Mời phụ huynh, thầy cô và các em tham khảo Những yêu cầu cần đạt môn Tiếng Việt lớp 2 chương trình mới vừa được Bộ GD&ĐT Công bố.
ĐỌC HIỂU
Văn bản văn học
1.a. Biết hỏi và trả lời được câu hỏi về các chi tiết, nội dung quan trọng của văn bản như: Ai? Cái gì? Làm gì? Khi nào? Ở đâu? Như thế nào? Vì sao?
1.b. Dựa vào gợi ý, hiểu được ý nghĩa hay bài học được rút ra từ văn bản.
1.c. Dựa vào tranh minh hoạ của một câu chuyện ngắn và những gợi ý, nêu
được nội dung chính của câu chuyện đó.
2.a. Nhận biết được địa điểm, thời gian, các sự việc chính và trình tự của câu chuyện có 2 – 3 sự việc.
2.b. Nhận biết được hình dáng, điệu bộ, hành động của nhân vật qua ngôn ngữ
và hình ảnh.
2.c. Nhận biết được thái độ, tình cảm giữa các nhân vật với nhau thể hiện qua hành động, ngôn ngữ đối thoại.
2.d. Nhận biết được vần trong thơ.
3.a. Nêu được một số đặc điểm chính về hình dáng, tính cách của nhân vật trong câu chuyện.
3.b. Nêu được nhân vật yêu thích nhất và giải thích được vì sao.
4.1. Đọc mở rộng văn bản văn học với dung lượng khoảng 80 trang/năm, mỗi trang khoảng 110 chữ, có tranh minh hoạ.
4.2. Thuộc lòng ít nhất 8 đoạn thơ, bài thơ hoặc đoạn văn đã học, có độ dài khoảng 40 – 50 chữ.
Văn bản thông tin
Advertisements (Quảng cáo)
1.a. Biết hỏi và trả lời được câu hỏi về các chi tiết, nội dung chính của văn bản như: Ai? Cái gì? Làm gì? Khi nào? Ở đâu? Như thế nào? Vì sao?
1.b. Biết dựa vào gợi ý, trả lời được văn bản viết về cái gì và có những thông
tin nào đáng chú ý.
1.c. Biết căn cứ vào nhan đề của văn bản, hình ảnh minh hoạ và các chú thích hình ảnh trong văn bản để suy ra được nội dung chính của văn bản.
2.a. Nhận biết được đặc điểm của một số loại văn bản thông tin đơn giản, thông dụng như mục lục sách, thời khoá biểu, văn bản ngắn thuật 2 – 3 việc làm cụ thể, văn bản giới thiệu về loài vật, văn bản hướng dẫn thực hiện một hoạt động.
2.b. Nhận biết được trình tự các sự việc, hiện tượng nêu trong văn bản.
3.a. Nêu được các thông tin bổ ích đối với bản thân từ văn bản.
3.b. Nhận biết được ý tưởng, thông tin thể hiện qua hình ảnh trong văn bản.
4. Đọc mở rộng văn bản thông tin tự chọn với dung lượng khoảng 25 trang/năm, mỗi trang 90 chữ, có hình ảnh.
VIẾT
Advertisements (Quảng cáo)
KĨ THUẬT VIẾT
0.1. Viết tương đối thành thạo chữ thường và chữ in hoa.
0.2. Nghe – viết chính tả đoạn thơ, đoạn văn có độ dài khoảng 50 – 55 chữ, tốc độ khoảng 50 – 55 chữ/15 phút. Biết viết đúng những từ dễ viết sai do đặc điểm phát âm địa phương.
0.3. Biết viết hoa chữ cái đầu câu, viết hoa tên riêng người Việt và tên riêng địa lí phổ biến ở Việt Nam.
0.4. Trình bày sạch sẽ, đúng quy định, mắc không quá 5 lỗi. Biết kiểm tra và sửa lỗi chính tả trong bài viết.
VIẾT ĐOẠN VĂN NGẮN
1. Biết thực hiện quy trình viết gồm các bước: xác định nội dung viết (viết về cái gì); thu thập thông tin cho bài viết (từ suy nghĩ, quan sát, trải nghiệm của cá nhân; thông qua thảo luận nhóm); viết nháp; dựa vào hỗ trợ của giáo viên, chỉnh sửa lỗi dấu kết thúc câu, cách viết hoa, cách dùng từ ngữ.
2. Dựa vào gợi ý, biết viết 4-5 câu kể lại một sự việc bản thân đã chứng kiến
(nhìn thấy, xem) hoặc tham gia.
3. Dựa vào gợi ý, viết 4 – 5 câu miêu tả (tả thực) một sự vật gần gũi quen thuộc.
4. Viết được 4 – 5 câu nói về tình cảm của mình với những người thân yêu.
5. Viết được 4 – 5 câu giới thiệu về một đồ vật quen thuộc, nêu được những đặc điểm (hình dáng, màu sắc) nổi bật của nó.
6. Biết viết thời gian biểu, bưu thiếp, tin nhắn, lời cảm ơn, lời xin lỗi.
NÓI VÀ NGHE
1.a. Nói rõ ràng, tự tin. Có thói quen nhìn vào người nghe.
1.b. Biết điều chỉnh lời nói (từ ngữ, tốc độ, âm lượng) cho thích hợp với người nghe.
1.c. Biết nói và đáp lại lời chào hỏi, chia tay, cảm ơn, xin lỗi, lời mời, lời đề nghị, chúc mừng, chia buồn, an ủi, khen ngợi, bày tỏ sự ngạc nhiên, đồng ý, không đồng ý, từ chối phù hợp với đối tượng người nghe.
1.d. Biết kể một câu chuyện đơn giản đã đọc, nghe, xem (có sự hỗ trợ của hình ảnh).
1.e. Dựa vào gợi ý, biết nhận xét về một câu chuyện, nhân vật hay một sự việc.
1.g. Biết nói ngắn gọn về một câu chuyện hoặc bài thơ đã đọc theo lựa chọn của cá nhân (chẳng hạn tên tác phẩm, tên tác giả (nếu có), viết về cái gì, nhân vật mà mình thích).
2.a. Có thói quen và thái độ chú ý nghe người khác nói. Biết đặt những câu hỏi
sau khi nghe để hiểu rõ hơn và tìm kiếm thêm thông tin.
2.b. Nghe một bài thơ hoặc bài hát, dựa vào gợi ý biết nói một vài câu nêu cảm nhận của mình về bài thơ hoặc bài hát đó.
2.c. Nghe câu chuyện, dựa vào gợi ý biết nêu ý kiến về nhân vật chính hoặc một sự việc trong câu chuyện.
3.a. Dựa vào gợi ý biết trao đổi trong nhóm về các nhân vật trong một câu chuyện.
3.b. Biết tuân thủ quy định khi trao đổi về một vấn đề trong nhóm nhỏ: chú ý lắng nghe người khác, đóng góp ý kiến của mình, không nói chen ngang khi người khác đang nói.