Trang Chủ Bài tập SGK lớp 9 Soạn văn lớp 9

Soạn bài Xưng hô trong hội thoại – Bài 3 trang 38 Văn 9: Xác định các từ ngữ xưng hô trong hai đoạn trích ?

Soạn bài Xưng hô trong hội thoại – Bài 3 trang 38 SGK Ngữ văn 9 tập 1. Trả lời các câu hoi phần I, II trang 38 – 42 SGK Văn 9. Câu 2: Xác định các từ ngữ xưng hô trong hai đoạn trích ? Từ ngữ xưng hô trong đoạn trích thứ nhất …

I. Từ ngữ xưng hô và việc sử dụng từ ngữ xưng hô

Câu 1: – Tất cả các danh từ chỉ quan hệ họ hàng trong tiếng Việt đều có thể trở thành từ xưng hô ở ngôi thứ nhất hoặc ngôi thứ hai: anh, chị, em, con, cháu, ông, bà, chú, bác, thím, cậu, mợ, cô, dì, ông trẻ, bà trẻ,… Các từ xưng hô này có thể dùng ở nhiều mối quan hệ, ví dụ: bác dùng để gọi anh (chị) của bố mẹ hoặc bậc ngang tuổi bố mẹ trở nên (gọi bác xưng cháu) nhưng cũng dùng để gọi anh (chị) hoặc người bậc tuổi anh (chị) trong xưng hô thân mật (gọi bác xưng em).

– Một số từ chỉ nghề nghiệp, chức danh cũng có thể dùng làm từ xưng hô như bác sĩ, nhà báo, giáo sư, bộ trưởng,…

Câu 2: – Xác định từ ngữ xưng hô trong hai đoạn trích:

+ Từ ngữ xưng hô trong đoạn trích thứ nhất:  em – anh (của Dế Choắt nói với Dế Mèn), ta – chú mày (của Dế Mèn nói với Dế Choắt).

+ Từ ngữ xưng hô trong đoạn trích thứ hai: tôi – anh (của Dế Mèn nói với Dế Choắt và của Dế Choắt nói với Dế Mèn)

Advertisements (Quảng cáo)

– Phân tích sự thay đổi về cách xưng hô của Dế Choắt và Dế Mèn trong hai đoạn trích: Trong đoạn trích thứ nhất, sự xưng hô của hai nhân vật rất khác nhau, đó là sự xưng hô bất bình đẳng của một kẻ ở vị thế yếu, cảm thấy mình thấp hèn, cần nhờ vả người khác và một kẻ ở vị thế mạnh, kiêu căng và hách dịch. Nhưng trong đoạn trích thứ hai, sự xưng hô thay đổi hẳn, đó là sự xưng hô bình đẳng (tôi – anh), không ai thấy mình thấp hơn hay cao hơn người đối thoại.

– Giải thích sự thay đổi đó: Có sự thay đổi về xưng hô như vậy vì tình huống giao tiếp thay đổi, vị thế của hai nhân vật không còn như trong đoạn trích thứ nhất nữa. Dế Choắt không còn coi mình là đàn em, cần nhờ vả, nương tựa Dế Mèn nữa mà nói với Dế Mèn những lời trăng trối với tư cách là một người bạn.

II. Luyện tập

Advertisements (Quảng cáo)

Câu 1: –  Thay vì dùng “chúng em”, cô học viên người châu Âu dùng “chúng ta” Trong tiếng Việt, có sự phân biệt giữa phương tiện xưng hô chỉ “ngôi gộp” (tức chỉ một nhóm ít nhất là hai người, trog đó có người nói và cả người nghe như “chúng ta”) và phương tiện xưng hô chỉ “ngôi trừ” (tức chỉ một nhóm ít nhất là hai người, trong đó có người nói, nhưng không có người nghe như “chúng tôi”, “chúng em”…). Ngoài ra, có phương tiện xưng hô vừa có thể được dùng để chỉ “ngôi gộp”, vừa có thể được dùng để chỉ “ngôi trừ” như “chúng mình”.

– Khác với tiếng Việt, nhiều ngôn ngữ châu Âu không có sự phân biệt đó, chẳng hạn We trong tiếng Anh có thể dịch sang tiếng Việt là “chúng tôi” hoặc “chúng ta” tùy thuộc vào tình huống. Do ảnh hưởng của thói quen trong tiếng mẹ đẻ (không phân biệt “ngôi gộp” và “ngôi trừ”), cô học viên đã có sự nhầm lẫn. Điều đáng chú ý là việc dùng “chúng ta”, thay vì dùng “chúng em”/ “chúng tôi”, trong tình huống này làm cho ta có thể hiểu lễ thành hôn là của cô học viên người châu Âu và vị giáo sư Việt Nam.

Câu 2:  Việc dùng “chúng tôi” thay cho “tôi” trong các văn bản khoa học nhằm tăng thêm tính khách quan cho những luận điểm khoa học trong văn bản. Ngoài ra, việc xưng hô này còn thể hiện sự khiêm tốn của tác giả.

– Tuy nhiên, cần lưu ý trong những tình huống nhất định, chẳng hạn khi viết bài bút chiến, tranh luận, khi cần nhấn mạnh ý kiến riêng của cá nhân, thì dùng “tôi” tỏ ra thích hợp hơn.

Câu 3: Trong truyện “Thánh Gióng”, đứa bé gọi mẹ của mình theo cách gọi thông thường. Nhưng xưng hô với sứ giả thì sử dụng những từ ta – ông. Cách xưng hô như vậy cho thấy Thánh Gióng là một đứa bé khác thường.

Câu 4: Vị tướng, tuy đã trở thành một nhân vật nổi tiếng, có quyền cao chức trọng, nhưng vẫn gọi thầy cũ của mình là “thầy” và xưng là “con”. Ngay khi người thầy giáo già gọi vị tướng là “ngài” thì ông vẫn khồng hề thay đổi cách xưng hô. Cách xưng hô đó thể hiện thái độ kính cẩn và lòng biết ơn của vị tướng đối với thầy giáo của mình. Đó quả là bài học sâu sắc về tinh thần “tôn sư trọng đạo”, rất đáng để noi theo.

Câu 5: Trước năm 1945, đất nước ta còn là một nước phong kiến. Người đứng đầu nhà nước là vua. Vua không bao giờ xưng với dân chúng của mình là “tôi” mà xưng là “trẫm”. Việc Bác, người đứng đầu nhà nước Việt Nam mới, xưng là “tôi” và gọi dân chúng là “đồng bào” tạo cho người nghe cảm giác gần gũi, thân thiết với người nói, đánh dấu một bước ngoặt trong quan hệ giữa lãnh tụ và nhân dân trong một đất nước dân chủ.

Câu 6: Các từ ngữ xưng hô trong đoạn trích này là của một kẻ có vị thế, quyền lực (cai lệ) và một người dân bị áp bức (chị Dậu). Cách xưng hô của cai lệ thể hiện sự trịch thượng, hống hách. Còn cách xưng hô của chị Dậu ban đầu thì hạ mình, nhẫn nhục (nhà cháu – ông), nhưng sau đó thay đổi hoàn toàn: tôi – ông, rồi bà – mày. Sự thay đổi cách xưng hô đó thể hiện sự thay đổi thái độ và hành vi ứng xử của nhân vật. Nó thể hiện sự phản kháng quyết liệt của một con người dồn đến bước đường cùng.

Advertisements (Quảng cáo)