1. Từ đơn và từ phức
Câu 1: – Từ đơn: từ chỉ gồm một tiếng.
– Từ phức: từ gồm hai hay nhiều tiếng. Từ phức gồm:
+ Từ láy: các tiếng có quan hệ láy âm của nhau (âm đầu hoặc vần, hoặc toàn bộ tiếng).
+ Từ ghép: các tiếng có quan hệ với nhau về nghĩa.
Câu 2: – Từ ghép: ngặt nghèo, giam giữ, bó buộc, tươi tốt, bọt bèo, cỏ cây, đưa đón, nhường nhịn, rơi rụng, mong muốn. Chú ý: mỗi tiếng trong các từ trên đều có nghĩa. Giữa các tiếng trong các từ ghép này lại có sự giống nhau về âm thanh, nhưng sự giống nhau do ngẫu nhiên chứ không có lí do, quan hệ chủ yếu vẫn là quan hệ nghĩa.
– Từ láy: các từ còn lại.
Câu 3: Các từ láy giảm nghĩa: trăng trắng, đèm đẹp, nho nhỏ, lành lạnh, nhấp nhô, xôm xốp.
Các từ còn lại là láy tăng nghĩa.
2. Thành ngữ:
Câu 1: Thành ngữ là tập hợp từ cố định, quen dùng, biểu thị một ý nghĩa hoàn chỉnh. Nghĩa của thành ngữ thường mang nghĩa bóng chứ không phải nghĩa của các yếu tố tạo ra cộng lại.
Câu 2: – Các thành ngữ: đánh trống bỏ dùi, được voi đòi tiên, nước mắt cá sấu.
– Các tục ngữ: gần mực thì đen, gần đèn thì sáng; Chó treo mèo đậy.
– Giải thích nghĩa:
+ Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng: Gần kẻ xấu bị ảnh hưởng, tiêm nhiễm cái xấu, gần người tốt thì học hỏi, tiếp thu được cái tốt, cái hay mà tiến bộ.
+ Đánh trống bỏ dùi: làm việc không đến nơi đến chốn, bỏ dở, thiếu trách nhiệm.
+ Chó treo mèo đậy: muốn giữ gìn thức ăn, với chó thì phải treo lên, với mèo thì phải đậy lại.
+ Được voi đòi tiên: tham lam, được cái này lại muốn cái khác hơn.
+ Nước mắt cá sấu: sự thông cảm, thương xót giả dối nhằm đánh lừa người khác.
Câu 3: – Thành ngữ có yếu tố chỉ động vật:
+ Ếch ngồi đáy giếng: ví người sống ở môi trường nhỏ hẹp, ít tiếp xúc với bên ngoài nên ít hiểu biết, tầm nhìn chật hẹp. Ông ta chỉ huênh hoang thế thôi, chứ thực ra chỉ là loại ếch ngồi đáy giếng.
+ Cá chậu chim lồng: ví tình cảnh bị giam giữ, bó buộc, tù túng, mất tự do. Từ ngày lấy chồng, chị ấy sống cảnh cá chậu chim lồng.
– Thành ngữ có yếu tố chỉ thực vật:
+ Dây cà ra dây muống: tả cách nói, cách viết từ cái này kéo sang cái kia một cách lan man, dài dòng. Yêu cầu ông ấy phát biểu đúng năm phút, đừng để ông ta dây cà dây muống, sốt ruột lắm.
+ Cây cao bóng cả: người có thế lực, có uy tín lớn, có khả năng che chở, giúp đỡ người khác. Bác là cây cao bóng cả, nhờ bác nói một tiếng với bà con.
Câu 4: Hai dẫn chứng về việc sử dụng thành ngữ trong văn chương
Advertisements (Quảng cáo)
– Cá chậu chim lồng: cảnh tù túng, bó buộc, mất tự do.
VD: Một đời được mấy anh hùng – Bõ chi cá chậu chim lồng mà chơi (Nguyễn Du, Truyện Kiều)
– Cửa các buồng khuê: nơi ở của con gái nhà giàu sang ngày xưa, chỉ người con gái khuê các.
VD: Xót mình cửa các buồng khuê – Vỡ lòng học lấy những nghề nghiệp hay (Nguyễn Du, Truyện Kiều)
– Bảy nổi ba chìm: sống lênh đênh, gian truân, lận đận.
