1. Tác động của thiên nhiên đến con người
1. Đọc thông tin trong mục a và quan sát hình 1, 2; em hãy nêu ví dụ về tác động của thiên nhiên đối với đời sống con người
2. Dựa vào thông tin trong mục b và các hình 3, 4, 5; em hãy nêu ví dụ về tác động của thiên nhiên tới sản xuất (nông nghiệp, công nghiệp hoặc dịch vụ)
Câu 1. Ví dụ về tác động của thiên nhiên đối với đời sống con người:
Trong đời sống hằng ngày, thiên nhiên cung cấp những điều kiện hết sức cần thiết (không khí, ánh sáng, nhiệt độ, nước,…) để con người có thể tồn tại.
Các điều kiện tự nhiên như địa hình (cao hay thấp, gồ ghề hay bằng phẳng…), khí hậu (nóng hay lạnh, mưa nhiều hay mưa ít,…), đất trồng (màu mỡ hay bạc màu,…), nguồn nước phong phú hay khô cạn,…) đều có ảnh hưởng tới sự phân bố dân cư, lối sống và cả sinh hoạt hằng ngày của con người.
Câu 2. Ví dụ về tác động của thiên nhiên tới sản xuất (nông nghiệp, công nghiệp hoặc dịch vụ)
Các hoạt động sản xuất của con người đều chịu tác động của thiên nhiên. Điều kiện tự nhiên có thể tạo thuận lợi hay gây khó khăn cho hoạt động sản xuất. Với sự biến đổI khí hậu, thiên nhiên ngày càng gây nhiều trở ngại cho sản xuất của con người.
* Đối với sản xuất nông nghiệp
Nông nghiệp là ngành sản xuất chịu tác động rõ rệt nhất của hoàn cảnh tự nhiên vì cây trồng và vật nuôi (đối tượng của sản xuất nông nghiệp) chỉ có thể tồn tại và phát triển bình thường khi có nhiệt độ, nước, ánh sáng, không khí,… phù hợp.
* Đối với sản xuất công nghiệp
Tài nguyên thiên nhiên (đặc biệt là khoáng sản) là nguồn cung cấp nhiên liệu, năng lượng, nguyên liệu để các ngành công nghiệp hoạt động.
* Đối với giao thông vận tải và du lịch
Địa hình đồng bằng thuận lợi để phát triển giao thông đường bộ hơn địa hình đồi núi. Nơi nhiều sông hồ thuận lợi cho phát triển giao thông đường thuỷ. Nơi có khi hậu ôn hoà, nhiều phong cảnh đẹp thuận lợi cho ngành du lịch.
2. Tác động của con người tới thiên nhiên
1. Theo em, những tác động nào của con người khiến tài nguyên thiên nhiên bị suy thoái
2. Dựa vào hình 6, 7 và hiểu biết của em, hãy kể tên một số loại rác thải sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp do con người đưa vào môi trường thiên nhiên
Advertisements (Quảng cáo)
Câu 1. Những tác động của con người khiến tài nguyên thiên nhiên bị suy thoái:
– Khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên
– Chặt phá, đốt rừng
– Gây thoái hóa đất
– Thải khí Cacbonic quá nhiều ra môi trường
Câu 2.
– Một số loại rác thải sinh hoạt: tro xỉ, tro than, các loại rau, củ quả đã bị hư, thối; cơm/canh/thức ăn còn thừa hoặc bị thiu; các loại bã chè, bã cafe; các loại vỏ sò/ốc, vỏ trứng; các loại vỏ lon nước ngọt/lon bia/vỏ hộp trà; hộp giấy, bì thư, bưu thiếp đã qua sử dụng;
– Một số loại rác thải công nghiệp: hóa chất, chất thải các ngành công nghiệp; đồ da, đồ cao su, đồng hồ hỏng, băng đĩa nhạc, radio… không thể sử dụng; gạch/ đá, đồ sành/sứ vỡ hoặc không còn giá trị sử dụng; ly/ cốc/ bình thủy tinh vỡ; thùng carton, sách báo cũ; chất thải ngành than, dầu khí;…
Advertisements (Quảng cáo)
– Một số loại rác thải nông nghiệp: phân bón, hóa chất dư thừa; phân của động vật, chất thải của nông nghiệp, rơm rạ, cỏ, những loại bao bì, vỏ chai nhựa trong quá trình canh tác, thức ăn thừa cho động vật thừa, thuốc tăng trọng
Luyện tập và vận dụng – giải bài 1, 2, 3, 4 trang 186 SGK Địa lí 6 KNTT
1. Em hãy nêu ví dụ về tác động của thiên nhiên đến sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, giao thông vận tải và du lịch.
