I. ĐỌC HIỂU
Đọc thầm bài văn sau:
THI NHẠC
Hôm nay, sau bao năm dốc toàn tâm lực dạy dỗ, giáo sư Vàng Anh tổ chức thi nhạc cho những học trò ông hằng yêu quý. Họ là Ve sầu, Dế Mèn, Gà Trống, Vịt, Hoạ Mi. Ông nghe tim đập hồi hộp.
Ve Sầu với đôi mắt nâu lấp lánh trình bày tác phẩm tốt nghiệp của mình bằng bản giao hưởng “Mùa hạ”. Gian phòng tràn ngập một âm thanh sáng chói, vi-ô-lông réo rắt, màu hoa phượng đỏ rực, nắng sáng trắng với bầu trời xanh mênh mông… Bản nhạc đã dứt từ lâu mà giáo sư Vàng Anh vẫn còn ngây người vì xúc động.
Gà Trống mở đầu khúc nhạc nhan đề “Bình minh” đầy hứng khỏi. “Tờ réc … tờ re … te te”. Dế Mèn khoẻ khoắn và trang nhã trong bộ đồ màu nâu cánh gián bắt đầu với bản giao hưởng “Mùa thu”. Những chiếc lá khô rơi trong nắng, nắng lung linh như những đợt suối nguồn. Lá vàng phủ hai bờ, tiếng gió xào xạc nói với lá. Giai điệu mùa thu khiến đôi mắt giáo sư nhoè đi vì sung sướng.
Nàng Hoạ Mi xuất hiện với tà áo tha thướt trình bày bản giao hưởng “Mùa xuân”. Những giọt mưa xuân nhẹ rơi, mầm cây hé nở, hoa đào rộ lên hoa mắt…
Cuối cùng là phần trình diễn của Vịt với tác phẩm “Ao nhà”. Phong cách biểu diễn lôi cuốn làm mọi người hào hứng vô tay nhịp theo “Quạc cò… quạc quạc !”. Âm nhạc diễn tả buổi sáng đẹp trời, mặt ao trong trẻo gợn lăn tăn.
Hội thi kết thúc, giáo sư Vàng Anh đứng lên, đôi mắt dịu dàng lướt trên mặt những đứa học trò ngoan. Giọng xúc động, giáo sư nói :
– Các con ! Ta rất vui lòng vì sự thành công của các con, cảm ơn các con đã cho ta niềm vui này. Ngày mai các con sẽ trở về với những miền quê yêu dấu của các con, chẳng còn ở bên ta nữa, nhưng lòng ta sẽ mãi dõi theo.
(Theo Nguyễn Phan Hách)
Khoanh vào chữ cái trước câu trả lời đúng :
Câu 1. Những học trò nào của giáo sư Vàng Anh tham gia cuộc thi ?
a Vẹ Sầu b. Dê Mòn
c. Gà Trông d. Khướu
e. Vịt g. Hoạ Mi
2. Dòng nào nêu đúng tôn các bản nhạc mà các học trò của giáo sư Vàng Anh đã biểu diễn trong cuộc thi ?
a. Mùa hạ, Mùa đông, Sân trường, Hoàng hôn.
b. Mùa hạ, Bình minh, Mùa thu, Mùa xuân, Ao nhà.
c. Bình minh, Ánh trăng, Mùa thu, Biển xanh.
3. Nối tên bản nhạc ở bên trái với nội dung miêu tả thích hợp ở bên phải để thấy vẻ đẹp của từng bản nhạc.
a) Mùa hạ |
1. Những giọt mưa xuân nhẹ rơi, mầm cây hé nở, hoa đào rộ lên hoa mắt. |
b) Mùa thu |
2. Âm thanh sáng chói, réo rắt, ánh sáng trắng với bầu trời xanh mênh mông. |
c) Mùa xuân |
3. Những chiếc lá khô rơi trong nắng, nắng lung linh như những đợt suối nguồn, lá vàng phủ hai bờ suối, gió xào xạc. |
Câu 4. Những từ ngữ, chi tiết nào cho thấy giáo sư Vàng Anh rất yêu mến và trân trọng tài năng của các học trò ?
a. Tim ông đập hồi hộp khi các học trò lên biểu diễn.
b. Ông hào hứng vỗ tay khi các học trò biểu diễn.
c. Ông ngây người vì xúc động khi Ve sầu biểu diễn xong bản nhạc “Mùa hạ”.
Advertisements (Quảng cáo)
d. Mắt giáo sư nhoè đi vì sung sướng khi nghe bản nhạc “Mùa thu” của Dế Mèn.
e. Ông nhìn học trò dịu dàng, xúc động nói ông rất vui vì sự thành công của họ và lòng mãi dõi theo họ.
