Trang Chủ Bài tập SGK lớp 12 Soạn văn 12

Soạn bài Ôn tập phần văn học – Ngữ văn 12 tập 1 bài 18 trang 213: Phân tích những biểu hiện của tính dân tộc trong bài thơ Việt Bắc của Tô Hữu ?

Soạn bài Ôn tập phần văn học – Ngữ văn 12 tập 1 Bài 18 trang 123. Trả lời các câu hỏi 1 – 13 trang 123 SGK Văn lớp 12. Câu 6: Phân tích những biểu hiện của tính dân tộc trong bài thơ Việt Bắc của Tô Hữu ?  Bài thơ đề cập đến một sự kiện lịch sử có tính chất trọng đại của dân tộc…

Câu 1: Quá trình phát triển của Văn học Việt Nam từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến hết thế kỉ XX:

a. Chặng đường từ năm 1945 đến năm 1954:

– Chủ đề:

+ Ca ngợi Tổ quốc và quần chúng cách mạng.

+ Kêu gọi tinh thần đoàn kết toàn dân.

+ Cổ vũ phong trào Nam tiến.

+ Biểu dương những tấm gương vì nước quên mình…

– Từ cuối năm 1946, Văn học tập trung phản ánh cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp.

– Thành tựu:

+ Văn xuôi: truyện ngắn và kí: Một lần tới thủ đô, Trận phố Ràng (Trần Đăng), Đôi mắt, Nhật kí ở rừng (Nam Cao), …

+ Thơ: đạt nhiều thành tựu xuất sắc. Tác phẩm tiêu biểu: Cảnh khuya, Rằm tháng giêng (Hồ Chí Minh), Đèo Cả (Hữu Loan), Bên kia sông Đuống (Hoàng Cầm)…

+ Kịch: Bắc Sơn, Những người ở lại (Nguyễn Huy Tưởng), Chị Hòa (Học Phi)…

+ Lí luận, nghiên cứu, phê bình Văn học: Chủ nghĩa Mác và mấy vấn đề văn hóa Việt Nam (Trường Chinh), Nhận đường, Mấy vấn đề nghệ thuật (Nguyễn Đình Thi)…

b. Chặng đường từ năm 1955 đến năm 1964:

– Văn học tập trung thể hiện hình ảnh người lao động, ca ngợi những đổi thay của đất nước và con người trong bước đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội.

+ Văn xuôi:

Mở rộng đề tài, bao quát được khá nhiều vấn đề và phạm vi của hiện thực đời sống: Mùa lạc (Nguyễn Khải), Cao điểm cuối cùng (Hữu Mai)…
Viết về hiện thực đời sống trước cách mạng với cái nhìn, khả năng phân tích và sức khái quát mới: Vợ nhặt (Kim Lân), Mười năm (Tô Hoài)…
Hạn chế: Nhiều tác phẩm viết về con người và cuộc sống một cách đơn giản, phẩm chất nghệ thuật còn non yếu.

+ Thơ: phát triển mạnh mẽ

Đề tài: sự hồi sinh của đất nước, thành tựu bước đầu của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, nỗi đau chia cắt hai miền Nam – Bắc…
Kết hợp hài hòa yếu tố hiện thực và yếu tố lãng mạng cách mạng.
Tác phẩm tiêu biểu: Gió lộng (Tố Hữu), Ánh sáng và phù sa (Chế Lan Viên), Riêng chung (Xuân Diệu)..

+ Kịch: Một đảng viên (Học Phi), Quẫn (Lộng Chương), Chị Nhàn (Đào Hồng Cẩm)…

c. Chặng đường từ năm 1965 đến năm 1975:

– Tập trung viết về cuộc kháng chiến chống đế quốc Mĩ.

