Chương II Cấu trúc của tế bào SBT Sinh lớp 10. Giải bài 19, 20, 21, 22, 23 trang 44, 45, 46 Sách bài tập Sinh học 10.Câu 19: Liệt kê các đặc điểm giống nhau của vi khuẩn, ti thể và lục lạp…
Bài 19: Liệt kê các đặc điểm giống nhau của vi khuẩn, ti thể và lục lạp.
Điểm giống nhau của vi khuẩn, ti thể, lục lạp :
– Có kích thước xấp xỉ như nhau.
– Có màng kép.
– Chứa ADN, ARN, Ribôxôm, các enzim, Prôtêin.
– Chứa ADN trần, dạng vòng, không liên kết với prôtêin histôn.
– Chứa Ribôxôm loại 70S.
– Có khả năng chuyển hoá vật chất và năng lượng.
– Có khả năng tự nhân đôi một cách độc lập theo kiểu phân đôi.
Bài 20: a) Nêu các chức năng của không bào.
b) Hãy cho biết chức năng của không bào ở : tế bào lông hút của rễ ; tế bào cánh hoa ; tế bào đỉnh sinh trưởng ; tế bào lá cây của một số loại cây mà động vật không dám ăn.
– Không bào là bào quan khá lớn dễ nhận thấy và có nhiều chức năng trong tế bào thực vật :
+ Không bào được bao bọc bởi một lớp màng, bên trong là dịch không bào chứa các chất hữu cơ và các ion khoáng tạo nên áp suất thẩm thấu của tế bào.
+ Một số tế bào cánh hoa của thực vật có không bào chứa các sắc tố làm nhiệm vụ thu hút côn trùng đến thụ phấn.
+ Một số không bào lại chứa các chất phế thải độc hại, thậm chí rất độc đối với các loài ăn thực vật. Một số loài thực vật lại có không bào để dự trữ chất dinh dưỡng.
+ Một số tế bào động vật có không bào bé, các nguyên sinh động vật thì có không bào tiêu hoá phát triển.
Advertisements (Quảng cáo)
– Chức năng không bào ở:
+ Tế bào lông hút của rễ chứa các chất khoáng, chất tan tạo thấu giúp tế bào hút được chất khoáng và nước.
+ Tế bào cánh hoa có không bào chứa sắc tố thu hút côn trùng thụ phấn.
+ Tế bào lá cây của một sô loài tích các chất độc có tác dụng bảo vệ cây.
+ Tế bào đỉnh sinh trưởng có không bào tích đầy nước làm tế bào dài nên sinh trưởng nhanh.
Bài 21: Hình sau đây mô tả cấu trúc màng sinh chất.
a) Hãy chú thích cho các số 1, 2, 3, 4, 5, 6.
b) Nêu chức năng của màng sinh chất.
a) Chú thích :
1. Glicôprôtêin.
Advertisements (Quảng cáo)
2. Cacbohiđrat.
3. Côlestêrôn.
4. Prôtêin xuyên màng.
5. Prôtêin bám màng.
6. Phôtpholipit.
b) Chức năng của màng sinh chất :
– Là ranh giới giới hạn giữa tế bào với bên ngoài làm cho tế bào là một đơn vị cấu trúc.
– Giúp tế bào trao đổi chất với môi trường một cách có chọn lọc.
– Tiếp nhận và truyền thông tin từ ngoài vào trong tế bào.
– Chứa các dấu chuẩn glicôprôtêin giúp tế bào nhận biết ra các tế bào cùng cơ thể và nhận biết các tế bào lạ.
– Là nơi định vị của nhiều loại enzim.
– Ghép nối các tế bào thành mô.
Bài 22: Tại sao người ta cho rằng lục lạp và ti thể có nguồn gốc từ tế bào nhân sơ ?
Lục lạp và ti thể có thể có nguồn gốc từ sinh vật nhân sơ vì có nhiều đặc điểm giống với vi khuẩn :
– Có kích thước gần tương đương với vi khuẩn.
– Có Ribôxôm 70S.
– Ti thể và lục lạp có bộ máy di truyền riêng, là ADN trần dạng vòng, có khả năng nhân đôi độc lập với ADN NST của tế bào. Cấu trúc gen cũng giống gen của vi khuẩn.
– Người ta cho rằng ti thể có nguồn gốc từ vi khuẩn dị dưỡng, lục lạp có nguồn gốc từ vi khuẩn tự dưỡng cộng sinh nội bào với tế bào nhân thực.
Bài 23: Mô tả cấu trúc và chức năng của màng sinh chất. Tại sao khi ghép nối các mô và cơ quan từ người này sang người kia, thì cơ thể người nhận lại có thể nhận biết cơ quan lạ và đào thải các cơ quan lạ đó.
– Cấu trúc : Theo Singơ và Nicônsơn, màng sinh chất có cấu trúc khảm động (mô hình khảm động). Màng sinh chất có lớp kép phôtpholipit dày khoảng 9 nm và nhiều loại prôtêin khảm trong lớp kép đó. Liên kết với các phân tử prôtêin và lipit còn có các phân tử cacbohiđrat. Ngoài ra, màng sinh chất ở tế bào động vật còn có thêm nhiều phân tử côlestêrôn có tác dụng tăng cường sự ổn định của màng sinh chất.
– Chức năng :
+ Màng sinh chất là ranh giới bên ngoài và là bộ phận chọn lọc các chất từ môi trường đi vào tế bào và ngược lại.
+ Màng sinh chất đảm nhận nhiều chức năng quan trọng của tế bào như : vận chuyển các chất, tiếp nhận và truyền thông tin từ bên ngoài vào trong tế bào, là nơi định vị của nhiều loại enzim, các prôtêin màng làm nhiệm vụ ghép nối các tế bào trong một mô…
– Màng sinh chất có các “dấu chuẩn” là glicôprôtêin đặc trưng cho từng loại tế bào. Nhờ vậy, các tế bào của cùng một cơ thể có thể nhận biết ra nhau và nhận biết được các tế bào “lạ” (tế bào của cơ thể khác). Vì vậy, khi ghép nối các mô và cơ quan từ người này sang người kia, thì cơ thể người nhận lại có thể nhận biết cơ quan lạ và đào thải các cơ quan lạ đó.