Đề 1. Hãy tưởng tượng mình là Xi – mông, kể lại truyện “Bố của Xi – mông”.
Bài làm
Tôi là đứa trẻ bất hạnh vì không có bố. Tuy lớn lên trong vòng tay yêu thương của mẹ nhưng tôi vẫn thấy thiếu thốn tình cảm của một người bố. Điều mà tôi sợ nhất là ngày ngày đến trường, lũ trẻ nghịch ngợm cứ quây quanh tôi mà la toáng lên: “Ê, ê! Thằng con hoang không có bố!”.
Hồi ấy tôi khoảng bảy hoặc tám tuổi, xanh xao nhút nhát. Điệu bộ của tôi vụng về ngượng nghịu đến phát tội. Tan trường về nhà, tai tôi nghe đầy lời đám trẻ xầm xì không ngừng. Chúng ranh mãnh theo dõi từng bước của tôi. Bằng trò trêu ghẹo độc ác vô tội vạ của con nít, chúng chặn trước chặn sau, bao vây dồn tôi vào giữa. Tôi chỉ biết đứng chịu trận, vừa ngạc nhiên, vừa hoang mang sợ hãi chẳng biết chúng muốn gì. Mặc dù mẹ dặn là tránh xa chúng nó ra nhưng đã vài lần, tôi không thể kìm được cơn giận dữ, lao vào đánh đấm chúng túi bụi. Đương nhiên là rồi bị chúng tẩn cho ra trò. Tôi về mách mẹ. Mẹ ôm tôi vào lòng vuốt ve, an ủi, nhưng rốt cuộc thì cả hai mẹ con cùng khóc.
Một hôm, tình trạng ấy lại tái diễn. Tôi nổi giận, vừa túm tóc tên nhóc vừa giơ chân đá. Tôi còn nhào đến, dữ tợn cắn vào má tên nhóc một phát, mở màn trận đấm đá tay đôi ác liệt, giữa đám giặc con đứng vòng ngoài vỗ tay reo hò. Tàn cuộc, tôi u đầu sứt trán, tay chân quần áo đầy đất cát. Một thằng lõi còn quát tôi:
Về méc với cha mày đi!
Tim tôi đau nhói. Chúng nó đông hơn, chỉ lấy thịt đè người cũng đủ chết, và tôi chẳng thể mở mồm biện minh được gì. Thật sự tôi chẳng có cha. Tôi nghẹn ngào, nhưng vì niềm kiêu hãnh, tôi cắn răng không khóc trước mặt lũ ranh. Tôi cố nén dòng nước mắt đang trào lên, nhưng niềm tức tưởi oà thành tiếng nấc không ngừng. Lũ ranh vỡ trận cười thoả thích. Chúng tay nắm tay nhau, reo hò nhẩy múa quanh tôi bằng điệp khúc, “Con không cha! Ê hê con không cha”. Tôi buồn bã bỏ học, lang thang ra bờ sông vắng. Nhìn dòng nước cuồn cuộn chảy, bỗng dưng tôi muốn chết… Tôi muốn dìm mình xuống sông vì không có cha. Tôi tuyệt vọng, chạm chân vào nước, đăm chiêu nhìn dòng sông lững lờ trôi. Vài con cá nhẩy lên mặt nước xanh để đớp ruồi. Tôi nín khóc, thích thú nhìn cảnh ngộ nghĩnh đang diễn trước mắt. Tuy nhiên, giữa lúc giông bão trong lòng tôi tạm lắng, như ngọn gió thình lình táp mạnh vào thân cây rồi ào đi, nó lại nghe niềm đau cào cấu. “Tôi muốn buông mình cho chết vì làm con không cha”. Tôi định nhảy ùm xuống, mặc cho dòng nước cuốn trôi đến đâu thì đến, chết lại càng hay! Lũ trẻ sẽ chẳng còn trêu