Trang Chủ Sách bài tập lớp 8 SBT Sinh học 8

Bài 1, 2, 3, 4, 5 trang 143 SBT Sinh 8: Thụ tinh, thụ thai và phát triển của thai ở người như thế nào ?

Chương 11 Sinh sản SBT Sinh lớp 8. Giải bài 1, 2, 3, 4, 5 trang 143 Sách bài tập Sinh học 8. Câu 1: Giải thích vì sao coi hành kinh lần đầu là dấu hiệu quan trọng nhất, đánh dấu tuổi dậy thì chính thức ở người con gái…

Bài 1. Giải thích vì sao coi hành kinh lần đầu là dấu hiệu quan trọng nhất, đánh dấu tuổi dậy thì chính thức ở người con gái.

Tuổi dậy thì là một giai đoạn chuyển tiếp về mặt sinh lí để từ một bé gái trở thành một thiếu nữ và bắt đầu có khả năng sinh con.

Tuổi dậy thì đến sớm hay muộn trong đời người con gái là tuỳ dân tộc, tuỳ vùng địa lí, tuỳ trình độ văn hoá, tuỳ điều kiện sống. Thường trẻ em người da màu, người sống ở thành thị tiếp cận dễ dàng với sách báo, phim ảnh, mức sống cao sẽ dậy thì sớm hơn người da trắng, người ở xứ lạnh, người ở nông thôn, mức sống thấp. Tuổi dậy thì do đó cũng dao động khá lớn, khoảng 8-12 tuổi.

Trẻ em gái Việt Nam tuổi dậy thì trung bình là 11 – 12 tuổi.

Tuổi dậy thì là lứa tuổi bắt đầu có những biến đổi về thể chất và sinh lí do sự thúc đẩy của các hoocmôn do vùng dưới đồi và tuyến yên tiết ra, trong đó có FSH và LH là những hoocmôn kích thích buồng trứng hoạt động.

Buồng trứng hoạt động sẽ tiết ơstrôgen, đồng thời vỏ tuyến trên thận cũng tiết ra anđrôgen.

Hai hoocmôn này thúc đẩy những biến đổi thể chất ở người con gái : đầu tiên là phát triển tuyến vú, tiếp theo sau là mọc lông mu và lông nách, các tuyến bã phát triển làm mọc “mụn trứng cá” và cuối cùng đánh dấu bằng “hành kinh lần đầu”, chứng tỏ là tử cung đã hoạt động tích cực dưới tác dụng của hoocmôn buồng trứng. Tất cả những biến đổi trên là dấu hiệu cho biết người con gái đã có khả năng sinh con – một dấu hiệu quan trọng đấnh dấu tuổi dậy thì chính thức ở người con gái. Vì trứng đã bắt đầu rụng, thường là sau một năm kể từ hành kinh lần đầu.

Bài 2. Thụ tinh, thụ thai và phát triển của thai ở người như thế nào ?

– Thụ tinh : Trứng gặp tinh trùng sẽ xảy ra sự thụ tinh để tạo thành hợp tử. Sự thụ tinh thường xảy ra trong ống dẫn trứng (ở 1/3 phía ngoài)

– Thụ thai : Sau khi thụ tinh hợp tử di chuyển xuống tử cung làm tổ (thời gian di chuyển khoảng 7 ngày), vừa di chuyển vừa phân chia. Khi tới từ cung, khối tế bào đã phân chia sẽ bám vào lớp niêm mạc tử cung đã được chuẩn bị sẵn (dày, xốp và xung huyết) để làm tổ và sẽ phát triển thành thai. Đó là sự thụ thai.

– Sự phát triển của thai : Phôi sau khi mới làm tổ trong thành tử cung chỉ là một khối tế bào chưa phân hoá, dần dần được phân hoá và phát triển thành thai. Tại nơi trứng làm tổ sẽ hình thành nhau thai bám chắc vào thành từ cung. Thai liên hệ với nhau nhờ cuống nhau và thực hiện trao đổi chất với cơ thể mẹ qua nhau thai để lớn lên.

Advertisements (Quảng cáo)

Bài 3. Trình bày những cơ sở khoa học của các biện pháp tránh thai trong thực hiện kế hoạch hoá gia đình.

Hiểu được các điều kiện để có thai là trứng phải chín, rụng và được thụ tinh : trứng đã thụ tinh phải làm tổ được trong lớp nội mạc tử cung (thụ thai) để phát triển thành thai bình thường cho đến khi sinh. Do đó, khi không muốn có thai hay chưa muốn có thai khi chưa đủ điều kiện thì cần :

1. Ngăn không cho trứng chín và rụng bằng sử dụng viên thuốc tránh thai trong đó có prôgestêrôn và ơstrôgen là những thành phần có tác dụng kìm hãm tuyến yên tiết FSH và LH nên trứng không phát triển đến độ chín và rụng.

2. Ngăn không cho trứng gặp tinh trùng để thụ tinh, có thể sử dụng :

a)    Bao cao su hoặc mũ tử cung để ngăn tinh trùng đến gặp trứng thụ tinh (đây cũng là biện pháp đảm bảo an toàn, tránh lây nhiễm các bệnh lây truyền qua quan hệ tình dục) hoặc xuất tinh ngoài âm đạo.

b)   Có thể vợ chồng gặp nhau tránh ngày rụng trứng bằng theo dõi chu kì rụng trứng qua chu kì kinh nguyệt (biện pháp này không thật an toàn vì có thể tính sai hoặc do những rối loạn về nội tiết gây rụng trứng bất thường).

c)    Nếu vợ chồng đã có số con mong muốn mà không muốn sinh con tiếp có thể đình sản bằng thắt ống dẫn tinh (ở nam) hoặc thắt ống dẫn trứng (ở nữ).

