Trang Chủ Lớp 5 Đề thi học kì 2 lớp 5

[Đề 1] Đề kiểm tra học kì 2 – Tiếng Việt 5: Người anh hùng thực sự trong câu chuyện trên là ai ?

Đề thi học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 5 – Đề số 1: Hãy kể lại một đoạn câu chuyện của người con trai thứ ba bằng lời kể và cảm nghĩ của San-chô.

I. ĐỌC HIỂU

ANH HÙNG THỰC SỰ

Ngày xưa, ở vùng Qua-đa-la-pa-ra có một ông lão sống cùng ba người con trai. Lúc sắp mất, ông gọi ba người con vào và nói :

– Các con của ta, ta chẳng có gì ngoài một viên kim cương của tổ tiên để lại. Ta không muốn bán nó hay đem chia nhỏ cho các con. Ta chỉ muốn trao cho một trong ba con. Các con hãy ra đi và quay trở về vào ngày đầu tiên của tuần sau, ta sẽ trao nó cho người xứng đáng nhất.

Ba người cùng đi và đúng hẹn thì trở về. Người con cả đã mang một nửa tài sản của mình chia cho những người nghèo khổ trong thành phố. Người con thứ hai thì cứu một bé gái sắp chết đuối ở sông Ri-Ô Grăng. Ông lão vui sướng hỉ hả lắm, rồi ông quay sang người con thứ ba :

– Còn con, xem con mang được về gì nào ?

Lúc này, người con thứ ba mới nói :

– Cha ạ, một buổi sáng, con nhìn thấy một người đàn ông say rượu nằm ngủ bên bờ vực. Chỉ một cử động nhỏ cũng có thể làm anh ta rơi xuống vực sâu. Con nhẹ nhàng đi lại và xốc anh ta ra khỏi chỗ đó. Cha có biết đó là ai không ? Chính là San-chô, kẻ thù truyền kiếp của nhà ta. Đã có vài lần anh ta doạ sẽ giết con nếu có cơ hội. San-chô tỉnh dậy và nhìn con đăm đăm. Rồi sau đó chúng con khoác tay nhau cùng về. Cha ạ, bây giờ thì con đã hiểu mỗi người xung quanh ta đều có thể là bạn dù trước đó họ là kẻ thù.

Ông lão cầm viên kim cương đặt vào tay người con thứ ba và nói :

– Con mới chính là người anh hùng thực sự, con trai ạ !

(Theo báo Thiếu niên Tiền phong)

Khoanh tròn chữ cái trước câu trả lời đúng :

1.Người anh hùng thực sự trong câu chuyện trên là ai ?

a. Ông lão.

b. Người con trai thứ ba.

c. Cả ba người con trai.

2.Vì sao người con trai thứ ba được người cha coi là “người anh hùng thực sự” ?

a. Vì anh đã cứu được một người đàn ông bị say rượu khỏi rơi xuống vực sâu.

b. Vì anh được cha yêu mến, tôn trọng và muốn tặng cho viên kim cương.

c. Vì anh là một người cao thượng đã chiến thắng được lòng thù hận của bản thân mình.

3.Câu chuyện muốn nói với chúng ta điều gì ?

a. Phải mang tài sản của mình chia cho người nghèo.

b. Phải biết sống cao thượng và tha thứ cho mọi người.

c. Phải luôn cứu giúp những người hoạn nạn.

4.Chọn thành ngữ phù hợp nhất với nội dung câu chuyện.

a. Ở hiền gặp lành.

b. Một sự nhịn là chín sự lành.

c. Thêm bạn bớt thù.

II. LUYỆN TỪ VÀ CÂU

1.Tiếng truyền” trong cụm từ “kẻ thù truyền kiếp” có ý nghĩa gì ?

a. Trao lại cho người khác (thường thuộc thế hệ sau) .

b. Lan rộng hoặc làm lan rộng ra cho nhiều người biết.

c. Nhập vào hoặc đưa vào cơ thế người.

Advertisements (Quảng cáo)

2.Xác định từ loại của từ anh hùng trong các câu sau :

a. Con mới chính là người anh hùng thực sự, con trai ạ !

b. Con đã có một hành động thật anh hùng, con trai ạ !

3.a) Đặt 3 câu có 3 từ con đồng âm là danh từ, tính từ, đại từ.

b) Đặt 2 câu có từ nhỏ đồng âm là danh từ, động từ.

III. CẢM THỤ VĂN HỌC

Vì sao người cha lại nói với người con trai thứ ba : “Con mới chính là người anh hùng thật sự con trai ạ !” ?

