Câu 1: – Nguyễn Du sinh ra trong một gia đình quý tộc phong kiến quyền quý. Vì thế, lúc tuổi thơ và thời niên thiếu, ông được hưởng đầy đủ những điều kiện tốt nhất về giáo dục. Cuộc sống vương giả cũng giúp ông tích lũy được nhiều hiểu biết quý báu về giới quan trường và cuộc sống xa hoa của các bậc đế vương.
– Sống trong thời loạn, trực tiếp chứng kiến sự khủng hoảng của xã hội phong kiến Việt Nam, lại từng có nhiều năm trải nghiệm cuộc đời gian khổ trong những hoàn cảnh khác nhau, những môi trường khác nhau, Nguyễn Du đã thể hiện một tư tưởng chính trị xã hội khá phức tạp (vừa nặng tư tưởng trung quân, lại vừa có những biểu hiện trân trọng Tây Sơn, lúc cuối đời ông còn ra làm quan cho nhà Nguyễn…). Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là sau khi trải qua những bước thăng trầm, Nguyễn Du nghiêng nhiều hơn về cuộc sống giản dị. Những năm tháng gian nan cũng khiến ông am hiểu và cảm thông sâu sắc hơn những nỗi đau khổ của nhân dân.
– Nguyễn Du còn có điều kiện tiếp thu văn hóa của nhiều vùng đất khác nhau (quê cha ở Hà Tĩnh, quê mẹ ở Bắc Ninh, quê vợ ở Thái Bình), đó là truyền thống hiếu học, truyền thống yêu nước, là sự êm đềm và tình tứ của những vùng quê văn hóa (Bắc Ninh, Thái Bình). Những vẻ đẹp văn hóa ấy đã được chắt lọc và kết tinh ở Nguyễn Du, hình thành nên tư tưởng, phong cách, giọng điệu,… nghệ thuật của ông.
Câu 2: a. Những sáng tác của Nguyễn Du gồm:
– Ba tập thơ chữ Hán:
+ Thanh Hiên thi tập (Viết trong khoảng 10 năm gió bụi ở đất Bắc).
+ Nam trung tạp ngâm (Viết trong khoảng thời gian làm quan nhà Nguyễn).
+ Bắc hành tạp lục (Viết trong thời gian đi sứ Trung Quốc).
Advertisements (Quảng cáo)
– Thơ chữ Nôm:
+ Đoạn trường tân thanh (Truyện Kiều), một tiểu thuyết bằng thơ lục bát dài 3254 câu, được viết trong một thời gian dài, một kiệt tác của văn học Việt Nam.
+ Văn tế thập loại chúng sinh (Văn chiêu hồn), một kiệt tác viết theo thể song thất lục bát dài 184 câu.
Ngoài ra còn một số sáng tác khác.
Advertisements (Quảng cáo)
b. Giá trị tư tưởng trong sáng tác của Nguyễn Du.
+ Giá trị hiện thực: Phản ánh hiện thực xã hội với cái nhìn sâu sắc. Thơ chữ Hán của Nguyễn Du phản ánh thực tế đời sống, cảnh đói cơm rách áo của bản thân, sự đối lập giàu nghèo… (Sở kiến hành, Phản chiêu hồn…). Truyện Kiều là một bản cáo trạng đanh thép tố cáo sự bất nhân của bọn quan lại và thế lực tác oai tác quái ghê gớm của đồng tiền. Văn tế thập loại chúng sinh phản ánh cuộc sống khốn khổ của những con người “dưới đáy” xã hội.
+ Giá trị nhân đạo:
Niềm quan tâm sâu sắc đến thân phận con người (Truyện Kiều, Đọc Tiểu Thanh kí, Sở kiến hành; Văn chiêu hồn,…). Cảm hứng bao trùm là cảm hứng xót thương, đau đớn.
Ngợi ca vẻ đẹp con người, trân trọng những khát vọng của họ, đặc biệt là khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc, tình yêu, công lí,… Nguyễn Du đã vượt qua một số ràng buộc của ý thức hệ phong kiến và tôn giáo để vươn tới khẳng định giá trị tự thân của con người. Tác phẩm của Nguyễn Du đã đạt đến tầm của tiếng nói “hiểu đời” (Cao Bá Quát/Nguyễn Du có “con mắt trông thấu sáu cõi và tấm lòng nghĩ suốt nghìn đời” (Mộng Liên Đường chủ nhân).
c. Giá trị nghệ thuật trong sáng tác của Nguyễn Du.
– Thơ chữ Hán của Nguyễn Du giản dị mà tinh luyện, tài hoa.
– Thơ Nôm Nguyễn Du là đỉnh cao rực rỡ. Nguyễn Du sử dụng tài tình hai thể thơ dân tộc (lục bát, song thất lục bát). Truyện Kiều của Nguyễn Du được nâng lên hàng tiểu thuyết bằng thơ. Nguyễn Du có công đổi mới nghệ thuật truyện Nôm: nghệ thuật tự sự, miêu tả tâm lí nhân vật, tả cảnh tả tình đều tài hoa.
– Nguyễn Du đóng góp lớn cho sự phát triển giàu đẹp của ngôn ngữ văn học tiếng Việt, câu thơ tiếng Việt vừa thông tục vừa trang nhã diễm lệ nhờ vần luật chỉnh tề, ngắt nhịp đa dạng, tiểu đối phong phú biến hoá, vận dụng các phép tu từ đạt hiệu quả nghệ thuật cao.