Tham khảo đề thi của trường THPT Yên Lạc năm 2017-2018… Đoạn thơ trong đề thi chính là bản tình ca về lòng chung thủy sắt son, là tiếng lòng của nhà thơ, hay cũng chính là của những người Việt Nam trong kháng chiến…
I. ĐỌC HIỂU (4,0 điểm).
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
(1) Tôi tên là Nick Vujicic. Khi bắt tay vào viết quyển sách này, tôi hai mươi bảy tuổi. Khác biệt với hầu hết mọi người, tôi không tay, không chân ngay từ lúc mới lọt lòng. Hoàn cảnh nghiệt ngã tưởng đã có lúc nhấn chìm tôi nhưng rồi khát vọng sống mãnh liệt đã giúp tôi chiến thắng số phận (…)
(2) Nếu tôi thất bại, tôi sẽ thử làm lại, làm lại và làm lại nữa. Nếu bạn thất bại, bạn sẽ cố làm lại chứ? Tinh thần con người có thể chịu đựng được những điều tệ hơn là chúng ta tưởng. Điều quan trọng là cách bạn đến đích. Bạn sẽ cán đích một cách mạnh mẽ chứ?
(3) Bạn sẽ gặp khó khăn, bạn có thể khuỵu ngã và cảm thấy như thể mình không còn sức mạnh để đứng dậy được nữa. Tôi biết cảm giác đó. Tất cả chúng ta đều biết cảm giác đó. Cuộc sống không phải lúc nào cũng dễ dàng nhưng khi chiến thắng những dốc ghềnh của cuộc sống, chúng ta sẽ mạnh mẽ hơn, và càng quý trọng hơn những cơ hội mà chúng ta có được. Điều thực sự quan trọng chính là những thông điệp sống bạn chia sẻ với tất cả mọi người trong hành trình cao đẹp và cái cách bạn kết thúc hành trình ấy.
(4) Tôi yêu cuộc sống của bạn như yêu cuộc sống của chính mình. Hãy đến với nhau, những món quà dành cho chúng ta là rất đáng ngạc nhiên.
(Trích Cuộc sống không giới hạn của Nick Vujicic)
Câu 1. Trong đoạn (1), tác giả đã nói đến hoàn cảnh mà mình gặp phải là gì? Điều gì đã giúp tác giả vượt qua hoàn cảnh ấy? (1,0 điểm)
Câu 2. Trong câu “Cuộc sống không phải lúc nào cũng dễ dàng nhưng khi chiến thắng những dốc ghềnh của cuộc sống, chúng ta sẽ mạnh mẽ hơn, và càng quý trọng hơn những cơ hội mà chúng ta có được” ở đoạn (3), tác giả đã sử dụng phép tu từ nào? Ý nghĩa của phép tu từ đó? Theo tác giả, “khi chiến thắng những dốc ghềnh của cuộc sống” phần thưởng ta nhận được là gì? (1,5 điểm)
Câu 3. Phương thức biểu đạt chính được sử dụng ở đoạn (1) là gì? (0,5 điểm)
Câu 4. Thông qua cụm từ “Hãy đến với nhau” được nêu ở đoạn (4), tác giả muốn nhắn nhủ điều gì tới mọi người? (1,0 điểm).
II. LÀM VĂN (6,0 điểm).
Cảm nhận đoạn thơ sau:
Nhớ gì như nhớ người yêu
Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương
Nhớ từng bản khói cùng sương
Sớm khuya bếp lửa người thương đi về.
Advertisements (Quảng cáo)
Nhớ từng rừng nứa bờ tre
Ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê vơi đầy.
Ta đi ta nhớ những ngày
Mình đây ta đó, đắng cay ngọt bùi…
Thương nhau, chia củ sắn lùi
Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng.
Nhớ người mẹ nắng cháy lưng
Địu con lên rẫy bẻ từng bắp ngô.
(Trích Việt Bắc – Tố Hữu).