– Chủ đề bao trùm: Ca ngợi tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

– Thành tựu:

+ Văn xuôi:

Phản ánh cuộc chiến đấu và lao động.
Khắc họa thành công hình ảnh con người Việt Nam anh dũng, kiên cường.
Tác phẩm: Người mẹ cầm súng (Nguyễn Thi), Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành)…

+ Thơ:

Đạt được nhiều thành tựu xuất sắc.
Khuynh hướng mở rộng và đào sâu vào hiện thực.
Tăng cường sức khái quát, chất suy tưởng, chính luận.
Tác phẩm tiêu biểu: Ra trận, Máu và hoa (Tố Hữu), Những bài thơ đánh giặc (Chế Lan Viên), Tôi giàu đôi mắt (Xuân Diệu)…

+ Kịch: Đại đội trưởng (Đào Hồng Cẩm), Đôi mắt (Vũ Dũng Minh)…

+ Các công trình nghiên cứu, lí luận, phê bình của Đặng Thai Mai, Hoài Thanh…

d. Văn học Việt Nam từ năm 1975 đến hết thế kỉ XX:

– Từ sau Đại hội Đảng lần thứ VI, Văn học bước vào chặng đường đổi mới.

– Văn học phát triển dưới tác động của nền kinh tế thị trường.

Câu 2:  Những đặc điểm cơ bản của văn học Việt Nam từ năm 1945 đến năm 1975:

a. Nền văn học chủ yếu vận động theo hướng cách mạng hóa, gắn bó sâu sắc với vận mệnh của đất nước

+ Nền văn học mới được kiến tạo theo mô hình “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận” (Hồ Chí Minh), cùng với kiểu nhà văn mới: nhà văn – chiến sĩ. Ý thức, trách nhiệm công dân của người nghệ sĩ được đề cao, nhà văn gắn bó với dân tộc, với nhân dân và đất nước, dùng ngòi bút để phục vụ kháng chiến, cổ vũ chiến đấu.

+ Văn học tập trung vào đề tài Tổ quốc: bảo vệ đất nước, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tổ quốc trở thành nguồn cảm hứng lớn xuyên suốt thơ ca và truyện kí.

+ Văn học đề cao lao động, ngợi ca những phẩm chất tốt đẹp của người lao động, của con người mới trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc sau ngày giải phóng, hàn gắn vết thương chiến tranh.

b. Nền văn học hướng về đại chúng

+ Văn học gắn bó sâu sắc với nhân dân lao động, hướng về đại chúng và trước hết là công nông binh.

+ Văn học mang tính nhân dân sâu sắc, thể hiện bằng việc nhà văn quan tâm đến đời sống của nhân dân lao động, nói lên những nỗi bất hạnh của họ trong cuộc sống cũng như niềm vui, tự hào của họ về cuộc đời mới; tập trung khắc họa hình tượng quần chúng cách mạng, diễn tả vẻ đẹp tâm hồn của nhân dân lao động.

c. Nền văn học chủ yếu mang khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn

+ Văn học mang đậm chất sử thi, tập trung phản ánh những vấn đề cơ bản nhất, có ý nghĩa sống còn của đất nước. Nó hướng tới những sự kiện có ý nghĩa lịch sử, hướng tới vẻ đẹp cao cả, lí tưởng của chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng và sức mạnh chiến thắng của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam bằng lời văn trang trọng và đẹp một cách hào hùng, tráng lệ.

+ Khuynh hướng sử thi thường được kết hợp với cảm hứng lãng mạn làm cho văn học giai đoạn này thấm nhuần tinh thần lạc quan, tạo nên nét thẩm mĩ đặc trưng cho nền văn học chống Pháp và chống Mĩ của dân tộc.

Câu 3:  Quan điểm sáng tác văn học nghệ thuật của Hồ Chí Minh:

a. Coi văn học là vũ khí chiến đấu lợi hại phụng sự cho sự nghiệp cách mạng.

b. Luôn chú trọng tính chân thật và tính dân tộc của văn học.

c. Phải xuất phát từ mục đích, đối tượng tiếp nhận để quyết định nội dung và hình thức tác phẩm.

– Mối quan hệ nhất quán giữa quan điểm sáng tác và sự nghiệp văn học của Người:

+ Những năm 20 của thế kỉ XIX, Nguyễn Ái Quốc viết Bản án chế độ thực dân Pháp và nhiều truyện, kí như Vi hành, Lời than văn của bà Trưng Trắc… Tính tư liệu phong phú, châm biếm hóm hỉnh ở nhiều truyện kí.

