Trang Chủ Bài tập SGK lớp 6 Soạn văn lớp 6

Soạn bài Viết bài tập làm văn số 3 – Ngữ văn 6 tập 1 – Bài 12 trang 130: Kể về một người thân của em

Soạn bài Viết bài tập làm văn số 3 – Ngữ văn 6 tập 1 – Bài 12 trang 130. Soạn văn bài Viết bài tập làm văn số 3 SGK Ngữ văn 6 tập 1. Đề 7. Kể về một người thân của em? : Nếu ai đó hỏi em, ai là người em yêu thương nhất? Em sẽ trả lời người em yêu thương nhất chính là người bà của em…

Đề 1. Kể về một kỉ niệm đáng nhớ

Bài làm

Trong mỗi cuộc đời, có biết bao kỉ niệm đẹp về tình cảm gia đình và tình bạn, những kỷ niệm ấy thật thiêng liêng cao đẹp biết bao. Nhưng ấn tượng sâu nặng nhất đối với tôi là những kỷ niệm hồi học ở trường tiểu học.

Ngôi trường của tôi ở nông thôn nên không có nét đẹp gì đặc biệt. Nhưng nó đã mang lại cho tôi kỷ niệm ngọt ngào khi lần đầu bước vào trường: cô giáo dạy tôi nắn nót từng chữ, đôi tay của cô nắm chặt tay tôi để rèn chữ, bàn tay cô ấm áp làm sao và cô lại còn tập cho chúng tôi múa hát, giọng cô trong trẻo làm sao.

Thời gian trôi qua mau, kỷ niệm lại càng có nhiều với mái trường này… Tôi còn nhớ mãi những kỷ niệm đẹp lúc ra chơi, cùng các bạn chơi đủ các trò, nào là: chơi đuổi bắt, nhảy dây, chơi cầu nhưng ấn tượng sâu nhất đối với tôi đó là trò chơi bịt mắt bắt dê. Hôm ấy vào giờ ra chơi, Lan rủ các bạn trong lớp cùng nhau chơi. Đông quá các bạn phải oẳn tù tì xem ai bắt, cuối cùng là Nam bắt. Lan dùng khăn quàng của mình để bịt mắt Nam lại, các bạn chạy xoay vòng cậu ta, lúc này bạn ấy không thấy gì cả, chỉ tóm bừa nên chúng tôi chạy tán loạn. Bỗng dưng dính một người, Nam sờ từ đầu cho đến tóc và khẳng định là Nga. Nam bỏ khăn ra nhìn, hóa ra đó là bạn lớp khác. Lúc này hai người đều đỏ mặt còn các bạn cùng chơi thì bật cười.

Bỗng dưng có một tiếng nói to “Cho tôi chơi với!” Đó chính là Thành, người bạn hay đùa nhất của lớp tôi. Bạn ấy từ trong lớp chạy ra và xung phong bắt. Lan dùng khăn bịt mắt Thành lại, các bạn bắt đầu trốn, Thành đứng giữa sân nhìn qua nhìn lại chẳng thấy gì cả, nhưng hình như bạn ấy đang nghe tiếng bước chân của Hiền. Hiền thấy thế liền chạy qua cột cờ và dừng chân lại, đứng né một bên. Thành nhào tới bắt, ai ngờ Thành bắt dính cột cờ, cả lớp cười lăn lộn, Thành cũng ôm mặt cười.

Tiếng trống tùng tùng báo hiệu giờ vào học, thế là giờ ra chơi đã hết, vào lớp các bạn đều dùng tập, sách để quạt cho mát. Đó là một kỷ niệm sâu sắc nhất với tôi dưới mái trường này.

Tuy bây giờ đã học cấp II nhưng kỷ niệm trong sáng hồn nhiên ấy tôi vẫn nhớ. Nhớ đến để thấy thời tiểu học đẹp đẽ làm sao và đó sẽ là kỷ niệm theo tôi trong suốt những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường.

Đề 2. Kể về một chuyện vui sinh hoạt

Bài làm

Nhát gan là một tật mà không ít người mắc phải và tôi cũng không phải là một ngoại lệ. Những câu chuyện ma của bọn bạn lúc nào cũng làm tôi sợ run. Nhưng vì xấu hổ nên tôi không bao giờ nói ra. Cho đến một ngày ….

