Trang Chủ Lớp 4 Đề thi học kì 2 lớp 4

Đề kiểm tra học kì 2 – Tiếng Việt 4: Tác giả trong câu chuyện gặp khó khăn gì khi viết tiểu luận?

Đề kiểm tra học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 4: Theo em, vì sao trong câu chuyện trên tác giả lại nói : “Đó là giây phút làm cuộc đời tôi thay đổi”

I. ĐỌC HIỂU

NIỂM TIN CỦA TÔI

         Chưa bao giờ tôi nghĩ là mình có khả năng viết lách. Việc viết một bài thơ, một bài tiểu luận đối với tôi còn khó hơn cả việc “lên rừng, xuống biển”. Thế nhưng tôi lại rất yêu thích công việc này, nên quyết định tham gia một lớp học rèn luyện kĩ năng sáng tác.

        Cuối khoá học, thầy giáo đề nghị mỗi học sinh phải viết một bài tiểu luận dài mười lăm trang với đề tài thuyết phục khách hàng mua sản phẩm. Tôi thật sự căng thẳng và lo lắng khi nghe yêu cầu đó.

        Sau khi tôi đứng nói chuyện điện thoại cho một người bạn nhờ giúp đỡ, một người phụ nữ đã ái ngại nói với tôi :

        – Cô triển khai đề tài đó không đúng rồi !

        Rồi bà nhiệt tình hướng dẫn tôi cách xây dựng và phát triển dàn ý của một bài tiểu luận. Tôi đã học được những kĩ năng, kinh nghiệm viết lách mà tôi chưa bao giờ biết đến. Tôi hỏi :

        – Bà học cách viết ở đâu mà thông thạo vậy ?

        – Đó là nghề của tôi mà. Tôi là một biên tập viên, đang làm ở nhà xuất bản ở Ha-cua (Hacourt).

        Vào cái ngày tôi đưa cho bà bài luận dài mười lăm trang của mình, tôi lo lắng và hồi hộp một cách khó tả. Tôi quan sát rất kĩ từng biểu hiện trên khuôn mặt của bà khi bà đọc bài luận của tôi. Cuối cùng bà cũng đọc xong. Tôi nín thở chờ đợi…

        – Nếu tôi là người chấm điểm, tôi sẽ cho cô điểm xuất sắc.

        – Gì cơ ? Bà nói thật đó chứ ? – Tôi ngạc nhiên thốt lên.

        – Đương nhiên rồi. Bài làm thật xuất sắc.

        Đó là giây phút làm cuộc đời tôi thay đổi. Cảm giác tự tin như một luồng điện chạy khắp cơ thể. Tôi tin rằng những gì bà nói là sự thật.

        Sau này, tôi đã viết thêm nhiều cuốn sách, nhưng cuốn sách đầu tay của tôi là dành tặng riêng bà, dành tặng cho người đầu tiên khơi dậy những khả năng tiềm ẩn trong tôi, là người đã tạo cho tôi sự tự tin để thể hiện chính mình trên những trang viết.

(Nhã Khanh)

Khoanh tròn chữ cái trước câu trả lời đúng .

1. Tác giả trong câu chuyện gặp khó khăn gì khi viết tiểu luận ?

a. Đề bài ra quá khó nên không biết triển khai đề tài như thế nào.

b. Nghĩ rằng mình không có khả năng viết lách.

c. Có quá ít thời gian dành cho việc viết bài.

2. Điều gì đã giúp tác giả hoàn thành bài luận ?

a. Được một người bạn yêu sách giúp đỡ.

b. Được các bạn cùng lớp giúp đỡ.

c. Được một biên tập viên giỏi hướng dẫn và động viên.

3. Điều gì đã khiến tác giả thay đổi hẳn cuộc đời và trở thành một nhà văn ?

a. Những lời động viên, khen ngợi của người biên tập.

Advertisements (Quảng cáo)

b. Những kiến thức thu được sau khoá học.

c. Năng lực của chính tác giả.

4. Câu chuyện muốn nói với em điều gì ?

a. Hãy biết khơi gợi những khả năng tiềm ẩn của người khác bằng những lời động viên chân thành của mình.

b. Hãy luôn khen ngợi người khác.

c. Hãy tự tin vào chính bản thân mình.

