Trang Chủ Bài tập SGK lớp 12 Soạn văn 12

Soạn bài Nguyễn Đình Chiểu, Ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc – Bài 4 môn Văn lớp 12 trang 47: Có thể thấy bài văn nghị luận này không khô khan mà trái lại, có sức hấp dẫn, lôi cuốn. Vì sao ?

Soạn bài Nguyễn Đình Chiểu, Ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc – Phạm Văn Đồng – Bài 4 môn Văn lớp 12 trang 47. Trả lời các câu hỏi 1, 2, 3, 4, 5 SGK Văn lớp 12 tập 1 trang 53, 54. Câu 5: Có thể thấy bài văn nghị luận này không khô khan mà trái lại, có sức hấp dẫn, lôi cuốn. Vì sao ? Cách nghị luận không chỉ xác đáng, chặt chẽ, mà còn xúc động … 
I. ĐỌC HIỂU VĂN BẢN

Câu 1: a. Các luận điểm chính của bài:

– Mở bài: Ngôi sao Nguyễn Đình Chiểu một nhà thơ lớn của nước ta đáng lẽ phải chứng tỏ hơn nữa trong bầu trời văn nghệ dân tộc nhất là trong lúc này.

– Thân bài: bao gồm 3 luận điểm:

   + Nguyễn Đình Chiểu là một nhà thơ yêu nước.

   + Thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu – tấm gương phản chiếu phong trào kháng Pháp oanh liệt và bền bỉ của nhân dân Nam Bộ.

   + Lục Vân Tiên – tác phẩm lớn nhất của Nguyễn Đình Chiểu rất phổ biến trong dân gian nhất là ở miền Nam.

– Kết bài: Đời sống, sự nghiệp của Nguyễn Đình Chiểu là một tấm gương sáng nêu cao địa vị và tác dụng của văn học nghệ thuật nêu cao sứ mạng của người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng.

b. Cách sắp xếp các luận điểm trên khác với trật tự thông thường.

Advertisements (Quảng cáo)

– Thông thường khi nghị luận về một tác phẩm văn học, người viết phải nêu lên các tác phẩm chính có giá trị, sau đó mới tổng kết về con người của tác giả.

– Ngược lại: Phạm Văn Đồng lại trình bày rất kĩ lượng, tường tận về tấm lòng con người của tác giả, sau đó mới đi qua các tác phẩm chính của Nguyễn Đình Chiểu.

   Với trật tự này, Phạm Văn Đồng muốn nhấn mạnh Nguyễn Đình Chiểu là con người đặc biệt. Để hiểu về thơ ông thì trước tiên phải biết được con người của ông. Vì thực tế nhiều người còn có cái nhìn thiên kiến, thiên lệch về Nguyễn Đình Chiểu, chưa nhìn đúng và thấy hết những giá trị cơ bản trong cuộc đời và thơ văn của ông.

Câu 2: Tác giả cho rằng văn thơ của Nguyễn Đình Chiểu cũng giống như “những vì sao có ánh sáng khác thường”, “con mắt chúng ta phải chăm chú nhìn thì mới thấy”. Có nghĩa là vẻ đẹp của thơ văn Nguyễn Đình Chiểu không rực rỡ bóng bẩy.

Advertisements (Quảng cáo)

Câu 3: Tác giả đã giúp chúng ta nhận ra những “ánh sáng khác thường” của ngôi sao sáng Nguyễn Đình Chiểu trên bầu trời văn nghệ Việt Nam

– Trước hết là về cuộc sống và quan niệm sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu. Đó là một cuộc đời đẹp, đầy nghị lực, dù gặp nhiều khó khăn và bất hạnh, nhưng vẫn đứng thẳng, vẫn ngẩng cao đầu mà sống, không phải vì mình mà vì dân, vì nước, theo lí tưởng “Kiến nghĩa bất vi vô dõng dãi”, tỏ thái độ bất khuất, bất hợp tác quyết liệt trước sự mua chuộc của thực dân Pháp. Cùng với cuộc sống đẹp là quan niệm sáng tác đúng đắn và tiến bộ: Chở bao nhiêu thuyền không khẳm – Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà! Đó là thơ văn chiến đấu, đánh thẳng vào giặc ngoại xâm và tôi tớ của chúng. Đối với Nguyễn Đình Chiểu, cầm bút, viết văn là một thiên chức, và ông đã làm đúng thiên chức đó.

– Thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu phục vụ đắc lực cuộc chiến đấu chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta, làm sống lại tâm trí của chúng ta phong trào kháng Pháp oanh liệt và bền bỉ của nhân dân Nam Bộ từ năm 1960 về sau, suốt hai mươi năm trời, với những bài văn tế mà tiêu biểu là Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, những bài điếu như Ngư Tiều y vấn đáp… Đó là những tác phẩm sôi sục lòng căm thù và dạt dào lòng yêu nước với những hình tượng cao đẹp của người nông dân nghĩa sĩ đánh giặc, những lãnh tụ của nghĩa quân, những tấm gương bất khuất cao độ trước kẻ thù.

– Truyện Lục Vân Tiên là một bài thơ hào hùng mà thiết tha lí tưởng đạo đức của nhân dân, ca ngợi những con người trọng nghĩa, khinh tài, trước sau một tấm lòng, mặc dầu khổ cực, gian nguy quyết phấn đấu vì nghĩa lớn như Lục Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga, Tiểu Đồng, Vương Tử Trực, Hán Minh… Bằng cách nhìn mới mẻ mà đúng đắn, tác giả đã có sự nhìn nhận và đánh giá lại “giá trị văn nghệ của bản trường ca thật là hấp dẫn từ đầu đến cuối” này. Đây là một sự “điều chỉnh” cần thiết để khôi phục lại giá trị nghệ thuật như vốn có của tác phẩm.

Câu 4: Chính là vì:

– Cho đến nay, vẫn còn nhiều người chưa hiểu hết giá trị văn chương của Nguyễn Đình Chiểu, trong đó không ít người còn nhìn nhận phiến diện về thơ văn ông, thậm chí còn “chê” văn thơ ông là thô ráp, nôm na…

– “Phải chứng tỏ hơn nữa trong thời đại hiện nay” để khôi phục lại giá trị đích thực của nhà thơ yêu nước miền Nam từng có tác dụng to lớn và sâu rộng trong nhân dân ta, không chỉ trong thời bấy giờ mà ngay cả trong cuộc sống hiện nay.

Câu 5: Bài nghị luận này không hề khô khan mà đầy sức hấp dẫn, lôi cuốn là nhờ những yếu tố sau đây:

– Cách nghị luận không chỉ xác đáng, chặt chẽ, mà còn xúc động, thiết tha, với nhiều hình ảnh, ngôn ngữ đặc sắc, khiến người dọc còn nhớ mãi.

– Cách nhìn mới mẻ, có giá trị phát hiện của tác giả đã lôi cuốn người đọc vào bài viết của mình.

– Nhưng quan trọng nhất là tấm lòng của người viết đối với cuộc đời cao đẹp và thơ văn có giá trị đích thực của Nguyễn Đình Chiểu. Đó cũng là tấm lòng gắn bó sâu sắc của tác giả, đối với vận mệnh đất nước và cuộc sống của nhân dân ta lúc bấy giờ. Chính tấm lòng này đã làm nên chất văn cho bài viết, và qua bài viết, ta thấy được hơi thở của cuộc sống thấm trong từng câu chữ, để người viết có thể làm sống lại một thời kì lịch sử đau thương mà anh dũng của dân tộc, trên cái nền đó mà biểu dương, ca ngợi Nguyễn Đình Chiểu – Một người trọn đời dùng cây bút làm vũ khí chiến đấu cho dân, cho nước, nêu cao tấm gương của người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng.

Advertisements (Quảng cáo)