IV. TẬP LÀM VĂN

Đề 1. Hãy kể lại một đoạn câu chuyện của người con trai thứ ba bằng lời kể và cảm nghĩ của San-chô.

Đề 2. Hãy kế lại câu chuyện bằng lời kể và cảm nghĩ của người cha.


I. ĐỌC HIỂU

Câu 1: Con đọc kĩ lại cả ba câu chuyện mà ba người con đã kể để xác định xem ai mới là người anh hùng thực sự trong câu chuyện trên?

Anh hùng: là những người dũng cảm, cao thượng, dám hy sinh cả bản thân mình để giúp đỡ những người xung quanh mình.

Câu 2: Con đọc lại câu chuyện mà người con trai thứ ba đã kể.

Câu 3: Từ câu chuyện mà anh con trai thứ ba kể, con học tập được điều gì?

Câu 4: Con chọn một câu tục ngữ phù hợp với chuyện của anh con trai thứ ba.

Câu 1 – b

Câu 2 – c

Câu 3 – b

Câu 4 – c

II. LUYỆN TỪ VÀ CÂU

1.

Advertisements (Quảng cáo)

Con suy nghĩ để trả lời.

Đáp án đúng là a. Trao cho người khác (thuộc thế hệ sau)

2.

Con xác định xem từ “anh hùng” là danh từ, động từ hay tính từ:

– Danh từ: là những từ chỉ người, sự vật

– Động từ: là những từ chỉ hành động của người, sự vật

– Tính từ: là những từ chỉ tính chất của người, sự vật

a) Danh từ ;               b) Tính từ.

3.

Từ đồng âm là những từ có âm đọc giống nhau nhưng khác hẳn nhau về ý nghĩa.

a) – Con tôi ngoan quá.

– Sông con chảy vào sông cái.

– Mẹ ơi, mẹ cho con đi chơi nhé !

b) – Tờ giấy này nhỏ quá.

– Con nhớ nhỏ thuốc nhé !

III. CẢM THỤ VĂN HỌC

Người anh hùng là người dám dũng cảm xả thân, thậm chí là hy sinh cả bản thân mình vì người khác, không màng báo đáp. Con đọc lại câu chuyện của người con trai thứ ba và những lời mà người cha đã nói để giải thích?

          Người cha nói với người con trai thứ ba : “Con mới chính là ngưòi anh hùng thực sự, con trai ạ!”. Vì theo ông, hành động của anh vượt lên trên cả lòng tốt chia một nửa tài sản của mình cho mọi người của người anh cả, sự dũng cảm cứu một em bé của người anh thứ hai. Hành động của người con trai thứ ba đã tạo ra một ấn tượng mạnh mẽ khiến chúng ta vô cùng khâm phục. Anh đã vượt qua lòng thù hận để cứu kẻ thù trong cơn nguy hiểm. Hành động đó thể hiện sự cao thượng, lòng bao dung. Những suy nghĩ sâu sắc của người con thứ ba còn chứng tỏ anh là người nhân hậu, biết hành động một cách đúng đắn, khôn ngoan. Anh chiến thắng được lòng thù hận của bản thân và làm cho kẻ thù phải khâm phục, kính nể bởi anh đã xác định được một chân lí sâu sắc : “Mỗi người xung quanh ta đều có thể là bạn dù trước đó họ là kẻ thù”. Anh quả thật là người anh hùng thật sự.

IV. TẬP LÀM VĂN

Đề bài 1

– Kể lại câu chuyện bằng lời kể của San-chô – Người được cậu con trai thứ 3 cứu.

– Vì kể theo lời kể của San-chô nên con chú ý chỉ kể những chi tiết có San-chô xuất hiện và anh ta có mặt khi câu chuyện đó diễn ra.

Bài làm tham khảo:

       Đó là câu chuyện về một ân nhân, một người anh hùng thực sự đã cứu tôi thoát khỏi cái chết mà tôi không sao quên được.

        Buổi sáng hôm ấy, trong lòng tôi rất buồn chán. Tôi đã uống rượu cho đến khi say mềm. Tôi loạng choạng bước đi trong cơn say và tôi đã đến bên bờ vực thẳm lúc nào không biết. Tôi nằm ngã vật trên mỏm đá chênh vênh và ngủ thiếp đi. Bỗng nhiên tôi có cảm giác cơ thể mình như được bay bổng trên không trung, một bàn tay của vị thần tiên nào đã đưa tôi thoát khỏi tử thần, tôi từ từ hé mở đôi mắt nặng trĩu, đầu óc tôi quay cuồng, tôi đang mơ hay đang tỉnh ? Trước mắt tôi là gương mặt, vóc dáng đứa con trai thứ ba của kẻ thù không đội trời chung bao nhiêu năm qua – kẻ mà tôi đang muốn có cơ hội để giết ! Nhưng dường như tính mạng của tôi đang nằm trong tay anh ta ! Tôi bàng hoàng và sực tỉnh. Lúc này đây trong lòng tôi thật bối rối, biết bao câu hỏi đang đặt ra trong đầu tôi, tại sao anh ta lại cứu mình ? Tại sao một kẻ thù không đội trời chung với mình lại dang tay cứu vớt linh hồn mình ?

