I. ĐỌC HIỂU
HỌC ĐÀN – HÃY HỌC IM LẶNG TRƯỚC
Bét-tô-ven (1770 – 1825) là nhạc sĩ thiên tài người Đức. Ngay từ khi còn rất nhỏ, ông đã trải qua những năm tháng khổ luyện cùng âm nhạc. Mỗi ngày, Bét-tô-ven phải học 12 tiếng với đủ các loại đàn. Sau 12 tiếng âm nhạc, cậu bắt đầu học thêm tiếng La tinh và các kiến thức phổ thông khác. Cậu đàn mải miết, ngón tay tê đi thì ngâm vào nước lạnh, mắt mỏi thì vã nước vào… Bét-tô-ven đã thực sự bỏ mọi trò chơi trẻ nhỏ để học đàn.
Người thầy đầu tiên của cậu là một nghệ sĩ trong dàn nhạc. Trong tuần học đầu tiên, thầy giáo dạy cậu tính kiên nhẫn. Suốt cả tuần, thầy chỉ dạy cậu đúng một nốt nhạc. Bét-tô-ven đánh nốt nhạc, âm thanh vang lên. Thầy hỏi :
– Con thấy âm thanh lan xa tới đâu ?
– Con không thấy ạ !
– Con đánh lại đi và cố gắng nghe xem âm thanh này lan toả tới đâu.
Cậu làm lại và chú ý lắng nghe. Cậu cảm thấy âm thanh dường như vang xa ra tận ô cửa sổ, điều mà xưa nay cậu chưa từng thấy. Điều mới mẻ này khiến cậu phấn chấn. Cậu đánh tiếp nốt nhạc, lần này dường như nó lan toả xa hơn ô cửa sổ, nó hoà với bầu trời ngoài kia. Thầy giáo gật đầu :
– Âm thanh của con đã tìm được sự tự do rồi ! Hãy ghi nhớ : Mọi bản nhạc đều được sáng tạo ra trong sự tĩnh lặng sâu nhất của tâm hồn. Hãy học sự im lặng đầu tiên.
Năm 8 tuổi, sau hàng trăm đêm miệt mài tập đàn. Bét-tô-ven đã có buổi biểu diễn trước công chúng. Sau buổi biểu diễn, khán giả đã phải trầm trồ : đúng là cậu bé có nghị lực tập luyện. Không lâu sau, ông đã trở thành thần đồng âm nhạc thế giới.
(Uyên Khuê)
Khoanh tròn chữ cái trước câu trả lời đúng :
1. Cậu bé Bét-tô-ven trong câu chuyện đã phải khổ luyện như thế nào mới thành tài ?
a. Đàn mải miết, ngón tay tê đi thì ngâm vào nước lạnh, mắt mỏi thì vã nước vào.
b. Đàn suốt ngày suốt đêm không được ngủ.
c. Đàn đến mức ngất xỉu.
2. Tại sao thầy giáo lại chỉ dạy cậu một nốt nhạc trong suốt tuần học đầu tiên ?
a. Vì thầy giáo muôn cậu lắng nghe hơi thở của chính mình.
b. Vì thầy giáo muôn cậu rèn luyện tính cẩn thận.
c. Vì thầy giáo muốn cậu cảm nhận được sự lan toả của âm thanh.
Advertisements (Quảng cáo)
3. Nội dung câu chuyện này là gì ?
a. Ca ngợi cậu bé Bét-tô-ven đã kiên trì khổ luyện, hi sinh cả tuổi thơ tập luyện đàn để thành tài.
b. Ca ngợi thầy trò Bét-tô-ven đã kiên trì tập luyện đàn.
c. Ca ngợi người thầy giáo đã dạy cho cậu bé Bét-tô-ven biết lắng nghe âm thanh.
II. LUYỆN TỪ VÀ CÂU
1. Đọc đoạn văn sau, xác định các câu kể Ai làm gì? và tìm chủ ngữ của các câu đó.
Để mau chóng biến con mình thành thần đồng, cha cậu đã mời rất nhiều thầy dạy nhạc. Người thầy đầu tiên là một nghệ sĩ trong dàn nhạc. Cha cậu đưa thầy giáo về nhà trong lúc Bét-tô-ven đang mải chơi một khúc nhạc trên vi-ô-lông. Cậu sốt sắng ngồi vào đàn ngay.
