Trang Chủ Bài tập SGK lớp 4 Soạn bài Tiếng Việt lớp 4

Soạn bài Tập đọc: Dế mèn bênh vực kẻ yếu (tiếp theo) – Dế Mèn đã làm cách nào để bọn nhện phải sợ ?

 Soạn bài Tập đọc: Dế mèn bênh vực kẻ yếu (tiếp theo) – Tiếng Việt lớp 4 tập 1. Trận địa mai phục của bọn nhện đáng sợ như thế nào ?; Dế Mèn đã làm cách nào để bọn nhện phải sợ ?

Soạn bài: Dế mèn bênh vực kẻ yếu (tiếp theo)

Câu 1. Trận địa mai phục của bọn nhện đáng sợ như thế nào ?

Trận địa mai phục của bọn nhện đáng sợ là:

Bọn nhện chăng tơ kín ngang đường, bố trí nhện gộc canh gác, tất cả nhà nhện núp kín trong các hang đá với dáng vẻ hung dữ.

Câu 2. Dế Mèn đã làm cách nào để bọn nhện phải sợ ?

Dế Mèn đã làm để bọn nhện phải sợ là:

– Đầu tiên, Dế Mèn chủ động hỏi, lời lẽ oai vệ, thách thức của một kẻ mạnh: muốn nói chuyện với tên nhện chóp bu, dùng các từ xưng hô: ai, bọn này, ta.

– Thấy nhện cái xuất hiện, vẻ đanh đá, nặc nô, Dế Mèn ra uy bằng hành động tỏ rõ sức mạnh quay phắt lưng lại, phóng càng đạp phanh phách.

Câu 3. Dế Mèn đã nói thế nào để bọn nhện nhận ra lẽ phải ?

Để bọn nhện nhận ra lẽ phải, Dế Mèn phân tích theo lời so sánh để bọn chúng thấy mình hành động hèn hạ, không quân tử, rất đáng xấu hổ, đồng thời Dế Mèn cũng đe dọa bọn chúng.

(Phân tích:- Bọn nhện giàu có, béo múp > < Món nợ của mẹ Nhà Trò bé tẹo đã mấy đời.

– Bọn nhện béo tốt, kéo bè kéo cánh > < Đánh đập một Nhà Trò yếu ớt)

Đe dọa: Thật đáng xấu hổ! Có phá hết các vòng vây đi không? Vì vậy, bọn nhện đã sợ hãi, cùng dạ ran, cuống cuồng chạy dọc, ngang, phá hết các dây tơ chăng lối nhằm mai phục Nhà Trò.

Câu 4. Em thấy có thể tặng cho Dế Mèn danh hiệu nào trong số các danh hiệu sau đây: võ sĩ, tráng sĩ, chiến sĩ, hiệp sĩ, dũng sĩ, anh hùng ?

Có thể tặng cho Dế Mèn danh hiệu hiệp sĩ vì Dế Mèn có hào khí, biết bênh vực kẻ yếu.

Nội dung: Ca ngợi Dế Mèn có tấm lòng nghĩa hiệp, biết bênh vực kẻ yếu, xóa bỏ áp bức, bất công.


Cảm nhận của em về nghệ thuật miêu tả loài vật qua đoạn văn “Dế Mèn bênh vực kẻ yếu”

Advertisements (Quảng cáo)

“Dế Mèn bênh vực kẻ yếu” là một đoạn văn trích trong cuốn “Dế Mèn phiêu lưu kí ” của nhà văn Tô Hoài đã gợi cho em nhiều thú vị.

Đoạn văn cho thấy nghệ thuật miêu tả loài vật rất đặc sắc của nhà văn Tô Hoài.

Thế giới loài vật được nói đến là chị Nhà Trò, chú Dế Mèn và lũ nhện. Mỗi nhân vật được nói đến đều có nét riêng về ngoại hình, ngôn ngữ, hành động, tính cách và lối ứng xử riêng, có mối quan hệ sống còn trong một xã hội thu nhỏ lại.

