Trang Chủ Lớp 9 Đề thi học kì 1 lớp 9

Thi học kì 1 môn Văn lớp 9 của Sở GD&ĐT Móng Cái Quảng Ninh 2016 có đáp án

Thi – kiểm tra kì 1 môn Ngữ văn lớp 9 Phòng GD&ĐT Móng Cái, Quảng Ninh năm học 2016 – 2017.

UBND THÀNH PHỐ MÓNG CÁI
PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
KIỂM TRA HỌC KÌ I NĂM HỌC 2016 – 2017
MÔN: NGỮ VĂN LỚP 9
Thời gian làm bài: 90 phút

Câu 1 (2,5 điểm)

a, Nhớ và chép thuộc lòng khổ thơ cuối bài thơ “Ánh trăng” của nhà thơ Nguyễn Duy

b, Xác định từ láy và biện pháp tu từ có trong khổ thơ vừa chép.

c, Qua bài thơ “Ánh trăng” của nhà thơ Nguyễn Duy, em rút ra cho mình thái độ sống như thế nào? (Trình bày bằng một đoạn văn từ 6 đến 8 câu)

Câu 2 (1,5 điểm)

a, Giải thích nghĩa của các thành ngữ sau và cho biết mỗi thành ngữ liên quan đến phương châm hội thoại nào?

– Nói băm nói bổ.
– Nửa úp nửa mở.

b, Sau khi học xong các phương châm hội thoại, khi giao tiếp em cần chú ý những gì?

Câu 3 (1,0 điểm)

Cho các câu sau:

a, Em có chân trong đội tuyển bóng đá của nhà trường.

b,

Buồn trông nội cỏ rầu rầu,
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.

(Nguyễn Du, Truyện Kiều)

Advertisements (Quảng cáo)

Xác định phương thức chuyển nghĩa của từ chân trong các câu trên.

Câu 4 (5,0 điểm)

Thay lời nhân vật ông Hai trong truyện ngắn “Làng” của nhà văn Kim Lân, hãy kể lại sự việc từ khi ông nghe tin làng chợ Dầu theo giặc đến khi nghe được tin làng cải chính.


ĐÁP ÁN ĐỀ THI HỌC KÌ 1 MÔN NGỮ VĂN LỚP 9

Câu 1: (2,5 điểm)

a, Học sinh nhớ và viết lại chính xác khổ thơ cuối của bài thơ (0,5 điểm)

b, Xác định đúng từ láy: vành vạnh, phăng phắc (0,5 điểm).

Xác định: Ẩn dụ: Trăng cứ tròn vành vạnh. Nhân hóa: Ánh trăng im phăng phắc (0,5 điểm).

Advertisements (Quảng cáo)

c, Viết đúng hình thức 1 đoạn văn từ 6 đến 8 câu, các câu trong đoạn văn phải có sự liên kết chặt chẽ

Nội dung:

– Nêu được thái độ sống: Uống nước nhớ nguồn: Nhớ ơn cội nguồn, cha mẹ, thầy cô, sống ân nghĩa thủy chung, sống có trước có sau không được quên đi quá khứ. (0,5 điểm)

– Bằng các việc làm, hành động cụ thể để thể hiện truyền thống nhớ ơn: Chăm ngoan, học giỏi, nghe lời dạy bảo của cha mẹ, thầy cô. Tri ân, tưởng nhớ tới các anh hùng liệt sĩ: Thăm hỏi các gia đình có công với cách mạng, dọn dẹp đài tưởng niệm liệt sĩ (0,5 điểm)

Câu 2: (1,5 điểm)

a, Giải nghĩa các thành ngữ và nêu phương châm hội thoại có liên quan.

+ Nói băm nói bổ: Nói bốp chát, xỉa xói, thô bạo – Phương châm lịch sự. (0,5 điểm)

+ Nửa úp nửa mở: Nói mập mờ, ỡm ờ, không nói ra hết – Phương châm cách thức. (0,5 điểm)

b, Khi giao tiếp cần chú ý: Nói đúng vào đề tài giao tiếp, nói ngắn gọn, rành mạch, tế nhị và tôn trọng người khác (0,5 điểm)

Câu 3: (1,0 điểm)

a, Từ chân (có chân trong đội tuyển): Chuyển theo phương thức hoán dụ.

b, Từ chân (chân mây): Chuyển theo phương thức ẩn dụ.

