Câu 1: Để tăng sinh ở động vật cần phải có những biện pháp nào?
Để tăng sinh ở động vật, có thể dùng các biện pháp sau:
* Gây đa thai nhân tạo. Ví dụ, có thể tiêm hoocmôn tuyến dưới não để làm nhiều trứng chín, rụng và thụ tinh cùng một thời điểm để cho nhiều thai.
* Người ta cũng có thể nuôi hợp tử đang phân chia trong môi trường nuôi cấy đặc biệt, chứa enzim tripsin để tách riêng các tế bào con do hợp tử sinh ra, hoặc dùng tơ buộc thắt phôi non thành 2 hoặc nhiều khối độc lập, rồi cấy trở lại dạ con, để được nhiều cá thể con sinh ra cùng vào một thời điểm.
Câu 2: Vì sao có thể điều khiển được giới tính đàn con của vật nuôi? Việc điều khiển giới tính của đàn con có ý nghĩa như thế nào trong chăn nuôi?
* Dựa vào đặc điểm của tinh trùng và phôi, người ta có thể điều khiển được giới tính đàn con vật nuôi:
Advertisements (Quảng cáo)
– Tách tinh trùng thành 2 nhóm: nhóm tinh trùng mang nhiễm sắc thể giới tính X và nhóm tinh trùng mang nhiễm sắc thể giới tính Y bằng các biện pháp kĩ thuật như: li tâm, điện li…
– Thụ tinh nhân tạo trong ống nghiệm, rồi nuôi hợp tử trong dung dịch nuôi dưỡng ở nhiệt độ thích hợp, chờ cho đến lúc thành phôi. Tế bào của thai cái có chứa một khối nhiễm sắc thể đậm màu gọi là thể Bar, còn tế bào của thai đực thì không. Tùy yêu cầu, có thể hủy phôi không thích hợp hoặc cấy phôi thích hợp vào dạ con của con cái.
* Ý nghĩa của việc điều khiển giới tính đàn con: Theo lí thuvết thì tỉ lệ đực cái là 1:1, nhưng trên thực tế thì tỉ lệ này có sự chênh lệch tùy loài.
Trong chăn nuôi có lúc cần nhiều con đực, có lúc cần nhiều con cái tùy thuộc vào mục đích chăn nuôi. Muốn tăng nhanh đàn gia súc, thu hoạch trứng, sữa, cần tăng nhiều con cái, mà không cần tăng con đực, có thể dùng thụ tinh nhân tạo, một con đực thụ tinh được cho nhiều con cái. Muốn thu được nhiều thịt và các sản phẩm khác như len của cừu, tơ tằm,… cần tăng nhiều con đực.
Câu 3: Nuôi cấy phôi có vai trò gì trong chăn nuôi và trong sinh đẻ ở người?
Advertisements (Quảng cáo)
Kĩ thuật nuôi cấy phôi ra đời và phát triển trong những năm gần đây, tuy gồm nhiều biện pháp phức tạp nhưng cũng thành công bước đầu và giải quyết được một số vấn đề trong tăng sinh ở động vật.
Ví dụ, gây đa thai nhân tạo ở những động vật quý hiếm vốn chỉ đẻ 1 con trong 1 lứa. Người ta tiêm hoocmôn thúc đẩy sự chín và rụng nhiều trứng cùng một lúc rồi lấy trứng đó ra ngoài, tiến hành thụ tinh nhân tạo để được nhiều hợp tử. Cấy riêng từng hợp tử vào dạ con của những con cái “mang thai giúp” để được nhiều con.
Người ta cũng đã sử dụng phương pháp tách hợp tử đang phân chia ở giai đoạn 4, 8 tế bào thành từng tế bào riêng, sau đó cấy riêng từng tế bào vào phôi vào dạ con của những con cái “mang thai giúp” để được nhiều con từ một trứng đã thụ tinh đáng lẽ chỉ là một con.
Câu 4: Nêu các biện pháp tránh thai và cơ sở khoa học của các biện pháp đó. Nêu hậu quả của việc phá thai ở tuổi vị thành niên?
* Có các biện pháp tránh thai như: dùng bao cao su, vòng tránh thai, thuốc uống tránh thai, xuất tinh ngoài âm đạo; hoặc dùng biện pháp đình sản (thắt ống dẫn tinh và ống dẫn trứng).
* Hậu quả của việc đẻ nhiều, đẻ dày, phá thai tự nhiên là: Có thể gây thủng tử cung, xuất huyết (nếu phá thai muộn), nhiễm trùng vùng chậu, thai ngoài tử cung, sa dạ con, vô sinh, có thể dẫn đến tử vong: ảnh hưởng đến tâm lí, sức khỏe và nòi giống.
Câu 5: Vì sao cần phải giáo dục dân số và giáo dục sức khỏe sinh sản cho vị thành niên?
Phải giáo dục dân số vì dân số tăng cao quá mức, điều kiện sống của xã hội không đủ đảm bảo dẫn đến nghèo nàn lạc hậu. Cần giáo dục thanh niên thực hiện kế hoạch hóa gia đình của chính phủ để bảo đảm hạ tỉ lệ tăng dân số, phù hợp với mức sống. Phải giáo dục sức khỏe vị thành niên, vì tuổi vị thành niên là tuổi mới dậy thì chưa đủ điều kiện tâm, sinh lí để có thai, sinh con, do đó có thể dẫn đến hậu quả xấu cho sức khỏe và học tập.