+ Thơ tiếng Việt, phần lớn là lục bát, thất ngôn, hay nhất là những bài thơ Chúc tết, Cảnh khuya, Cảnh rừng Việt Bắc, … 

+ Các bài thơ tuyên truyền, giản dị mộc mạc, gần gũi với ca dao, tiêu biểu là các bài Bài ca sợi chỉ, Hòn đá, Con cáo và tổ ong…

+ Thơ chữ Hán có Ngục trung nhật kí và trên 30 bài thơ khác viết từ năm 1942 đến ngày Người qua đời, Vọng nguyệt, Văn cánh, Báo tiệp… là những bài thơ tuyệt bút, đậm đà vị Đường thi.

Tuyên ngôn độc lập, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến… tiêu biểu cho phong cách chính luận của Hồ Chí Minh: sắc bén, đanh thép, hùng hồn.

Câu 4: * Mục đích viết Tuyên ngôn độc lập của Bác:

– Khẳng định quyền tự do, độc lập của dân tộc Việt Nam trong hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ, đồng thời còn là cuộc tranh luận nhằm bác bỏ luận điệu xảo trá của bè lũ xâm lược Pháp, Mĩ…

– Tuyên bố với đồng bào cả nước và nhân dân thế giới về quyền độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam.

* Tuyên ngôn độc lập là áng văn chính luận mẫu mực và chan chứa tình cảm lớn:

– Nội dung:

Advertisements (Quảng cáo)

+ Vạch trần bộ mặt tàn bạo, xảo quyệt của Pháp: Chúng lợi dụng lá cờ “bình đẳng, bác ái” để cướp nước ta, bóc lột ta về mọi mặt (chính trị,kinh tế, văn hoá, giáo dục, ngoại giao)

+ Thông điệp mà bản tuyên ngôn hướng tới: Tuyên bố thoát li hẳn quan hệ với thực dân Pháp, xoá bỏ hết mọi hiệp ước, đặc quyền của thực dân Pháp về Việt Nam; kêu gọi toàn dân đoàn kết chống lại âm mưu xâm lược của thực dân Pháp; kêu gọi cộng đồng quốc tế công nhận quyền độc lập, tự do của Việt Nam.

+ Lời tuyên ngôn và những tuyên bố về ý chí bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc: tuyên bố nhân dân Việt Nam quyết tâm giữ vững nên độc lập của dân tộc; khẳng định Việt Nam có quyền và đủ tư cách hưởng độc lập, tự do

– Nghệ thuật:

+ Lập luận chặt chẽ

+ Luận điểm xác đáng, giàu sức thuyết phục; luận cứ dẫn chứng cụ thể, liên tiếp tố cáo tội ác của Pháp

+ Giọng điệu vừa hùng hồn, đanh thép

+ Ngôn từ trong sáng, dễ hiểu, thuyết phục

Câu 5: a. Tố Hữu là nhà thơ trữ tình – chính trị:

– Tố Hữu là một thi sĩ – chiến sĩ, một kiểu mẫu nhà văn – chiến sĩ thời đại cách mạng.

– Thơ Tố Hữu, trước hết nhằm phục vụ cho cuộc đấu tranh cách mạng, cho những nhiệm vụ chính trị cơ bản của mỗi giai đoạn cách mạng.

– Thơ Tố Hữu chủ yếu khai thác cảm hứng từ đời sống chính trị của đất nước, từ tình cảm chính trị của chính bản thân nhà thơ.

b. Khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn trong thơ Tố Hữu:

– Thơ Tố Hữu mang đậm chất sử thi:

+ Tập trung thể hiện những vấn đề trọng đại, có ý nghĩa sống còn của cả cộng đồng, của cách mạng, của dân tộc.

+ Con người trong thơ Tố Hữu chủ yếu được nhìn nhận từ nghĩa vụ, trách nhiệm công dân.

+ Cái tôi trữ tình trong thơ Tố Hữu, từ buổi đầu đến với cách mạng là cái tôi – chiến sĩ, sau đó là cái tôi – công dân mang hình thức trữ tình nhập vai.

– Thơ Tố Hữu cũng rất tiêu biểu cho cảm hứng lãng mạn. Đó là cảm hứng lãng mạn cách mạng.

Câu 6: Tính dân tộc trong bài thơ Việt Bắc.

a) Nội dung:

–  Bài thơ đề cập đến một sự kiện lịch sử có tính chất trọng đại của dân tộc.

+ Vẻ đẹp tâm hồn, cốt cách của dân tộc người Việt như: đạo lí uống nước nhớ nguồn, thiết tha gắn bó với nguồn cội, với quá khứ, không bao giờ quên những tình cảm gắn bó, chia ngọt sẻ bùi, đồng cam cộng khổ..