Tối hôm đó, trăng sáng rất đẹp, gió thổi hiu hiu. Trong khu tập thể, các bà, các cô thong thả đi dạo và trò chuyện. Tôi và các bạn đang túm tụm chơi với nhau thì bỗng Lan đưa ra một ý kiến: “Hay là chúng mình thử đi vào ngôi nhà hoang ở cuối ngõ đi!”. Cả nhóm reo ầm lên hưởng ứng. Riêng tôi cảm thấy hơi rờn rợn. Nghe đâu, ngôi nhà ấy có nhiều ma, lại còn nằm ở cuối ngõ, ánh đèn đường không rọi tới. Nhưng tôi chưa kịp phản đối thì các bạn đã lôi tôi đến cuối ngõ.

Vào đến khoảng sân trước ngôi nhà, sự hớn hở của cả nhóm biến mất. Nhưng vì các bạn tin tôi là đứa dũng cảm nhất nên đẩy tôi lên trước rồi bám chặt lấy tôi. Đến trước cửa nhà, tôi đã nghe răng mình va vào nhau lập cập. Rồi bỗng nhiên, từ trong nhà phát ra tiếng lục cục, đèn bật sáng. Tôi và lũ bạn đứng như chôn chân xuống đất. Phải đến mấy giây sau, cả lũ cùng rú lên rất to rồi ba chân bốn cẳng đua nhau chạy mất.

Về đến nhà, tôi vừa thở hổn hển vừa kể cho bố mẹ nghe về con ma. Thật là một phen hú vía! Nghe xong, bố tôi bật cười, mẹ tôi cũng chẳng nhịn được cười và giễu vui tôi:

– Làm gì có ma ở đó! Đấy là chú Thanh. Chú ấy vừa mua lại ngôi nhà ấy và chuẩn bị cho sửa chữa. Chú ấy ngủ lại để trông vật liệu xây dựng đấy mà!

Mặt tôi nóng bừng lên. Hóa ra là vậy! Tôi bèn chạy đi kể cho các bạn. Nghe xong, tôi còn bị cả bọn cười thối mũi vì lúc đó tôi là đứa hét to nhất và chạy cũng nhanh nhất nữa chứ!

Chuyện xảy ra đã lâu, giờ đây tôi không còn nhát gan và sợ ma nữa nhưng tôi không thể quên được câu chuyện đó. Tuy vật, tôi cũng không kể lại với đám bạn bè mới vì sợ các bạn lại trêu tôi là “thỏ đế”.

Đề 3. Kể về người bạn mới quen

Bài làm

Lại một năm học mới nữa đang đến, em giờ đây đã tạm biệt ngôi trường Tiểu học và bước những bước đầu tiên lên lớp Sáu. Trong ngày tựu trường đầu năm, em đã gặp và làm quen nhiều bạn mới trong lớp nhưng có lẽ, cô bạn ngồi cạnh em chính là người khiến em ấn tượng nhất.

Advertisements (Quảng cáo)

Bạn ấy có một cái tên rất đẹp: Thanh Thảo. Khác với em, cô bạn có thân hình khá nhỏ nhắn. Thảo có gương mặt tròn bầu bĩnh, nước da hơi ngăm nhưng không vì thế mà làm mất đi vẻ dễ thương của cô bạn. Tóc của bạn ấy dài tới ngang vai và rất suôn mượt, được buộc lên gọn gàng để lộ chiếc cổ thanh mảnh. Điều đặc biệt em thích ở Thảo chính là đôi mắt – một đôi mắt đen láy thể hiện sự thông minh lanh lợi, cộng với hàng mi dài cong vút đã để lại một ấn tượng ban đầu khó phai trong lòng em.

Những ngày ban đầu gặp nhau, do mới quen nên chúng em còn khá ngại ngùng. Ngoài những câu chào hỏi thông thường thì tụi em không nói thêm điều gì khác nữa. Dần dà, khi thời gian ngồi cạnh nhau đã đủ lâu, em và bạn ấy mới bắt đầu chia sẻ thêm nhiều câu chuyện khác. Thanh Thảo là một người bạn rất hiền lành, vui tính và dễ hòa đồng. Thảo nói rất nhiều. Mỗi khi đến lớp, Thảo lại huyên thuyên nhiều câu chuyện thú vị, vui buồn khác nhau, nào là hôm nay chú mèo nhà bạn ấy nghịch ngợm như thế nào, anh trai bạn ấy ăn hiếp bạn ấy ra sao,…đều được bạn ấy kể lại với chất giọng vui tươi, hồ hởi. Ở bên cạnh Thảo, em cảm thấy mình như có thêm niềm vui trong những buổi học tập mệt mỏi.