5. Trong truyện “Thi nhạc” có nhiều màn biểu diễn hay, thú vị như bản giao hưởng “Mùa hạ” lấp lánh – của chàng Ve sầu, giao hưởng “Mùa thu” dịu dàng, trong trẻo của anh Dế Mèn hay giao hưởng “Mùa xuân” ngọt ngào, ấm áp của nàng Hoạ Mi. Em thích nhất tiết mục nào ? Hãy viết một đoạn văn ngắn nói lên cảm nhận của mình về tiết mục ấy.
II. LUYỆN TỪ VÀ CÂU
1. Dòng nào nêu các từ ngữ có trong bài thuộc chủ đề Âm nhạc ?
a. thi, tác phẩm, nhan đề, mùa hạ, thành công.
b. bản giao hưởng, âm thanh, vi-ô-lông, réo rắt, bản nhạc, khúc nhạc, giai điệu.
c. dạy dỗ, học trò, trình bày, tốt nghiệp, hứng khỏi.
2. Dòng nào nêu đúng các từ ngữ chỉ đặc điểm trong câu văn “Gian phòng tràn ngập một âm thanh sáng chói, vi-ô-lông réo rắt 7 màu hoa phượng đỏ rực, nắng sáng trắng với bầu trời xanh mênh mông?”
a. tràn ngập, âm thanh, màu, nắng, bầu trời.
b. sáng chói, hoa phượng, sáng, bầu trời, mênh mông.
c. sáng chói, réo rắt, đỏ rực, sáng trắng, xanh, mênh mông.
3. Điền vào chỗ trống bộ phận trả lời cho câu hỏi Vì sao ?
a. Ve Sầu, Gà Trống, Dế Mèn, Vịt, Hoạ Mi đều hồi hộp vì…
b. Mắt giáo sư Vàng Anh nhoè đi vì…
c. Giáo sư Vàng Anh nói : “Ta cảm ơn các con vì…”
Advertisements (Quảng cáo)
d. “Ngày mai các con chẳng ở bên ta nữa, nhưng lòng ta mãi dõi theo vì…”.
4. Điền dấu phẩy vào chỗ thích hợp trong đoạn văn sau :
Âm nhạc là một môn nghệ thuật có khả năng thật kì diệu. Những nốt nhạc trầm bổng những giai điệu du dương có sức lay động mạnh mẽ đến tâm hồn con người. Âm nhạc mang đến cho con người niềm vui và tình yêu cuộc sống. Khi ta vui âm nhạc giúp tâm hồn ta bay bổng hơn. Khi ta buồn âm nhạc an ủi giúp lòng ta thanh thản. Khi ta gặp bất hạnh âm nhạc xoa dịu nỗi đau trong tâm hồn ta.
III. LUYỆN NÓI – VIẾT
Buổi thi nhạc diễn ra như một ngày hội. Em hãy tưởng tượng mình cũng có mặt trong buổi thi nhạc hôm ấy, thuật lại một màn biểu diễn mà em thích nhất.
I. ĐỌC HIỂU
1. a, b, c, e, g ;
2. b ;
3. Nối a – 2 ; b – 3 ; c – 1 ;
4. a, c, d, e.
Câu 5.
Bài tham khảo số 1:
Ve Sầu biểu diễn bản giao hưởng “Mùa hạ”. Những âm thanh sáng chói, tiếng vi-ô-lông réo rắt, ánh sáng trắng với bầu trời xanh mênh mông đã làm em choáng ngợp. Chàng Ve Sầu tươi vui với đôi mắt nâu huyền lấp lánh. Giai điệu nóng cái nóng bỏng của mùa hè. Hoa nắng lung linh. Tất cả như làm em đắm say trong bản nhạc.
Bài tham khảo số 2:
Em yêu nhất bản giao hưởng “Mùa xuân” của chị Họa Mi xinh xắn. Âm thanh tuôn chảy dạt dào rực sáng cả đất trời. Mầm non hé nở đằm mình dưới làn mưa xuân ngọt ngào. Hoa đào ửng màu hồng của đôi má bé thơ. Em thấy mình đang đứng giữa vườn hoa xuân thơm dịu ấm nồng. Hoa Mi ơi ! Sao giai điệu của chị dịu dàng, thanh thoát thế ?
