Trang Chủ Bài tập SGK lớp 2 Tiếng Việt 2 - Cánh Diều

Soạn bài Câu chuyện bó đũa Tiếng Việt 2 cánh diều

Trả lời câu hỏi đọc hiểu – luyện tập Câu chuyện bó đũa trang 138, 139 Tiếng Việt lớp 2 tập 1 SGK Cánh Diều

Phần I. Bài đọc

Câu chuyện bó đũa

1. Ngày xưa, ở một gia đình kia, có hai anh em. Lúc nhỏ, anh em rất hoà thuận. Khi lớn lên, anh có vợ, em có chồng, tuy mỗi người một nhà nhưng vẫn hay va chạm.

2. Thấy các con không yêu thương nhau, người cha rất buồn phiền. Một hôm, ông đặt một bó đũa và một túi tiền trên bàn, rồi gọi các con, cả trai, gái, dâu, rể lại và bảo:

– Ai bẻ gãy được bó đũa này thì cho thưởng cho túi tiền.

Bốn người con lần lượt bẻ bó đũa. Ai cũng cố hết sức mà không sao bẻ gãy được. Người cha bèn cởi bó đũa ra, rồi thong thả bẻ gãy từng chiếc một cách dễ dàng.

3. Thấy vậy, bốn người con cùng nói:

– Thưa cha, lấy từng chiếc mà bẻ thì có khó gì!

Người cha liền bảo:

Đúng. Như thế là các con đều thấy rằng chia lẻ ra thì yếu, hợp lại thì mạnh. Vậy các con phải biết thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. Có đoàn kết thì mới có sức mạnh.

Theo Ngụ ngôn Việt Nam

Va chạm: ý nói cãi nhau vì những điều nhỏ nhặt.

Đùm bọc: giúp đỡ, che chở.

Phần II. Đọc hiểu

Câu 1: Thấy các con không hòa thuận, người cha gọi họ đến, bảo họ làm gì?

Advertisements (Quảng cáo)

Thấy các con không hòa thuận, người cha gọi họ đến, bảo họ rằng nếu ai bẻ gãy được bó đũa này thì cha thưởng cho túi tiền.

Câu 2: Vì sao không người con nào bẻ gãy được bó đũa? Chọn ý đúng:

a) Vì họ cầm cả bó đũa mà bẻ.

b) Vì họ bẻ từng chiếc một.

c) Vì họ bẻ không đủ mạnh.

Không người con nào bẻ gãy được bó đũa vì họ cầm cả bó đũa mà bẻ.

Chọn đáp án: a

Advertisements (Quảng cáo)

Câu 3: Người cha bẻ gãy bó đũa bằng cách nào?

Người cha bẻ gãy bó đũa bằng cách cởi bó đũa ra rồi bẻ gãy từng chiếc một cách dễ dàng.

Câu 4: Qua câu chuyện, người cha muốn khuyên các con điều gì?

Qua câu chuyện, người cha muốn khuyên các con rằng: Chia lẻ ra thì yếu, hợp lại thì mạnh. Thế nên anh em trong nhà phải biết yêu thương, đùm bọc và đoàn kết với nhau.

Phần III. Luyện tập

Câu 1: Các dấu phẩy trong câu sau có tác dụng gì?

Ông cụ bèn gọi con trai, con gái, con dâu, con rể đến khuyên răn.

Em xác định xem các từ con trai, con gái, con dâu, con rể thuộc loại từ gì, dấu phẩy đặt giữa các từ này để làm gì?

Dấu phẩy trong câu đã cho có tác dụng ngăn cách giữa các từ cùng chỉ người.

Câu 2: Cần thêm dấu phẩy vào những chỗ nào trong câu in nghiêng?

Anh Sơn đố Linh: “Đố em xe nào được đi trên vỉa hè?”. Linh lẩm nhẩm: “Xe máy xe đạp xe xích lô xe bò…”, rồi lắc đầu:

– Không xe nào được đi trên vỉa hè đâu. Vìa hè là của người đi bộ.

– Xe nôi được đi trên vỉa hè, em ạ.

Theo sách Ngụ ngôn hè phố

Anh Sơn đố Linh: “Đố em xe nào được đi trên vỉa hè?”. Linh lẩm nhẩm: “Xe máy, xe đạp, xe xích lô, xe bò…”, rồi lắc đầu:

– Không xe nào được đi trên vỉa hè đâu. Vỉa hè là của người đi bộ.

– Xe nôi được đi trên vỉa hè, em ạ.

Advertisements (Quảng cáo)