chọc tôi được nữa và nỗi khổ tâm của tôi sẽ hoàn toàn chấm dứt. Tôi chìm ngập trong cảm xúc đau thương. Gốì đầu lên đôi bàn tay, tôi nằm ngửa nhìn trời. Trên cao là bầu trời xanh cao vời vợi. Những đám mây đủ mọi hình thù lãng đãng trôi. Ô kìa! Rõ ràng ba đám mây trắng ở sát bên nhau trông giống bố mẹ cùng dắt tay đứa con thơ. Tôi chợt bật khóc nức nở và gọi thật to: “Bố ơi! Bố ở đâu? Sao bố không về với con?”. Không một lời đáp lại. Chỉ có tiếng gió thổi xào xạc trong đám sậy ven sông. Tôi úp mặt xuống cỏ ướt, dần dần tỉnh lại. Rồi tôi nghĩ đến mẹ. Mẹ Blăng-sốt yêu quý của tôi! Nếu tôi không về nhà đúng giờ, mẹ sẽ lo lắng, sốt ruột biết chừng nào! Nếu tôi chết, chắc mẹ sẽ khóc hết nước mắt, có khi mẹ cũng sẽ chết theo tôi.
Trời thật ấm, ánh hồng trải mình trên cỏ, và dòng nước trong như gương. Tôi tận hưởng giây phút êm ả, đoạn mệt nhoài buông mình mơ màng trên thảm cỏ. Có con nhái xanh từ đâu nhảy dưới chân tôi. Tôi chồm người chụp lấy, nhưng con nhái vụt mất. Tôi rượt theo đến lần thứ tư mới bắt được. Nhìn con nhái cố sức ngọ nguậy trên tay để trổn thoát, tôi bật cười. Con nhái dồn sức xuống đôi chân sau, cố bật mạnh lên như chàng lực sĩ đang cử tạ. Tròng mở to như muôn lọt khỏi vòng mắt màu vàng viền bên ngoài, và hai chân trước chòi đạp như thể hai tay đang quơ ra cầu cứu. Hình ảnh ấy khiến tôi nhớ món đồ chơi của mình. Món đồ chơi được ghép bằng những mảnh gỗ nhỏ đóng từng đoạn chồng lên nhau. Trên ấy là hàng lính tí hon, thao tác tùy theo mảnh gỗ chuyển động. Nghĩ đến đây, tôi nhớ nhà, nhớ mẹ, và tủi thân bật khóc. Tay chân tôi run rẩy, tôi buông người quỳ xuống và cầu nguyện như hằng đêm trước khi đi ngủ. Chưa cầu nguyện xong, điều đau khổ lại trào dâng trong lòng khiến tôi oà khóc lớn. Bất ngờ, có bàn tay ai nặng trịch đặt lên vai tôi. Theo đó là giọng nói trầm trầm:
– Bé con ơi, việc gì khiến con buồn đến thế…
Tôi quay lại. Một người thợ với hàm râu đen và mái tóc dợn từng sợi, đang chăm chú nhìn tôi. Tôi tức tưởi:
– Tụi nó đánh con vì con không có cha.
Người thợ mỉm cười:
– Sao kỳ cục vậy… Ai cũng có cha mà con.
Tôi đau thắt người, trả lời.
– Nhưng con không có.
Nghe câu nói, người thợ bối rối và bảo tôi:
– Nín khóc đi con. Chú sẽ dắt con về với mẹ. Mẹ con sẽ chỉ cho con biết cha ở đâu.
Về đến trước căn nhà nhỏ xinh xắn. Tôi gọi to:
– Mẹ ơi, mẹ!
– Thưa cô, tôi gặp cháu đi lạc ngoài bến sông…
Tôi nhào ôm cổ mẹ, mếu máo.
– Không phải mẹ ơi, con muốn nhảy xuống sông. Tại tụi nó đánh con… Tụi nó đánh con vì con không có cha.
