Trang Chủ Sách bài tập lớp 12 SBT Sinh học 12

Bài 4, 5, 6 trang 61, 62 SBT Sinh 12:  Tóm tắt các thành tựu trong tạo giống mới và sản xuất giống nhờ công nghệ tế bào?

Giải bài 4, 5, 6 trang 61, 62 Sách bài tập Sinh học 12. Chương IV Ứng dụng di truyền học. Câu 4: Nêu các bước tiến hành, ưu điểm, nhược điểm của phương pháp tạo giống mới bằng phương pháp gây đột biến…;  Tóm tắt các thành tựu trong tạo giống mới và sản xuất giống nhờ công nghệ tế bào ?

Bài 4: Nêu các bước tiến hành, ưu điểm, nhược điểm của phương pháp tạo giống mới bằng phương pháp gây đột biến.

Lời giải :

Các bước tiến hành :

a) Xử lí mẫu vật bằng tác nhân đột biến : gồm xác định đối tượng, loại tác nhân, cường độ, liều lượng, thời gian xử lí thích hợp.

– Đối tượng : Chỉ xử lí đột biến ở vi sinh vật, thực vật và động vật bậc thấp, không xử lí đột biến ở động vật bậc cao vì kém hiệu quả.

– Loại tác nhân : muốn gây đa bội ở thực vật thì sử dụng cônsixin ; muốn gây đột biến gen thì dùng 5BU, EMS…

– Cường độ, liều lượng, thời gian… dựa trên các kết quả thực nghiệm để xác định mức phù hợp cho từng loại đối tượng, từng mục tiêu thí nghiệm cụ thể.

b) Chọn lọc các thể đột biến phù hợp : Với vi sinh vật có thể sử dụng môi trường nuôi cấy khuyết dưỡng. Với thể đa bội ở thực vật, dựa trên quan sát kiểu hình…

c) Nhân giống tạo các dòng thuần – đưa vào sản xuất

Advertisements (Quảng cáo)

– Ưu điểm : Nhanh chóng tạo được các thể tlột biến đa dạng khi đã xác định được loại đối tượng và tác nhân thích hợp. Đặc biệt có hiệu quả cao đối với vi sinh vật vì chúng có kích thước nhỏ, thích nghi với nhiều loại môi trường, có khả năng trao đổi chất mạnh và sinh sản nhanh

– Nhược điểm : Đòi hỏi trang thiết bị hiện đại, trình độ kĩ thuật cao và sự bảo đảm an toàn, nghiêm ngặt đối với các tác động xấu lên môi trường.

Bài 5: Tóm tắt các thành tựu trong tạo giống mới và sản xuất giống nhờ công nghệ tế bào.

* Công nghệ tế bào thực vật:

Advertisements (Quảng cáo)

– Nuôi cấy mô thực vật giúp sản xuất hàng loạt giống cây trồng có phẩm chất cao, đồng đều chất lượng, sạch sâu bệnh, mang lại hiệu quả kinh tế rất cao như nuôi cấy mô các loài hoa phong lan quý hiếm đã thành công từ thập niên 1960. Đến nay, đã nuôi cấy mô thành công các loài dược liệu quý hiếm như nhân sâm, tam thất.

– Nuôi cấy hạt phấn đơn bội rồi lưỡng bội hoá tạo thành các dòng thuần đã thành công ở cây lúa từ thập niên 1970.

– Lai tế bào xôma tạo các cơ thể lai xa khác loài mà phương pháp lai hữu tính không thể thực hiện được cũng đã thành công ở các loài thuốc lá, đậu tương… từ thập niên 1980.

* Công nghệ tế bào động vật:

– Sự ra đời của cừu Đôly (Dolly) đã mở đầu cho hàng loạt các thí nghiệm nhân bản vô tính thành công ở động vật có vú và mở ra một triển vọng nghiên cứu sinh sản vô tính các tế bào gốc ở người và động vật. Một hướng nghiên cứu ứng dụng quan trọng là chuyển gen người vào tế bào lợn tạo ra những nòi lợn có phủ tạng tương thích cao, không bị thải ghép nhằm cung cấp các cơ quan phủ tạng dùng ghép cơ quan cho người.

– Công nghệ cấy truyền phôi ở các loài đại gia súc cũng đã mở ra triển vọng nhân bản nhanh chóng nhiều cá thể động vật quý hiếm nhằm phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau.

Bài 6: Tóm tắt các thành tựu trong tạo giống mới và sản xuất giống nhờ công nghệ gen.

Lời giải :

Thành tựu chủ yếu của công nghệ gen là kĩ thuật tái tổ hợp ADN nhằm tạo ra các loài sinh vật biến đổi gen, các cá thể hoặc các tế bào mang gen mới nhằm phục vụ các lợi ích của con người.

– Trong lĩnh vực công nghệ sinh học, từ năm 1980, người ta đã thành công trong việc chuyển gen điều khiển tổng hợp insulin ở người vào vi khuẩn E. coli để tổng hợp insulin (dùng để chữa bệnh tiểu đường) với giá thành rất thấp so với trước đây. Bằng cách tương tự, ngày nay, người ta đã tổng hợp được hoocmôn sinh trưởng ở người, các loại inteíeron chống virut và ung thư, các loại enzim urokinaza, các loại prôtêin quý hiếm như timôzin tăng cường miễn dịch, hemôpôêtin chữa bệnh thiếu máu, các loại vacxin tái tổ hợp ngừa bệnh viêm gan siêu vi B, viêm não Nhật Bản, sởi, bại liệt ở người ; vacxin ngừa bệnh lở mồm long móng ở gia súc.

– Về cây trồng biến đổi gen : cây thuốc lá biến đổi gen đầu tiên đưa vào ứng dụng năm 1983, đến năm 1986 thành công với cây bông và cây đậu tương có khả năng kháng sâu bệnh và kháng thuốc diệt cỏ. Đến nay, thực vật biến đổi gen đã tăng rất nhanh về số chủng loại và diện tích gieo trồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

– Trên thế giới đã phát triển một lĩnh vực ứng dụng quan trọng là công nghệ sinh học nano (Nanobiotechnology) tạo ra các thiết bị hiển vi đưa vào cơ thể để tiêu diệt virut và các tế bào ung thư ; tạo ra các chip sinh học và máy tính sinh học, mở ra những triển vọng nghiên cứu và ứng dụng vô cùng quan trọng. Khởi đầu từ Ixraen và gần đây nhất, các nhà khoa học của Anh và Nhật Bản có những nghiên cứu nền tảng cho một kỉ nguyên công nghệ mới thể hiện mối quan hệ lí thú giữa công nghệ sinh học và công nghệ thông tin.

Advertisements (Quảng cáo)