Trang Chủ Lớp 5 Đề thi học kì 1 lớp 5

[Đề số 4] Thi cuối học kì 1 – Tiếng Việt 5: Mùa hè, sau trận mưa rào, mặt đất được so sánh với gì ?

Đề số 4 – Đề kiểm tra học kì 1 – Tiếng Việt 5: Hãy chỉ ra hình ảnh so sánh hoặc nhân hoá có trong bài mà em thích nhất và giải thích vì sao em thích.

I. ĐỌC HIỂU

SAU TRẬN MƯA RÀO

Một giờ sau cơn dông, người ta hầu như không nhận thấy trời hè vừa ủ dột. Mùa hè, mặt đất cũng chóng khô như đôi má em bé.

Không gì đẹp bằng cây lá vừa tắm mưa xong, đang được mặt trời lau ráo, lúc ấy trông nó vừa tươi mát, vừa ấm áp… Khóm cây, luống cảnh trao đổi hương thơm và tia sáng. Trong tán lá, mấy cây sung và chích choè huyên náo, chim sẻ tung hoành, gõ kiến leo dọc thân cây dẻ, mổ lách cách trên vỏ. Hoa cẩm chướng có mùi thơm nồng nồng. Ánh sáng mạ vàng những đoá hoa kim hương, vô số bướm chập chờn trông như những tia sáng lập loè của đoá đèn hoa ấy.

Cây cỏ vừa tắm gội xong, trăm thức nhung gấm, bạc, vàng bày lên trên cánh hoa không một tí bụi. Thật là giàu sang mà cũng thật là trinh bạch, cảnh vườn là cảnh vắng lặng dung hoà với nghìn thứ âm nhạc, có chim gù, có ong vo ve, có gió hồi hộp dưới lá.

(Vích-to Huy-gô)

Khoanh tròn chữ cái trước câu trả lời đúng :

1. Mùa hè, sau trận mưa rào, mặt đất được so sánh với gì ?

a. Đôi mắt của em bé.

b. Đôi má của em bé.

c. Mái tóc của em bé.

2.Trong bức tranh thiên nhiên (sau trận mưa rào) này em thấy cái đẹp nào nổi bật nhất ?

a. Cây lá

b. Chim chóc

c. Bầu trời

3.Dòng nào nêu đầy đủ những âm thanh trong khu vườn sau trận mưa rào ?

a. Tiếng chim gù, tiếng ong vò vẽ.

b. Tiếng gió hồi hộp dưới lá.

c. Tiếng chim gù, tiếng ong vo ve và tiếng gió hồi hộp dưới lá.

4.Trong bài có mấy hình ảnh so sánh ?

Advertisements (Quảng cáo)

a. Một hình ảnh.

b. Hai hình ảnh.

c. Ba hình ảnh.

5.Dòng nào nêu đúng nhất nội dung bài văn ?

a. Tả khu vườn sau trận mưa rào.

b. Tả vẻ đẹp tươi mát, rực rỡ của cảnh vật sau trận mưa rào.

c. Tả bầu trời và mặt đất sau trận mưa rào.

II. LUYỆN TỪ VÀ CÂU

1.Tìm từ trái nghĩa với từ hồi hộp, vắng lặng.

2.Tìm các từ trái nghĩa với từ tươi, nói về : rau, hoa, thịt, cá, củi, cân, nét mặt, bữa ăn. (Ví dụ : rau úa,… ; hoa héo,…)

3.Đặt một câu có cặp từ trái nghĩa khô héo – tươi mát nói về cây cối trước và sau cơn mưa.

III. CẢM THỤ VĂN HỌC

Hãy chỉ ra hình ảnh so sánh hoặc nhân hoá có trong bài mà em thích nhất và giải thích vì sao em thích.

IV. TẬP LÀM VĂN

Advertisements (Quảng cáo)

Đề 1. Hãy sử dụng biện pháp tu từ so sánh, nhân hoá để viết 3 câu tả cây cối sau trận mưa rào.

