I. ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN:
Câu 1: Sau khi đọc, hãy tóm tắt nội dung của văn bản Cổng trường mở ra bằng một vài câu ngắn gọn?
*Tóm tắt:
Trong đêm trước ngày khai trường của con, người mẹ trằn trọc không ngủ được còn đứa con thân yêu lại ngủ dễ dàng như “ăn một cái kẹo”. Ngắm nhìn con ngủ say, lòng người mẹ bồi hồi xúc động: nhớ lại sự háo hức của con lúc chiều khi chuẩn bị quần áo mới, giày nón mới, cặp sách mới và tập vở mới; nhớ lại những kỉ niệm sâu sắc trong ngày khai giảng đầu tiên. Rồi sau đó, người mẹ lo cho tương lai của con: mẹ nhớ đến ngày khai trường ở Nhật – một ngày lễ thực sự của toàn xã hội – là nơi mà sự giáo dục được đặt lên hàng đầu. Đó cũng là niềm tin, tình cảm và khát vọng của mẹ đối với tương lai của con.
Câu 2: Đêm trước ngày khai trường, tâm trạng của người mẹ và đứa con có gì khác nhau? Điều đó biểu hiện ở những chi tiết nào trong bài?
– Mẹ:
+, Không ngủ được.
+, Hôm nay mẹ không tập trung vào việc gì cả.
+, Mẹ lên giường và trằn trọc.
+, Mẹ tin đứa con của mẹ lớn rồi.
– Con:
+, Vô tư, nhẹ nhàng, háo hức.
+, “Giấc ngủ dễ dàng như uống một li sữa, ăn một cái kẹo”.
+, “Gương mặt thanh thoát, đôi môi hé mở và thỉnh thoảng chúm lại như đang mút kẹo”.
=>Thể hiện được sự đối lập trong tâm trạng của mẹ và con. Mẹ thao thức, hồi hộp, lo âu, suy nghĩ triền miên còn đứa con vô lo, vô nghĩ và háo hức chờ đợi ngày khai trường.
Advertisements (Quảng cáo)
=> Mẹ là một người thấu hiểu con, mẹ theo dõi từng hành động cũng như từng suy nghĩ, từng cảm xúc của con trước ngày khai trường.
=> Người mẹ nhạy cảm và tinh tế.
Câu 3: Theo em, tại sao người mẹ lại không ngủ được? Chi tiết nào chứng tỏ ngày khai trường đã để lại dấu ấn thật sâu đậm trong tâm hồn người mẹ?
Người mẹ không ngủ được là vì mẹ vô cùng yêu thương con, thấy con lo lắng, hồi hộp, xúc động nên mẹ không ngủ được. Hơn nữa, mẹ không ngủ được là vì cứ nhắm mắt vào lại vang lên tiếng đọc bài trầm bổng. Những kỉ niệm ấy cứ ùa về trong tâm hồn mẹ.
Chi tiết chứng tỏ ngày khai trường đã để lại dấu ấn thật sâu đậm trong tâm hồn người mẹ: “Hằng năm cứ vào cuối thu… Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp”. Đây là những câu văn trích từ bài văn nổi tiếng của Thanh Tịnh “Tôi đi học” cứ ngân nga, ngọt ngào và luôn rạo rực trong lòng mẹ. Mẹ muốn truyền cái rạo rực, xao xuyến sang cho con, cho con niềm vui sướng và đặc biệt là con sẽ có những kỉ niệm đẹp vào ngày khai trường.
Câu 4: Có phải người mẹ đang trực tiếp nói với con không? Theo em, người mẹ đang tâm sự với ai? Cách viết này có tác dụng gì?
Người mẹ không trực tiếp nói với con mà chỉ đang thầm thì tâm sự với chính mình. Chính vì bà mẹ đang nói chuyện với chính mình nên giọng độc thoại là giọng chủ đạo của bài văn. Cách viết này làm cho việc thể hiện nội tâm nhân vật chân thực hơn, thấy rõ được những tâm sự của người mẹ khi nghĩ về con, khi nghĩ về kỉ niệm của mình và vai trò của nhà trường đối với thế hệ trẻ.
Câu 5: Câu văn nào trong bài nói lên tầm quan trọng của nhà trường đối với thế hệ trẻ?
“Ai cũng biết rằng mỗi sai lầm trong giáo dục sẽ ảnh hưởng đến cả một thế hệ mai sau, và sai lầm một li có thể đưa thế hệ ấy đi chệch cả hàng dặm sau này”.
Advertisements (Quảng cáo)
=>Người mẹ khẳng định vai trò quan trọng của giáo dục. Nhà trường chính là cái nôi nuôi dưỡng và đào tạo thế hệ trẻ cho tương lai của đất nước.
Câu 6: Người mẹ nói: “… bước qua cánh cổng trường là một thế giới kì diệu sẽ mở ra”. Đã bảy năm bước qua cánh cổng trường, bây giờ em hiểu thế giới kì diệu đó là gì?
“Thế giới kì diệu” đó là thế giới của kiến thức, của chân trời khoa học, của bài học về cuộc sống, của những tình cảm thầy trò mến thương và của những ước mơ. Hành trang của con có thể bước vào thế giới ấy chính là tình yêu thương, chăm sóc của bố mẹ.
II. LUYỆN TẬP:
Câu 1: Một bạn cho rằng, có rất nhiều ngày khai trường, nhưng ngày khai trường vào học lớp Một có dấu ấn sâu đậm nhất trong tâm hồn mỗi con người. Em có tán thành ý kiến đó không? Vì sao?
Ngày khai trường từ mẫu giáo lên lớp Một là một ngày khai giảng trọng đại và thiêng liêng:
– Trước hết, đây là năm đầu tiên chúng ta chính thức bước vào cánh cổng trường mà trong đó có biết bao điều thú vị và mới lạ đang chờ đón ta.
– Thứ hai, ngày khai trường lớp Một các bạn nhỏ đều được cha mẹ chuẩn bị rất kĩ từ sách vở, cặp, bút và cả quần áo bởi cha mẹ của các bạn biết rằng con họ thực sự đã bước những bước chân đầu tiên vào môi trường của tri thức.
– Thứ ba, sự đông vui, tấp nập, ai cũng có một người thân đi theo (sau này ít có).
– Cuối cùng, đó là sự mới mẻ, sự ngỡ ngàng đầu tiên của các bạn nhỏ trong ngày đầu tiên chạm đến con đường học tập và ước mơ.
Câu 2: Hãy nhớ lại và viết thành đoạn văn về một kỉ niệm đáng nhớ nhất trong ngày khai trường đầu tiên của mình?
“Ngày đầu tiên đi học
Mẹ dắt tay đến trường
…”
(Ngày đầu tiên đi học – Nguyễn Ngọc Thiện).
Sau đó dẫn dắt vào các ý sau:
– Em đã thức dậy rất sớm để chuẩn bị trang phục và chải tóc gọn gàng.
– Xem lại cặp sách.
– Tất cả mọi thứ đều mới
– Cùng mẹ tới trường nhưng trong lòng hơi hồi hộp và lo lắng (không biết có nhiều thầy cô không? Bạn bè mới như thế nào…?)
– Bước qua cánh cổng trường em mới càng hồi hộp và trống ngực đạp thình thịch.
– Gặp được các bạn của lớp mình và cô giáo chủ nhiệm.