SỞ GD&ĐT VĨNH PHÚC
TRƯỜNG THPT YÊN LẠC 2 ———–
|
ĐÁP ÁN KỲ THI HỌC KÌ 1 NĂM HỌC 2017 – 2018
MÔN: NGỮ VĂN 12 Thời gian làm bài: 90 phút, không kể thời gian giao đề. Đáp án gồm: 03 trang. ——————— |
I. Một số chú ý khi chấm bài
– Thi sinh có thể làm bài theo những cách khác nhau, nhưng phải đảm bảo yêu cầu về kiến thức cơ bản dưới đây.
– Khuyến khích và đánh giá cao những bài viết có tính sáng tạo, thể hiện khả năng cảm thụ tinh tế, có phát hiện mới. |
II. Đáp án
Advertisements (Quảng cáo)
1. Trong đoạn (1), tác giả đã nói đến hoàn cảnh nghiệt ngã mà mình gặp phải là: không tay, không chân ngay từ lúc mới lọt lòng.
– Điều giúp tác giả vượt qua hoàn cảnh ấy là khát vọng sống mãnh liệt.
2. Câu văn đã sử dụng phép tu từ ẩn dụ: Dốc ghềnh của cuộc sống.
– Ý nghĩa của phép tu từ ẩn dụ: chỉ những khó khăn, thách thức, khắc nghiệt … trong cuộc sống.
– Theo tác giả, “khi chiến thắng những dốc ghềnh của cuộc sống”, phần thưởng ta nhận được là: sự tự tin, mạnh mẽ và những thành quả tốt đẹp.Từ đó ta càng quý trọng hơn những cơ hội mà chúng ta có được.
3. Phương thức biểu đạt chính: Tự sự.
4. Thông qua cụm từ “Hãy đến với nhau”, tác giả muốn nhắn nhủ mọi người: hãy xích lại gần nhau hơn, quan tâm, chia sẻ, động viên, giúp đỡ, yêu thương nhau nhiều hơn…
Cảm nhận đoạn thơ trích trong Việt Bắc của Tố Hữu
1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm, đoạn thơ
+ Tố Hữu là lá cờ đầu của nền thơ ca cách mạng Việt Nam. Sự nghiệp thơ ca Tố Hữu song hành cùng sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Mỗi giai đoạn, mỗi sự kiện cách mạng đều tác động và in dấu ấn rõ nét trong từng trang thơ Tố Hữu.
+ Việt Bắc (sáng tác tháng 10 – 1954; in trong tập thơ cùng tên), được đánh giá là tác phẩm tiêu biểu cho văn học thời kì kháng chiến chống Pháp, cũng là thành tựu nghệ thuật nổi bật trong sự nghiệp thơ Tố Hữu.
+ Đoạn thơ phân tích nằm từ câu 25 đến câu 36 của bài thơ Việt Bắc, ghi lại nỗi nhớ của người cán bộ kháng chiến với những kỉ niệm xúc động về một thời “đắng cay ngọt bùi” trong cuộc sống sinh hoạt và kháng chiến nơi chiến khu Việt Bắc
2. Cảm nhận đoạn thơ
a. Khái quát chung
+ Sau chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, ngày 20 tháng 7 năm 1954 hiệp định Giơnevơ được ký kết, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng và tháng 10 năm 1954 các cơ quan trung ương Đảng và chính phủ chuyển về Hà Nội, cán bộ kháng chiến về xuôi. Sự lưu luyến bịn rịn đầy ân tình giữa cảnh và người Việt Bắc đối với người cán bộ về xuôi trong giờ chia tay ấy là cảm xúc lớn, trực tiếp đã giúp cho nhà thơ Tố Hữu sáng tác bài thơ này và in trong tập thơ Việt Bắc
