Đề thi kiểm tra chất lượng đầu năm môn Tiếng Việt lớp 3 năm 2015 của trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ dành cho các em học sinh lớp 2 lên lớp 3.
ĐỀ KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG ĐẦU NĂM
Môn: TIẾNG VIỆT – Lớp 3
Năm học 2014 – 2015
I – Mục tiêu:
1. Kĩ năng đọc:
– Học sinh đọc đúng, rõ ràng, rành mạch đoạn văn, bài văn tốc độ khoảng 50 tiếng/ phút; biết ngắt nghỉ hơi hợp lí.
– Hiểu ý chính của bài văn, bài thơ; trả lời được câu hỏi về nội dung bài.
* Nhận biết được các hình ảnh so sánh trong câu.
2. Kĩ năng viết:
– Nghe – viết đúng chính tả và biết trình bày đoạn thơ, với tốc độ khoảng 50 chữ/ 15 phút.
– Học sinh quan sát ảnh Bác Hồ, viết được câu văn ( học sinh khá, giỏi viết được đoạn văn) tả ngắn về Bác theo nội dung, yêu cầu của đề bài.
II – Chuẩn bị:
Phô tô bài kiểm tra cho học sinh ( trên giấy A4)
III – Hướng dẫn đánh giá:
1. PHẦN ĐỌC
2. Đọc thành tiếng: (6 điểm)
– GV tổ chức cho HS bốc thăm và đọc thành tiếng một đoạn trong bài văn, bài thơ sách Tiếng Việt lớp 3 tập, tuần 1, tuần 2; sau đó trả lời câu hỏi về nội dung đoạn đọc.
Advertisements (Quảng cáo)
– Giáo viên đánh giá, cho điểm dựa vào các yêu cầu sau:
+ Đọc đúng tiếng, đúng từ.
+ Ngắt nghỉ hơi đúng các dấu bài, các cụm từ rõ nghĩa.
+ Giọng đọc bước đầu có biểu cảm
+ Tốc độ đọc đạt yêu cầu.
+ Trả lời đúng câu hỏi do giáo viên nêu
* Tùy theo mức độ học sinh đạt được mà giáo viên ghi điểm cho phù hợp từ (0,5 – 5 điểm).
2. Đọc thầm và làm bài tập:(4 điểm)
Em hãy đọc thầm bài thơ sau và khoanh vào chữ cái đặt trước câu trả lời đúng.
Hôm nay sáng mồng hai tháng chín
Hôm nay sáng mồng hai tháng chín
Thủ đô hoa, vàng nắng Ba Đình
Muôn triệu tim chờ… chim cũng nín
Bỗng vang lên tiếng hát ân tình
Hồ Chí Minh! Hồ Chí Minh!
Người đứng trên đài, lặng phút giây
Trông đàn con đó, vẫy hai tay
Cao cao vầng trán… ngời đôi mắt
Độc lập bây giờ mới thấy đây!
Người đọc Tuyên ngôn… rồi chợt hỏi:
“Đồng bào nghe tôi nói rõ không?”
Vâng, Bác nói, chúng con nghe rõ
Mỗi tiếng Người mang nặng núi sông…
Advertisements (Quảng cáo)
(Trích Bài “Theo chân Bác” của Tố Hữu)
1. Ngày 2 tháng 9 năm 1945 là ngày gì?
A. Ngày khai giảng.
B.Ngày tết Trung thu.
C.Ngày Bác Hồ đọc tuyên ngôn độc lập.
D.Ngày sinh nhật Bác Hồ.
2. Quảng trường Ba Đình ở đâu?
A. Hà Nội.
B.Huế.
C.Thành phố Hồ Chí Minh.
D.Đắc Lắc.
3. Các chữ Hồ Chí Minh, Bác vì sao được viết hoa?
A. Vì là tên riêng chỉ tên người.
B.Vì là tên địa phương, sông núi.
C.Vì là chữ đầu dòng thơ.
D.Vì đứng sau dấu chấm câu.
4*. Gạch dưới những sự vật được so sánh với nhau trong câu thơ sau:
“Qủa dừa – đàn lợn con nằm trên cao”
Đáp án:(Mỗi câu đúng được 1 điểm)
Câu 1: ý C;
Câu 2: ý A;
Câu 3; ý A;
Câu 4: quả dừa – đàn lợn con
B. KIỂM TRA VIẾT: 10 điểm
1/ Chính tả : 5 điểm
Ông trăng đêm rằm
Ông trăng đêm rằm
Mặt tròn lừng lựng
Từ nơi xa xăm
Về đây ông đứng.
Ông đứng giữa trời
Lơ lơ lửng lửng
Dưới trăng em chơi
Ông càng tỏa sáng.
Đường làng đầy trăng
Chân em rối rít,
Góc sân đầy trăng
Miệng em khúc khích.
Em cùng ông bước
Trên con đường làng
Cho em mơ ước
Được lên cung Hằng.
( Sưu tầm)
– Bài không mắc lỗi chính tả, chữ viết rõ ràng, đúng cỡ chữ, trình bày sạch, đẹp: 5 điểm
– Bài không mắc lỗi chính tả nhưng chữ viết chưa rõ ràng, trình bày chưa sạch, đẹp trừ 01 điểm toàn bài.
– Trong bài viết cứ mắc 01 lỗi chính tả ( sai, lẫn phụ âm đầu hoặc vần, dấu thanh, không viết hoa đúng quy định) trừ 0,5 điểm.
2/ Tập làm văn : (5 điểm) Tả ngắn về Bác Hồ
Quan sát ảnh Bác Hồ treo trong lớp học, trả lời các câu hỏi sau:
– Ảnh Bác được treo ở đâu ?
– Trông Bác như thế nào ( râu, tóc, vầng trán, đôi mắt…) ?
– Em muốn hứa với Bác điều gì ?
Học sinh viết được các câu trả lời hoặc một đoạn văn ngắn từ 3 đến 5 câu đảm bảo theo yêu cầu của đề bài.
Viết câu đúng ngữ pháp, dùng từ đúng, không mắc lỗi chính tả, chữ viết rõ ràng, sạch đẹp : 5 điểm.
Tùy mức độ thiếu sót mà có thể cho các mức điểm: 5; 4,5; …0,5 điểm