+ Tinh thần lạc quan cách mạng, niềm vui sống, yêu đời, tinh thần đoàn kết đồng lòng chung sức kháng chiến…

– Bài thơ Việt Bắc diễn tả đời sống sinh hoạt, lao động của những người con Việt Bắc

– Thể hiện thành công những bức tranh thiên nhiên Việt Bắc: cảnh đẹp 4 mùa, những địa danh: “Nhớ từng rừng nứa bờ tre/ Ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê vơi đầy” => mang linh hồn thiên nhiên đất Việt, đều gửi gắm 1 phần linh hồn của dân tộc.

– Chính vì vậy hình ảnh Bác Hồ, chiến sĩ cũng như chiến khu Việt Bắc đã trở thành những chuẩn mực, những phẩm chất cao quý thiêng liêng nhất để con người ở mọi nơi hướng về noi theo.

b. Nghệ thuật

– Thể thơ dân tộc: Thể thơ lục bát được Tố Hữu sử dụng nhuần nhuyễn, uyển chuyển và sáng tạo.

– Hình ảnh dân tộc: Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn; Nhớ người mẹ nắng cháy lưng…

– Lối phô diễn dân tộc: Nguồn bao nhiêu nước, nghĩa tình bấy nhiêu; Mình về mình có nhớ ta…

– Ngôn ngữ dân tộc: Tiêu biểu là cặp đại từ xưng hô ta – mình dùng rất sáng tạo trong bài thơ.

– Nhịp điệu, nhạc điệu dân tộc: khi nhẹ nhàng, thơ mộng, khi đằm thắm, ân tình; khi mạnh mẽ, hùng tráng.

Câu 7: – Nêu vấn đề: Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ lớn của dân tộc, cần phải được nghiên cứu và tìm hiểu, đề cao hơn nữa.

– Hệ thống luận điểm:

+ Nguyễn Đình Chiểu, nhà thơ yêu nước

+ Thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu là tấm gương phản chiếu phong trào chống Pháp oanh liệt và bền bỉ của nhân dân Nam Bộ.

+ Lục Vân Tiên là tác phẩm lớn nhất của Nguyễn Đình Chiểu, có ảnh hưởng sâu rộng trong nhân dân, nhất là ở miền Nam.

+ Cuộc đời và sự nghiệp của ông là tấm gương sáng của mọi thời đại.

Advertisements (Quảng cáo)

Câu 8: a. Chân dung hiện thực của người lính:

* Hình tượng người lính Tây Tiến

    “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá giữ oai hùm”

– Bên ngoài: ngoại hình khác thường được tạo nên bởi ngòi bút viết của tác giả

+ “không mọc tóc”: cạo trọc đầu để thuận tiện cho việc giáp lá cà, có người sốt đến rụng tóc

+ “xanh màu lá”: nước da xanh xao do ăn uống thiếu thốn, bệnh tật,…

– Bên trong: toát lên dũng khí anh hùng và dũng mạnh

+ “đoàn binh không mọc tóc”: hình ảnh hào hùng

+ Tính cách oai hùng dữ dội

=> Tác giả không hề che giấu những gian khổ hi sinh của người lính.

* Tâm hồn lãng mạn của người lính:

– Trong đêm hội đuốc hoa: người lính Tây Tiến nghỉ lại ở một bản làng và bữa cơm đầu mùa tỏa hương nếp mới đã xua tan nhọc nhằn đời lính chiến và đưa họ về với cuộc sống đời thường:

“Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói

     Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”

–    “Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

    Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”

– Mắt trừng: nét oai phong, khát vọng đánh giặc

– Gởi mộng qua biên giới: chiến đấu dũng cảm nhưng cũng rất nhớ quê hương

– Nỗi nhớ được thể hiện trong giấc mơ

* Sự hi sinh cao cả của người lính Tây Tiến:

+ Trong cuộc hành quân gian nan vất vả, người lính Tây Tiến không thể tránh được sự mệt mỏi “đoàn quân mỏi”. Quang Dũng đã ghi lại hiện thực đó. Thậm chí không giấu giếm sự hi sinh:

      “Anh bạn dãi dầu không bước nữa

 Gục lên súng mũ bỏ quên đời”

+ Người lính Tây Tiến coi cái chết “nhẹ tựa lông hồng”. Cái bi đã được nâng đỡ bằng đôi cánh lãng mạn làm cho cái bi trở thành bi tráng.