Không chỉ là một người bạn lém lỉnh, Thanh Thảo còn là một người bạn vô cùng tâm lí. Mỗi khi em gặp chuyện buồn, người đầu tiên trong lớp nhận ra điều ấy chính là Thanh Thảo. Không cần để em mở lời trước, bạn ấy đã tìm mọi cách an ủi và khiến em vững tâm trở lại. Nhờ có Thanh Thảo giúp đỡ mà những khó khăn hay nỗi buồn của em dường như cũng tan biến đi mất.

Thảo là một học sinh chăm ngoan, học giỏi, được thầy cô bạn bè vô cùng yêu quý. Cứ gặp bài nào khó, Thảo sẽ tận tâm chỉ dẫn mà không hề phàn nàn. Nhìn cách Thảo thoăn thoắt giải những bài tập khó, lòng em vừa có chút ghen tị, lại có thêm động lực để em cố gắng học tập để một ngày nào đó, em cũng sẽ giỏi được như bạn ấy.

Bây giờ, Thảo vẫn ngồi cạnh em và hai đứa đã trở thành bạn bè tốt của nhau. Em hi vọng trong tương lai, em và Thảo sẽ luôn học chung và luôn là những người bạn tốt để chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống.

Đề 4. Kể về một cuộc gặp gỡ

Bài làm

Nhân ngày hai mươi hai tháng mười hai – ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam, ngày quốc phòng toàn dân, trường em đã tổ chức đưa học sinh đến thăm các chú bộ đội hải quân ở quần đảo Trường Sa của tỉnh Khánh Hòa để hiểu rõ về công việc, nhiệm vụ mà các chú đang phải thực hiện.

Sau hai giờ đi tàu trên biển, cuối cùng chúng em cũng đến được quần đảo Trường Sa, nơi đóng quân của các chú bộ đội hải quân.

Ấn tượng đầu tiên về nơi đây đó là sự tĩnh lặng, trang nghiêm và khá vắng vẻ, không có nhiều người qua lại như nơi em sinh sống, cũng không có xe cộ qua lại tấp nập.

Trước cổng vào là hai chú bộ đội đang canh gác, các chú mặc quần áo của bộ đội, áo màu trắng, trên cổ có diềm màu xanh dương, đội mũ màu trắng, trên vai đeo một khẩu súng dài rất nghiêm trang, bệ vệ.

Khi nhìn thấy thầy giáo dẫn đoàn dẫn chúng em vào, các chú đã tiến lên trước một bước, để tay lên trán chào theo đúng kiểu quy định trong quân đội, đám học sinh chúng em cũng bị không khí nghiêm túc nơi đây ảnh hưởng, không còn tiếng cười đùa như còn ở trên tàu nữa, đồng loạt không ai bảo ai, chúng em cũng dơ tay lên chào lại với các chú ấy. Lúc ấy em cảm thấy mình và các bạn thật giống những chú lính nhỏ tuổi. Sau khi được sự đồng ý của các chú bộ đội gác cổng, chúng em được một chú bộ đội khác dẫn vào hội trường của đơn vị đóng quân nơi đây. Hội trường rất rộng, trên khán đài được bày một bục cao để trò chuyện, bên cạnh là ảnh bác Hồ, trên tường là mô hình của ngôi sao năm cánh và cờ đỏ búa liềm. Chúng em ai cũng ngơ ngác, liếc ngang ngó dọc khắp hội trường một cách thích thú, tò mò.

Advertisements (Quảng cáo)

Lên trò chuyện với chúng em là một bác đại úy khá lớn tuổi – bác là một cựu chiến binh của binh đoàn hải quân ở quần đảo Trường Sa này.

