Trang Chủ Lớp 3 Đề thi học kì 2 lớp 3

Đề thi học kì 2 môn Tiếng Việt 3: Trên đường hành quân, anh bộ đội nghe thấy gì?

Đề kiểm tra học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 3:  Hãy tưởng tượng em là anh bộ đội trong bài “Tiếng gà trưa”, viết về cảm xúc của mình khi nghe tiếng gà xao động nắng trưa.

I. ĐỌC HIỂU

Đọc thầm bài thơ sau :

TIẾNG GÀ TRƯA

Trên đường hành quân xa

Dừng chân bên xóm nhỏ

Tiếng gà ai nhảy ổ :

“Cục, cục tác… cục ta…”

Nghe xao động nắng trưa

Nghe bàn chân đỡ mỏi

Nghe gọi về tuổi thơ.

Tiếng gà trưa

Ổ rơm hồng những trứng

Này con gà mái mơ

Khắp mình hoa đốm trắng

Này con gà mái vàng

Lông óng như màu nắng.

Cứ hằng năm, hằng năm

Khi gió mùa đông tới

Bà lo đàn gà toi

Mong trời đừng sương muối

Đế cuối năm bán gà

Cháu được quần áo mới.

Cháu chiến đấu hôm nay

Vì lòng yêu Tổ quốc

Vì xóm làng thân thuộc

Bà ơi, cũng vì bà

Vì tiếng gà cục tác

Ổ trứng hồng tuổi thơ.

(Xuân Quỳnh)

Advertisements (Quảng cáo)

Khoanh vào chữ cái trước câu trả lời đúng :

1. Trên đường hành quân, anh bộ đội nghe thấy gì ?

a. Tiếng gà nhảy ổ kêu cục tác, cục ta.

b. Tiếng người gọi.

c. Tiếng bước chân hành quân rầm rập.

2. Từ “nghe” được nhắc lại nhiều lần có tác dụng gì ?

a. Tả tiếng gà lan toả rất xa.

b. Nhấn mạnh sự tác động của tiếng gà đến tâm hồn anh bộ đội.

c. Tả tiếng gà ngân dài.

3. Anh bộ đội nhớ những gì ở quê nhà ?

a. Nhớ những quả trứng hồng trong ổ rơm.

b. Nhớ vẻ đẹp của những con gà mái.

c. Nhớ bạn bè học cùng một lớp.

d. Nhớ người bà tần tảo nuôi gà, chăm sóc cháu.

4. Anh bộ đội chiến đấu vì những mục đích gì ?

a. Để bảo vệ Tổ quốc thân yêu.

b. Để bảo vệ làng xóm thân thuộc.

c. Vì hạnh phúc của những người thân yêu như bà.

Advertisements (Quảng cáo)

d. Để trở thành một anh hùng.

e. Vì những điều giản dị như ổ trứng hồng và tiếng gà cục tác.

5. Vì sao anh bộ đội lại khẳng định anh chiến đấu vì “tiếng gà cục tác, ổ trứng hồng tuổi thơ” ?

II. LUYỆN TỪ VÀ CÂU

1. Dựa vào các câu thơ :

Này con gà mái mơ

Khắp mình hoa đốm trắng

Này con gà mái vàng

Lông óng như màu nắng

Hãy viết hai câu văn có sử dụng nhân hoá và so sánh :

a) Về con gà mái mơ.

b) Về con gà mái vàng.

2. Bộ phận được in đậm trong mỗi câu sau trả lời cho câu hỏi nào ?

a) Khi dừng chăn bên xóm nhỏ, nghe tiếng gà nhảy ổ, anh bộ đội đã nhớ về tuổi thơ ở quê hương.

A.Khi nào ?

B. Ở đâu ?

C. Làm gì ?

b) Xa nhà, xa quê lâu ngày, nghe thấy một tiếng gà, anh bộ đội thấy lòng thật xao xuyến.

A. Khi nào?

B. Ở đâu ?

C. Làm gì ?

3. Điền dấu phẩy vào những chỗ thích hợp trong hai câu sau :

a) Tiếng gà gợi cho anh bộ đội nhớ về những kỉ niệm tuổi thơ :ổ trứng hồng những con gà mái mơ những mùa đông sương muối bộ quần áo mới và hình ảnh người bà thân yêu.

b) Đối với anh tiếng gà nhảy ổ là tín hiệu của niềm vui của những điều tốt lành hạnh phúc.