Mặt mẹ tôi ửng đỏ, ôm vội con vào lòng mà nước mắt tuôn trên má. Tôi chạy đến bên người thợ nói:
– Chú làm cha con được không…?
Ngột ngạt bao trùm, không ai nói một lời. Tôi liền tuyên bố:
– Nếu chú không chịu làm cha của con, con sẽ nhảy xuống sông.
Advertisements (Quảng cáo)
– Được chứ sao không, nhóc con.
Tôi làm quen.
– Chú tên gì để có ai hỏi thì con nói?
– Philip
Tôi ghi nhớ và quả quyết nói với chú:
– Bây giờ chú là cha của con!
Còn gì hay hơn thế nữa?! Tôi sung sướng ôm ghì lấy cổ chú Phi-líp, dụi mặt vào khuôn ngực vạm vỡ của chú.
Ngày hôm sau đi học, lũ bạn lại xúm vào trêu chọc tôi. Thay vì uất ức hay giận dữ, tôi kiêu hãnh đáp: “Bố” tớ là thợ rèn Phi-líp!”. Lũ bạn nhao nhao: “Không đúng! Không đúng! Mày phải có một ông bố đàng hoàng như chúng tao cơ!”. Tôi không hiểu thế nào là một ông bố đàng hoàng nên đành nín nhịn, chờ tan buổi học. Lúc đi ngang qua lò rèn, tôi rẽ vào gặp bố Phi-líp của tôi, kể mọi chuyện cho bố nghe. Tôi thấy vẻ mặt bố trầm ngâm hẳn. Bố lẩm bẩm: “Thôi được! Thôi được! Con hãy về nhà đi! Con sẽ có bố, ông bố thực sự, ông bố đàng hoàng của con!”.
Sau đó, một điều tuyệt vời xảy ra: bố Phi-líp đến gặp mẹ tôi, ngỏ lời cầu hôn với mẹ Blăng-sốt của tôi. Bố bảo tôi cần có bố thật sự, cần người bảo vệ. Bố Phi-líp đã đem lại cơ hội cho mẹ tôi được làm vợ một người đàn ông tử tế. Khỏi phải nói tôi vui mừng đến chừng nào! Thế là từ nay, đố đứa nào dám ức hiếp tôi nữa. Bố Phi-líp mạnh mẽ và tốt bụng sẽ là chỗ dựa chắc chắn cho cuộc đời tôi. Mẹ tôi ngạc nhiên lắm, cứ hết nhìn tôi lại nhìn Phi-líp. Rồi mẹ lấy chiếc khăn choàng trên vai, lau nước mắt.
Hôm sau đến trường, khi cả lớp chuẩn bị đọc bài thì tôi đứng lên. Mặt tái xanh và môi run run, nhưng tôi nói rõ ràng từng chữ:
– Cha tao… cha tao là Philip Remy, làm thợ rèn. Đứa nào láng cháng, cha tao sẽ kéo đứt tai.
Không một ai trong đám trẻ dám mở miệng cười. Người thợ rèn Philip Remy nổi tiếng chúng đều biết, và đứa nào cũng đều hãnh diện có người cha oai phong như thế. Bố Phi-líp đã đến ở hẳn với hai mẹ con tôi. Tôi rất thích đi dạo dọc bờ sông mỗi chiều để tôi âu yếm nói: “Bố Phi-líp của con! Con yêu bố lắm!”
Đề 2. Sau khi tự tử ở giếng Loa Thành, xuống thủy cung, Trọng Thủy đã tìm gặp lại Mị Châu. Hãy tưởng tượng và kể lại câu chuyện đó.
Bài làm
Tôi là Mị Châu, con gái yêu của vua An Dương Vương. Người con gái được vua cha yêu thương hết mực nhưng cũng gieo vạ lớn cho cha và đất nước vì nhẹ dạ, ngây thơ tin người. Câu chuyện của tôi là một bài học đắt giá để người đời soi vào, lấy đó làm lời răn về sự cảnh giác. Cho đến tận bây giờ cái cảm giác đau đớn vì bị phản bội vẫn còn âm ỉ trong tôi. Các bạn chia sẻ cùng tôi nhé.
