I. Đọc – hiểu văn bản:
Câu 1: *Bài văn miêu tả về cảnh quan sông nước Cà Mau ở cực Nam của Tổ quốc. Theo trình tự đi từ những ấn tượng chung về thiên nhiên vùng đất Cà Mau rồi tập trung miêu tả, thuyết minh về các kênh rạch, sông ngòi với cảnh vật hai bên bờ và cảnh chợ Năm Căn đông vui, tấp nập.
*Bố cục: 3 đoạn.
– Đoạn 1: Từ đầu đến “đơn điệu”: những ấn tượng chung ban đầu về thiên nhiên Cà Mau.
– Đoạn 2: tiếp theo đến “ban mai”: nói về các kênh rạch ở vùng Cà Mau và tập trung miêu tả con sông Năm Căn rộng lớn.
– Đoạn 3: còn lại: Cảnh chợ Năm Căn đông vui, tấp nập và nhiều màu sắc độc đáo.
*Vị trí quan sát của người miêu tả là ở trên thuyền. Vị trí ấy giúp người miêu tả có thể miêu tả lần lượt sông, rạch và cảnh vật hai bên bờ một cách rất kĩ lưỡng, linh hoạt, tự nhiên và hợp lí.
Câu 2: Trong đoạn văn (từ đầu đến màu xanh đơn điệu) tác giả đã diễn tả ấn tượng ban đầu bao trùm về sông nước Cà Mau. Ấn tượng ấy như thế nào và cảm nhận qua những giác quan nào?
*Ấn tượng đầu tiên khi đến với vũng nước Cà Mau đó là cảm giác choáng ngợp trước một vùng không gian rộng lớn, mênh mông với sông ngòi, kênh rạch chi chít như mạng nhện. Màu xanh của trời, nước, rừng cây bao trùm khắp không gian.
*Ấn tượng ấy được cảm nhận bằng thị giác và thính giác .
Câu 3: Qua đoạn nói về cách đặt tên cho các dòng sông, con kênh ở vùng Cà Mau, em có nhận xét gì về các địa danh ấy? Những địa danh này gợi ra đặc điểm gì về thiên nhiên vùng Cà Mau.
Qua cách giới thiệu của tác giả về tên đất, tên sông, tên các kênh rạch, ta thấy vùng đất Cà Mau là một vùng đất phong phú, tự nhiên và hoang dã. Người dân đặt tên vùng đất, con sông không phải bằng những danh từ mĩ lệ mà cứ đặc điểm riêng biệt của nó mà gọi thành tên. Ví dụ như: Rạch Mái Giầm, kênh Bọ Mắt, kênh Ba Khía… đều là những tên rất giản dị gắn liền với đặc điểm nổi bật.
Câu 4: Em hãy đọc kĩ lại đoạn “Thuyền chúng tôi chèo thoát qua… ban mai”, trả lời câu hỏi:
a. Những chi tiết thể hiện sự rộng lớn, hùng vĩ của dòng sông và rừng đước:
– Dòng sông rộng lớn hơn ngàn thước
– Nước ầm ầm đổ ra biển ngày đêm như thác.
Advertisements (Quảng cáo)
– Cá nước bơi hàng đàn đen trũi nhô lên hụp xuống như người bơi ếch giữa những đầu sóng trắng.
– Rừng đước dựng lên cao ngất như hai dãy trường thành vô tận.
b. Các động từ trong câu “Thuyền chúng tôi chèo thoát qua kênh Bọ Mắt, đổ ra con sông Cửa Lớn, xuôi về Năm Căn” là: chèo thoát qua, đổ ra, xuôi về.
+, Chèo thoát qua: con thuyền vượt qua khó khăn, thử thách.
+, Đổ ra: con thuyền đang từ con kênh nhỏ ra dòng sông lớn.
+, Xuôi về: con thuyền nhẹ nhàng xuôi theo dong nước.
Không thể thay đổi trình tự các động từ trong câu vì như thế sẽ làm sai lạc nội dung, đặc biệt là sự diễn tả trạng thái hoạt động của con thuyền trong mỗi khung cảnh.
c. Những từ miêu tả màu sắc của rừng đước: màu xanh lá mạ, màu xanh rêu, màu xanh chai lọ. Những từ ngữ cùng chỉ màu sắc “xanh” đã miêu tả các lớp cây đước từ non đến già mọc nối tiếp nhau, không bao giờ dứt.