(Theo Đào Thị Yến)
Bài tham khảo số 3:
Bản giao hưởng “Mùa thu” của anh Dế Mèn là bản nhạc mà em mê nhất. Nó làm hiện ra trước mắt em bức tranh mùa thu thơ mộng, tươi đẹp. Âm thanh trong trẻo, mượt mà, quyến rũ như tiếng bước chân nhón nhẹ. Lá khô giòn đuổi nhau trong ánh nắng lung linh. Những chiếc lá vàng ngoan ngoãn nép mình hai bên bờ suối. Chị gió thủ thỉ chuyện trò với lá thu. Chao ôi ! Khúc nhạc thu quả thực là khúc nhạc thân thiện !
II. LUYỆN TỪ VÀ CÂU
1. b
2. c.
3.
a. Ve Sầu, Gà Trống, Dế Mèn, Vịt, Hoạ Mi đều hồi hộp vì sắp sửa bước vào cuộc thi.
b. Mắt giáo sư Vàng Anh nhoè đi vì xúc động.
c. Giáo sư Vàng Anh nói : “Ta cảm ơn các con vì các con đã cho ta niềm vui này.“
d. “Ngày mai các con chẳng ở bên ta nữa, nhưng lòng ta mãi dõi theo vì ta luôn yêu qúy các con.“.
4. Đoạn văn sau khi đã điền dấu phẩy :
Âm nhạc là một môn nghệ thuật có khả năng thật kì diệu. Những nốt nhạc trầm bổng, những giai điệu du dương có sức lay động mạnh mẽ đến tâm hồn con người. Âm nhạc mang đến cho con người niềm vui và tình yêu cuộc sống. Khi ta vui, âm nhạc giúp tâm hồn ta bay bổng hơn. Khi ta buồn, âm nhạc an ủi, giúp lòng ta thanh thản. Khi ta gặp bất hạnh, âm nhạc xoa dịu nỗi đau trong tâm hồn ta.
III. LUYỆN NÓI – VIẾT
Bài tham khảo số 1:
Tôi xin kể lại cho các bạn nghe tiết mục biểu diễn của chú Ve Sầu đáng yêu. Ve sầu bước ra sân khấu, mỉm cười chào khán giả, tiếng vỗ tay rào rào. Ve sầu tấu lên bản giao hưởng “Mùa hạ”, cả núi rừng như chìm ngập trong ánh sáng lấp loáng. Tiếng vi-ô-lông réo rắt mời gọi gió về. Nắng hồn nhiên vô tư nhảy nhót trên cành lá. Trời xanh thẳm, mây tím biếc quấn quýt quay cuồng trong vũ điệu nóng bỏng. Bản nhạc kết thúc trong sự cổ vũ nồng nhiệt của mọi người, giáo sư Vàng Anh rưng rưng niềm xúc động nghẹn ngào. Cho đến lúc này, khi kể cho các bạn nghe, tôi vẫn thấy lòng mình xúc động. Thật là một màn biểu diễn tuyệt vời, phải không các bạn ?
(Theo Đào Thị Yến)
Bài tham khảo số 2:
Màn biểu diễn của Dế Mèn thật đặc biệt. Hôm đó, anh Dế oai phong lắm. Anh bước lên sân khấu với đôi càng mẫm bóng, đôi mắt kiêu hãnh tự tin. Thân hình cường tráng của anh nổi bật trong bộ đồ nâu cánh gián trang nhã. Đáp lại tiếng reo hò của mọi người, anh háo hức tấu lên bản giao hưởng “Mùa thu” dịu dàng, đằm thắm. Khi âm thanh vừa cất lên, nàng thu như trở về trong nhịp bước khoan thai, dìu dặt. Từng đợt sóng lá khô đuổi nhau rơi trong nắng. Lá vàng ngoan ngoãn ôm ấp nhau ngủ hai bên bờ cỏ. Gió thu xào xạc thầm thì với lá. Cả núi rừng sáng rực một màu vàng. Khán giả say mê tận hưởng giai điệu ngọt ngào.
Bài tham khảo số 3:
Nàng Hoạ Mi dịu dàng, xinh xắn, thướt tha trong tà áo dài mềm mại bước ra sân khấu. Khi nàng tấu lên bản giao hưởng “Mùa xuân”, cả đất trời trở nên tinh khiết, dịu dàng đến kì lạ. Giọt mưa xuân lất phất. Mầm non ngây thơ lim dim mắt. Hoa đào kiêu hãnh căng mình uống bao mật ngọt ấm áp của trời xuân. Bản giao hưởng “Mùa xuân” kết thúc từ lâu mà khán giả vẫn còn đắm say, ngây ngất.
Các bạn có cảm nhận được mùa xuân tươi mới đang về đó không ?
(Theo Đào Thị Yến)