Sau khi giúp cha tôi xây thành cổ Loa, thần Kim Quy cho cha tôi một cái móng của mình để làm lẫy nỏ mà giữ thành. Theo lời thần dặn, nỏ có được cái lẫy làm bằng móng chân thần sẽ là chiếc nỏ bắn trăm phát trúng cả trăm, và chỉ một phát có thể giết hàng ngàn quân địch. Cha tôi chọn trong đám gia thần được một người làm nỏ rất khéo tên là Cao Lỗ và giao cho Lỗ làm chiếc nỏ thần. Lỗ gắng sức trong nhiều ngày mới xong. Chiếc nỏ rất lớn và rất cứng, khác hẳn với những nỏ thường, phải tay lực sĩ mới giương nổi. Cha quý chiếc nỏ thần vô cùng, lúc nào cũng treo gần chỗ nằm.
Lúc bấy giờ Triệu Đà chúa đất Nam Hải, mấy lần đem quân sang cướp đất Âu Lạc, nhưng vì cha tôi có nỏ thần, quân Nam Hải bị giết hại rất nhiều nên Đà đành cố thủ đợi chờ thời cơ. Triệu Đà thấy dùng binh không được, bèn xin giảng hòa với cha tôi, sai con trai là Trọng Thuỷ sang cầu thân, nhưng chủ ý là tìm cách phá chiếc nỏ thần. Điều này thì về sau, khi quân Đà kéo sang và nỏ thần không còn hiệu nghiệm, cùng cha bỏ trốn tôi mới vỡ lẽ. Trong những ngày đi lại để giả kết tình hoà hiếu, Trọng Thuỷ gặp tôi, con gái yêu của An Dương Vương. Lúc bấy giờ tôi là một cô gái mới lớn, một thiếu nữ mày ngài, mắt phượng. Trọng Thuỷ đem lòng yêu tôi, tôi dần dần cũng xiêu lòng. Và dần trở nên thân thiết, không còn chỗ nào trong Loa thành mà tôi không dẫn người yêu đến xem. Cha tôi không nghi kỵ gì cả. Thấy đôi trẻ thương yêu nhau, vua liền gả tôi cho Trọng Thuỷ. Chàng sang hẳn cung điện của cha tôi, cùng chung sống. Một đêm trăng sao vằng vặc, tôi và Trọng Thủy ngồi trên phiến đá trắng giữa vườn, cùng nhau nhìn dãy tường thành cao nhất. Trong câu chuyện tỷ tê, Trọng Thuỷ hỏi: Nàng ơi, bên Âu Lạc có bí quyết gì mà không ai đánh được? Tôi vô tư đáp:
Advertisements (Quảng cáo)
– Có bí quyết gì đâu chàng, Âu Lạc đã có thành cao, hào sâu, lại có nỏ thần bắn một phát chết hàng nghìn quân địch, như thế còn có kẻ nào đánh nổi được?
Chàng ngỏ ý muốn xem chiếc nỏ. Tôi không ngần ngại, ngây thơ chạy ngay vào chỗ nằm của cha, lấy nỏ thần đem ra cho chồng xem, lại chỉ cho chàng biết cái lẫy vốn là chiếc móng chân thần Kim Quy và giảng cho Trọng Thủy cách bắn. Trọng Thủy chăm chú nghe, chăm chú nhìn cái lẫy, nhìn khuôn khổ cái nỏ hồi lâu, rồi đưa cho tôi cất đi.