+ Miêu tả những cái chết không bi lụy

+ Cái chết trở nên bất tử

b. Hình tượng người lính trong Tây Tiến của Quang Dũng và Đồng chí của Chính Hữu:

* Giống nhau:

– Họ đều là những người chiến sĩ anh dũng, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn gian khổ, xả thân vì Tổ quốc, để thành những tượng đài bất tử

– Họ luôn mang vẻ đẹp tâm hồn: ân tình, đoàn kết, anh dũng, bất khuất. Hai tác giả đều cho thấy tình đồng chí, đồng đội thắm nghĩa tình, cùng nhau vượt qua mọi khó khă, gian khổ khi sống trong sự thiếu thốn, bệnh tật của chiến trường ác liệt, bom đạt. Họ đều mang nét đẹp chung cho hình tượng người lính Việt Nam

– Tình cảm của tác giả: Họ đã trở thành những hình tượng bất tử và là bài học cho thế hệ đi sau.

* Nét riêng:

– Trong bài thơ Tây Tiến:

+ Người lính Tây Tiến phần lớn là học sinh, sinh viên được khắc họa chủ yếu bằng bút pháp lãng mạn: Họ hiện ra trong khung cảnh khác thường, kì vĩ, nổi bật với những nét độc đáo, phi thường.

+ Hình tượng người lính vừa mang vẻ đẹp hào hoa, lãng mạn, vừa đậm chất bi tráng.

– Trong bài thơ Đồng chí:

+ Người lính xuất thân chủ yếu từ nông dân, gắn bó với nhau bằng tình đồng chí, tình giai cấp. Tình cảm, suy nghĩ, tác phong sống giản dị. Họ vượt qua nhiều khó khăn gian khổ, thực sự là những con người bình thường mà vĩ đại.

+ Người lính được khắc họa chủ yếu bằng bút pháp hiện thực: hiện ra trong không gian, môi trường quen thuộc, gần gũi, cái chung được làm nổi bật qua những chi tiết chân thực, cụ thể.

Câu 9: – Nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã khắc họa hình tượng đất nước của mình với 2 đặc điểm rất lớn, vừa trái ngược nhau lại vừa rất hài hòa với nhau. Nguyễn Đình Thi thì khắc họa hình tượng đất nước với 2 đặc điểm và đặt hình tượng đất nước trong mối quan hệ với quá khứ và tương lai.

+ Được bắt đầu bằng những xúc cảm trước vẻ đẹp của mùa thu, mùa thu Hà Nội trong hồi tưởng và mùa thu Việt Bắc trong hiện tại. Để rồi sau đó mới chuyển sang quá khứ. Hai thời điểm để diễn tả những suy tư cả tác giả đối với đất nước.

+ Đất nước vất vả đau thương với những cảnh đồng quê chảy máu dây thép gai đâm nát trời chiều, với cái cảnh “bát cơm chan đầy… còn giằng khỏi miệng ta”.

+ Một đất nước anh hùng quật khởi và một cái đất nước quật cường đã khiến cho kẻ thù bất lực.

+ Cảm hứng thơ còn đưa Nguyễn Đình Thi hướng tới tương lai. Ông như nhìn trước một nước Việt Nam từ trong máu lửa rũ bùn đứng dậy sáng lòa.

+ Thơ: Nguyễn Đình Thi thường giàu nhạc tính có chất hội họa và điều đặc sắc nhất là có cả những suy tư sâu sắc của một tư duy triết học.

– Nguyễn Khoa Điềm khắc họa hình tượng đất nước mình từ những gì gần gũi, bình dị trong cuộc sống hàng ngày, rồi mở rộng ra với “thời gian đằng đẵng – không gian mênh mông” trong truyền thuyết về thời dựng nước. Cuối cùng, cảm nhận về đất nước lại hướng vào sự phát hiện về đất nước ở trong mỗi con người.

+Phần 1 dành cho việc khắc họa hình tượng đất nước trong mối liên hệ với thời gian. Để rồi toàn bộ phần 2 nhằm chứng minh cho tư tưởng với đất nước của người dân.