II. LUYỆN TỪ VÀ CÂU

1. Nêu rõ tác dụng của dấu ngoặc kép trong các câu sau :

          Chưa bao giờ tôi nghĩ là mình có khả năng viết lách. Việc viết một bài thơ, một bài tiểu luận đối với tôi còn khó hơn cả việc “lên rừng, xuống biển”. Thế nhưng tôi lại rất yêu thích công việc này, nên quyết định tham gia một lớp học rèn luyện kĩ năng sáng tác… “Viết bài cho mọi người đọc” – điều này cứ ám ảnh tôi mãi. Chắc chắn tôi không thể làm tốt bài tiểu luận này. Chắc chắn cả lớp sẽ giễu cợt điểm kém của tôi.

2. Trong những trường hợp sau, các câu hỏi dùng để làm gì ?

a) Tôi không biết làm cách nào để vượt qua sự bế tắc này… Tôi chợt nghĩ đến một người bạn rất yêu sách. Biết đâu cô ấy có thể giúp tôi được chăng ?

b) Khi tôi dợm bước đi, bà ái ngại nhìn tôi rồi nói :

– Cô triển khai đề tài đó không đúng rồi !

– Sao cơ ? Bà đã nghe hết câu chuyện của tôi ư ? -Tôi cảm thấy bối rối và khó chịu.

c) Bà nhiệt tình hướng dẫn tôi cách xây dựng và phát triển dàn ý của một bài tiểu luận. Tôi đã học được những kĩ năng, kinh nghiệm viết lách mà tôi chưa bao giờ biết đến. Tôi hỏi :

– Bà học cách viết ở đâu mà thông thạo vậy ?

d) Cuối cùng bà cũng đọc xong. Tôi nín thở chờ đợi…

Advertisements (Quảng cáo)

– Nếu tôi là người chấm điểm, tôi sẽ cho cô điểm xuất sắc.

– Gì cơ ? Bà nói thật đó chứ ? – Tôi ngạc nhiên thốt lên.

3. Tìm các danh từ, động từ, tính từ trong đoạn văn sau :

       Vào cái ngày tôi đưa cho bà bài luận dài mười lăm trang của mình, tôi lo lắng và hồi hộp một cách khó tả. Tôi quan sát rất kĩ từng biểu hiện trên khuôn mặt của bà khi bà đọc bài luận của tôi. Cuối cùng bà cũng đọc xong. Tôi nín thở chờ đợi…

        – Nếu tôi là người chấm điểm, tôi sẽ cho cô điểm xuất sắc.

        – Gì cơ ? Bà nói thật đó chứ ? – Tôi ngạc nhiên thốt lên.

        –  Đương nhiên rồi. Bài làm thật xuất sắc.

        Đó là giây phút làm cuộc đời tôi thay đổi. Cảm giác tự tin như một luồng điện chạy khắp cơ thể. Tôi tin rằng những gì bà nói là sự thật.

4. Sắp xếp các từ sau vào các cột cho phù hợp :

Từ ghép phân loại

Từ ghép tổng hợp

Từ láy

    viết lách, rèn luyện, căng thẳng, lo lắng, công cộng, thao thao, ái ngại, bối rối, may mắn, sẵn sàng, hồi hộp, chờ đợi, luồng điện, ám ảnh, tê cứng, ngón tay, chắc chắn, dàn ý.

III. CẢM THỤ VĂN HỌC

Theo em, vì sao trong câu chuyện trên tác giả lại nói : “Đó là giây phút làm cuộc đời tôi thay đổi”

IV. TẬP LÀM VĂN

Đề 1. Viết đoạn văn tả một thứ đồ chơi dân gian mà em biết.

Đề 2. Viết một lá thư gửi cho một người đặc biệt để nói về ước mơ của em.


I. ĐỌC HIỂU

Câu 1 – b Câu 2 – c Câu 3 – a Câu 4 – a

II. LUYỆN TỪ VÀ CÂU

1. Dấu ngoặc kép dùng để trích dẫn lời nhân vật.

2.

a) Câu hỏi để tự hỏi mình.

b) Câu hỏi tỏ thái độ khó chịu.

c) Câu hỏi dùng để hỏi điều muốn biết.

d) Câu hỏi tỏ thái độ ngạc nhiên.

3.

