Trang Chủ Bài tập SGK lớp 6 Soạn văn 6 - KNTT chi tiết

Soạn Văn lớp 6: Bài học đường đời đầu tiên SGK Kết nối tri thức

Soạn bài Bài học đường đời đầu tiên trang 12 SGK Ngữ văn 6 tập 1 Kết nối tri thức với cuộc sống. Bài 1: Tôi và các bạn 

Phần I. Trước khi đọc

Câu 1. Có thể em đã từng đọc một truyện kể hay xem một bộ phim nói về niềm vui hay nỗi buồn mà nhân vật đã trải qua. Khi đọc (xem) em đã có suy nghĩ gì?

– Tháng trước em đã đọc truyện “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của tác giả Nguyễn Nhật Ánh. Đoạn kết truyện, cô bạn thân nhất của cậu bé Thiều là Mận đã phải rời xa quê hương, rời xa cậu bạn, để lại Thiều và những nỗi buồn vì nhớ người bạn tuổi thơ. Chi tiết ấy đã khiến em bật khóc vì sự chia xa. Qua đó em thấy tình bạn thật đáng quý, chúng ta không biết sẽ ở bên nhau bao lâu nên hãy yêu thương và trân trọng bạn bè.

Câu 2. Chia sẻ với các bạn vài điều em thấy hài lòng hoặc chưa hài lòng khi suy nghĩ về bản thân?

– Điều em thấy hài lòng: Yêu thương, cố gắng chăm ngoan học giỏi, biết giúp đỡ ông bà, bố mẹ. Đoàn kết với bạn bè.

– Điều em thấy chưa hài lòng: Chưa biết tự chăm sóc sức khỏe cho mình, đôi khi còn ích kỉ ganh tị với bạn bè vì những điều nhỏ nhặt.

Phần II. Đọc văn bản

1. Em dự đoán như thế nào về sự việc sắp được kể?

Em dự đoán về sự việc sắp được kể: Dế Mèn có tính hung hăng, hống hách, kiêu căng, tự phụ, luôn nghĩ mình “là tay ghê gớm, có thể sắp đứng đầu thiên hạ” và coi thường những kẻ yếu hơn mình nên sẽ bắt bạt và trêu chọc mọi người.

2. Lúc rủ Dế Choắt trêu chị Cốc, Dế Mèn có nghĩ đến hậu quả không?

Lúc rủ Dế Choắt trêu chị Cốc, Dế Mèn đã không nghĩ đến hậu quả của sự việc. Vì Dế Mèn tuy khỏe mạnh to lớn nhưng chưa từng trải sự đời. Dế Mèn chỉ nghĩ rằng với sức mạnh của mình, sẽ làm chị Cốc tức giận và mình sẽ hả hê.

3. Điều gì đã xảy ra với Dế Choắt? Dế Mèn đã làm gì khi chứng kiến điều đó?

– Dế Mèn không biết chính sự trêu chọc một cách ngu xuẩn của mình đã khiến cho Dế Choắt – một người bạn xấu số mất mạng dưới tay của chị Cốc.

– Sự hi sinh của Dế Choắt, đã khiến cho Dế Mèn rất buồn và vô cùng thất vọng về bản thân. Từ đó, Dế Mèn đã rút ra một bài học rằng mình phải sống tốt hơn và từ bỏ những thói quen xấu của mình.

Phần III. Sau khi đọc

Câu 1. Câu chuyện được kể bằng lời của nhân vật nào? Kể theo ngôi thứ mấy?

– Truyện được kể theo lời của nhân vật chính: Dế Mèn.

Advertisements (Quảng cáo)

– Kể theo ngôi thứ nhất xưng “tôi”. Tạo sự tin cậy cho câu chuyện => nhân vật dễ biểu hiện tâm trạng, ý nghĩa, thái độ.

Câu 2. Đọc phần một đoạn trích, nêu một số chi tiết miêu tả Dế Mèn khiến em liên tưởng tới đặc điểm của con người. Lối miêu tả này thường được sử dụng ở loại truyện nào?

– Các từ miêu tả ngoại hình và hành động của Dế Mèn khiến em liên tưởng đến con người là:

+ Một chàng dế thanh niên cường tráng, đôi càng mẫm bóng, vuốt ở chân và khoeo cứng dần và nhọn hoắt.

+ Tôi đạp phanh phách vào các ngọn cỏ, tôi vũ cánh nghe tiếng phành phạch giòn giã, tôi bước đi bách bộ, đôi cánh bây giờ thành cái áo dài kín xuống tận chấm đuôi.

+ Người tôi rung rinh một màu bóng mỡ soi gương được, cái đầu to ra và nổi từng tảng, cái răng đen nhánh, sợi râu dài và uốn cong, tôi cà khịa bà con trong xóm, tôi quát mấy chị Cào Cào, đá ghẹo anh Gọng Vó.

– Lối miêu tả này thường được sử dụng ở loại truyện ngụ ngôn.

Câu 3. Em thích hoặc không thích điều gì trong cách Dế Mèn tự miêu tả ở phần một? Vì sao?

– Điều em thích:

+ Sự tự tin của Dế Mèn trong cách miêu tả và khẳng định về ngoại hình, cơ thể, lối sống điều độ của bản thân mình. Vì sự tự tin là một điều cần thiết của mỗi người trong cuộc sống.

Advertisements (Quảng cáo)

+ Lối sống khoa học của Dế Mèn đã giúp cơ thể chú khỏe mạnh, dẻo dai. Đây là điều chúng ta nên học tập.