+ Miêu tả những hình ảnh dân tộc bằng cách nối liền hiện tại với quá khứ và tương lai. Nguyễn Khoa Điềm bộc lộ niềm tin sâu sắc của ông về những hình ảnh văn hóa lâu đời.

+ Liệt kê những đóng góp từ nhỏ nhặt cho đến lớn lao, những đóng góp được ghi lại trong sử sách và cả những đóng góp âm thầm lặng lẽ không ai biết.

=> Đây là 2 bài thơ được ra đời ở 2 thời điểm rất khác nhau và chính điều đó đã khiến cho hình tượng đất nước ở 2 bài thơ này có nhiều chỗ khác biệt.

+ Sử dụng các chất liệu văn hóa dân gian: câu ca dao, tục ngữ, truyền thuyết, những sinh hoạt phong tục tập quán đậm đà bản sắc dân tộc.

Câu 10: Hình tượng bao trùm, xuyên suốt bài thơ là hình tượng sóng. Mạch liền kết các khổ thơ là những khám phá liên tục về sóng.

– “Sóng” mang nghĩa tả thực: con sóng với nhiều trạng thái mâu thuẫn, trái ngược nhau. Sóng được miêu tả chân thực, sinh động ngoài biển khơi. Sóng có tính cách, tâm trạng, tâm hồn.

– Nghĩa biểu tượng của “sóng”:

+ Sức sống và vẻ đẹp tâm hồn của nhà thơ cũng như mọi sáng tạo nghệ thuật trong bài thơ đều gắn liền với hình tượng sóng. Cả bài thơ là những con sóng tâm tình của một người phụ nữ được khơi dậy khi đứng trước biển cả.

+ Hình tượng sóng được gợi ra trong cả bài thơ bằng âm điệu: dào dạt, nhịp nhàng, lúc sôi nổi trào dâng, lúc thì thầm sâu lắng, gợi âm hưởng của những đợt sống miên man, vô tận.

• Sóng được diễn tả trong những trạng thái trái ngược: Dữ dội/dịu êm – Ồn ào/lặng lẽ.

• Sóng hiện lên thật mạnh mẽ qua biện pháp ẩn dụ – nhân hóa: “sông không hiểu”, “sóng tìm ra”

• Quy luật của sóng: “Sóng: ngày xưa, ngày sau: vẫn thế” -> Sóng vẫn mãi dạt dào, sôi nổi.

• Nỗi nhớ mãnh liệt của sóng: một nỗi nhớ mãnh liệt: bao trùm lên cả không gian,thao thức trong mọi khoảnh khắc thời gian “Ôi con sóng nhớ bờ/ Ngày đêm không ngủ được”

=> Sóng như có linh hồn, tính cách, tâm trạng, biết diễn tả những cung bậc tình cảm trong tâm hồn của người phụ nữ đang sống trong một tình yêu nồng nàn

+ Là hình tượng ẩn dụ, sự hoá thân của nhân vật trữ tình “em”. Sóng là niềm thấp thỏm, lo âu về sự hữu hạn của đời người và sự mong manh của hạnh phúc. Những nỗi niềm ấy xuất phát từ một khát vọng mãnh liệt về sự vĩnh cửu của tình yêu. Xuân Quỳnh lấy hình tượng sóng để thể hiện một tình yêu sôi nổi, chân thành và dạt dào khát vọng.

=> Bài thơ là lời tự bạch của một tâm hồn phụ nữ đang yêu. Đó là một tâm hồn rất chân thành, sôi nổi và mạnh mẽ, hết mình trong tình yêu. Người phụ nữ trong tình yêu, tình yêu thật đằm thắm, thậtdịu dàng, thật hồn hậu dễ thương, thật chung thủy. Người phụ nữ đã táo bạo, mãnh liệt, dám vượt qua mọi trở ngại để giữ gìn hạnh phúc, dù có phấp phỏng trước cái vô tận của thời gian, nhưng vẫn vững tin vào sức mạnh của tình yêu.

Câu 12: * So sánh truyện ngắn Chữ người tử tù và tùy bút Người lái đò Sông Đà:

– Giống nhau:

+ Những con người tài hoa là đề tài trong hai tác phẩm. Hình tượng ông lái đò và hình tượng nhân vật Huấn Cao đều được Nguyễn Tuân xây dựng như những nhân vật tài hoa nghệ sĩ.