III. LUYỆN NÓI – VIẾT

         Hãy tưởng tượng em là anh bộ đội trong bài “Tiếng gà trưa”, viết về cảm xúc của mình khi nghe tiếng gà xao động nắng trưa.


I. ĐỌC HIỂU

Câu 1 – a Câu 2 – b Câu 3 – a, b, d Câu 4 – a, b, c, e

5.

        Anh bộ đội chiến đấu vì “tiếng gà cục tác, ổ trứng hồng tuổi thơ” vì với anh đó là một phần của xóm làng thân thuộc, đó chính là cuộc sống êm ả, thanh bình. Ổ trứng hồng và tiếng gà là tuổi thơ vất vả nhưng tươi đẹp với tình yêu của người bà thân yêu. Với anh, đó là những gì đẹp đẽ, tốt lành. Tiếng gà cục tác và ổ trứng hồng tượng trưng cho hoà bình, sự yên ấm của quê hương, làng xóm. Với anh bộ đội, đó cũng là một phần của Tố quốc yêu thương.

(Theo Đặng Thị Ngàn)

II. LUYỆN TỪ VÀ CÂU

1. Hai câu văn có sử dụng nhân hoá và so sánh :

a) Chị gà mái hoa khoác trên mình chiếc áo điểm những đốm trắng như những bông hoa nhỏ.

b) Nàng gà mái có bộ lông màu vàng óng ánh như màu nắng.

2. a) A ;  b) A

3. Các câu văn đã được điền dấu phẩy như sau:

a) Tiếng gà gợi cho anh bộ đội nhớ  về những kỉ niệm tuổi thơ : ổ trứng hồng, những con gà mái mơ, những mùa đông sương muối, bộ quần áo mới và hình ảnh người bà thân yêu.

b) Đối với anh, tiếng gà nhảy ổ là tín hiệu của niềm vui, của những điều tốt lành, hạnh phúc.

III. LUYỆN NÓI – VIẾT

Bài tham khảo số 1:

            Trong vô vàn âm thanh của làng quê, với tôi, tiếng gà trưa có một sức lay động lớn. Khi nghe thấy tiếng gà “cục ta, cục tác”, tôi cảm thấy những nỗi khó khăn, gian khổ trên đường hành quân vơi đi gần hết. Tôi thấy cái nắng buổi trưa không còn oi ả, gay gắt nữa mà trở nên lung linh, xao động. Bàn chân phải leo qua bao nhiêu đồi núi, thác ghềnh giờ như đỡ mỏi. Đoạn đường hành quân như ngắn lại. Tiếng gà trưa đã làm thức dậy trong tôi bao kỉ niệm tuổi thơ. Tôi thấy hiện ra trước mắt mình hình ảnh những quả trứng hồng, những con gà mái mơ, những mùa đông sương muối, những bộ quần áo mới,… và cuối cùng là hình ảnh người bà tần tảo, thân thương của tôi.

Bài tham khảo số 2:

            Một buổi trưa hè, tôi hành quân qua một xóm nhỏ. Chợt vang lên trong không gian tiếng gà nhà ai “cục ta, cục tác”. Tiếng gà xé tan bầu không gian yên tĩnh. Giữa cái nắng chói chang, tôi thấy lòng mình xao động. Bao mệt mỏi của cuộc hành quân xa như vơi bớt trong tôi. Tiếng gà ùa vào lòng tôi nỗi nhớ quê da diết. Những kỉ niệm của tuổi thơ ào ạt trở về khi nghe tiếng gà “cục tác, cục ta”.

            Tiếng gà trưa, đó là những quả trứng hồng lên trong ổ rơm, là những con gà mái mơ đốm trắng khắp mình, là những chị mái vàng chơ nắng trên lưng. Tiếng gà trưa sao đáng yêu và thân quen đến thế. Tôi thấy bà tôi giữa đêm hôm đội gió, đội mưa lo che chắn cho đàn gà mỗi khi trời trở rét. Bà lo gà ốm cuối năm không bán được để lấy tiền mua cho tôi bộ quần áo mới. “Cục tác, cục ta !”; những cọng rơm vàng, dáng bà tần tảo, xóm làng thân thương hiện lên qua tiếng gà trưa ấy đã giúp tôi hôm nay cầm chắc thêm tay súng. Tôi sẽ chiến đấu đến cùng vì Tố quốc, vì quê hương, vì bà yêu thương, vì cả những tiếng gà trưa với ổ trứng hồng lên một tuổi thơ tôi.

Advertisements (Quảng cáo)