– Điều em không thích: sự kiêu căng của Dế Mèn trong lối nói và tính trịch trượng, thích bắt nạt người khác. Vì đây là một tính xấu và thiếu lịch sự trong cách hành xử với mọi người.

Câu 4. Dế Mèn đã nói gì khi sang thăm nhà Dế Choắt và khi Dế Choắt nhờ giúp đỡ? Những lời nói đó thể hiện thái độ gì của Dế Mèn?

– Khi sang thăm nhà Dế Choắt và khi Dế Choắt nhờ giúp đỡ, Dế Mèn đã thể hiện thái độ kẻ cả và trịch thượng khi nói rằng: “Chú mày hôi như cú mèo, ta nào chịu được. Đào tổ nông thì cho chết!”.

– Những lời nói đó thể hiện thái độ khinh thường, chế giễu của Dế Mèn đối với Dế Choắt và còn thể hiện thái độ ích kỉ, không biết giúp đỡ người khó khăn, không coi trọng tình làng nghĩa xóm của Dế Choắt.

Câu 5. Chứng kiến cái chết của Dế Choắt, Dế Mèn đã có những cảm xúc suy nghĩ gì? Những cảm xúc, suy nghĩ đó cho thấy sự thay đổi nào ở Dế Mèn?

– Chứng kiến cái chết của Dế Choắt, Dế Mèn cảm thấy vô cùng hối hận vì hành động ngu dại của mình “Tôi cảm thấy vô cùng hối hận và đau xót lắm. Trò đùa ngỗ ngược của tôi đã khiến cho anh Dế Choắt phải vạ lây. Tôi giận cái thoi huênh hoang, hống hách của mình”.

– Những cảm xúc và suy nghĩ ấy cho thấy Dế Mèn đã biết ăn năn hối lỗi, suy nghĩ chín chắn hơn và rút ra bài học đáng nhớ cho mình.

Câu 6. Theo em, từ những trải nghiệm đáng nhớ, Dế Mèn đã rút ra được bài học gì?

– Sau cái chết của người bạn ốm yếu đáng thương Dế Choắt, Dế Mèn đã rút ra được một bài học đường đời đầu tiên vô cùng lớn của mình: Ở đời không nên kiêu căng, xốc nổi, bắt nạt kẻ yếu. Tính kiêu ngạo, nóng vội của tuổi trẻ có thể làm hại người khác, khiên ta phải ân hận suốt đời.

Câu 7. Nêu hình dung của em về nhân vật Dế Choắt. Nếu gặp một người bạn có đặc điểm giống như Dế Choắt, em sẽ đối xử với bạn như thế nào?

– Hình dung của em về nhân vật Dế Choắt: một cậu chàng bé nhỏ, thể lực yếu, tính tình hiền lành và nhút nhát. Dế Choắt là nhân vật có dáng dấp nhỏ bé, yếu ớt nhưng khá am hiểu sự đời, cách đối đãi với mọi người xung quanh. Dù có bị Dế Mèn chê bai, Dế Choắt đáng thương, tội nghiệp cũng chỉ than thở, đành chịu sức mình hèn kém. Dế Choắt đã thiệt mạng một cách oan uổng, trong lúc thoi thóp hơi thở cuối cùng, Dế Choắt cũng không hề trách móc Dế Mèn mà còn đưa ra lời khuyên để Dế Mèn tránh được hậu quả về sau.

Nếu gặp một người bạn có đặc điểm giống như Dế Choắt, em sẽ ở bên cạnh động viên bạn cố gắng rèn luyện thể lực, trau dồi tri thức và giúp đỡ bạn khi bạn cần.

VIẾT KẾT NỐI VỚI ĐỌC

Viết đoạn văn (khoảng 5 – 7 câu) kể lại một sự việc trong đoạn trích Bài học đường đời đầu tiên bằng lời của một nhân vật do em tự chọn.

Đóng vai nhân vật Dế Choắt và kể lại sự việc nhờ vả Dế Mèn:

      Hàng xóm nhà tôi là anh Dế Mèn khỏe mạnh và cường tráng. Tôi rất ngưỡng mộ sự khỏe khoắn, điều độ và phong thái chững chạc, đường hoàng của anh. Trái lại với anh, tôi không may mắn khi vừa sinh ra đã còi cọc, thân hình ốm yếu và thể lực không được tốt. Nhiều lần tôi lo sợ về những mỗi nguy hại của cuộc sống hoang dã nên nhân dịp Dế Mèn sang chơi, tôi đã đề bạt mong muốn của mình:

– Anh Dế Mèn này, em có điều này muốn nói với anh, nhưng anh có cho phép nói em mới dám nói…

      Vừa dứt lời, Dế Mèn đã bảo ngay:

– Ðược, chú mình cứ nói thẳng thừng ra nào!

      Tôi mừng rỡ, vội tiếp lời:

– Anh đã nghĩ thương em như thế thì hay là anh đào giúp cho em một cái ngách sang bên nhà anh phòng khi tắt lửa tối đèn có đứa nào đến bắt nạt thì em chạy sang…

      Chưa nghe hết câu Dế mèn đã hếch răng, xì một hơi rõ dài rồi, với điệu bộ khinh khỉnh, anh ta mắng tôi:

– Hức! Thông ngách sang nhà ta? Dễ nghe nhỉ! Chú mày hôi như cú mèo thế này, ta làm sao chịu được. Thôi im cái điệu hát mưa dầm sụt sùi ấy đi. Ðào tổ nông thì cho chết!

      Dế Mèn ra về không một chút bận tâm, còn tôi lủi thủi đi vào hang, lòng nặng trĩu những buồn bã và lo âu về chiếc tổ nông của mình.

Advertisements (Quảng cáo)