Bác có vóc người cao lớn, giọng nói to, hào sảng và rất nghiêm trang. Bác đã kể cho chúng em nghe về quá trình đấu tranh gian khó trong những ngày đất nước có chiến tranh rồi ý nghĩa của ngày hai hai tháng mười hai hôm nay. Chúng em đã rất chăm chú nghe và ghi nhớ những lời bác đã nói. Cũng có rất nhiều bạn đã dơ tay đứng lên hỏi bác những câu hỏi như: Vì sao lại phải thành lập quân đội nhân dân Việt Nam? Hay Ai là người chủ trương thành lập?…..Bác đã cặn kẽ giải đáp những thắc mắc của từng bạn và còn giải thích thêm để chúng em hiểu rõ hơn về ý nghĩa của ngày này.

Khác với vẻ nghiêm trang, trịnh trọng mà chúng em cảm nhận được ban đầu, khi kể về những câu chuyện vui khi bác còn là một người lính, giọng bác trở lên rất sôi nổi, hóm hỉnh. Bác kể đời lính tuy có vất vả nhưng lại rất vui, mọi người sống cùng với nhau, sát cánh bên nhau trong những ngày gian khổ nhất. Những câu chuyện của bác kể rất thú vị và hấp dẫn, qua đó chúng em hiểu được nhiều hơn về cuộc sống của người lính trong chiến tranh giải phóng dân tộc. Sau khi trò chuyện, bác đại úy lại dẫn chúng em ra nơi các chiến sĩ hải quân đang làm nhiệm vụ canh gác, đó là một cái chòi lớn ở trên cao. Các chú bộ đội hải quân đứng nghiêm trang làm nhiệm vụ. Vì đây là đường biên giới trên biển của nước ta nên mọi hoạt động quan sát, bảo vệ đều được thực hiện rất cẩn trọng, nghiêm túc.

Các chú hải quân phải đứng trực trên đây hai tư trên hai tư, các chú luân phiên nhau trực, không có một chút lơ là, mất cảnh giác. Công việc tưởng như nhàn, chỉ việc đứng nghiêm canh gác nhưng thực chất rất khó khăn và tốn nhiều sức lực, các chú phải đứng nghiêm một tư thế mà vẫn đảm bảo quan sát được mọi tình hình diễn ra bên dưới, dù mệt nhưng cũng không được tự ý nghỉ ngơi mà phải cần có sự cho phép của cấp trên. Thời tiết ở đây rất lạnh, gió biển thổi mạnh đưa hơi nước biển tạt vào mắt làm mắt em cay xè, đôi mắt không thể mở ra nổi, nhưng các chú vẫn đứng canh gác rất hiên ngang, không hề tỏ ra mệt mỏi, uể oải. Điều này làm em rất kính phục các chú.

Khi đi quan sát nơi ở của các chú bộ đội em mới biết các chú phải sinh hoạt trong một không gian rất nhỏ, một phòng có từ bảy đến tám người, ngủ trên những chiếc giường tầng nhỏ xíu. Mọi sinh hoạt đều không được đầy đủ, tiện nghi như ở thành phố. Ở đây các chú bộ đội hải quân vừa làm nhiệm vụ vừa tham gia sản xuất, nhìn khu vườn đầy rau xanh, những con lợn béo tốt nuôi trong vườn em lại càng cảm phục tinh thần và ý thức chiến đấu, bảo vệ tổ quốc của các chú.

Làm việc nơi thời tiết có phần khó khăn, khắc nghiệt nhưng các chú bộ đội hải quân vẫn ngày đêm canh giữ, bảo vệ sự bình yên của dân tộc, cho đất nước. Chuyến đi ngày hôm đó làm em hiểu sâu sắc hơn về công việc của các chú bộ đội, càng làm em thêm yêu và kính trọng các chú hơn nữa.

Đề 5. Kể về những đổi mới ở quê em

Bài làm

“ Quê hương là đường đi học

Con về rợp bóng chiều bay…”

Qua những câu hát đó trên đài truyền thanh xã đã làm lòng em xao xuyến, thương mến quê hương em vô hận.

