“Khi trông thấy điều gì đó, bạn có thể không hiểu gì về nó lắm. Nhưng nếu bạn hiểu điều gì đó, bạn sẽ thấy nó rất rõ ràng.”
Sự hiểu biết = quá trình tri giác để nhận thức sự việc một cách thấu đáo.
Biết và hiểu
Nhiều bạn trẻ cứ cho rằng biết tức là hiểu. Họ nghĩ rằng khi biết nhiều thứ, họ trở nên thông thái và hiểu được mọi sự. Tuy nhiên, người cho rằng mình biết nhiều thứ đâu thật sự làm bài tập hay bài thi tốt hơn những người hiểu được bài học?
Vậy thì “biết” và “hiểu” khác nhau như thế nào?
Khi người ta “biết” một điều gì, họ nắm được vấn đề đó và có thể là một vài chi tiết khác về nó. Còn khi “hiểu”, có nghĩa là họ nhận thức rõ những gì đang diễn ra và nắm được ngọn ngành của vấn đề. Khi hiểu về một quá trình, một khái niệm hay sự việc nào đó, người ta sẽ biết cách vận dụng kiến thức ấy để hoàn thành mục tiêu của mình. Ngoài ra, hiểu một điều gì đó còn có nghĩa là có thể áp dụng nó vào thực tế. Đây chính là sự khác biệt chính giữa biết và hiểu.
Các bạn học sinh, sinh viên thường ghi nhớ nội dung và công thức của bài học mà không thực sự hiểu rõ về chúng. Đó là lý do các bạn không thể trả lời các câu hỏi trong bài kiểm tra và bài thi khi các câu hỏi đó được thể hiện ở một dạng khác nhằm kiểm tra khả năng áp dụng công thức của người học.
Một cách hay để kiểm tra mình có hiểu bài không, đó là áp dụng kiến thức đã được học. Bạn có thể thực hiện điều này bằng việc trả lời các câu hỏi kiểm tra, giải các đề thi thử, hay thảo luận sâu hơn với thầy cô và bạn bè.
Vậy nên lần tới khi bạn nói: “Tôi biết…”, thì hãy tự vấn bản thân mình: “Mình có thực sự hiểu rõ hay không?” nhé!
Câu chuyện ở tiệm cắt tóc
Một vị khách đang cắt tóc ở tiệm thì có một cậu bé bước vào. Ngay lập tức, người thợ cắt tóc thầm thì với ông:
Advertisements (Quảng cáo)
- Đây là cậu bé ngốc nhất thế giới đấy. Để tôi cho ông xem nhé!
Anh ta gọi cậu bé tới gần và một tay cầm tờ tiền một đô la, tay kia giữ hai đồng 25 xu, rồi hỏi cậu bé:
- Này nhóc, cháu thích tờ nào hơn?
Không do dự, cậu bé cầm lấy hai đồng 25 xu rồi đi mất.
- Thấy chứ? Tôi đã nói rồi mà. – Người thợ cắt tóc nói. – Cậu bé này chẳng học được gì cả. Cậu ta luôn như vậy đấy!
Khi rời khỏi tiệm cắt tóc, vị khách thấy cậu bé vừa bước ra khỏi cửa hàng bán kem. Ông bước đến gần và hỏi:
- Này chú nhóc, cho ta hỏi cháu một câu nhé? Tại sao cháu không lấy tờ một đô la mà chỉ lấy 25 xu?
Cậu bé nhìn ông, liếm que kem của mình và mỉm cười lém lỉnh:
- Dạ, là vì khi cháu lấy tờ một đô la cũng là lúc trò chơi kết thúc!
Ý nghĩa của câu chuyện này: ai mới chính là người hiểu rõ trò chơi?
Đạt đến sự thông hiểu
Chúng ta đã bàn đến điểm khác biệt giữa biết và hiểu, vậy thì câu hỏi cần giải đáp tiếp theo là: Vậy làm cách nào để đạt đến sự thông hiểu?
Advertisements (Quảng cáo)
Để trả lời cho câu hỏi này, trước hết chúng ta hãy hỏi bản thân động lực của việc học đối với mình là gì. Có phải vì muốn đạt được điểm cao trong các kỳ thi? Hay bởi chúng ta thực sự thấy hứng thú và muốn học hỏi những điều mới mẻ?
Nếu là lý do thứ nhất, cách tiếp cận của chúng ta sẽ tập trung vào các chủ đề quan trọng và thiết yếu của bài học, học thật kỹ chúng để làm bài thi cho thật tốt. Thường thì chúng ta không học vượt quá những gì được dạy trong chương trình hay những kiến thức cần thiết cho kỳ thi. Thế nên trong một chừng mực nào đó, việc học và hiểu của chúng ta sẽ bị giới hạn. Điều này là hoàn toàn dễ hiểu, bởi sự hạn chế về thời gian và lượng thông tin cần thiết trong các kỳ thi.
Tuy nhiên, nếu động cơ của chúng ta là để thỏa mãn tính tò mò, ham học hỏi của mình, thì thường chúng ta học là để hiểu. Điều này có nghĩa là chúng ta sẽ liên hệ kiến thức được dạy vào các tình huống cụ thể hoặc liên hệ chúng với kiến thức sẵn có của mình. Chúng ta sẽ thấy những thông tin đó quan trọng thế nào trong cuộc sống thường nhật để vận dụng chúng vào chính cuộc sống của chúng ta.