Sau đó, Trọng Thủy xin phép cha tôi về Nam Hải, Trọng Thủy thuật lại cho Triệu Đà biết về chiếc nỏ thần. Đà sai một gia nhân chuyên làm nỏ, chế một chiếc lẫy nỏ giống hệt của An Dương Vương. Lẫy giả làm xong, Trọng Thủy giấu vào trong áo, lại trở sang Âu Lạc. Cha vốn chiều tôi, thấy con gái mỗi khi gặp chồng thì vui vẻ sung sướng, liền sai gia nhân bày tiệc rượu để ba cha con cùng vui. Trọng Thủy uống cầm chừng, còn cha và tôi say túy lúy. Thừa lúc bố vợ say, Trọng Thủy lẻn ngay vào phòng tháo lấy cái lẫy bằng móng chân thần Kim Quy và thay cái lẫy giả bằng móng rùa thường vào. Hôm sau, thấy chồng có vẻ bồn chồn, hết đứng lại ngồi không yên, tôi hỏi:
– Chàng như có gì lo lắng phải không?
Trọng Thủy đáp: Ta sắp phải đi, phụ vương dặn phải về ngay để còn lên miền Bắc, miền Bắc xa lắm nàng ạ. Tôi buồn rầu lặng thinh, Trọng Thủy nói tiếp: Bây giờ đôi ta sắp phải xa nhau, không biết đến bao giờ gặp lại! Nếu chẳng may xảy ra binh đao, biết đâu mà tìm?
Tôi tin lời chàng ngay, lòng đau đớn nói:
– Thiếp có cái áo lông ngỗng, hễ thiếp chạy về hướng nào thì thiếp sẽ rắc lông ngỗng dọc đường, chàng cứ chạy theo dấu lông ngỗng mà tìm.
Nói xong tôi nức nở khóc. Về đất Nam Hải, Trọng Thủy đưa cái móng rùa vàng cho cha. Chỉ ít ngày sau, Triệu Đà đã ra lệnh cất quân sang đánh Âu Lạc. Nghe tin báo, cha cậy có nỏ thần, không phòng bị gì cả. Đến khi quân giặc đã đến sát chân thành, cha sai đem nỏ thần ra bắn thì không thấy linh nghiệm nữa. Quân Triệu Đà phá cửa thành, ùa vào. Cha vội lên ngựa, để tôi ngồi sau lưng, phi thoát ra cửa sau.
Ngồi sau lưng cha, tôi bứt lông ngỗng ở áo rắc khắp dọc đường.
Đường núi gập ghềnh hiểm trở, ngựa chạy luôn mấy ngày đêm đến Dạ Sơn gần bờ biển. Hai cha con định xuống ngựa ngồi nghỉ thì quân giặc đã gần đến. Thấy đường núi quanh co dốc ngược, bóng chiều đã xuống, không còn lối nào chạy, cha liền hướng ra biển, khấn thần Kim Quy phù hộ cho mình. Cha vừa khấn xong thì một cơn gió lốc cát bụi bốc lên mù mịt, làm rung chuyển cả núi rừng. Thần Kim Quy xuất hiện, bảo cha rằng:
– Giặc ở sau lưng nhà vua đấy!
Cha tỉnh ngộ, tôi cũng chợt đau đớn hiểu ra sự tình, nguyện sinh nhận cái chết để chuộc lỗi lầm khủng khiếp mà mình đã gây ra. Tuy vậy lòng tôi không khỏi ân hận. Tôi tự trách mình đã gây ra cảnh mất nước, trách Trọng Thủy nỡ lợi dụng tình yêu và tấm lòng trong trắng của tôi. Sống dưới Thủy cung tôi không phút nào thanh thản và thề sẽ không để ai lợi dụng mình nữa. Tôi cố gắng làm những việc tốt để mong bù lại tội lỗi đã gây ra. Nhưng trong tôi, hình bóng Trọng Thủy vẫn còn đâu đó và chợt nhói đau mỗi khi nhớ về chàng với nỗi xót xa và oán hận.