a.  Chị Nhà Trò là hiện thân cho sự đau khổ. Mẹ chết, một mình sống thui thủi, làm không đủ ăn. Món nợ mà mẹ chị vay lương ăn bọn nhện… để lại một sợi dây oan nghiệt đến bao giờ mới cởi bỏ được. Tô Hoài có tài qua miêu tả thật sống ngoại hình, diện mạo chị Nhà Trò, một con người nhỏ bé đang sống trong cảnh ngộ thương tâm. Sau nhiều lần bị bọn nhện đánh, lần này tính mạng chị ta đang bị đe dọa nghiêm trọng. Bọn nhện đe bắt để “vặt chân, vặt cánh, ăn thịt”. Trước tai họa sắp xảy ra, thân yếu thế cô, chị Nhà Trò chỉ biết “gục đầu” bên tảng đá cuội, khóc “tỉ tê” trong vùng cỏ xước xanh dài. Giọt nước mắt của chị Nhà Trò là giọt nước mắt của một thân phận đang sống trong tâm trạng cay đắng, tuyệt vọng đầy bi kịch. Ai sẽ cứu giúp chị Nhà Trò vượt qua tai họa khủng khiếp này? Tác giả đã dành cho con vật nhỏ bé này một sự cảm thương đầy tình người.

b. Đối lập với chị Nhà Trò là lũ nhện tham lam độc ác. Chúng sống sung túc “có của ăn của để”, đứa nào cũng “béo múp míp” nhưng lại cứ ti tiện cứ cố tình đòi chị Nhà Trò “một tí tẹo nợ đã mấy đời rồi”. Tô Hoài đã vạch mặt chi tiết từng đứa trong lũ nhện cho chúng ta biết. Mụ nhện cái thì cong chân, lúc nào cũng có hai vệ sĩ nhện vách nhảy kèm. Nhện gộc và bọn tiểu yêu đông đảo nấp trong các khe đá, “chúng đứng im như đá mà coi vẻ hung dữ”. Trận địa mai phục của lũ nhện thật đáng sợ: “chăng từ bên nọ sang bên kia đường biết bao là nhện”. Chúng là lũ độc ác “cậy khỏe ăn hiếp kẻ yếu” đang đe dọa tính mạng chị Nhà Trò. Chúng coi thường tính mạng mọi người và coi trời bằng vung!

c. Chú Dế Mèn được nói đến thật đáng khâm phục. Chú giàu tình người luôn quan tâm đến người khác. Đi qua vùng cỏ xước nghe tiếng khóc “tỉ tê” của chị Nhà Trò đang “gục đầu” bên tảng đá cuội, chú đến gần “gạn hỏi mãi”. Chú “xòe hai cẳng ra” biểu thị một sức mạnh sẵn sàng bênh vực kẻ yếu, rồi bảo chị Nhà Trò: “Em đừng sợ!”. Chú đã đưa chị Nhà Trò đến thẳng sào huyệt lũ nhện. Tiếng nói của chú cất lên nghe thật oai vệ, ngang tàng: “Ai đứng chóp bu bọn này? Ra đây ta nói chuyện”. Dế Mèn đã “quay phắt lưng phóng càng đạp phanh phách” làm cho mụ nhện cái và bè lũ bạt vía kinh hồn “co dúm lại rồi cúi rập đầu xuống đất như cái chày giã gạo”. Dế Mèn đã bênh vực kẻ yếu, bắt lũ nhện “xóa hết công nợ”, “đốt hết văn tự nợ đi!”, và phải “phá các vòng vây”. Bọn nhện “sợ hãi cùng dạ ran”. Dưới ngòi bút Tô Hoài, Dế Mèn được miêu tả qua một số cử chỉ, hành động và ngôn ngữ đầy ấn tượng, xứng đáng là một hiệp sĩ ra tay “phò nguy cứu đời”.

“Dế Mèn bênh vực kẻ yếu” là một trang văn chan chứa tình nhân đạo. Chuyện loài vật mà cũng là chuyện người. Câu chuyên kể giàu kịch tính. Nghệ thuật tả loài vật của Tô Hoài thật đặc sắc, độc đáo và mẫu mực.


Hình ảnh chị Nhà Trò trong mẩu truyện “Dế Mèn bênh vực kẻ yếu” đã để lại trong lòng người bao cảm thương. Em hãy nêu cảm nghĩ của em.

Đọc mẩu truyện “Dế Mèn bênh vực kẻ yếu” của nhà văn Tô Hoài, hình ảnh chị Nhà Trò đã để lại trong lòng em bao cảm thương xúc động.

