Phần I. Bài đọc
Vầng trăng của ngoại
1. Nghỉ hè, ba má cho chị em My về quê với ông ngoại nửa tháng. Sáng sớm, My và Bin được tiếng gáy của chú gà trống đánh thức. Hai chị em vùng dậy, gấp chăn màn thật nhanh, rồi ra sân tập thể dục với ông.
Ăn sáng xong, ba ông cháu ra vườn, quét lá rụng, vun gốc cây, tìm những trái cây chín vàng.
Buổi tối, ba ông cháu kê chõng tre ra sân. Ông dạy chị em My tìm các vì sao trên trời. Mãi đến khuya, hai chị em mới chịu vào nhà và lập tức chìm vào giấc ngủ.
2. Có đêm, My chợt tỉnh giấc, thấy một quầng sáng bên bàn. Mắt nhắm mắt mở, cô bé gọi:
– Ngoại ơi, trăng này!
Ông ngoại dịu dàng:
– Ngủ đi con! Đèn bàn của ông đấy mà.
My tỉnh hẳn. Cô bé nhìn chiếc đèn được che cẩn thận. Hoá ra ông đang khâu lại cái quần của cu Bin bị rách. Cô bé mỉm cười:
– Ngoại ơi, hoá ra đấy là vầng trăng của ngoại!
Theo LÊ THANH NGA
– Chõng: đồ dùng bằng tre nứa, để nằm hoặc ngồi, hình dáng giống cái giường nhưng hẹp và thấp hơn.
– Quầng sáng: vùng sáng toả rộng quanh một vật phát sáng trong đêm.
– Ngoại: ông ngoại hoặc bà ngoại (gọi tắt).
Advertisements (Quảng cáo)
Phần II. Đọc hiểu
Câu 1: Nghỉ hè, ba má cho chị em My về quê ở với ai?
Nghỉ hè, ba má cho chị em My về quê ở với ông ngoại.
Câu 2: Hằng ngày, ba ông cháu làm gì?
Những việc mà ba ông cháu đã làm hằng ngày là:
– Ban ngày: thức dậy, gấp chăn màn, tập thể dục, ăn sáng, chăm sóc vườn cây (quét lá rụng, vun gốc cây, tìm những trái cây chín vàng)
– Buổi tối: kê chõng tre ra sân ngồi tìm những vì sao
Câu 3: Quầng sáng My nhìn thấy khi tỉnh giấc là gì? Chọn ý đúng:
a) Vầng trăng lọt vào nhà.
Advertisements (Quảng cáo)
b) Ánh trăng chiếu vào nhà.
c) Ánh sáng từ chiếc đèn bàn của ông.
Quầng sáng My nhìn thấy khi tỉnh giấc là ánh sáng từ chiếc đèn bàn của ông.
Chọn đáp án: c
Phần III. Luyện tập
Câu 1: Đặt một câu nói về tình cảm của ông với hai cháu thể hiện qua câu chuyện trên.
– Ông ngoại rất thương hai cháu.
– Ông ngoại rất quan tâm và chăm sóc hai cháu.
Câu 2: Dùng từ chỉ đặc điểm, nêu nhận xét của em về câu nói của bạn My:
“Ngoại ơi, hoá ra đấy là vầng trăng của ngoại!”.
(M) Câu nói của bạn My rất hay!
– Câu nói của bạn My thật dễ thương!
– Câu nói của bạn My thật đáng yêu!
Câu 3: Dấu câu nào phù hợp với ô trống: dấu chấm hay dấu chấm hỏi?
Trung mới vào lớp 1 nên chưa biết viết□ Em nhờ chị viết giúp lá thư thăm ông bà□ Chị viết xong, hỏi:
– Em còn muốn thêm gì nữa không□
– Chị viết thêm cho em: Cháu xin lỗi ông bà vì chữ cháu còn xấu ạ.
Trung mới vào lớp 1 nên chưa biết viết. Em nhờ chị viết giúp lá thư thăm ông bà. Chị viết xong, hỏi:
– Em còn muốn thêm gì nữa không?
– Chị viết thêm cho em: Cháu xin lỗi ông bà vì chữ cháu còn xấu ạ.