+ Huấn Cao là một nghệ sĩ có tài viết chữ rất nhanh và rất đẹp.

+ Ông lái đò tuy là người lao động bình thường nhưng có thể coi là một nghệ sĩ trong nghệ thuật leo ghềnh vượt thác.

– Ngoài tri thức chuyên môn của văn chương, còn vận dụng con mắt quan sát của hội họa, điêu khắc để diễn tả cảnh và người.

+ Cảnh cho chữ trong “Chữ người tử tù” đầy chất điện ảnh.

+ Hình tượng dòng sông Đà được tả bằng nhiều góc nhìn nghệ thuật.

– Đặc biệt hứng thú trước những cá tính mãnh liệt, những cảnh tượng đập mạnh vào giác quan nghệ sĩ.

* Khác nhau:

– Về mặt thể loại:

Chữ người tử tù: truyện ngắn xây dựng thế giới nghệ thuật bằng hư cấu

Người lái đò sông Đà: thể tùy bút, ghi chép người thực việc thực, tư liệu phong phú dựa trên sự khảo sát, nghiên cứu hiện thực , đồng thời trực tiếp bộc lộ cái tôi của nhà văn.

– Về cảm hứng thẩm mĩ :

+ Trước Cách mạng tháng Tám, Nguyễn Thuân quan niệm : tài hoa nghệ sĩ chỉ có ở những con người kiệt xuất thuộc quá khứ “vang bóng một thời”.

+ Sau cách mạng tháng Tám, ông quan niệm : tài hoa nghệ sĩ có cả ở nhân dân đại chúng, thể hiện trong lao động và chiến đấu.

– Về giá trị tư tưởng :

+ Chữ người tử tù ca ngợi cái đẹp của tài hoa, khí phách và thiên lương, qua đó phủ nhận thực tại phàm tục của xã hội thực dân phong kiến trước Cách mạng.

Người lái đò sông Đà ca ngợi con sông Đà và người lái đò sông Đà, bày tỏ niềm yêu mến thiết tha thiên nhiên đất nước, niềm tin yêu cuộc sống mới, con người mới.

* So sánh nhân vật Huấn Cao và nhân vật ông lái đò (để làm rõ quan niệm thẩm mĩ của Nguyễn Tuân trước và sau Cách mạng tháng Tám.

+ Huấn Cao là con người của quá khứ, của lịch sử, nay chỉ còn “vang bóng”; ông lái đò là con người của hiện tại, của hôm nay.

+ Huấn Cao là người đặ biệt, siêu phàm ; ông lái đò là con người bình thường của cuộc sống thường nhật.

+ Huấn Cao đối lập sâu sắc với xã hội, trở thành kẻ tử tù của xã hội bất công; ông lái đò là một con người đang ngày đêm đem sức lực và trí tuệ xây dựng quê hương, đất nước.

Câu 13: * Cảm hứng thẩm mĩ:

– Vẻ đẹp thiên nhiên phong phú, đa dạng huyền ảo, đầy chất thơ như đời sống, nhưng tâm hồn con người xứ Huế qua hình tượng dòng sông Hương.

– Tình yêu, niềm tự hào tha thiết, sâu lắng mà Hoàng Phủ Ngọc Tường dành cho dòng sông quê hương, cho xứ Huế thân yêu và cũng là cho đất nước.

– Chính tình yêu say đắm, niềm tự hào tha thiết với quê hương xứ sở, với đối tượng miêu tả, khiến dòng sông trở nên lung linh huyền ảo, đa dạng như đời sống, như tâm hồn con người.

* Văn phong của Hoàng Phủ Ngọc Tường:

– Ngoài so sánh, tác giả còn sử dụng nhiều biện pháp nhân hoá, ẩn dụ, lối văn thuyết minh có cảm xúc như một kiểu đòn bẩy nghệ thuật giàu hình ảnh, giàu sức gợi cảm.

– Đặc biệt với sức liên tưởng kì diệu, sự hiểu biết phong phú về kiến thức địa lí, lịch sử, văn hóa nghệ thuật và những trải nghiệm của bản thân.

– Sự tinh tế tài hoa, tao nhã, hướng nội

– Giọng điệu trữ tình giàu chất suy tưởng và triết luận

– Sự kết hợp giữa hội họa, nhạc và thơ

Advertisements (Quảng cáo)