Chị Nhà Trò “đã bé nhỏ lại gầy yếu quá” Vì cái tạng người vốn thế hay vì thiếu ăn mà bị suy dinh dưỡng? Thân hình mềm nhũn “bự những phấn như mới lột”. Nước da ấy gợi lên sự xanh xao của những kẻ thiếu máu vì ốm đau nhiều. Chị Nhà Trò cũng có cánh, nhưng “hai cánh mỏng như cánh bướm non, lại ngắn chùn chùn”. Đôi cánh ấy “yếu quá, chưa quen mở ” khó mà “bay được xa”. Hình dáng ấy, thể trạng ấy của chị Nhà Trò thật đáng thương.

Thân phận chị Nhà Trò còn đau thương hơn. Mẹ mới mất, chị sống đơn độc “thui thủi” một mình trong cõi đời. Chỉ quanh quẩn nơi vùng cỏ xước xanh dài. Chị đang trải qua những tháng ngày nặng nề: kiếm ăn chẳng đủ, “nghèo túng vẫn nghèo túng”. Món nợ năm trước mà mẹ chị “vay lương ăn của Nhện” khi trời làm đói kém cứ như cái gông cái xiềng đang xiết chặt lấy thân phận chị Nhà Trò. Hình ảnh chị Nhà Trò ngồi gục đầu bên tảng đá cuội “khóc tỉ tê” là nỗi đau của một kiếp người đói khổ, ốm đau, yếu đuối, đang bị bắt nạt, áp bức thảm thương. Cuộc đời đen tối quá, “biết đâu nẻo đất phương trời mà đi”, mà sống?!

Advertisements (Quảng cáo)

Cảnh ngộ chị Nhà Trò lại còn uất ức, đau khổ hơn. Vì “món nợ cũ” mà chị đã bị bọn nhện ráo riết đòi, mấy bận bị nhện đánh. Lần này, tính mạng của chị ta đang bị đe dọa nghiêm trọng. Mụ Nhện đã sai nhện Gộc, nhện Vách và bọn tay chân hung dữ chăng đầy tơ nhện quyết bắt sống “vặt chân, vặt cánh, ăn thịt”. Chị Nhà Trò có ai thương, có ai ra tay cứu độ con người đau khổ này vượt qua tai ương, hoạn nạn?

Hình ảnh chị Nhà Trò trong trang văn của Tô Hoài là hình ảnh tượng trưng cho những con người “nhỏ bé”, đói khổ, bị áp bức bóc lột đau thương trong xã hội cũ, đã để lại trong lòng em bao xúc động cám thương. Hình ảnh chị Nhà Trò gục đầu khóc với tâm trạng lo âu, sợ hãi là những ám ảnh về một xã hội đen tối bất công “kẻ ăn không hết người lần không ra!”.


Cảm nghĩ của em về nhân vật Dế Mèn qua cảnh “Dế Mèn bênh vực kẻ yếu”

“Dế Mèn phiên lưu kí” là một tác phẩm độc đáo của Tô Hoài, một truyện phiêu lưu viết cho tuổi thơ vô cùng hấp dẫn. Những hành trình xuôi ngược, những nếm trải cay đắng đó đây, “những hành động nghĩa hiệp, những chiến công và vinh hoa gặt hái được của chú Dế Mèn đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng bạn nhỏ yêu quý gần xa. Cảnh “Dế Mèn bênh vực kẻ yếu” chỉ là một trang đời nhỏ bé của chú mà thôi; tuy nhỏ bé nhưng rất đẹp, rất đáng yêu.

Dế Mèn rất giàu tình thương người. Đi qua đám cỏ xước xanh dài, chen nghe “tiếng khóc tỉ tê” và nhìn thấy chị Nhà Trò đang “gục đầu bên tảng đá cuội” đối với kẻ vô tâm, vô tình khác thì họ lặng lẽ hoặc chép miệng rồi dửng dưng bỏ đi. Trái lại, chú Dế Mèn rất quan tâm và thương cảm đến gần con người bất hạnh “gạn hỏi mãi”. Hình ảnh chị Nhà Trò “đã bé nhỏ lại gầy yếu quá”, đôi cánh mỏng “ngắn chùn chùn” và tiếng khóc của chị ta đã làm cho chú Dế Mèn thương tâm lắm. Chú càng xúc động hơn trước cảnh ngộ đau khổ của chị ta: mẹ mất, sống “thui thủi”, ốm yếu quá nên làm không đủ ăn, lại đang bị bọn nhện đòi nợ một cách ráo riết! Bọn nhện đánh đập chị ta mấy bận, lần nào chúng đe bắt để “vặt chân, vặt cánh, ăn thịt”. Cuộc sống và tính mạng chị Nhà Trò đang bị uy hiếp nghiêm trọng.

