Trang Chủ Bài tập SGK lớp 11 Bài tập GDCD lớp 11

Bài 10. Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa – GDCD lớp 11 : Em hãy phân biệt dân chủ trực tiếp và dân chủ gián tiếp.

Bài 10 GDCD lớp 11: Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Giải bài tập, câu hỏi lí thuyết trang 90 . Những biểu hiện về mặt bản chất của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa là gì…

Câu 1: Những biểu hiện về mặt bản chất của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa là gì?

Những biểu hiện về mặt bản chất của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa là:

–         Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa mang bản chất giai cấp công nhân.

+ Bản chất giai cấp công nhân của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa thể hiện ở sự lãnh đạo của giai cấp công nhân thông qua chính đảng của mình là Đảng Cộng sản nhằm thực hiện quyền lực và lợi ích của giai cấp công nhân, của toàn thể nhân dân lao động.

+ Chỉ có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, giai cấp công nhân và nhân dân lao động mới có thể tiến hành cuộc đấu tranh có hiệu quả chống lại mọi biểu hiện của chủ nghĩa quan liêu, vô chính phủ, vi phạm quyền tự do dân chủ của nhân dân.

–         Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa có cơ sở kinh tế là chế độ công hữu về tư liệu sản xuất.

+ Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa được xây dựng trên nền tảng của chế độ công hữu về những tư liệu sản xuất chủ yếu. Trên cơ sở kinh tế đó, giai cấp công nhân và nhân dân lao động trở thành người làm chủ nền sản xuất và chi phối mọi hoạt động của đời sống xã hội.

+ Trong các lĩnh vực của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa thì thực hiện dân chủ trong lĩnh vực kinh tế có ý nghĩa cơ bản vì chủ khi nào người lao động thực sự làm chủ về kinh tế thì họ mới có dân chủ thực sự và trở thành lực lượng quyết định quá trình phát triển của xã hội.

–         Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa lấy hệ tư tưởng Mác – Lê-nin làm nền tảng tinh thần của xã hội.

–         Dân chủ xã hội chủ nghĩa là nền dân chủ của nhân dân lao động.

+ Dân chủ xã hội chủ nghĩa là nền dân chủ rộng rãi nhất và triệt để nhất trong lịch sử vì trong chế độ xã hội chủ nghĩa chẳng những mọi người dân đều được hưởng quyền dân chủ, mà nhà nước còn chăm lo nâng cao trình độ dân trí, tạo điều kiện thực tế cho mọi người có khả năng thực hiện quyền dân chủ của mình.

+ Nhà nước xã hội chủ nghĩa – cơ quan quyền lực của nhân dân – do nhân dân lập ra, hoạt động của nó vì lợi ích của toàn thể nhân dân lao động. Nhà nước xã hội chủ nghĩa ngay từ buổi đầu hình thành đã xác định quyền lực thuộc về nhân dân, đó là một trong những nguyên tắc cơ bản xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do dân và vì dân.

–         Dân chủ xã hội chủ nghĩa gắn liền với pháp luật, kỉ luật, kỉ cương. Dân chủ xã hội chủ nghĩa không thể thực hiện được nếu những hành vi gây tác hại đến quyền dân chủ của nhân dân không được xử lí kịp thời, đúng đắn. Vì vậy, để có dân chủ và dân chủ được thực hiện thì các quyền dân chủ của nhân dân phải được thể chế hóa thành Hiến pháp, pháp luật và được thực hiện bằng những thiết chế tương ứng của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.


Câu 2: Em hãy nêu những nội dung cơ bản của dân chủ trong các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội.

Những nội dung cơ bản của dân chủ:

–         Dân chủ trong lĩnh vực kinh tế:

+ Thực hiện quyền làm chủ của công dân đối với tư liệu sản xuất, trên cơ sở đó làm chủ quá trình quản lí sản xuất và phân phối sản phẩm.

+ Biểu hiện của quyền làm chủ về kinh tế ở nước ta hiện nay là chính sách kinh tế nhiều thành phần. Mọi công dân cũng như các thành phần kinh tế đều bình đảng và tự do kinh doanh trong khuôn khổ pháp luật, làm chủ trực tiếp quá trình sản xuất, kinh doanh, phân phối sản phẩm của mình và làm nghĩa vụ đối với đất nước.

+ Quyền dân chủ của công dân có nghĩa là công dân vừa được hưởng quyền và vừa phải làm tròn nghĩa vụ đối với nhà nước và xã hội. Trong lĩnh vực kinh tế, cùng với quyền tự do kinh doanh, công dân còn có nghĩa vụ đóng thuế theo quy định của pháp luật,…

–         Dân chủ trong lĩnh vực chính trị nghĩa là trong lĩnh vực chính trị, mọi quyền lực thuộc về nhân dân, trước hết là nhân dân lao động.

Advertisements (Quảng cáo)

+ Quyền bầu cử và ứng cử vào các cơ quan quyền lực nhà nước, các tổ chức chính trị – xã hội.

+ Quyền tham gia quản lí nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của Nhà nước và địa phương.

+ Quyền kiến nghị với các cơ quan nhà nước, biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân

+ Quyền được thông tin, tự do ngôn luận, tự do báo chí

+ Ngoài ra dân chủ trong chính trị còn được thể hiện ở quyền giám sát các hoạt động của các cơ quan nhà nước, quyền khiếu nại, tố cáo,.. của công dân

–         Dân chủ trong lĩnh vực văn hóa là thực hiện quyền làm chủ của công dân trong lĩnh vực văn hóa.

