Phần I. Khởi động:
Câu 1: Nói về việc làm của em được thầy cô khen.
Những việc làm của em được thầy cô khen đó là: Được điểm tốt, tiến bộ trong học tập, chấp hành tốt nội quy của trường lớp, hăng hái phát biểu xây dựng bài, giúp đỡ bạn bè,….
Câu 2: Em cảm thấy thế nào khi được thầy cô khen?
Khi được thầy cô khen, em cảm thấy rất vui.
Phần II. Bài đọc:
MỘT GIỜ HỌC
Thầy giáo nói: “Chúng ta cần học cách giao tiếp tự tin. Vì thế hôm nay chúng ta sẽ tập nói trước lớp về bất cứ điều gì mình thích.”.
Quang được mời lên nói đầu tiên. Cậu lúng túng, đỏ mặt. Quang cảm thấy nói với bạn bên cạnh thì dễ, nhưng nói trước cả lớp thì sao mà khó thế. Thầy bảo: “Sáng nay ngủ dậy, em đã làm gì? Em cố nhớ xem.”.
Quang ngập ngừng, vừa nói vừa gãi đầu: “Em…”.
Thầy giáo nhắc: “Rồi gì nữa?”.
Quang lại gãi đầu: “À… ờ… Em ngủ dậy.”. Và cậu nói tiếp: “Rồi… ờ…”.
Thầy giáo mỉm cười, kiên nhẫn nghe Quang nói. Thầy bảo: “Thế là được rồi đấy!”.
Advertisements (Quảng cáo)
Nhưng Quang chưa chịu về chỗ. Bỗng câu nói to: “Rồi sau đó… ờ… à…”. Quang thở mạnh một hơi rồi nói tiếp: “Mẹ… ờ… bảo: Con đánh răng đi. Thế là em đánh răng.”. Thầy giáo vỗ tay. Cả lớp vỗ tay theo. Cuối cùng, Quang nói với giọng rất tự tin: “Sau đó bố đưa em đi học.”.
Thầy giáo vỗ tay. Các bạn vỗ tay theo. Quang cũng vỗ tay. Cả lớp tràn ngập tiếng vỗ tay.
(Theo Tốt-tô-chan, cô bé bên cửa sổ)
Từ ngữ
– Lúng túng: không biết nói hoặc làm như thế nào.
– Kiên nhẫn: tiếp tục làm việc đã định mà không nản lòng.
Phần III. Trả lời câu hỏi:
Câu 1: Trong giờ học, thầy giáo yêu cầu cả lớp làm gì?
Advertisements (Quảng cáo)
Trong giờ học, thầy giáo yêu cầu học sinh tập nói trước lớp về bất kì điều gì mình thích để học cách giao tiếp tự tin.
Câu 2: Vì sao lúc đầu Quang lúng túng?
Lúc đầu Quang lúng túng là bởi vì Quang thiếu tự tin trước mọi người.
Câu 3: Theo em, điều gì khiến Quang trở nên tự tin?
Quang trở nên tự tin hơn là do có thầy giáo và các bạn trong lớp kiên nhẫn lắng nghe và động viên bạn ấy tiếp tục phần nói của mình.
Câu 4: Khi nói trước lớp, em cảm thấy thế nào?
Khi nói trước lớp, em cảm thấy khá hồi hộp và bối rối. Nhưng luyện tập nhiều lần, dần dần em đã cảm thấy tự tin hơn khi nói trước lớp.
Phần IV. Luyện tập dựa vào văn bản đọc
Câu 1: Tìm những câu hỏi có trong bài đọc. Đó là câu hỏi của ai dành cho ai?
Những câu hỏi có trong bài là:
– Sáng nay ngủ dậy, em đã làm gì?
– Rồi gì nữa?
=> Đó là những câu hỏi của thầy giáo dành cho Quang
Câu 2: Đóng vai các bạn và Quang, nói và đáp lời khen khi Quang trở nên tự tin.
Đóng vai bạn của Quang, nói và đáp lời khen:
Bạn: Quang ơi, hôm nay cậu đã tự tin hơn rất nhiều, cậu nói tốt lắm!
Quang: Cảm ơn bạn nhé! Mình sẽ cố gắng hơn nữa!
Ghi nhớ
– Nội dung chính: Sự thay đổi từ rụt rè, xấu hổ đến tự tin hơn để thể hiện bản thân mình trong một giờ học. – Liên hệ: Chúng ta cần chăm chỉ học tập, rèn luyện bản thân mình để có thể tự tin khi đứng trước đông người và thể hiện bản thân mình. |