+ Bài thơ Việt Bắc triền khai theo lối kết cấu đối đáp giữa kẻ, người đi thật tự nhiên, khéo léo. Những câu hỏi gợi nhắc của người ở lại đã khơi nguồn biết bao kỉ niệm ùa về. Kỉ niệm kết nối kỉ niệm, kí ức gọi kí ức. Tất cả bỗng thức dậy và trôi nảy trong mạch cảm xúc dào dạt tưởng chừng không bao giờ vơi cạn
b. Nội dung:
+ Nỗi nhớ của người Cách mạng với đồng bào, với thiên nhiên Việt Bắc được so sánh với nỗi nhớ người yêu: cồn cào, da diết, nồng nàn…Không phải là nỗi nhớ của ý thức , của nghĩa vụ mà nhớ bằng cả trái tim yêu thương chân thành và da diết…
+ Nhớ thiên nhiên thanh bình, yên ả, đơn sơ mà thơ mộng: những đêm trăng sáng yên ả thanh bình, nhừng buổi chiều nắng trải vàng ấm áp trên nương. Nhớ cảnh núi đèo, bản làng chìm trong sương khói, cảnh bếp lửa bập bùng trong mỗi đêm đông và hình ảnh con người thân thương, tảo tần đi về hôm sớm. Nhớ cảnh rừng nứa, bờ tre, ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê vơi đầy. Ở đoạn này, bức tranh thiên nhiên Việt Bắc không còn ảm đạm những mây cùng mù mà rộn ràng, ấm áp, tươi vui.
+ Nhớ cuộc sống của đồng bào và chiến sĩ đầy khó khăn gian khổ nhưngnghĩa tình sâu nặng: hình ảnh ẩn dụ chuyển đổi cảm giác (đắng, cay, ngọt, bùi), cụm động từ (chia củ sắn lùi, sẻ nửa, đắp cùng) diễn tả cảm xúc nhớ thương của người ra đi đối với người ở lại. Những người cùng gánh trên vai mối thù đế quốc, cùng trải qua bao buồn vui, đắng cay, ngọt bùi nhưng luôn cưu mang, đùm bọc nhau, bát cơm manh áo chia sẻ có nhau. Cuộc sống những ngày ấy là tình đồng chí, anh em, gia đình, tình quân dân như cá với nước, thân tình trong đại gia đình dân tộc.
+ Nhớ người mẹ Việt Bắc: Hình ảnh “người mẹ nắng cháy lưng” vừa gợi sự khắc nghiệt của thiên nhiên, khí hậu Việt Bắc vừa gợi đến sự tần tảo chắt chiu, cần cù lao động của bà mẹ chiến sĩ trong kháng chiến. . Những bà mẹ tần tảo, chịu thương chịu khó cõng con, cõng cả nắng trời cháy trên lưng lên rẫy bẻ từng bắp ngô để đùm bọc, cưu mang chiến sĩ, cán bộ cách mạng.
c. Nghệ thuật
– Thể hơ: lục bát truyền thống với cách gieo vần đặc trưngđã làm cho đoạn thơ mang âm điệu ngọt ngào, êm ái..
–Biện pháp tu từ: Điệp từ “nhớ” cùng lối so sánh đặc biệt đã bộc lộ một cảm xúc thương nhớ dạt dào. Việc liệt kê một loạt những hình ảnh cùng địa danh của Việt Bắc đã khắc họa thật sâu nỗi niềm thương nhớ của một người chiến sĩ – thi sĩ đối với quê hương thứ hai của mình…
-Hình ảnh, ngôn ngữ: giản dị tự nhiên, gần gũi…
3. Đánh giá chung
Đoạn thơ trên chính là bản tình ca về lòng chung thủy sắt son, là tiếng lòng của nhà thơ, hay cũng chính là của những người Việt Nam trong kháng chiến. Với những câu thơ dạt dào cảm xúc, Tố Hữu đã thể hiện thành công tình cảm của người cán bộ dành cho thiên nhiên, nhân dân Việt Bắc không chỉ là tình cảm công dân xã hội mà còn là sự sâu nặng như tình yêu lứa đôi. Nhờ vậy Việt Bắc đã trở thành thành phần tiêu biểu cho văn học Việt Nam thời kháng chiến chống Pháp.