Trang Chủ Bài tập SGK lớp 6 Soạn văn lớp 6

Soạn bài Sự tích Hồ Gươm – Bài 4 trang 39 Văn lớp 6: Hãy chỉ ra sức mạnh của gươm thần đối với nghĩa quân Lam Sơn ?

Soạn bài Sự tích Hồ Gươm – Bài 4 trang 39 SGK Ngữ văn 6 tập 1. Trả lời các câu hỏi 1- 6 phần đọc hiểu văn bản trang 42 và câu hỏi 1 – 4 phần Luyện tập trang 43 SGK Văn lớp 6. Câu 3: Hãy chỉ ra sức mạnh của gươm thần đối với nghĩa quân Lam Sơn ? Từ khi có gươm thần, công cuộc đánh ngoại xâm có nhiều thay đổi: nhuệ khí tăng lên …

I. Đọc – hiểu văn bản:

Câu 1: Vì sao đức Long Quân cho nghĩa quân Lam Sơn mượn gươm thần?

*Nguyên nhân:

Giặc Minh đô hộ nước ta, làm nhiều điều bạo ngược, nhân dân ta căm giận chúng đến từng xương tủy.

Ở vùng Lam Sơn, nghĩa quân nổi dậy chống lại nhưng lực lượng còn yếu nên nhiều lần bị thua.

Đức Long Quân thấy vậy, quyết định cho nghĩa quân mượn gươm thần để giết giặc.

Câu 2: Lê Lợi đã nhận gươm thần như thế nào? Cách Long Quân cho nghĩa quân Lam Sơn và Lê Lợi mượn gươm có ý nghĩa gì?

*Cách Long Quân cho mượn gươm :

Gươm thần không được Long Quân trao trực tiếp cho Lê Lợi mà trải qua nhiều bước:

– Chàng đánh cá Lê Thận bắt được lưỡi gươm ở dưới nước. Lê Thận gia nhập khởi nghĩa Lam Sơn. Một lần, Lê Lợi ghé qua nhà Lê Thận, lưỡi gươm gặp chủ tướng Lê Lợi sáng rực lên ha chữ “Thuận Thiên”. Lê Lợi cùng mọi người xem gươm nhưng không biết đó là báu vật.

– Trên đường bị giặc đuổi, Lê Lợi nhìn thấy ánh sáng lạ – chuôi gươm nạm ngọc ở ngọn cây đa đã lấy chuôi gươm mang về.

– Đem lưỡi gươm Lê Thận bắt ở dưới nước tra vào chuôi gươm mà mình lấy được ở gốc đa thì vừa như in.

– Lê Thận nâng gươm lên đầu và nói với Lê Lợi: “Đây là Trời có ý phó thác cho minh công làm việc lớn. Chúng tôi nguyện đem xương thịt của mình theo minh công, cùng với thanh gươm thần này để báo đền Tổ quốc”.

*Ý nghĩa cách cho mượn: nói lên tính chất nhân dân của cuộc khởi nghĩa.

Advertisements (Quảng cáo)

– Các nhân vật được lưỡi gươm ở dưới nước, chuôi gươm ở trên rừng cho ta thấy sức mạnh, khả năng cứu nước có ở khắp mọi miền Tổ quốc, từ miền sông nước cho đến miền núi, từ miền ngược đến miền xuôi đều cùng nhau đánh giặc.

– Các bộ phận thanh gươm vừa như in thể hiện sự đoàn kết nhất trí một lòng của nhân dân trong công cuộc đấu tranh đánh đuổi giặc ngoại xâm cũng như tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến. Đó cũng là cơ sở cho chiến thắng vẻ vang của nghĩa quân Lam Sơn.

– Lê Lợi được chuôi gươm, Lê Thận được lưỡi gươm khẳng định, ca ngợi người anh hùng Lê Lợi tài đức, đáng được gửi gắm niềm tin. Ngoài ra, Lê Lợi được chuôi gươm nói lên được vị trí minh chủ của mình trong nghĩa quân.

Câu 3: Hãy chỉ ra sức mạnh của gươm thần đối với nghĩa quân Lam Sơn.

Từ khi có gươm thần, công cuộc đánh ngoại xâm có nhiều thay đổi: nhuệ khí tăng lên, thanh gươm thần tung hoành khắp nơi làm cho quân Minh bạt vía, uy thế của nghĩa quân vang khắp nơi và đặc biệt, họ không phải trốn tránh như xưa mà chủ động, xông xáo đi tìm giặc để đánh.

Câu 4: Khi nào Long Quân cho đòi gươm? Cảnh đòi gươm và trả gươm đã diễn ra như thế nào?

*Long Quân lấy lại gươm khi:

Đất nước đã sạch bóng quân xâm lược, Lê Lợi đã lên ngôi vua, dời đô về Thăng Long.

Advertisements (Quảng cáo)

* Cảnh đòi gươm và trả gươm đã diễn ra rất long trọng. Khi Lê Lợi đang đi thuyền rồng dạo quanh hồ Tả Vọng, đến giữa hồ Rùa Vàng nhô lê, vua thấy lưỡi gươm đeo bên mình động đậy. Rùa tiến đến vua đòi gươm: “Xin bệ hạ hoàn lại gươm cho Long Quân!”. Vua Lê trao gươm, Rùa Vàng đớp lấy và lặn xuống.