Danh từ Động từ Tính từ
ngày, bài luận, cách, trang, biểu hiện, khuôn mặtđiểm, bài làm, giây phút, cuộc đờicảm giác, luồng điện, cơ thể, sự thật. đưa cho, lo lắng, hồi hộp, quan sátđọcnín thởchờ đợi, chấm, cho, ngạc nhiên, thốt, làm, thay đổi, chạy, tin, nói, ngạc nhiên. kĩ, dài, khó tả, xuất sắc, thật, tự tin

4. 

Từ ghép phân loại

Từ ghép tổng hợp

Từ láy

 luồng điện, ngón taydàn ý

viết lách, rèn luyện, tê cứng, chờ đợi.

 lo lắng, thao thao, ái ngại, bối rối, may mắn, sẵn sàng, hồi hộp, ám ảnh, chắc chắn, căng thng, công cộng.

III. CẢM THỤ VĂN HỌC

      Vì nhờ có giây phút nghe được những lời động viên đó, tác giả đã tự tin hẳn lên, những khả năng tiềm ẩn đã được phát huy để từ đó trở đi mạnh dạn viết, mạnh dạn thể hiện được mình trên những trang viết.

IV. TẬP LÀM VĂN

Đề 1

      Mười ba tháng tám âm lịch hàng năm, em lại cùng gia đình đi sắm tiết. Ở phố Hàng Mã có rất nhiều đồ chơi, nhưng em thích nhất là đèn ông sao. Đèn được làm bằng thép uốn cong bọc tre gỗ làm viền hình tròn bên ngoài. Bên trong được bọc giấy bóng kính màu đỏ và xanh hình ngôi sao. Cán cầm màu hồng cánh sen được làm bằng gỗ dài và cao quá đầu. Thắp một ngọn nến vào giữa ngôi sao, một màu đỏ lung linh hiện ra qua chiếc đèn như đáy ánh hào quang. Trung thu đến rồi ! Chúng em cùng nhau mang chiếc đèn bé bỏng cùng hoà vang khúc hát mừng đêm trăng rằm. Ánh đèn như lộng lẫy hơn dưới ánh trăng vàng tuổi thơ. Đêm Trung thu thật là vui. Em sẽ mãi yêu chiếc đèn ông sao, đồ chơi dân gian của đêm trăng rằm thú vị.

(Nguyễn Thảo Vy)

Đề 2

Hà Nội, ngày… tháng… năm…

      Thu Vân thân mến !

      Lâu lắm rồi chúng mình không gặp nhau. Tớ nhớ cậu quá ! Nhớ hồi trước bọn mình còn chơi với nhau thật là vui. Hôm nay, nhân ngày nghỉ, tớ viết thư kể về ước mơ của tớ cho cậu.

      Dạo này cậu có khoẻ không ? Cho tớ gửi lời chúc sức khoẻ tới cậu và gia đình nhé ! Thế bây giờ cậu vẫn học giỏi chứ ? Em Hương đã đi học lớp một chưa ? Hai bác còn đi đánh cầu lông không ? Lớn lên, cậu định làm nghề gì ?

      Còn tớ và gia đình vẫn khoẻ. Trong năm học này, tớ đã được bầu vào ban chỉ huy chi đội đấy. Chị tớ đang học trường Cao đẳng kế toán ở Thành phố Hồ Chí Minh.

      Vân à, dù tớ chưa biết ước mơ của cậu là gì. Nhưng để ước mơ trở thành hiện thực, chúng ta đều phải gắng học đúng không ? Chúng ta hãy cố lên nhé ! Ước mơ của tớ là trở thành một thần đồng toán học như Ơ-lép “chú mục đồng giỏi làm chuồng dê”. Tớ biết, ông là người xây dựng nền móng vi phân. Năm tám mươi tuổi, ông bị mù nhưng vẫn tìm tới thuyết về sự vạn hành của mặt trăng. Cuối cùng, ông đã thành công, Ơ-lép thật thông minh phải không cậu ? Tớ rất ngưỡng mộ và cảm phục ông. Học toán thật là thú vị cậu nhỉ ? Tớ sẽ chăm học để có thể giỏi như Ơ-lép “chú mục đồng giỏi làm chuồng dê”.

      Thư đã dài, tớ xin dừng bút tại đây. Cánh cửa nhà tớ luôn rộng mở chào đón cậu. Tớ chúc cậu luôn mạnh khoẻ, vui vẻ. Nhớ viết thư hồi âm cho tớ nhé. Chào Thu Vân thân yêu !

Bạn của Vân Vy

(Nguyễn Thảo Vy)

Advertisements (Quảng cáo)