Em hiểu “ngước nhìn lên các vì sao”“giữ cho đôi chân đứng vững trên mặt đất” ý nói gì ?

IV. TẬP LÀM VĂN

Đã có lần em mơ được làm thầy (cô) giáo. Ngày đầu tiên đứng lớp thật chẳng dễ dàng gì. Hãy tưởng tượng và kể lại ngày làm việc đó của em với giọng hài hước.


I. ĐỌC HIỂU

1. 2. 3.
a c b

II. LUYỆN TỪ VÀ CÂU

Các động từ là : có thể, xem lại, lựa chọn, ngừng, ước mơ, loại bỏ đi, biết.

   Có thể cần phải xem lại giấc mơ đó của bé Li-da, nhưng bé vẫn còn đủ thời gian để lựa chọn. Khi nào thì chúng ta sẽ ngừng ước mơloại bỏ đi trong tim những mơ ước về tương lai ? Thật đáng sợ khi chúng ta không còn biết ước mơ nữa !

III. CẢM THỤ VĂN HỌC

Ngước nhìn lên các vì sao ý nói ước mơ những điều cao đẹp, luôn khát khao những điều cao đẹp, thánh thiện.

Giữ cho đôi chân đứng vững trên mặt đất ý nói ước mơ gắn với thực tiễn không xa rời cuộc sống, và có những việc làm để biến ước mơ thành hiện thực.

IV. TẬP LÀM VĂN

Bài số 1:

     Hôm qua là một ngày đặc biệt : ngày mình trở thành cô giáo. Bà tiên đã biến ước mơ của mình thành hiện thực. Mình đã vui sướng biết bao nhiêu và chuẩn bị thật kĩ lưỡng cho buổi học hôm đó.

     Có khi nào các bạn hình dung ra những người bạn thân yêu của mình trong phút chốc trở thành những người học trò đáng mến của mình không? Mình vừa bước vào lớp, cả lớp đã đứng dậy chào như những người học trò ngoan làm mình luống cuống suýt nữa cũng nói : “Chúng em chào cô ạ !” thay cho câu “Cô chào các em !”. May mà kìm lại được. Nếu không, chắc “lũ học trò” sẽ cười vỡ bụng.

     Tiết học đầu, mình dạy tiết Tập đọc bài “Tre Việt Nam”. Lúc đầu mình nghĩ dạy tập đọc là dễ nhưng đến khi dạy mình mới thấy khó. Cả lớp im lặng nghe mình đọc mẫu. Mình vốn tự hào vì có giọng đọc hay, nhưng chết nỗi mình lại bị ngọng. Khi đọc đến câu ” Mà sao nên luỹ nên thành tre ơi” mình lại đọc thành “Mà sao lên lũy lên thành tre ơi” Có mấy đứa học trò bụm miệng cười làm mình xấu hổ, nóng bừng cả mặt. Đọc đi đọc lại mấy lần mà vẫn cứ sai nên mình đành lờ đi. Rồi mình giảng về ý nghĩa của bài thơ. Đang giảng bài thì thấy ở dưới ồn ào. Hoá ra là mình đang cầm ngược sách. Chẳng phải là mình không biết đọc đâu mà là do mình bắt chước để cho giống cô giáo đấy thôi, chứ bài này mình thuộc làu từ nhà rồi, chẳng nhìn sách cũng đọc được. Mình xấu hổ, ngượng, toát cả mồ hôi hột. Thế mới thấy làm cô giáo không đơn giản.

     Bài học trôi qua được một lúc thì lớp lại cứ nháo nhào lên. Cái Lan : “Thưa cô, bạn Đức lấy sách của em !”. Cái Hồng thì mách bạn Toàn huých vào tay làm nguệch chữ… Mọi lần, mình cũng giống bọn chúng, hở ra một tí là thưa gửi ngay. Nhưng giờ là “cô giáo”, mình chẳng biết giải quyết thế nào. Vừa phê bình em Đức thì lại đến em Toàn… Giờ học khép lại mà bài học vẫn chưa xong. Làm “cô giáo” mới có một lúc mà mình đã thấy thật là mệt.

    Tiết sau, mình dạy toán, bài “Tìm hai số khi biết tổng và tỉ số”. Mình vốn được cô giáo khen là có khả năng về toán nhưng không hiểu sao khi dạy mình lại lóng nga lóng ngóng thế. Có mấy phép tính đơn giản mà cũng nhầm. Lũ học trò thì ngơ ngác, “mắt chữ o mồm chữ i”. Mình chẳng thèm giảng nữa, cứ thế mà làm luôn bài tập trên bảng cho đỡ mất công. Khổ thân “bọn học trò”, chắc tối nay phải thức khuya mà xem lại bài…

   Thế đấy, một ngày làm “cô giáo” trôi qua với bao nhiêu cảnh dở khóc, dở cười. Thế mà trước đó, mình nghĩ được làm cô thì thích lắm, nói toàn điều hay lẽ phải, lũ học trò sẽ răm rắp nghe theo, nhìn cô đầy ngưỡng mộ. Nhưng tất cả đều không đơn giản như vậy. Thế nhưng mình vẫn yêu mến nghề này. Mình biết để được như cô giáo của mình, mình phải còn cố gắng rất nhiều. Nếu bạn không tin, bạn cứ thử một lần làm “cô giáo” như mình mà xem…

Bài số 2:

     Lúc đi học về em đã giúp một cụ bà qua đường. Thế là có một bà tiên hiện ra cho em một điều ước. Em liền ước mình được làm thầy giáo. Bà tiên khua cây đũa thần rồi hô : “Úm ba la ! Phép màu hiện ra !” Em thấy mình đã thành người lớn. Bà tiên lại khua đũa thêm lần nữa, em lại có cả đồ dùng, giáo án. Em thích quá, nhảy lên hét to, suýt nữa ngã nhào.

    Em đến trường dạy các em lớp Một, có em khóc thút thít, chắc vì chưa quen lớp. Em đến vỗ về : “Nín đi các con…”. Em vừa dứt lời, cả lớp đồng thanh thưa : “Vâng ạ”. Em suýt bật khóc khi thấy bọn trẻ thật tốt với mình. Tiết đầu tiên là tiết học văn. Vừa mở sách ra đã có nhiều tiếng rì rầm vang lên. Chúng nói chuyện nhao nhao. Em hét to lên : “Trật tự. Thầy khàn cả cổ rồi đây này!”. Một em đứng dậy nói : “Để em cho thầy một viên thuốc nhé”. Em nhận viên thuốc, sau đó mặt em đỏ bừng lên vì xấu hổ khi nhận ra từ nãy mình cầm sách ngược. Đến giờ ăn trưa, các em làm đổ cơm rất nhiều. Em phải cầm chổi đi quét và nghĩ : “Thật mệt !”. Đến tiết Thủ công, nhiều em vo viên giấy rồi ném ra lớp. Em phải nhặt để vứt vào thùng rác. Rất may là những tiết sau các em học rất ngoan. Bỗng tiếng trống vang lên. Em giật mình nghe tiếng gọi : “Đức, dạy đi học, con”. Thì ra, đó chỉ là một giấc mơ. Một giấc mơ thật thú vị.                                                                                                                   (Nguyễn Hải Đức)

Advertisements (Quảng cáo)