Câu 5: Thảo luận ở lớp: Ý nghĩa của truyện “Sự tích Hồ Gươm”

– “Sự tích Hồ Gươm” ca ngợi tính chất chính nghĩa, tính chất nhân dân, tính chất toàn dân của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Câu chuyện cũng ca ngợi người anh hùng Lê Lợi: Lê Lợi được tổ tiên, thần thánh ủng hộ bằng việc cho mượn gươm thần, được nhân dân hưởng ứng.

– Truyền thuyết giải thích tên gọi Hồ Hoàn Kiếm (Hồ Gươm). Đức Long Quân cho mượn gươm thần khi đã hoàn thành sứ mệnh cứu nước, Long Quân đòi lại . Trả gươm cho Rùa Vàng, Lê Lợi đổi tên hồ thành hồ Hoàn Kiếm.

– Đồng thời thể hiện khát vọng hòa bình của nhân dân ta: Nhân dân ta luôn có khát vọng hòa bình. Khi giặc sang xâm lược ta sẵn sàng đứng lên đấu tranh nhưng khi đất nước đã hòa bình ta sẵn sàng xếp vũ khí lại bắt đầu xây dựng đất nước. Gươm thần trả lại cho Long Quân vẫn luôn còn đó như lời nhắc nhở dân tộc về quyết tâm bảo vệ đất nước đồng thời là lời cảnh báo đối với bất cứ một nước nào muốn xâm lược nước ta lần nữa.

Câu 6: Em còn biết truyền thuyết nào của nước ta cũng có hình ảnh Rùa Vàng. Theo em, hình tượng Rùa Vàng trong truyền thuyết Việt Nam tượng trưng cho ai và cho cái gì?

– Truyền thuyết có hình ảnh Rùa Vàng là truyền thuyết “An Dương Vương”.(Thần Kim Quy xuất hiện lúc nhân vật gặp khó khăn để khơi đường chỉ lối. Thần hi sinh một phần thân thể của mình để làm vũ khí: lấy nỏ thần làm bằng móng vuốt của rùa). Rùa Vàng giúp Long Quân nhận lại gươm để thực hiện tư tưởng yêu hòa bình của nhân dân ta.

– Rùa Vàng trong truyền thuyết Việt Nam tượng trưng cho tổ tiên, khí thiêng sông núi, tư tưởng, tình cảm và trí tuệ của nhân dân. Rùa Vàng tượng trưng cho sức mạnh và sự trầm tĩnh, sáng suốt của nhân dân. Nhưng riêng “Sự tích Hồ Gươm”, Rùa Vàng còn có ý nghĩa đề cao, tạo thanh thế cho nghĩa quân Lam Sơn và củng cố uy thế của nhà Lê sau cuộc khởi nghĩa.

II. LUYỆN TẬP:

1. Đọc thêm.

2. Vì sao tác giả dân gian không để Lê Lợi được trực tiếp nhận cả chuôi gươm và lưỡi gươm cùng một lúc?

Tác giả dân gian không để Lê Lợi được trực tiếp nhận cả chuôi gươm và lưỡi gươm cùng lúc là bởi vì đó là gươm thần (tượng trưng cho nghĩa quân chính nghĩa, nhân dân và có cả thần linh) nên không thể cho một cách đơn giản, mà phải vòng vèo, quanh co.

3. Lê Lợi nhận gươm ở Thanh Hóa nhưng lại trả gươm ở Hồ Gươm – Thăng Long. Nếu Lê Lợi trả gươm ở Thanh Hóa thì ý nghĩa của truyền thuyết sẽ khác đi như thế nào?

Lê Lợi nhận gươm ở Thanh Hóa nhưng lại trả gươm ở Hồ Gươm – Thăng Long. Nếu Lê Lợi trả gươm ở Thanh Hóa thì ý nghĩa của truyền thuyết sẽ bị giới hạn . Bởi lúc này, Lê Lợi đã được lên làm vua và đang ở Thăng Long – thủ đô, trung tâm chính trị, văn hóa, xã hội của cả nước. Vì thế, việc trả gươm ở hồ Tả Vọng của kinh thành Thăng Long mới thể hiện hết được tư tưởng hòa bình và tinh thần cảnh giác của dân tộc ta.

4. Hãy nhắc lại định nghĩa truyền thuyết và kể tên những truyền thuyết đã học:

*Truyền thuyết: loại truyện dân gian kể về các nhân vật và sự kiên liên quan đến lịch sử thời quá khứ, thường có yếu tố tưởng tượng kì ảo. Truyền thuyết thể hiện thái độ và cách đánh giá của nhân dân đối với các nhân vật và sự kiện lịch sử được kể.

*Truyền thuyết đã học:

– Con Rồng cháu Tiên.

– Thánh Gióng.

– Bánh chưng, bánh giầy.

– Sơn Tinh, Thủy Tinh.

Advertisements (Quảng cáo)