Soạn bài: Văn hay chữ tốt
Câu 1. Vì sao Cao Bá Quát thường bị điểm kém ?
Cao Bá Quát thường bị điểm kém vì chữ viết rất xấu cho dù bài văn của ông viết rất hay.
Câu 2. Sự việc gì xảy ra đã làm Cao Bá Quát phải ân hận ?
Cao Bá Quát đã viết đơn cho bà cụ hàng xóm để kêu oan. Nhưng trong lá đơn ấy, tuy lí lẽ rõ ràng nhưng chữ viết xấu quá, quan đọc không được bèn thét lính đuổi bà cụ ra khỏi công đường. Sự việc ấy xảy ra đã làm cho Cao Bá Quát ân hận. Và ông mới thấm thía rằng: “dù văn hay đến đâu mà chữ xấu cũng chẳng ích gì !”.
Câu 3. Cao Bá Quát quyết chí luyện viết chữ như thế nào ?
Advertisements (Quảng cáo)
Cao Bá Quát đã quyết chí luyện viết chữ rất công phu, tỉ mỉ và có phương pháp. Lúc đầu, sáng nào ông cũng cầm que vạch lên cột nhà luyện cách viết nét “sổ thẳng” cho cứng cáp. Tối nào, ông cũng tập viết, viết xong mười trang vở, ông mới đi ngủ. Khi chữ viết đã tiến bộ, ông mượn những cuốn sách chữ viết đẹp làm mẫu để luyện nhiều kiểu chữ khác nhau. Ông đã luyện tập bền bỉ, kiên trì và có phương pháp khoa học như thế trong suốt mấy năm trời, cuối cùng ông nổi danh khắp nước là một người “văn hay chữ tốt”.
Câu 4. Tìm đoạn mở bài, thân bài, kết bài của truyện.
Tìm đoạn mở bài, thân bài, kết bài của truyện:
Advertisements (Quảng cáo)
– Mở bài (hai dòng đầu: từ đầu đến cho điểm kém): Từ thuở đi học, chữ viết xấu đã gây bất lợi cho Cao Bá Quát.
– Thân bài (từ một hôm đến nhiều kiểu chữ khác nhau): Do ân hận vì chữ viết xấu của mình khiến nỗi oan của bà cụ hàng xóm không giải tỏa được, Cao Bá Quát quyết tâm luyện viết chữ đẹp.
– Kết bài: (phần còn lại) Kết cục Cao Bá Quát đã thành công, nổi tiếng là người văn hay chữ tốt.
Nội dung: Ca ngợi tính kiên trì, quyết tâm sửa chữ viết xấu của Cao Bá Quát. Sau khi hiểu được chữ xấu rất có hại, Cao Bá Quát đã bền bỉ rèn luyện và trở thành người nổi tiếng văn hay chữ tốt.
Cảm nhận của em về bài “Văn hay chữ tốt”
Cao Bá Quát và Nguyễn Văn Siêu là 2 danh sĩ Bắc Hà trong thế kỉ XIX, được thiên hạ tôn vinh là “Thần Siêu, Thánh Quát”. Cả hai ông đều là nhà thơ lỗi lạc của đất nước ta.
Riêng về Cao Bá Quát nổi tiếng thần đồng, văn hay chữ tốt của Kinh kì Thăng Long một thời. Bài “Văn hay chữ tốt” giúp chúng ta hiểu hơn sự khổ luyện đèn sách của con người suốt đời chỉ biết “cúi đầu vái lạy hoa mai” này.
Thuở nhỏ đi học, Cao Bá Quát vẫn thua kém bạn bè. Văn của cậu bé họ Cao “dù viết hay vẫn bị thầy cho điểm kém (ngày xưa gọi là điểm liệt) vì chữ “rất xấu”.
Cao Bá Quát giàu lòng thương người và rất hào hiệp sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Bà cụ hàng xóm bị oan muốn làm đơn “kêu quan”. Chú bé con họ Cao vui vẻ nhận lời “viết giúp lá đơn”. Cao Bá Quát đinh ninh rằng đơn viết “lí lẽ rõ ràng” thế nào quan cũng “xét nỗi oan” cho bà cụ. Lá đơn, cậu bé họ Cao viết chữ xấu quá, quan đọc không được” bèn thét lính đuổi bà ra khỏi công đường. Sau khi nghe bà cụ nói lại, Cao Bá Quát “vô cùng ân hận”. Bài học về chữ xấu đối với chú thật cay đắng và thấm thía. Cao mới hiểu rõ hơn chuyện văn chương chữ nghĩa: “dù văn có hay đến đâu mà chữ xấu cũng chẳng ích gì”.
Người ta thường nói: ai có hoa tay mới vẽ đẹp, viết chữ đẹp. Đọc bài “Văn hay chữ tốt”, ta rất cảm phục tinh thần khổ luyện của Cao Bá Quát về tập viết chữ Hán. Ông luyện tập tỉ mỉ kiên trì. Sáng nào, ông cũng cầm que vạch lên cột nhà để luyện cách viết nét “sổ thẳng” cho cứng cáp. Tối nào, ông cũng tập “viết xong mười trang vở, mới chịu đi ngủ. Khi chữ viết đã tiến bộ, ông mượn những cuốn sách chữ viết đẹp làm mẫu để luyện các kiểu chữ khác nhau mà ông cha ta gọi là “thư pháp”. Sự luyện tập của chàng thư sinh họ Cao không phải chỉ diễn ra trong vài tuần vài tháng mà là suốt mấy năm trời “đèn sách”. Nhờ thế mà chữ Cao Bá Quát ngày một đẹp. Về sau ông nổi tiếng Kinh kì là một văn nhân lỗi lạc “văn hay chữ tốt” được nhiều người ngưỡng mộ.
Đọc bài “Văn hay chữ tốt”, ta học tập được cách luyện chữ của nhà thơ Cao Bá Quát; ta mới thấm thía viết chữ tốt, viết chữ đẹp vô cùng quan trọng. Phong trào thi đua “vở sạch chữ đẹp” là một phong trào hay trong các trường Tiểu học hiện nay. Học ngữ văn giỏi, tiếng Việt giỏi, chúng ta phải phấn đấu để có “chữ tốt văn hay”.