Trang Chủ Bài tập SGK lớp 9 Soạn văn lớp 9 - Ngắn gọn

Soạn bài Cách làm bài nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ trang 79 Văn 9 ngắn gọn: Phân tích khổ thơ đầu bài Sang thu của Hữu Thỉnh

Soạn bài Cách làm bài nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ môn Ngữ văn lớp 9 trang 79 (ngắn gọn). Phân tích khổ thơ đầu bài Sang thu của Hữu Thỉnh.  “Sang thu” là một áng thơ xinh xắn dâng tặng Nàng Thu của một thi nhân – một thi nhân yêu quý mùa thu như bao thi nhân khác – Hữu Thỉnh…

Bài nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ cần được bố cục mạch lạc theo các phần :

+ Mở bài : Giới thiệu đoạn thơ, bài thơ và bước đầu nêu nhận xét, đánh giá của mình. (Nếu phân tích một đoạn thơ nên nêu rõ vị trí của đoạn thơ ấy trong tác phẩm và khái quát nội dung cảm xúc của nó.)

+ Thân bài: Lần lượt trình bày những suy nghĩ, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ, bài thơ.

+ Kết bài: Khái quát giá trị, ý nghĩa của đoạn thơ, bài thơ.

Bài nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ cần nêu lên dược các nhận xét, đánh giá và sự cảm thụ riêng của người viết. Những nhận xét, đánh giá ấy phải gắn với sự phân tích, bình giá ngôn từ, hình ảnh, giọng diệu, nội dung cảm xúc,… của tác phẩm.

I. Tìm hiểu đề bài nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ

a. Các đề bài trong SGK có cấu tạo chia làm hai loại

– Một loại đề có những từ ngữ chỉ rõ cách thức tiến hành bài làm: phân tích, cảm nhận và suy nghĩ, cảm nhận, gợi cho em những suy nghĩ gì,…

– Một loại đề không có những từ ngữ định hướng: đề số 4, đề số 7.

b. Các từ ngữ trong đề bài như: phân tích, cảm nhận suy nghĩ biểu thị những yêu cầu định hướng cách làm bài.

* Trường hợp không có những từ ngữ chỉ định, người viết phải tự xác định việc bày tỏ ý kiến, đánh giá của mình về vấn đề được nêu ra trong đề bài.

II. Cách làm bài nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ.

a. – Các phần của văn bản:

+ Mở bài (từ đầu đến “thành công khởi đầu rực rỡ”): giới thiệu về nhà thơ và bài thơ.

+ Thân bài (từ “Nhà thơ đã viết” tới “thành thực của Tế Hanh”): phân tích vẻ đẹp của hình ảnh đoàn thuyền đánh cá ra khơi và cảnh đoàn thuyền đánh cá lúc trở về.

+ Kết bài (phần còn lại): nếu lên giá trị của bài thơ đối với người đọc trong việc bồi đắp tình yêu quê hương.

– Các ý kiến trên được dẫn dắt, khẳng định qua việc chọn, phân tích những  câu thơ tiêu biểu.

Advertisements (Quảng cáo)

b. Văn bản có sức thuyết phục bởi vì:

– Hệ thống luận điểm rõ ràng, hợp lí.

– Người viết đã đưa ra những nhận xét, những cảm thụ của riêng mình.

– Giọng văn truyền cảm, lôi cuốn.

III. Luyện tập

Phân tích khổ thơ đầu bài Sang thu của Hữu Thỉnh.

Advertisements (Quảng cáo)

Bài tham khảo:

    “Sang thu” là một áng thơ xinh xắn dâng tặng Nàng Thu của một thi nhân – một thi nhân yêu quý mùa thu như bao thi nhân khác – Hữu Thỉnh. Bài thơ có khổ thơ mở đầu thật hay:

                  “Bỗng nhận ra hương ổi

                   Phả vào trong gió se

                   Sương chùng chình qua ngõ

                   Hình như thu đã về”.

     Những câu thơ mở đầu bài thơ giản dị đến bất ngờ: “Bỗng nhận ra hương ổi – Phả vào trong gió se”.

     “Bỗng” là bỗng nhiên, là bất ngờ, bất chợt. Đặt chữ “bỗng” ở đầu khổ thơ, đầu bài thơ để  tất cả giác quan của ta được đánh động, phải giật mình mà chú ý đón nhận mọi biến đổi của đất trời. Biến đổi đầu tiên thu hút sự chú ý của nhà thơ là mùi hương nồng nàn của trái ổi chín thơm lừng. Ổi đã bắt đầu ủ mình để chín tự bao giờ và cũng lặng lẽ toả hương tự bao giờ nhưng vào khoảnh khắc này hương ổi mới đủ nồng nàn đánh thức giác quan của thi nhân. Hương thơm ấy rất mạnh, rất nồng nàn, ngào ngạt có vậy mới “phả vào trong gió se”. Ổi phải chín đến nhường nào, thơm ngon đến nhường nào hương thơm của nó mới đủ mạnh để tạo ra một sự lan toả như vậy trong không gian. Thứ hương thơm ấy lại lan toả trong làn gió se nhè nhẹ ren rét. “Gió se” là gió heo may, chúng đến với nhân gian vào mỗi dịp đầu thu làm tẽ tê, gai gai những cánh tay trần mềm mại. Trước Cách mạng, Xuân Diệu đã từng mang gió se đến cho người đọc với những thoáng rùng mình ớn lạnh: “Những luồng run rẩy rung rinh lá”. Nhưng câu thơ của Hữu Thình lai dắt mùa thu đến bên ta êm ái, dịu dàng biết bao. Viết về những làn sương mùa thu, nhà thợ cũng có cách viết thật duyên dáng: “Sương chùng chình qua ngõ”. “Chùng chình” là cố ý làm chậm lại. Thủ pháp nhân hoá đã biến sương thành những cô bé, cậu bé nghịch ngợm đung đưa náu mình trong ngõ xóm, chùng chình chẳng muốn tan đi.

     Làng quê yêu mến dìu bước chản thi nhân đi từ hương ổi đến gió se… Rồi khi lạc giữa làn mây sớm chùng chình thì nhà thơ không nén nổi niềm xúc động, ông khe khẽ thì thầm: “Hình như thu đã về”. Từ “hình như” diễn tả tâm trạng ngỡ ngàng băn khoăn rất tinh tế của nhà thơ khi ngỡ ngàng nhận ra “thu đã về”.

     Khổ thơ đầu tiên của bài thơ “Sang thu” đặc biệt dịu dàng tinh tế, nó diễn tả những biến đổi tinh vi của đất trời và lòng người trong thời khác giao mùa được chờ đợi rất nhiều trong năm: từ hạ chuyển sang thu. Khổ thơ đã góp phần quan trọng tạo nên bài thơ “Sang thu”, một áng thơ thu duyên dáng và tài tình trong thi đề mùa thu quen thuộc của văn học Việt Nam.

Advertisements (Quảng cáo)