=> Tác giả đã miêu tả rất tinh tế khi quan sát và miêu tả khung cảnh thiên nhiên vùng sông nước Cà Mau.
Câu 5: Những chi tiết, hình ảnh nào về chợ Năm Căn thể hiện được sự tấp nập, đông vui, trù phú và độc đáo của chợ vùng Cà Mau?
Advertisements (Quảng cáo)
* Những chi tiết, hình ảnh nào về chợ Năm Căn thể hiện được sự tấp nập, đông vui, trù phú và độc đáo của chợ vùng Cà Mau:
– Hoạt động của chợ thật ồn ào, tấp nập, bến vận hà nhộn nhịp dọc dài theo sông.
– Chợ chủ yếu họp trên sông với những nhà bè, khu phố nổi và những con thuyền bán hàng mà người mua không cần bước ra khỏi thuyền.
– Sự đa dạng về màu sắc, trang phục, tiếng nói của người bán hàng đến từ nhiều nơi khác nhau: người Hoa, người Chà Châu Giang…
=> Cảnh chợ Năm Căn với sự đông vui, tấp nập đã đem đến cho người đọc một không khí tươi vui và đầy màu sắc, âm thanh.
Câu 6: Qua bài văn này, em cảm nhận được gì về vùng Cà Mau cực nam của Tổ quốc?
Qua bài văn, ta hình dung cảnh thiên nhiên của vùng cực nam Tổ quốc thật rộng lớn, hoang dã và hùng vĩ, đặc biệt là những vùng dòng sông và rừng đước. Cảnh chợ Năm Căn là hình ảnh trù phú, độc đáo tấp nập về sinh hoạt của con người vùng đất ấy.
II. LUYỆN TẬP:
Câu 1: Viết một đoạn văn trình bày cảm nhận của em về vùng Cà Mau qua bài “Sông nước Cà Mau” đã học:
– Đoạn trích “Sông nước Cà Mau” đã miêu tả khá hoàn chỉnh về cảnh quan thiên nhiên, sông nước ở vùng đất này.
– Đoàn Giỏi đã làm cho người đọc ấn tượng về vùng sông nước Cà Mau là một nơi có rất nhiều sông ngòi và kênh rạch chằng chịt như mạng nhện.
– Miêu tả cảnh sông nước theo trình tự: từ những ấn tượng chung về thiên nhiên cho đến miêu tả chi tiết từng cảnh vật hai bên bờ.
+, Không gian rộng lớn, mênh mông.
+, Tất cả được bao trùm bằng một màu xanh của nước, trời và rừng cây.
+, Cà Mau có rất nhiều kênh rạch: rạch Mái Giầm, kênh Bọ Mắt, kênh Ba Khía…
– Dòng sông Năm Căn hiện lên với một vẻ đẹp riêng: rộng lớn, hùng vĩ mà hoang dã:
+, Con sông rộng mênh mông, ầm ầm đổ ra biển.
+, Rừng đước cao ngất.
– Nhà văn không những đã quan sát tinh tế mà còn miêu tả tài tình bức tranh phong cảnh thiên nhiên qua cách dùng những tính từ chỉ màu sắc và động từ chỉ hoạt động của con thuyền: “chèo thoát qua”, “đổ ra”, xuôi về”.
– Hoạt động ở chợ tấp nập, đông vui: “những cô bán hàng người Hoa kiều bán hàng xởi lởi, những người Chà Châu Giang bán vải…”
=> Tác giả đã cho chúng ta thấy cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp, trù phú và độc đáo ở vùng đất cuối cùng của Tổ quốc.
Câu 2: Hãy kể tên một vài con sông ở quê hương em hoặc địa phương mà em đang ở.
– Sông Hồng, sông Lô, sông Đuống, sông Tô Lịch, sông Cầu…
Giới thiệu vắn tắt: Sông Hồng.
Sông Hồng có tổng chiều dài là 1149 km, bắt nguồn từ Trung Quốc chảy qua Việt Nam và đổ ra biển Đông. Đoạn chảy trên Việt Nam dài 510 km. Đây là dòng sông quan trọng của nền văn hóa lúa nước Việt Nam.