Đề 2. Hãy viết đoạn văn tả lại cảnh vật nơi em ở trong hoặc sau cơn mưa.


I. ĐỌC HIỂU

1. 2. 3. 4. 5.
b a c c b

II. LUYỆN TỪ VÀ CÂU

1. a) hồi hộp >< bình tĩnh.

b) vắng lặng >< nhộn nhịp, tấp nập, sôi động, đông vui, ồn ào,…

2. (rau) úa, héo,… ; (hoa) héo, tàn,… ; (thịt) ươn, ôi… ; (cá) ươn, khô… ; (củi) khô, nỏ,… ; (cân) tươi, non, mát… ; (nét mặt) buồn,…; (bữa ăn) đạm bạc,…

3. Sau con mưa cây cối đã tươi mát hơn không còn khô héo nữa.

III. CẢM THỤ VĂN HỌC

Trong bài Sau trận mưa rào có nhiều hình ảnh so sánh, nhân hoá nhưng em thích nhất hình ảnh “Cây cỏ vừa tắm gội xong, trăm thức nhung gấm, bạc vàng bày lên trên cánh hoa không một tí bụi”. Bằng biện pháp nghệ thuật nhân hoá, tác giả đã thổi vào cỏ cây, hoa lá một sức sống mạnh mẽ của con người. Tất cả mới tinh khôi vì vừa “tắm gội”. Tất cả vẻ đẹp như đang bày ra trước mắt ta, đưa ta lạc vào thế giới thần tiên đầy màu sắc lung linh, huyền ảo như thực như mơ.

(Theo Nguyễn Thị Lan)

IV. TẬP LÀM VĂN

Đề bài 1

Dàn bài:

– Em đọc lại những đoạn văn có hình ảnh so sánh, nhân hoá trong bài.

– Chọn loại cây mình định tả.

– Tìm đặc điểm nổi bật của cây.

– Em chọn đặc điểm nào để tả ?

– Tạo hình ảnh so sánh, nhân hoá để tả vẻ đẹp của cây.

– Chọn từ ngữ để viết câu văn, đoạn văn hoàn chỉnh.

Tham khảo : Mưa tạnh hẳn. Ông mặt trời nhẹ nhàng vén màn mây, gửi xuống khu vườn những tia vàng lấp lánh. Cây cối run run đón nhận món quà này như cô Lọ Lem hồi hộp, ngập ngừng đón chiếc áo mới của bà Tiên ban tặng.

Đề bài 2

Dàn bài:

– Đề bài thuộc thể loại văn miêu tả. Đối tượng miêu tả là cảnh gì ?

– Em định tả cảnh vật sau cơn mưa nào ? (Mưa vào mùa hè ? Mưa đầu mùa xuân ?…)

– Cảnh vật được tả vào lúc nào? cảnh vật có gì khác với trước đó ?(Bầu trời, cây cối, hoạt động của con người.)

– Khi miêu tả cảnh vật, em có những liên tưởng gì ?

Tham khảo : Sau cả tuần mưa dầm rả rích, ai cũng thấy khó chịu vì không khí ẩm ướt và ao ước được nhìn thấy mặt trời. Như hiểu lòng người, trưa nay, mưa tạnh, bầu trời như cao và sáng ra. Một vài tia nắng hiếm hoi đã kiêu căng nhảy nhót trên mảnh sân khu tập thể. Mọi người phấn khởi dọn dẹp nhà cửa, phơi hong quần áo. Chà, trông sân phơi như một “shop” quần áo thời trang đủ màu sắc, kiểu dáng. Con đường lớn chạy vào sân vào những ngày mưa không ai còn nhận ra là đường nhựa, bê tông hay đường đất. Chỉ thấy lép nhép, lép nhép những bùn. Giờ thì xe cộ đã bắt đầu đi lại nhộn nhịp. Hàng cây ven đưòng được mưa lại đâm lên những chồi non.

(Theo Nguyễn Thị Hồng Dung)

Advertisements (Quảng cáo)