Mỗi người ai cũng có quê hương, mặc dù quê hương em không đẹp bằng quê hương của những bạn khác, nhưng nó lại là nơi chôn rau cắt rốn của em, nơi mà những buổi trưa mẹ đã cất tiếng ru cho em đi vào giấc mơ của tuổi thơ. Theo sự phát triển và đổi mới của đất nước, quê hương của em cũng được đổi mới theo, bóng dáng của quê hương Hà Đông của em cũng dần dần đi sâu vào dĩ vãng, thay vào đó là một không khí sôi nổi của các công tình lớn, nhỏ đang được xây dựng. Quê hương em như được thay một chiếc áo mới. Còn đường của làng em trước đây nó bị lầy lội, bản thỉu bởi những trận mưa rào thì bây giờ nó đang khác rồi. Nó được đổ bể tông cao hơn. Quê hương em cái năm ấy nó như mùa xây dựng vậy. Những dãy nhà được xây nằm sát nhau ở hai bên đường, không khí trong thôn, trong xóm như được vui hẳn lên. Các ngôi trường cũ cách đây hàng trục năm thì bây giờ nó cũ cách đây hàng chục năm thì bây giờ nó đã được dỡ bỏ vào thay vào đó là những ngôi tường mới, khang trang, sạch sẽ đầy đủ đồ dùng cho chúng em , xung quanh là tường vôi trắng xóa, học sinh đi học dường như đông hơn.

Càng tuyệt vời hơn quê hương em đã có điện,điện được dòng dây và tới mọi nhà, ban đêm ánh đèn, đường làng sáng rực lên trông rất đẹp. Nhà nào cũng có tivi cũng có đài và điều kiện của mọi họ gia đình cũng được nâng cao. Chính vì thế mà đời sống vật chất, tinh thần và văn hóa của người ở quê hương em đã được thay đổi và nâng cao.

Dù mai sau, em có đi đâu thì em sẽ nhớ mãi về hình ảnh quê hương của em:”cái ngày đổi mới ấy “.

Đề 6. Kể về thầy/ cô giáo của em

Bài làm

“Ăn quả nhớ kẻ trồng cây

Có danh có vọng nhớ thầy khi xưa”

Đó chính là những câu thơ nói về nghề giáo, nghề mà luôn được yêu quý, kính trọng. Tôi rất yêu mến các thầy cô giáo của mình, những người để lại cho tôi những ấn tượng sâu sắc nhất chính là cô Kim Anh – cô giáo chủ nhiệm của chúng tôi.

Cô có mái tóc rất dài, mượt mà, đen nhánh và luôn phảng phất hương thơm. Đôi mắt cô to tròn, đen láy, vô cùng cương nghị nhưng cũng không kém phần dịu dàng. Khi chúng tôi đạt thành tích cao trong học tập, cô luôn nhìn chúng tôi với ánh mắt trìu mến. Còn mỗi khi chúng tôi mắc lỗi, đôi mắt cương nghị của cô lại đượm buồn. Đôi bàn tay cô thon dài, luôn viết ra những mạch văn giàu cảm xúc để chuyển tải bài học đến với chúng tôi. Cô còn giúp chúng tôi nhớ bài lâu hơn bằng giọng nói của mình. Giọng nói của cô thật truyền cảm, khi thì dịu dàng, ấm áp, lúc lại dí dỏm, vui tươi khiến cho chúng tôi luôn tập trung vào bài học, quên cả thời gian. Tính cách cô hiền lành, chính trực, cô luôn nghiêm túc với công việc của mình. Hàng ngày, cô rất hay vui đùa với chúng tôi nhưng khi đã vào tiết học, cô cũng rất nghiêm khắc. Với cô dạy học không chỉ là một nghề, mà còn là một niềm đam mê. Cô luôn chuẩn bị rất kỹ cho bài giảng của mình, nhiều khi cô còn sử dụng cả những đoạn clip ngắn về bài học, giúp chúng tôi có thể tiếp thu bài nhanh nhất. Dù cô đã là một giáo viên nhưng cô vẫn học, đó là sở thích của cô. Cô luôn thức đến ba, bốn giờ sáng mới đi ngủ vì sau khi soạn giáo án, cô lại tiếp tục học bài. “Học như một con đò ngược dòng vậy, các con ạ!” Lời cô nói thấm thía lòng chúng tôi.

Tôi nhớ nhất là khi cô đi thăm quan với lớp chúng tôi. Lúc ấy, trên nét mặt cũng như trong đôi mắt của cô thể hiện sự lo lắng, bồn chồn không yên. Sau đó, chúng tôi mới vỡ lẽ, ra là hôm ấy, cô có bài thi môn triết học nhưng cô đã nghỉ thi để đi cùng với lớp chúng tôi vì cô sợ rằng có vấn đề gì không hay với chúng tôi, cô sẽ ân hận cả đời.