2. Đặt câu với các từ ngữ sau để có câu kể Ai làm gì ?
a) Cậu bé Bét-tô-ven
b) Thầy giáo của cậu
3. Tìm trong câu chuyện trên những từ ngữ nói lên sự tài giỏi của cậu bé Bét-tô-ven.
III. CẢM THỤ VĂN HỌC
Đọc đoạn văn sau :
Bét-tô-ven đánh nốt nhạc, âm thanh vang lên. Thầy hỏi :
Advertisements (Quảng cáo)
– Con thấy âm thanh lan xa tới đâu ?
– Con không thấy ạ !
– Con đánh lại đi và cố gắng nghe xem âm thanh này lan toả tới đâu.
Cậu làm lại và chú ý lắng nghe. Cậu cảm thấy âm thanh dường như vang xa ra tận ô cửa sổ, điều mà xưa nay cậu chưa từng thấy. Điều mới mẻ này khiến cậu phấn chấn. Cậu đánh tiếp nốt nhạc, lần này dường như nó lan toả xa hơn ô cửa sổ, nó hoà với bầu trời ngoài kia. Thầy giáo gật đầu :
– Âm thanh của con đã tìm được sự tự do rồi! Hãy ghi nhớ – Mọi bản nhạc đều được sáng tạo ra trong sự tĩnh lặng sâu nhất của tâm hồn. Hãy hoc sự im lặng đầu tiên.
Em hiểu thế nào là học sự im lặng ? Theo em, vì sao thầy giáo lại cho rằng “Mọi bản nhạc đều được sáng tạo ra trong sự tĩnh lặng sâu nhất của tâm hồn. ”
IV. TẬP LÀM VĂN
Đề 1. Viết một đoạn mở bài và kết bài cho bài văn tả đồ dùng học tập mà em thích nhất.
Đề 2. Em hãy viết phần mở bài và kết bài cho bài văn tả con tò he sau đây :
Được làm từ bột nếp, những con tò he rất mềm và dẻo. Để cầm được những con tò he, người ta phải xâu vào chúng những chiếc que bằng tre. Bằng đôi bàn tay khéo léo, những người bán hàng (theo em phải gọi là nghệ nhân mới đúng !) đã nặn ra những con tò he đủ các sắc màu, đủ các loại. Nào tò he hoa hồng, tò he ông tiên, Tôn Ngộ Không, siêu nhân… Con nào cũng đẹp và sống động như thật.
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1 – a | Câu 2 – c | Câu 3 – a |
II. LUYỆN TỪ VÀ CÂU
1. Các câu Ai làm gì? và chủ ngữ là những từ được gạch chân:
Để mau chóng biến con mình thành thần đồng, cha cậu đã mời rất nhiều thầy dạy nhạc. Cha cậu đưa thầy giáo về nhà trong lúc Bét-tô-ven đang mải chơi một khúc nhạc trên vi-ô-lông. Cậu sốt sắng ngồi vào đàn ngay.
2.
a) Cậu bé Bét-tô-ven đàn mải miết
b) Thầy giáo của cậu chỉ dạy cậu đúng một nốt nhạc
3. Những từ ngữ nói lên sự tài giỏi của cậu bé Bét-tô-ven: thần đồng, thiên tài
III. CẢM THỤ VĂN HỌC
– Học sự im lặng là học cách lắng nghe, cảm thụ cái hay cái đẹp của âm thanh.
– Có thấy, có hiểu được cái hay, cái đẹp của âm thanh thì mới sáng tác được những giai điệu hay.
IV. TẬP LÀM VĂN
Đề 1
– Mở bài : Năm học mới đã đến rồi ! Năm nào bố mẹ cũng mua cho em những đồ dùng học tập mới. Hôm nay, bố cho em đi nhà sách Tiền Phong ở phố Lý Thường Kiệt để sắm đồ dùng học tập. Ở gian thứ ba có một chiếc bút mực kẻ đen trắng bóng loáng rất đẹp nên bố đã mua cho em.
– Kết bài : Em rất yêu quý chiếc bút mực. Em nghĩ bút là “chiếc cày” của các cô cậu học trò chăm chỉ, siêng năng, cần cù làm việc suốt ngày. Em sẽ giữ gìn chiếc bút như một người bạn thân của tuổi học trò.
(Đỗ Hoàng Oanh)
Đề 2
– Mở bài : Vào một ngày chủ nhật đẹp trời. Bố mẹ cho em đi Cung thiếu nhi Hà Nội. Hôm đó là ngày Phết-ti-van đàn pi-a-nô. Em rất vui sướng vì được xem buổi biểu diễn này. Bỗng em nhìn thấy một hàng tò he do một ông cụ bán.
– Kết bài : Em nghĩ nặn tò he là một loại nghệ thuật đặc sắc, độc đáo. Những ai làm được quả là có một đôi bàn tay vàng.
(Đỗ Hoàng Oanh)