Câu 4: (5,0 điểm)

a/ MB:: Giới thiệu bản thân mình là ông Hai, khái quát chung được tâm trạng của ông Hai

b/TB::

+ Kể lại diễn biến tâm trạng của ông Hai theo trình tự: Khi nghe tin làng chợ Dầu theo giặc tâm trạng ông: Sững sờ, ngạc nhiên, sau đó đau đớn, tủi hổ. Cử chỉ: Cười nhạt thếch bước đi trong sự trốn tránh xấu hổ và nhục nhã.

+ Về nhà ông nằm vật ra giường, nghĩ đến sự hắt hủi của mọi người. Khi nói chuyện với vợ thì gắt gỏng, bực bội vô cớ.

+ Tâm trạng mấy ngày sau đó không dám ra khỏi nhà, lo lắng thường xuyên.

+ Tâm trạng khi nghe tin làng cải chính: Vui mừng, phấn khởi, tự hào. Hành động vui vẻ chia quà cho các con, đi khoe tin làng chợ Dầu không theo giặc.

c/ KB:: Khái quát về tâm trạng, tình yêu làng thống nhất với tình yêu nước của ông Hai..

BÀI LÀM THAM KHẢO

Tôi là một người nông dân làng chợ Dầu. Mọi người thường gọi tôi là ông Hai Thu. Kháng chiến bùng nổ tôi muốn ở lại làng cùng anh em bộ đội và dân quân kháng chiến. Nhưng vì hoàn cảnh gia đình nên tôi phải cùng gia đình đi tản cư. Ở nơi tản cư tôi rất nhớ làng và thường có hay khoe về làng mình.
Đang trong tâm trạng náo nức thì tôi nghe được tin làng chợ Dầu của tôi theo Tây làm Việt gian. Lúc đó cổ họng tôi nghẹn ắng lại, da mặt tê rân rân. Tôi lặng ti tưởng như không thở được. Một lúc lâu tôi mới dặn è è, nuốt một cái gì vướng ở cổ, tôi hỏi lại về cái tin ấy thì người ta đã khẳng định một cách chắc chắn. Tôi vờ vờ đứng lảng ra chỗ khác rồi đi thẳng về nhà. Về đến nhà, tôi nằm vật ra giường nhìn lũ con tôi thấy tủi thân, nước mắt tôi cứ ràn ra. Chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đấy ư? Chúng nó cũng bị người ta rẻ rúng hắt hủi đấy ư ? Tôi ngờ ngợ chả nhẽ bọn ở làng lại đốn đến thế ư rồi tôi tự kiểm điểm trong óc thấy họ đều là những người có tinh thần yêu nước, yêu kháng chiến chẳng nhẽ lại đi làm cái điều nhục nhã ấy nhưng không có lửa làm sao có khói. Tôi cảm thấy tủi nhục, chiều hôm ấy vợ tôi về cung có vẻ khác. Trong nhà có cái sự im lặng thật là khó chịu. Mãi đến khuya vợ tôi mới hỏi tôi về cái tin ây. Tôi im lặng rồi gắt lên vậy là bà ấy im bặt. 3 – 4 ngày hôm sau tôi không dám bước chân ra ngoài chỉ ở trong gian nhà trật trội để nghe ngóng tin tức. Lúc nào tôi cũng nơm nớp lo sợ, hễ nghe đến chuyện ấy là tôi lại giật mình. Trong tôi giờ đây đang diễn ra một cuộc chiến tranh nội tâm gay gắt khi mụ chủ nhà có ý đuổi gia đình tôi đi. Tôi lâm vài tình trạng bế tắc : về làng hay ở lại. Cuối cùng tôi đến quyết định : làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây rồi thì phải thù. Trong tâm trạng đau đớn tủi hờn, tôi tâm sự với thằng con út. Sau khi tâm sự xong, nỗi khổ của tôi với đi phần nào. Rồi một hôm khoảng 3 giờ chiều, có người đàn ông đến nhà tôi chơi. Ông ấy rủ tôi đi theo ông ấy đến sẩm tối tôi mới về. Lúc ây tôi rất vui. Đến bực cửa tôi đã bô bô khoe rằng Tây nó đốt nhà tôi rồi, ông chủ tịch làng tôi vừa mới lên cải chính, ông ấy cho biết cái tin làng tôi theo Tây làm Việt gian là sai sự mục đích. Cứ thế tôi lật đật đi khoe khắp nơi, tối hôm ấy tôi sang gian bác Thứ nói chuyện về làng của tôi.

Advertisements (Quảng cáo)