Một kỉ niệm đáng nhớ khác là khi tôi học hè. Khi ấy, tôi khá lo sợ do tôi đã nghỉ mất hai tuần. Tôi bước vào lớp với tâm trạng lo lắng. Cô biết là tôi đã nghỉ học, cô bèn giảng lại cho tôi những chỗ tôi chưa biết, chưa hiểu, rồi nhờ bạn cho tôi mượn vở để chép bù bài. Lúc đó tôi thấy mình nhẹ nhõm, thầm cảm ơn cô và các bạn.

Quả thật, nghề giáo thật là cao quý, giống như câu ví: “Nghề giáo là người lái đò tri thức qua sông”. Đó cũng là nghề mà tôi mong ước sau này khi trưởng thành. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, tôi muốn gửi lời chúc tới cô rằng: “Con chúc cô luôn mạnh khỏe! Con yêu cô nhiều lắm”.

Đề 7. Kể về một người thân của em

Bài làm

Nếu ai đó hỏi em, ai là người em yêu thương nhất? Em sẽ trả lời người em yêu thương nhất chính là người bà của em. Bà như một bà tiên trong chuyện cổ tích. Mỗi khi em gặp khó khăn, bà luôn là áng mây che trở cho em.

Năm nay, đã ngoài bảy mươi tuổi nhưng bà còn rất khoẻ. Da bà tuy đã nhăn nheo, có pha chút đồi mồi. Em vẫn đùa, đấy là chứng tích của thời gian. Nhưng bà vẫn rất khỏe do bà chăm chỉ rèn luyện sức khỏe hàng ngày. Khác với những người bà cùng hội đồng niên của bà, mái tóc của bà em có pha chút hoa râm nhưng dài và lúc nào cũng được búi gọn về phía sau. Vầng trán cao, đôi mắt to đã có phần mờ đục do những tháng năm trông ngóng ông em đi bộ đội về. Đặc biệt nụ cười làm khuân mặt bà thêm phúc hậu hơn. Đôi bàn tay gầy gây xương xương với những vết chai sần vì làm lụng vất vả để nuôi bố và các cô, chú em khôn lớn thành người. Bà mặc những bộ đồ rất giản dị, nhiều khi chỉ là bộ đồ nâu bà dành để đi lễ chùa.

Bà em có sở thích chăm sóc những chậu hoa nho nhỏ. Mỗi sáng sớm sau khi đi thể dục về, bà thường tự tay tưới tắm và bắt sâu cho những chậu hoa ấy. Một lần, bạn thân em đến chơi thấy bà đang chăm sóc chúng bèn hỏi: “Bà ơi, tại sao bà quý những cái chậu hoa này thế. Có khi nào bà yêu chúng hơn bọn cháu không?”. Bà nhìn chúng em âu yếm, bảo: “Sao thế được, tất nhiên các cháu bà bao giờ cũng là nhất rồi. Những cái chậu hoa này chỉ là thú vui của bà thôi. Đây là những cái chậu hoa ông để lại trước khi mất nên bà thay ông chăm sóc chúng để chúng ra hoa làm đẹp cho đời cháu ạ”

Hồi còn bé, bà đã thay mẹ, chăm bằm em từng li từng tí. Mỗi đêm, bà thường đưa em vào giấc ngủ qua những khúc hát ru, những câu chuyện cổ tích. Mỗi lần em ốm, bà lại chăm sóc em từng miếng cháo, từng ngụm nước để mẹ em yên tâm đi làm. Bà ngồi bên giường, dỗ dành, đút cho em từng thìa cháo nhỏ. Suốt những năm tuổi thơ ấy, em đã bén hơi bà và cứ như thế lớn lên trong vòng tay yêu thương của bà. Sau này, vì điều kiện gia đình phải chuyển chỗ ở để bố mẹ em tiện công tác, em không còn ở bên em thường xuyên như trước nữa, nhưng cứ thỉnh thoảng em lại đòi bố mẹ đón bà lên chơi với em một tuần, bà lại mang rất nhiều quà quê lên cho em và hàng xóm láng giềng.

Tình cảm từ người bà của em dành cho em không từ nào miêu tả được. Đến bây giờ khi đã bước chân vào cổng trường đại học, là một cô sinh viên duyên dáng, mỗi khi bà đến chơi, em lại xà vào lòng bà và bà lại đưa em vào giấc ngủ bằng những khúc hát ru ngọt ngào.

Advertisements (Quảng cáo)