Advertisements (Quảng cáo)

3. Ngăn không cho trứng làm tổ trong lớp nội mạc tử cung thì có thể sử dụng các dụng cụ tránh thai (trước đây quen gọi là đặt vòng tránh thai vì các dụng cụ có dạng vòng tròn nhưng sau này nhiều loại có hình T, hình cung, hoặc hình uốn lượn…).

4. Khi đã trót có thai mà không muốn có con thì có thể giải quyết bằng cách hút điều hoà kinh nguyệt hoặc bằng nạo thai sớm khi thai còn nhỏ ở các cơ sở y tế đáng tin cậy để tránh làm tổn thương đến cơ quan sinh sản (như thủng tử cung hoặc dính tử cung…).

 Bài 4. Vì sao người phụ nữ dùng thuốc tránh thai là để ngăn không cho trứng rụng, nhưng vẫn hành kinh ?

Bình thường sau khi trứng rụng, các tế bào bao noãn, nơi trứng vừa rụng sẽ phát triển thành thể vàng dưới tác dụng của LH do thuỳ trước tuyến yên tiết ra. Thể vàng được hình thành sẽ tiết prôgestêrôn và ơstrôgen. Các hoocmôn này một mặt có tác dụng duy trì lớp nội mạc tử cung, gây xung huyết, dày và xốp, chuẩn bị đón trứng đã thụ tinh đến làm tổ ; mặt khác có tác dụng kìm hãm vùng dưới đồi và tuyến yên tiết FSH và LH, nghĩa là kìm hãm trứng không phát triển và không gây rụng trứng.

Viên thuốc tránh thai bao gồm các thành phần chủ yếu là prôgestêrôn và ơstrôgen đã làm nhiệm vụ thay thể vàng, kìm hãm trứng chín và rụng (nên không thể có thai) nhưng đồng thời cũng đã làm cho lớp nội mạc dày xốp xung huyết như đang chuẩn bị đón trứng đến làm tổ.

Trong vỉ thuốc tránh thai có 28 viên thì chỉ có 21 viên (từ số 1 đến số viên số 21) là có prôgestêrôn và ơstrôgen, 7 viên còn lại là thuốc bổ. Uống bắt đầu từ ngày “sạch” kinh đến ngày thứ 21 trong chu kì kinh, khi uống sang đến viên thứ 22 thì coi như lúc này thể vàng teo và prôgestêrôn cùng ơstrôgen giảm tiết đột ngột làm co thắt các mạch máu và lớp nội mạc tử cung không được cung cấp máu sẽ bị hoại tử, bong ra và dẫn tới hành kinh nhu bình thường, mặc dù trước đó trứng không hề rụng.

 Bài 5. Tuổi vị thành niên là gì ? Có thai ở tuổi vị thành niên có thể dẫn tới những hậu quả không mong muốn nào ?

– Tuổi vị thành niên là lứa tuổi 10-19 tuổi, lứa tuổi nằm trong khoảng thời gian từ lúc bắt đầu dậy thì cho đến tuổi trưởng thành.

+ Đây là giai đoạn phát triển đặc biệt và mạnh mẽ trong đời sống con người, giai đoạn chuyển tiếp từ trẻ con thành người lớn, được đặc trưng bởi sự phát triển mạnh mẽ cả về thể chất lẫn tinh thần và tình cảm.

+ Ở vào lứa tuổi này, nữ đã bắt đầu hành kinh, nam cũng đã bắt đầu sinh tinh nghĩa là lứa tuổi đã có khả năng có thai tuy rằng còn rất trẻ, nếu không biêt tự giữ mình thì dễ mang thai ngoài ý muốn.

– Có thai ở tuổi vị thành niên có thể dẫn tới những hậu quả không mong muốn là :

+ Mang thai, khi còn quá trẻ là nguyên nhân làm tăng nguy cơ tử vong vì:

Tỉ lệ sẩy thai, đẻ non cao do tử cung chưa phát triển đầy đủ để mang thai đến đủ tháng và thường sót rau, băng huyết, nhiễm khuẩn…
Nếu sinh con thì con sinh ra thường nhẹ cân, tỉ lệ tử vong cao.

+ Ngoài ra mang thai và sinh con ở lứa tuổi này sẽ cản trở việc học tập, ảnh hưởng đến vị thế xã hội, đến công tác sau này.

+ Nhiều chị em đã trót lỡ mang thai, phần vì phải giấu giếm, phần vì e thẹn, ân hận nên đã nạo phá thai lén ở các cơ sở không có chuyên môn, thiết bị thiếu, điều kiện vộ sinh không đảm bảo có thể dẫn tới thủng tử cung, gây sót rau, nhiễm trùng, băng huyết…

Hậu quả của việc nong nạo có thể dẫn tới : dính buồng tử cung, tắc vòi trứng gây vô sinh hoặc chửa ngoài dạ con. Ngoài ra, những tổn thương thành tử cung do nong nạo có thể để lại sẹo. Sẹo trên thành tử cung thường gây vỡ tử cung khi sinh đẻ lần sau.

Advertisements (Quảng cáo)