+ Quyền được thma gia vào đời sống văn hóa

+ Quyền được hưởng các lợi ích từ sáng tạo văn hóa, nghệ thuật của chính mình

+ Quyền được sáng tác, phê bình văn học, nghệ thuật

+ Dân chủ trong lĩnh vực văn hóa còn thể hiện ở việc giải phóng con người khỏi những thiên kiến lạc hậu, loại bỏ mọi sự áp bức về tinh thần và đưa văn hóa đến cho mọi người.

–         Dân chủ trong lĩnh vực xã hội thể hiện trước hết ở việc đảm bảo những quyền lợi sau:

+ Quyền lao động

+ Quyền bình đẳng nam nữ

+ Quyền được hưởng an toàn xã hội và bảo hiểm xã hội

Advertisements (Quảng cáo)

+ Quyền được hưởng chế độ bảo vệ sức khỏe

+ Quyền được bảo đảm vệ mặt vật chất và tinh thần khi không có khả năng lao động

+ Quyền bình đảng về nghĩa vụ và quyền lợi, về cống hiến và hưởng thụ của các thành viên trong xã hội

+ Bên cạnh đó, công dân còn có nghĩa vụ tham gia vào các phong trào xã hội ở địa phương, trường học


Câu 3: Theo em, dân chủ và tập trung, dân chủ và tự do, dân chủ và pháp luật có mâu thuẫn với nhau không? Tại sao?

–         Không mâu thuẫn với nhau

–         Vì dân chủ không phải muốn làm gì thì làm mà dân chủ là được làm những gì mà pháp luật không cấm, tất cả quyền dân chủ được ghi rõ trong hiến pháp và pháp luật được soạn thảo do toàn dân thông qua quốc hội do dân bầu đó là dân chủ tập trung

Dân chủ, tự do và pháp luật để tạo sự ổn định và an toàn xã hội


Câu 4: Em hãy phân biệt dân chủ trực tiếp và dân chủ gián tiếp. Cho ví dụ minh họa?

–         Dân chủ trực tiếp là hình thức dân chủ với những quy chế, thiết chế để nhân dân thảo luận, biểu quyết, tham gia trực tiếp quyết định công việc của cộng đồng nhà nước.

+ Đây là hình thức tham gia của mọi công dân một cách bình đẳng và trực tiếp vào các quyết định trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội,… theo biểu quyết đa số, là sự thể hiện một cách trực tiếp ý chí của chủ thể quyền lực về những vấn đề quan trọng nhất.

+ Ví dụ: Tất cả công dân đủ điều kiện trực tiếp đi bỏ phiếu bầu ra những người mình tin tưởng, đủ đức đủ tài vào trong Hội đồng nhân dân các cấp và các đại biểu quốc hội.

–         Dân chủ gián tiếp là hình thức dân chủ thông qua những quy chế, thiết chế để nhân dân bầu ra những người đại diện thay mặt mình quyết định các công việc chung của cộng đồng, đất nước.

+ Là hình thức nhân dân thể hiện quyền làm chủ của mình, tham gia quản lí nhà nước và xã hội thông qua hoạt động của những người đại diện, cơ quan đại diện của mình ở các cấp chính quyền như ở Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể nhân dân.

+ Là hình thức thực hiện hóa quyền làm chủ của người dân. Cơ cấu tổ chức của hình thức dân chủ gián tiếp cho phép bao quát toàn bộ lãnh thổ từ địa phương đến trung ương, cho phép người dân làm chủ trên mọi lĩnh vực của cuộc sống.

+ Ví dụ: Đại biểu quốc hội là người đại diện cho nhân dân, được sự ủy thác của nhân dân, thay mặt nhân dân tham gia xây dựng các đạo luật để quản lí xã hội.


Câu 5: Hãy nêu những ví dụ thể hiện dân chủ và thể hiện không dân chủ mà em biết.

 Thể hiện dân chủ:

+ Đi bầu cử (công dân từ đủ 18 tuổi trở lên)

+ Trước khi ban hành luật thì thực hiện trưng cầu dân ý qua các cơ quan, đoàn thể…

+ Hình thức phê bình, tự phê bình của các cơ quan, đoàn thể…

Thể hiện không dân chủ:

+ Chế độ phong kiến: mọi quyền lực tập trung trong tay nhà vua, dân không có tiếng nói (Vua bảo thần tử, thần bất tử bất trung)


Câu 6: Là một học sinh, em phải làm gì để góp phần thực hiện nếp sống dân chủ?

+ Thực hiện tốt nếp sống văn hoá nơi công cộng

+ Chấp hành tốt nội quy kỷ luật của Nhà trường

+ Thực hiện tốt quyền dân chủ của mình, tôn trọng quyền dân chủ của người khác.

+ Đấu tranh, phê phán những thói hư tật xấu, những tiêu cực, thói tự do vô kỷ luật, vi phạm quyền dân chủ của người khác.

+ Luôn lắng nghe ý kiến đồng thời bày tỏ ý kiến trong những cuộc thảo luận

+ Không được có thái độ khiếm nhã, không tôn trọng đối với người khác

+ Tham gia vào quyền sáng tác nghệ thuật nếu có thể,…

Advertisements (Quảng cáo)