VD: Thân em vừa trắng, lại vừa tròn – Bảy nổi ba chìm với nước non (Hồ Xuân Hương, Bánh trôi nước)
– Màn trời chiếu đất: cảnh sống không nhà cửa, dãi dầu, khổ cực.
VD: Xiết bao ăn tuyết nằm sương – Màn trời chiếu đất dặm trường lao đao. (Nguyễn Đình Chiểu, Truyện Lục Vân Tiên)
3. Nghĩa của từ
Câu 1: Nghĩa của từ là nội dung (sự vật, tính chất, hoạt động, quan hệ,…) mà từ biểu thị.
Câu 2: Chọn cách hiểu (a). Không thể chọn (b) vì nghĩa của “mẹ” chỉ khác nghĩa của “bố” ở phần nghĩa “người phụ nữ”. Không thể chọn (c) vì trong hai câu này, nghĩa của từ “mẹ” có thay đổi. Nghĩa của “mẹ” trong “Mẹ em rất hiền.” là nghĩa gốc, còn nghĩa của từ “mẹ” trong “Thất bại là mẹ thành công.” là nghĩa chuyển. Không thể chọn (d) vì nghĩa của từ “mẹ” và nghĩa của từ “bà” có phần nghĩa chung là “người phụ nữ”.
Câu 3: Cách giải thích (b) là đúng. Cách giải thích (a) vi phạm một nguyên tác quan trọng phải tuân thủ khi giải thích nghĩa của từ, vì đã dùng một cụm từ có nghĩa thực thể (đức tính rộng lượng, dễ thông cảm với người có sai lầm và dễ tha thứ – cụm danh từ) để giải thích cho một từ chỉ đặc điểm, tính chất (độ lượng – tính từ)
4. Từ nhiều nghĩa và hiện tượng chuyển nghĩa của từ
Câu 1: Từ có thể có nhiều nghĩa do hiện tượng chuyển nghĩa tạo ra. Trong từ nhiều nghĩa có:
– Nghĩa gốc: nghĩa xuất hiện ban đầu, làm cơ sở để hình thành cho các nghĩa khác.
– Nghĩa chuyển: nghĩa được tạo thành trên cơ sở nghĩa gốc.
Advertisements (Quảng cáo)
Câu 2: Từ “hoa” trong “thềm hoa, lệ hoa” được dùng theo nghĩa chuyển. Tuy nhiên không thể coi đây là hiện tượng chuyển nghĩa làm xuất hiện từ nhiều nghĩa, vì nghĩa chuyển này của từ “hoa” chỉ là chuyển nghĩa lâm thời, nó chư a làm thay đổi nghĩa của từ, chưa thể đưa vào từ điển.
5. Từ đồng âm
Câu 1: – Từ đồng âm: Những từ có hình thức âm thanh giống nhau nhưng nghĩa hoàn toàn khác nhau, không có liên quan đến nhau. Ví dụ: đường (đi) với đường (ăn).
– Từ nhiều nghĩa: Các nghĩa của từ có liên quan đến nhau. Hai từ đồng âm là hai từ có nghĩa hoàn toàn khác nhau, không liên quan đến nhau, còn từ nhiều nghĩa chỉ là một từ.
Ví dụ, từ “mũi” có các nghĩa như:
1. Bộ phận nhô lên ở giữa mặt người và động vật có xương sống, là cơ quan dùng để thở và ngửi.
2. Bộ phận có đầu nhọn nhô ra phía trước của một số vật (mũi thuyền)
3. Mỏm đất nhô ra biển (mũi Cà Mau)
4. Bộ phận lực lượng có nhiệm vụ tiến công theo một hướng nhất định…
Câu 2:
a. Có hiện tượng từ nhiều nghĩa, vì nghĩa của từ “lá” trong “lá phổi” có thể coi là kết quả chuyển nghĩa của từ “lá” trong “lá xa cành”.
b. Có hiện tượng từ đồng âm vì hai từ có vỏ ngữ âm giống nhau nhưng nghĩa của từ “đường” trong “đường ra trận” không có một mối liên hệ nào với nghĩa của từ “đường” trong “ngọt như đường”. Hoàn toàn không có cơ sở để cho rằng nghĩa này được hình thành trên cơ sở nghĩa kia.
6. Từ đồng nghĩa
Câu 1: Từ đồng nghĩa là các từ có nghĩa giống nhau hoặc gần giống nhau (trong một số trường hợp có thể thay thế nhau).