          Tôi nhìn anh đăm đăm như muốn soi cho rõ hơn bản chất của một con người tuyệt vời, cao thượng. Cũng từ trong sâu thẳm của tâm hồn tôi đã hiểu ra một điều rằng : Anh đã chiến thắng được lòng thù hận của bản thân mình. Thay vì nét mặt bực tức, tôi nở nụ cười thân thiện với anh. Có lẽ lòng thù hận cũng chấm dứt từ đây. Cử chỉ anh khoác vai tôi cùng đi trên một con đường khiến tôi vô cùng khâm phục và kính nể anh bởi anh đã hành động như một người “anh hùng thực sự”.

Đề bài 2

– Người kể chuyện: Người cha

– Cách kể: Kể theo những gì người cha được biết (những gì người cha nghe các con kể về chuyến đi của mình)

 – Cố gắng lồng thêm cảm nghĩ, suy nghĩ của người cha trước mỗi tình tiết xảy ra trong câu chuyện.

Bài làm tham khảo:

          Cuộc đời tôi vô cùng sung sướng và hạnh phúc khi được sống bên ba người con trai tốt bụng. Thời gian trôi đi, tuổi già cũng vừa ập đến, trước lúc lìa xa cõi đời tôi còn băn khoăn một việc lớn, đó là : trao viên kim cương tổ tiên để lại cho ai ? Vật quý chỉ có một, mình không thể đem bán hay đem chia nhỏ cho các con được ! Tôi quyết định thử tài cả ba người con và sẽ trao vật quý của tổ tiên cho người xứng đáng nhất.

          Cả ba người con cùng ra đi theo nguyện ước của tôi và đã đúng hẹn trở về. Tôi thấy hãnh diện và tự hào khi thấy người con thứ nhất đã mang một nửa tài sản của mình chia cho người nghèo khổ trong thành phố. Sự rộng lượng của người con thứ nhất dường như cũng chuyển tới sự bao dung hết lòng vì người khác của người con thứ hai. Người con thứ hai của tôi đã cứu một bé gái sắp chết đuối ở sông Ri-Ô Grăng và cũng vừa trở về. Tôi thật sung sưóng và hỉ hả quay sang ngưòi con thứ ba. Không biết nó mang về được gì ? Làm được gì ? Liệu nó có làm được việc tốt như hai người anh không ?

          Người con thứ ba của tôi lễ phép :

          – Thưa cha, con vừa cứu sống San-chô, kẻ thù truyền kiếp của gia đình ta mặc dù đã có vài lần anh ta doạ giết con nếu có cơ hội.

          Trong lòng tôi trào lên một cảm xúc khó tả. Lúc này tôi cảm thấy hạnh phúc hơn bao giờ hết. Đứa con thứ ba của mình đã trưởng thành thật rồi. Sự suy nghĩ chín chắn cùng với tấm lòng cao thượng của nó sẽ giúp cho mục đích của mình toại nguyện. Nó đã chiến thắng được lòng thù hận, sẵn sàng cứu kẻ thù của mình trong cơn hoạn nạn.

          Tôi còn ngạc nhiên, bàng hoàng, sửng sốt hơn khi tiếp tục nghe câu nói của nó :

          – Cha ạ ! Bây giờ thì con đã hiểu, mỗi người xung quanh ta đều có thể là bạn dù trước đó họ là kẻ thù.

          Chân lí sâu sắc mà người con thứ ba của tôi vừa nêu đã khơi dậy tia sáng còn sâu thẳm trong tâm hồn tôi. Tôi biết mình cần phải trao viên kim cương quý giá cho ai. Tôi cầm viên kim cương đặt vào tay người con thứ ba. Tôi muốn gửi gắm vào nó một tình cảm quý giá, sự ấm áp của người cha. Sung sướng, hạnh phúc đến nghẹn ngào, tôi nở nụ cười mãn nguyện :

          – Con mới chính là người anh hùng thực sự, con trai ạ !

Advertisements (Quảng cáo)