Trang Chủ Lớp 4 Đề thi học kì 1 lớp 4

Đề kiểm tra Tiếng Việt lớp 4 giữa học kì 1. Viết bức thư gửi người thân (hoặc bạn bè) ở xa để thăm hỏi và kể về tình hình học tập của em trong nửa học kỳ 1 vừa qua

Đề kiểm tra giữa kì 1 lớp 4 môn Tiếng Việt này sẽ là tài liệu tham khảo hay giúp các thầy cô có cơ sở ra đề kiểm tra, giúp các em học sinh có thêm đề luyện tập nhằm củng cố kiến thức, chuẩn bị sẵn sàng cho bài thi giữa kì 1 lớp 4 sắp tới.

KIỂM TRA ĐỊNH KÌ GIỮA HỌC KÌ

Năm học: 2020 – 2021

 Môn: Tiếng Việt 4

A. PHẦN ĐỌC HIỂU

Kiểm tra đọc:

I. Đọc thành tiếng

Học sinh đọc một đoạn văn trong các bài tập đọc đã học từ tuần 1 đến tuần 9, sau đó trả lời 1 hoặc 2 câu hỏi liên quan đến nội dung đoạn vừa đọc.

II. Đọc- hiểu: Đọc thầm bài văn sau và làm bài tập theo yêu cầu.

Về thăm bà

Thanh bước lên thềm, nhìn vào trong nhà. Cảnh tượng gian nhà cũ không có gì thay đổi. Sự yên lặng làm Thanh mãi mới cất được tiếng gọi khẽ :

– Bà ơi !

Thanh bước xuống dưới giàn thiên lý. Có tiếng người đi, rồi bà, mái tóc bạc phơ, chống gậy trúc ở ngoài vườn vào. Thanh cảm động và mừng rỡ, chạy lại gần.

– Cháu đã về đấy ư ?

Bà ngừng nhai trầu, đôi mắt hiền từ dưới làn tóc trắng nhìn cháu, âu yếm và mến thương :

– Đi vào trong nhà kẻo nắng, cháu !

Thanh đi, người thẳng, mạnh, cạnh bà lưng đã còng. Tuy vậy, Thanh cảm thấy chính bà che chở cho mình cũng như những ngày còn nhỏ.

– Cháu đã ăn cơm chưa ?

– Dạ chưa. Cháu xuống tàu về đây ngay. Nhưng cháu không thấy đói.

Bà nhìn cháu, giục :

– Cháu rửa mặt đi, rồi nghỉ kẻo mệt !

Thanh đến bên bể múc nước vào thau rửa mặt. Nước mát rượi và Thanh cúi nhìn bóng mình trong lòng bể với những mảnh trời xanh.

Lần nào trở về với bà, Thanh cũng thấy thanh thản và bình yên như thế. Căn nhà, thửa vườn này như một nơi mát mẻ và hiền lành. Ở đấy, lúc nào bà cũng sẵn sàng chờ đợi để mến yêu Thanh.

(Theo Thạch Lam – Tiếng Việt 4 tập 1 năm 1998)

Câu 1: Khoanh tròn vào chữ cái trước ý trả lời đúng nhất:

Không gian trong ngôi nhà của bà khi Thanh trở về như thế nào ?

a. Ồn ào.      b. Nhộn nhịp.       c. Yên lặng.

Câu 2: Khoanh tròn vào chữ cái trước ý trả lời đúng nhất:

Dòng nào dưới đây cho thấy bà của Thanh đã già ?

a. Tóc bạc phơ, miệng nhai trầu, đôi mắt hiền từ.

b. Tóc bạc phơ, chống gậy trúc, lưng đã còng.

c. Tóc bạc phơ, chống gậy trúc, đôi mắt hiền từ.

Câu 3:  Tìm những từ ngữ thích hợp điền chỗ chấm.

Advertisements (Quảng cáo)

Thanh cảm thấy………………………………………………………… những ngày còn nhỏ.

Câu 4: Vì sao Thanh đã khôn lớn rồi mà vẫn “cảm thấy chính bà che chở cho mình cũng như những ngày còn nhỏ”?

Câu 5: Nếu em là Thanh, em sẽ nói gì với bà ? (Viết 2 – 4 câu)

………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………

Câu 6: Trong từ bình yên, tiếng yên gồm những bộ phận nào cấu tạo thành ?

a. Âm đầu và vần.

b. Vần và thanh.

c. Âm đầu và thanh.

Câu 7: Dòng nào sau đây chỉ có từ láy ?

a. che chở, thanh thản, mát mẻ, sẵn sàng.

b. tóc trắng, thanh thản, mát mẻ, sẵn sàng.

c. che chở, thanh thản, âu yếm, sẵn sàng.

Câu 8: Trong câu “Thanh đến bên bể múc nước vào thau rửa mặt.”

a. Có 2 động từ (đó là……………………………………….)

b. Có 3 động từ (đó là……………………………………….)

c. Có 4 động từ (đó là……………………………………….)

Câu 9: Gạch chân dưới từ ngữ có nghĩa của tiếng tiên khác với nghĩa của tiếng tiên trong từ đầu tiên:

tiên lượng, trước tiên, thần tiên, tiên phong, cõi tiên.