Câu 2: Chọn cách hiểu (d) (Các từ đồng nghĩa với nhau có thể không thay thế được cho nhau trong nhiều trường hợp sử dụng). Không thể chọn (a) vì đồng nghĩa là hiện tượng phổ quát của ngôn ngữ nhân loại, nói cách khác, không có ngôn ngữ nào trên thế giới không có hiện tượng đồng nghĩa. Không thể chọn (b) vì đồng nghĩa có thể là quan hệ giữa hai, ba hoặc nhiều hơn ba từ. Không thể chọn (c) vì không phải bao giờ các từ đồng nghĩa cũng có nghĩa hoàn toàn giống nhau.
Câu 3: “Xuân” là từ chỉ một mùa trong năm, trong khoảng thời gian tương ứng với một tuổi. Có thể coi đây là trường hợp lấy bộ phận để thay cho toàn thể, một hình thức chuyển nghĩa theo phương thức ẩn dụ.
Từ “xuân” thể hiện tinh thần lạc quan của tác giả. Ngoài ra, dùng từ này còn là để tránh lặp với từ “tuổi tác”.
7. Từ trái nghĩa
Câu 1: Từ trái nghĩa là những từ có nghĩa trái ngược nhau.
Câu 2: Những cặp từ có quan hệ trái nghĩa: xấu – đẹp, xa – gần, rộng – hẹp.
Câu 3: Cùng nhóm với sống – chết có: chẵn – lẻ, chiến tranh – hòa bình (thường được gọi là trái nghĩa lưỡng phân; hai từ trái nghĩa kiểu này biểu thị hai khái niệm đối lập nhau và loại trừ nhau, khẳng định cái này nghĩa là phủ định cái kia; thường không có khả năng kết hợp được với những từ chỉ mức độ như: rất, hơi, lắm, quá)
Cùng nhóm với già – trẻ có: yêu – ghét, cao – thấp, nông – sâu, giàu – nghèo (thường được gọi là trái nghĩa thang độ; hai từ trái nghĩa kiểu này biểu thị hai khái niệm có tính chất thang độ, khẳng định cái này không có nghĩa là phủ định cái kia; có khả năng kết hợp được với những từ chỉ mức độ như: rất, hơi, lắm, quá)
8. Cấp độ khái quát của nghĩa từ ngữ.
Câu 1: Nghĩa của một từ ngữ có thể rộng hơn (khái quát hơn) hay hẹp hơn (ít khái quát hơn) nghĩa của từ ngữ khác gọi là cấp độ khái quát của nghĩa từ ngữ. Một từ được coi là:
– Có nghĩa rộng khi phạm vi nghĩa của nó bao hàm phạm vi nghĩa của một từ ngữ khác.
– Có nghĩa hẹp khi phạm vi nghĩa của nó được bao hàm trong phạm vi nghĩa của một từ ngữ khác.
Câu 2:
– Từ đơn: từ gồm một tiếng.
– Từ phức: từ gồm hai hay nhiều tiếng.
– Từ láy: từ phức trong đó các tiếng láy âm với nhau.
– Từ láy hoàn toàn: từ láy trong đó các tiếng láy hoàn toàn âm thanh của nhau.
– Từ láy bộ phận: từ láy trong đó các tiếng láy lại một phần âm thanh của nhau.
– Từ láy âm: từ láy bộ phận trong đó các tiếng láy lại bộ phận âm đầu của nhau.
– Từ láy vần: từ láy bộ phận trong đó các tiếng láy lại bộ phận vần của nhau.
– Từ ghép: từ phức trong đó các tiếng có quan hệ với nhau về nghĩa.
– Từ ghép đẳng lập: từ ghép trong đó các tiếng có quan hệ ngang bằng nhau về nghĩa.
– Từ ghép chính phụ: từ ghép trong đó các tiếng có quan hệ chính phụ với nhau về nghĩa.
9. Trường từ vựng:
Câu 1: Trường từ vựng là tập hợp của những từ có ít nhất một nét chung về nghĩa.
Câu 2: Tác giả dùng hai từ cũng trường từ vựng là “tắm” và “bể”. Việc sử dụng các từ này góp phần tăng giá trị biểu cảm của câu nói, làm cho câu nói có sức tố cáo mạnh mẽ hơn.