2. Hãy nêu một số hành động của con người làm ô nhiễm môi trường không khí và nước.
Chọn một trong hai nhiệm vụ sau:
3. Ở nơi em sinh sống, điều kiện tự nhiên nào tác động nhiều nhất tới đời sống và sản xuất của người dân? Tại sao?
4. Em hãy nêu một số sáng kiến để có thể giảm việc sử dụng túi ni-lông trong đời sống hằng ngày.
Câu 1.
– Đối với nông nghiệp: Mỗi vùng có loại cây trồng riêng phù hợp với điều kiện khí hậu, đất trồng ở nơi đó. Nơi có khí hậu, đất trồng, nguồn nước thuận lợi thì cây trồng vật nuôi phát triển tốt, năng suất, chất lượng cao. Nơi có điều kiện khắc nghiệt, thiên tai nhiều thì cây trồng, vật nuôi bị tàn phá, dịch bệnh, năng suất, chất lượng thấp,…
– Đối với công nghiệp: Nơi có nguồn khoáng sản phong phú, trữ lượng lớn sẽ phát triển công nghiệp khai khoáng và các ngành công nghiệp khác như năng lượng, hoá chất, chế tạo,…
– Đối với giao thông: Nơi có địa hình bằng phẳng dễ dàng cho việc xây dựng hệ thống đường ô tô, đường sắt, những vùng nhiều sông, nước không đóng băng phát triển loại hình đường thuỷ, các quốc gia có biển sẽ phát triển đường biển, những nơi địa hình cao, hiểm trở khó khăn trong việc phát triển giao thông, loại hình cáp treo là phương án hiệu quả.
– Đối với du lịch: Cảnh sắc thiên nhiên đẹp do địa hình, thảm thực vật, sông, hồ,… là yếu tố thu hút du khách, giúp du lịch phát triển.
Câu 2. Một số hành động của con người làm ô nhiễm môi trường không khí và nước:
– Với môi trường không khí:
- Trong sinh hoạt: khí thải trong giao thông, sử dụng bếp than tổ ong,…
- Trong sản xuất: khói, bụi toả từ ống khói,…
– Với môi trường nước:
- Trong sinh hoạt: nước thải sinh hoạt chưa được xử lí, rác thải đổ ra sông, biển,…
- Trong sản xuất: sử dụng phân hoá học, thuốc trừ sâu, nước thải công nghiệp…
Chọn một trong hai nhiệm vụ sau:
Câu 3. Ở nơi em sinh sống, đất trồng tác động nhiều nhất tới đời sống và sản xuất của người dân. Vì quê em thuộc vùng đồng bằng sông Hồng, đất đai được bồi đắp phù sa màu mỡ hằng năm. Người dân chủ yếu sông bằng nghề nông, trồng lúa, trồng hoa màu,…
Câu 4. Một số sáng kiến để có thể giảm việc sử dụng túi ni-lông trong đời sống hằng ngày:
– Sử dụng các loại túi đựng hàng thay thế: Túi giấy, túi vải sử dụng nhiều lần, túi dệt từ sợi ni lông sử dụng nhiều lần, túi ni lông tự huỷ, phân hủy sinh học
– Chương trình quản lý chất thải rắn theo mô hình 3R “Giảm thiểu-Tái sử dụng-Tái chế” đã được thực hiện ở một số nơi như ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, mục tiêu chung của chương trình không chỉ nhằm giảm sử dụng túi ni lông mà còn tăng cường tái sử dụng và tái chế túi ni lông.
– Khuyến khích các nhà phân phối, nhà bán lẻ tham gia chương trình giảm phân phát túi ni lông
– Tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng với các nội dung: tác hại của túi ni lông đối với kinh tế- xã hội, môi trường và sức khỏe cộng đồng; định hướng người tiêu dùng chuyển sang sử dụng các loại túi thân thiện với môi trường, các loại túi sử dụng nhiều lần; các biện pháp giảm sử dụng, tái sử dụng túi ni lông trong đời sống hàng ngày; ý nghĩa của phân loại và tái chế túi ni lông.
– Xây dựng một hệ thống thu gom, tái chế, tái sử dụng túi ni lông. Để tăng cường thu gom và tái chế loại túi ni lông đang rất thông dụng này, cơ quan quản lý cần phối hợp với các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các khu dân cư, các chung cư… bố trí các điểm thu gom dành riêng cho túi ni lông
– Tổ chức các buổi ngoại khóa, biểu diễn thời trang về nilon