Câu 10: Khi trình bày câu nói của một nhân vật, ta có thể kết hợp với những dấu nào?

……………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………

Advertisements (Quảng cáo)

B. VIẾT

 Kiểm tra viết:

1.Chính tả (15 phút): Nghe – viết

  Bài:   Trung thu độc lập

(Viết từ Ngày mai,……đến vui tươi.)

Giáo viên đọc cho học sinh viết bài  “Trung thu độc lập” (Tiếng Việt 4, tập 1 –  trang 66).

2.Tập làm văn.

Đề bài: Viết bức thư gửi người thân (hoặc bạn bè) ở xa để thăm hỏi và kể về tình hình học tập của em trong nửa học kỳ I vừa qua.

HƯỚNG DẪN CHẤM

A. Kiểm tra đọc:

1.Đọc thành tiếng: (3 điểm).

HS bốc thăm chọn bài đọc và trả lời 1đến 2 câu hỏi bài tập đọc theo yêu cầu trong thăm mà GV đã chuẩn bị.

Căn cứ vào mức độ đọc của học sinh và trả lời được câu hỏi giáo viên đánh giá cho điểm.

2.Đọc hiểu: (7 điểm)

Câu 1: ý c. Yên lặng.       (0,5 điểm)

Câu 2: ý b. Tóc bạc phơ, chống gậy trúc, lưng đã còng. (0,5 điểm)

Câu 3:  chính bà che chở cho mình cũng như.  (0,5 điểm)

Câu 4: Vì Thanh sống với bà từ nhỏ, luôn yêu mến, tin cậy bà và được bà săn sóc, yêu thương. (1 điểm)

Câu 5: Học sinh có thể viết:

Bà ơi, cháu rất nhớ và thương bà. Bà ở nhà một mình chắc là rất buồn. Cháu sẽ thường xuyên về thăm bà. Bà phải sống thật khỏe mạnh, sống lâu hơn trăm tuổi bà nhé. (1,5 điểm)

Câu 6: ý b.  Vần và thanh. (0,5 điểm)

Câu 7: ý a. che chở, thanh thản, mát mẻ, sẵn sàng. (0,5 điểm)

Câu 8: ý b. Có 3 động từ (đó là: đến, múc, rửa) ( 0,5 điểm).

Nếu khoanh đúng : 0,25đ

Câu 9: thần tiên, cõi tiên (0,5 điểm : mỗi ý đúng đạt 0,25đ)

Câu 10: Khi trình bày câu nói của một nhân vật, ta có thể kết hợp với dấu hai chấm và dấu ngoặc kép hoặc dấu hai chấm và dấu gạch ngang đầu dòng. (1 điểm)

B. Kiểm tra viết. (10 điểm)

1. Viết chính tả: (3 điểm)

Nghe – viết: Trung thu độc lập ( HDH TV4 tập 1A – trang 106). Viết từ “Ngày mai, …… đến vui tươi”.

Trung thu độc lập

       Ngày mai, các em quyền mơ tưởng một cuộc sống tươi đẹp vô cùng. Mươi mười lăm năm nữa thôi, các em sẽ thấy cũng dưới ánh trăng này, dòng  thác nước đổ xuống làm chạy máy phát điện; ở giữa biển rộng, cờ đỏ sao vàng phấp phới bay trên những con tàu lớn. Trăng của các em sẽ soi sáng những ống khói nhà máy chi chít, cao thẳm, rải trên đồng lúa bát ngát vàng thơm, cùng với nông trường to lớn, vui tươi.

*HD chấm Chính tả:

Bài viết đẹp, viết đúng cỡ chữ, không sai lỗi : được 3 điểm.

Bài viết xấu, chữ viết không đúng độ cao, kích thước, toàn bài trừ 0,5 điểm.

Cứ sai 1 lỗi thông thường trừ 0,2 điểm.

2.Tập làm văn (7 điểm)

Viết được lá thư gửi cho một người thân ở xa, đủ các phần đúng theo yêu cầu, câu văn hay, đúng ngữ pháp, diễn đạt gãy gọn, mạch lạc, dùng từ đúng, không mắc lỗi chính tả, trình bày sạch đẹp, rõ 3 phần.

*HD chấm TLV – Thang điểm cụ thể:

– Phần đầu thư (1 điểm)  Nêu được thời gian và địa điểm viết thư

Lời thưa gửi phù hợp

– Phần chính (4 điểm)      Nêu được mục đích, lí do viết thư

Thăm hỏi tình hình của bạn

Thông báo tình hình học tập của bản thân

Nêu ý kiến trao đổi hoặc bày tỏ tình cảm với người thân

– Phần cuối thư (1 điểm) Lời chúc, lời cảm ơn hoặc hứa hẹn

Chữ kí và họ tên

– Trình bày: (1 điểm)

+ Chữ viết, chính tả (0,5 điểm) Trình bày đúng quy định, viết sạch, đẹp, viết đúng

+ Dùng từ, đặt câu (0,5 điểm) Viết đúng ngữ pháp, diễn đạt câu văn hay, rõ ý, lời văn tự nhiên, chân thực.

– Tùy theo mức độ sai sót về ý, về diễn đạt và chữ viết, căn cứ vào bài làm thực tế của HS để GV đánh giá cho điểm.

Advertisements (Quảng cáo)