Lấy ví dụ, Toàn học về hệ tiêu hóa bằng cách ghi nhớ hình vẽ trong sách giáo khoa. Trong khi Thủy thì lại tò mò về điều mới mẻ này và tìm đọc thêm ở sách khác để tìm ra lý do vì sao bụng mình lại sôi lên mỗi khi đói. Khi làm như vậy, cô bé đã áp dụng kiến thức đã học vào cuộc sống.
Hiểu được ngữ cảnh
Ngữ cảnh rất quan trọng khi chúng ta muốn hiểu một khái niệm hay ý nghĩa nào đó. Nó còn đặc biệt quan trọng hơn đối với việc hiểu nghĩa của từ khi chúng được sử dụng trong nhiều trường hợp khác nhau. Ví dụ như từ “jam” khi sử dụng trong các câu sau lại có ý nghĩa hoàn toàn khác nhau:
- He was caught in a traffic jam.
- He spread the jam on the bread.
- He jammed his finger accidentally
- He went to the studio to jam with the band
Với câu 1,”jam” có nghĩa là bị kẹt, hoặc không thể di chuyển được. Vì vậy, câu này có nghĩa anh ta bị chậm trễ vì tình trạng giao thông. Trong câu 2, “jam” có nghĩa là món mứt trái cây có thể dùng để ăn được. Còn ở câu 3, “jam” liên quan tới một vết thương. Từ “jam” trong câu 4 dùng để chỉ việc chơi nhạc.
Ví dụ ở trên cho ta thấy chỉ một từ đơn giản như “jam” đã chuyển tải nhiều nghĩa khác nhau. Thế nên khi học hoặc tìm hiểu một khái niệm nào đó, chúng ta cần hiểu rõ về ngữ cảnh để có một cách hiểu rõ ràng, chính xác.
Từ dữ liệu thô đến sự hiểu biết
Khi chúng ta thu thập tin tức từ xung quanh, dạng tin tức này được gọi là dữ liệu thô. Khi chúng ta sắp xếp dữ liệu thô theo một ý đồ riêng của ta, thì chúng trở thành thông tin. Và khi xử lý thông tin và học cách sử dụng chúng, thông tin lúc này trở thành kiến thức. Chúng ta chỉ có thể đạt đến sự hiểu biết thấu suốt khi thường xuyên áp dụng kiến thức của mình và học hỏi từ những sai lầm, những kinh nghiệm đã qua.
Tiến trình đi từ dữ liệu thô cho đến sự thấu suốt thực sự không dễ dàng, nhưng hoàn toàn xứng đáng. Trên thực tế, cuộc sống xung quanh ta ẩn chứa toàn những điều kỳ diệu với vô số kiến thức lý thú để khám phá nên ta sẽ không chấp nhận mãi là con ếch ngồi đáy giếng nếu như ta muốn tiến lên.
Thuộc bài… nhưng có thực sự hiểu bài không?
Duy là một học sinh siêng năng. Cậu rất cần mẫn học hành và luôn ôn bài rất kỹ mỗi ngày. Ấy vậy mà Duy lại luôn gặp khó khăn trong các bài kiểm tra. Dù cho có cố gắng và nỗ lực đến thế nào đi nữa, thì cậu vẫn luôn phải đánh vật một cách khổ sở với các câu hỏi kiểm tra.
Khi cô giáo trò chuyện với Duy để tìm hiểu lý do vì sao kết quả của cậu không cao, cô phát hiện ra rằng dù luôn học rất chăm chỉ, nhưng Duy lại không hiểu bài một cách cặn kẽ. Cậu chỉ học gạo cho các kỳ kiểm tra chứ không thật sự nắm rõ bài học. Dù bỏ ra hàng giờ để học bài, việc hiểu bài của cậu cũng chẳng tiến triển là mấy. Và vì không hiểu rõ nội dung bài học, nên Duy gặp rắc rối trong việc trả lời các câu hỏi kiểm tra độ hiểu bài của học sinh.
Hiểu và ghi nhớ
Ghi nhớ nghĩa là lưu giữ lại thông tin để sử dụng sau này. Khi ghi nhớ thông tin, ta đơn giản chỉ giữ lại chúng trong đầu, và điều này có nghĩa là ta sẽ không xử lý chúng. Thế nên thông tin trong trạng thái này vẫn ở dạng “thô”. Và dù thông tin vẫn còn ở đó, ta cũng không thể áp dụng chúng vào vấn đề gặp phải.
Điều đáng nói ở việc ghi nhớ là chúng ta thường để mặc hàng tấn thông tin chưa xử lý ngổn ngang đến nỗi chúng lấp đầy tâm trí chúng ta. Điều này có hại hơn là có lợi, bởi chúng ta không thể sử dụng những thông tin có sẵn trong đầu mình để đáp ứng nhu cầu của mình hay trả lời bất kỳ câu hỏi nào.
Càng hiểu, thì chúng ta càng không cần phải ghi nhớ.
Kết luận
Khi hiểu rõ vấn đề và biết cách áp dụng kiến thức của mình, thì đó là một bước tiến đến thành công.