Cử chỉ “xòe cả hai cẳng ra” và câu nói của chú Dế Mèn không phải ai cũng có. Biết bao thương cảm, biết bao nâng đỡ chở che, đầy nghĩa hiệp: “Em đừng sợ. Hãy trở về cùng với tôi đây. Đứa độc ác không thể cậy khỏe ăn hiếp kẻ yếu.” Tiếng nói của Dế Mèn vang lên như một lời tuyên chiến với lũ nhện quen thói cậy thế, áp bức đè nén người khác. Đúng như người xưa đã nói:

“Tôi xin ra sức anh hào,

Cứu người cho khỏi lao đao buổi này!”.

Trận địa mai phục của lũ nhện thật đáng sợ. Như thiên la địa võng “chăng từ bên nọ sang bên kia đường biết bao tơ nhện”. Chúa trùm nhà nhện là một mụ nhện “đanh đá, nặc nô”. Có 2 vệ sĩ nhện vách đi kèm. Trên trận địa mai phục có vô số lũ nhện nanh ác do nhện Gộc chỉ huy. “Chúng đứng im như đá mà coi vẻ hung dữ”. Liệu chú Dế Mèn đơn phương độc mã có làm gì nổi lũ nhện ghê gớm này?

Một chữ “ta” của Dế Mèn cất lên rất đàng hoàng, đĩnh đạc và hào hùng: “Ai đứng chóp bu bọn này? Ra đây ta nói chuyện”. Vừa thoáng thấy mụ nhện từ trong hang đá “cong chân nhảy ra” với hai nhện vách đi kèm, Dế Mèn bèn ra oai thị uy: “quay phắt lưng, phóng càng đạp phanh phách”. Đó là miếng võ gia truyền của họ hàng nhà dế! Thật là bất ngờ và ngạc nhiên: “Mụ nhện co rúm lại rồi rập đầu xuống đất như cái chày giã gạo”. Mụ nhện và lũ tiểu yêu đã bạt vía kinh hồn!

Dế Mèn đã đanh thép hạch tội lũ nhện là bọn người “béo múp núp” mà lại tham lam ti tiện “cứ cố tình đòi một tí tẹo nợ đã mấy đời rồi?”. Chú ta “cấm” bọn nhện “từ giờ không được đòi nợ chị Nhà Trò nữa”. Như một lời phán truyền nghiêm khắc, Dế Mèn bắt bọn nhện: “Hãy phá các vòng vây đi! Đốt hết văn nợ đi!”. Tức thì quân tướng lũ nhện “sợ hãi cùng dạ ran”, chúng vội vàng “phá hết các dây tơ chăng lối”. Và con đường về tổ Nhà Trò “quang hẳn”. Chị Nhà Trò đã thoát nạn tai ương.

Qua cảnh này, ta vô cùng khâm phục Dế Mèn, một chàng trai có phẩm chất tốt đẹp: có võ nghệ tài giỏi, rất dũng cảm, thương người, hào hiệp, căm ghét mọi bất công trên cõi đời. Dế Mèn đã hết lòng bênh vực chị Nhà Trò trong cơn nguy khốn. Dế Mèn đúng là một hiệp sĩ: “Giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha!”.


Kể lại câu chuyện Dế Mèn bênh vực kẻ yếu theo lời của em

Ở vùng đồng cỏ này, ai cũng biết đến Dế Mèn hào hiệp và tốt bụng, thường giúp đỡ, bênh vực kẻ yếu. Dế Mèn thích phiêu lưu đây đó để thưởng thức vẻ đẹp thiên nhiên và tìm người kết bạn.

Một hôm, Dế Mèn đi qua vạt cỏ xước xanh mướt, chợt nghe thấy tiếng khóc tỉ tê. Đưa mắt nhìn quanh, Dế Mèn thấy chị Nhà Trò gục đầu bên tảng đá cuội. Chị Nhà Trò bé nhỏ, gầy yếu quá, lẩy bẩy như vừa mới lột. Chị mặc chiếc áo thân dài điểm những chấm màu vàng. Đôi cánh ngắn cũn, mỏng như cánh bướm, chắc là chị chưa bay được xa. Dế Mèn thương tình, dừng chân hỏi:

– Có chuyện gì mà khóc lóc thế hả Nhà Trò?