Thế rồi thật bất ngờ, trong ngày hội lớn ở Thủy cung, tôi gặp chàng. Không nghĩ là chàng có mặt ở chốn này, tôi lúng túng vài giây khi đối mặt nhưng sau đó bỏ đi. Tôi không muốn nhìn thấy con ngưòi phản bội đã gây cho cả đất nước tôi cảnh đau thương, gây cho cha tôi nỗi đau của một ông vua mất nước, gây cho tôi vết thương lòng và cướp mất của tôi niềm tin vào tình yêu và lòng tốt của con người. Tôi hận chàng suốt bao năm qua, và giờ đây nỗi hối hận ấy bùng lên mạnh mẽ. Chàng đuổi theo tôi, vừa chạy vừa gọi:
– Mị Châu nàng ơi! Ta đã đi tìm nàng theo dấu lông ngỗng từ ngày ấy. Ta biết nàng hận ta nhưng hãy cho ta cơ hội giãi bày!
Trời ơi vẫn giọng nói trầm ấm thân thương ấy. Nhưng không thể tin lời nữa. Tôi xua đuổi:
– Ta không còn lòng tin vào ngươi nữa. Bây giờ ta cũng không còn gì cho ngươi cả. Hãy đi đi, đừng bao giờ xuất hiện và làm vết thương trong lòng ta thêm đớn đau!
Trọng Thủy vẫn một mực tha thiết. Chàng đuổi kịp tôi và quì xuống van xin:
– Ta biết nàng hận ta nhiều lắm, ta cũng biết không thể nào chuộc được lỗi lầm đã gây ra. Nhưng xin nàng hãy cho ta tỏ bày lòng mình. Rồi chàng kể:
– Quân của Triệu Đà kéo vào chiếm đóng Loa thành, còn ta một mình một ngựa theo dấu lông ngỗng đi tìm vợ. Đến gần bờ biển, thấy xác nàng nằm trên đám cỏ. Tuy chết mà nhan sắc không mờ phai. Ta đớn đau, khóc ngất đi, trong lòng như cắt, rồi thu nhặt thi hài nàng đem về chôn trong thành. Không còn nàng, ta cũng chả thiết sống nữa. Bổn phận với cha ta đã xong, rồi ta đâm đầu xuống giếng trong thành mà xưa kia nàng thường tắm để chết cùng nàng.
Đến đây tôi chợt hiểu vì sao chàng có mặt ở Thủy cung. Chàng từ bỏ danh vọng, từ bỏ chiến thắng, từ bỏ cả vua cha, ngai vàng để tìm tôi. Nhưng nỗi uất hận trong tôi không dễ gì nguội vơi. Xót xa, tôi hỏi chàng:
– Chàng yêu thiếp như thế sao nỡ lợi dụng lòng tin và tình yêu trong sáng của thiếp?
– Đấy là sai lầm lớn nhất của đời ta. Tuổi trẻ và sự nông nổi khiến cho ta chỉ biết nghe theo lời cha một cách mù quáng. Giá như được trở lại những ngày tháng ấy, thay vì trộm nỏ thần để báo hiếu ta sẽ giúp hai người cha trút bỏ hận thù và mộng xâm lược. Ta sẽ không phạm tội với nàng, không mất nàng, không phải sống trong đau đớn, giày vò. Đời này ta nguyện chỉ yêu mình nàng. Trong lòng ta không có hình ảnh người đàn bà nào khác nàng có biết không?
Chàng nói trong nước mắt. Tôi cũng khóc và chợt hiểu rằng cả hai chúng tôi đều là nạn nhân, là người bị lợi dụng mà thôi. Tôi gục vào vai chàng, những uất nghẹn trong lòng tôi bao năm qua theo nước mắt đẫm ướt áo chàng. Dù là kẻ tội lỗi với cha, với đất nước nhưng tôi vẫn tha thiết mong nhận được sự cảm thông. Tôi biết trái tim mình không “nhầm chỗ để trên đầu” như người ta nói. Tôi cũng muốn nói với các bạn trẻ rằng: Đừng bao giờ mắc sai lầm như tôi và Trọng Thủy cả. Hãy sống bằng tình yêu thay cho toan tính và hận thù!