Tủi thân, chị Nhà Trò càng nức nở. Dế Mèn gạn mãi, chị mới kể rằng năm ngoái, mẹ con chị đói quá phải đến gặp nhện để vay lương ăn. Thế rồi chẳng may mẹ chị ốm chết, còn chị thì kiếm chẳng đủ ăn nên vẫn chưa trả được nợ cho mụ nhện. Mấy hôm nay, mụ cho đám đàn em chặn đường, khăng khăng đòi món nợ cũ. Chị Nhà Trò xin khất thì chúng đánh chẳng tiếc tay. Ghê gớm hơn nữa là chúng chăng tơ chặn đường ở đằng kia, nếu Nhà Trò đến là chúng vặt cánh, vặt chân, ăn thịt.

Nghe Nhà Trò kể xong, Dế Mèn giận lắm quát lớn:

– Chà! Mụ nhện độc ác kia dám lộng hành đến thế sao! Được! Cứ để đấy, xem mụ giở trò gì nào!

Dế Mèn xoè hai chiếc càng mẫm bóng, thứ vũ khí lợi hại làm nhiều kẻ ác khiếp sợ, rồi bảo chị Nhà Trò:

– Em đừng sợ ! Hãy trở về với tôi đây. Đứa độc ác không thể cậy khoẻ mà ăn hiếp kẻ yếu được!

Rồi Dế Mèn dắt Nhà Trò đi. Chị Nhà Trò đã yên tâm nên thôi khóc. Hai người đi được một quãng thì đến chỗ mai phục của bọn nhện.


Kể lại câu chuyện Dế Mèn bênh vực kẻ yếu theo cách phân vai (người kể chuyện, Dế Mèn và nhện cái)

– Người kể chuyện: Nghe lời an ủi của Dế Mèn, chị Nhà Trò thôi khóc và nắm chặt tay Dế Mèn cho đỡ sợ. Đi được một quãng thì gặp bọn nhện chắn đường. Chúng chăng tơ dày đặc từ bên nọ sang bên kia để ngăn lối. Giữa đường, một gã nhện gộc mặt mũi hung ác đứng sừng sững, mắt láo liên tìm kiếm. Các khe đá xung quanh toàn nhện là nhện, đứa nào đứa nấy lầm lầm lì lì, thật là dữ tợn. Dế Mèn cất tiếng hỏi lớn.

–  Dế Mèn (vẻ cao ngạo, thách thức): Đứa nào là chóp bu bọn mày ? Ra đây ta nói chuyện!

– Người kể chuyện: Từ trong hốc đá, nhện cái cong chân nhảy ra, hai bên có hai nhện vách đi kèm. Nhện cái chắc là chúa trùm nên vẻ mặt đanh đá, nặc nô lắm. Dế Mèn quay lưng, phóng càng đạp phanh phách ra oai.

–  Nhện cái (sợ hãi, co rúm người van lạy): Lạy ông Dế Mèn! Cần gì, xin ông cứ nói ạ!

–  Dế Mèn (thét lớn): Mụ nhện kia! Cớ sao các người có của ăn của để, béo múp béo míp thế kia mà cứ cố tình đòi mãi món nợ tí tẹo của Nhà Trò, hử? Ta cấm mụ từ giờ trở đi không được đòi nữa, nghe chưa? Mụ hãy mở to mắt ra mà nhìn này! Nhà Trò bé bỏng, ốm yếu, làm chẳng đủ nuôi thân, mụ phải thương xót nó, xuý xoá công nợ cho nó. Hãy phá các vòng vây đi! Đốt hết văn tự đi! Nếu không nghe lời ta thì đừng có trách!

–  Nhện cái (cuống quýt): Dạ! Dạ ! Em sẽ làm ngay ạ!

–  Người kể chuyện: Bọn nhện sợ hãi, cùng dạ ran. Chúng vội vã chạy dọc, chạy ngang, phá hết các dây tơ chăng lối. Thoáng chốc, con đường về tổ Nhà Trò quang hẳn. Xúc động quá, Nhà Trò cứ nắm chặt tay Dế Mèn mà rối rít cảm ơn. Tạm biệt Nhà Trò, hiệp sĩ Dế Mèn lại dấn thân vào những cuộc phiêu lưu mới.

Advertisements (Quảng cáo)