Đề 3. Kể lại một kỉ niệm sâu sắc của anh (chị) về tình cảm gia đình hoặc tình bạn, tình thầy trò theo ngôi kể thứ nhất.
Bài làm
Cánh cửa không bao giờ khóa
Cô gái mới có 18 tuổi, cô – như hầu hết các thanh niên ngày nay – chán sống chung trong một gia đình nề nếp. Cô chán lối sống khuôn phép của gia đình. Cô muốn rời khỏi gia đình:
– Con không muốn tin ông trời của ba mẹ. Con mặc kệ, con đi đây!
Thế là cô quyết tâm bỏ nhà đi, quyết định lấy thế giới bao la làm nhà mình. Tuy nhiên, chẳng bao lâu, cô bị ruồng bỏ vì không tìm được việc làm, cô phải làm gái đứng đường, đem thân xác, hình hài mình ra làm thứ mua bán, đổi chác. Năm tháng cứ thế trôi qua, cha cô qua đời, mẹ cô già đi và cô con gái đó ngày càng sa đọa trong lối sống của mình. Không còn chút liên lạc nào giữa hai mẹ con trong những năm tháng ấy. Bà mẹ nghe đồn về lốì sống của con gái mình, bà đã đi tìm con trong khắp thành phố. Bà đến từng nhóm cứu trợ với lời thỉnh cầu đơn giản;
– Làm ơn cho tôi chưng tấm hình ở đây!
Đó là tấm hình một bà mẹ tóc muối tiêu, mỉm cười với hàng chữ: “Mẹ vẫn yêu con… Hãy về nhà đi con!”. Vài tháng lại trôi qua, vẫn không có gì xảy ra. Rồi một ngày, cô gái đến nhóm cứu trợ nọ để nhận một bữa ăn cứu đói. Cô chẳng buồn chú ý đến những lời giáo huấn, mắt lơ đễnh nhìn những tấm hình và tự hỏi: “Có phải mẹ mình không nhỉ?”.
Cô không còn lòng dạ nào chờ cho hết buổi lễ. Cô đứng lên, ra xem kĩ bức ảnh. Đúng rồi, đúng là mẹ cô và cả những điều bà viết nữa: “ Mẹ vẫn yêu con… Hãy về nhà đi con!”. Đứng trước tấm hình, cô bật khóc. Lúc đó trời đã tối nhưng bức hình đã làm cô gái xúc động đến mức cô quyết định phải đi bộ về nhà. Về đến nhà trời đã sáng tỏ. Cô sợ hãi khép nép không biết sẽ phải nói ra sao. Khẽ gõ cửa, cô thấy cửa không khóa. Cô nghĩ chắc có trộm vào nhà. Lo lắng cho sự an toàn của mẹ mình, cô gái trẻ chạy vội lên buồng ngủ của bà và thấy bà vẫn đang ngủ yên. Cô đánh thức mẹ mình dậy:
– Mẹ ơi, con đây! Con đây! Con đã về nhà rồi!
Không tin vào đôi mắt mình, bà mẹ lau nước mắt rồi hai mẹ con ôm chầm lấy nhau. Cô gái nói với mẹ:
– Mẹ à, con lo quá. Thấy cửa không khoá, con cứ nghĩ nhà có trộm!
Bà mẹ nhìn con âu yếm:
– Không phải đâu con à! Từ khi con đi, cửa nhà mình chưa bao giờ khoá. Mẹ sợ lúc nào đó con trở về mà mẹ không có ở đây để mở cửa cho con!
Và cô gái lại gục đầu vào lòng mẹ, bật khóc!